Ai sống lâu nhất?

ĐỖ PHẤN 20/06/2014 08:06 GMT+7

TTCT - Thỉnh thoảng báo chí đưa tin người sống lâu nhất thế giới vừa từ giã cõi đời. Nửa tin nửa ngờ. Bởi vì ở nước mình ngày trước có vài người được cho rằng sống lâu trên trăm tuổi thì hầu hết không có tài liệu nào chứng minh.

Tranh: Lê Thiết Cương

Mà trí nhớ của những bộ óc hơn trăm năm tuổi cũng là thứ chẳng mấy tin cậy.

Chuyện tiếu lâm ngày trước kể rằng người ta gặp ở ngoài đường một ông lão già nua khụ khị. Họ đoán chừng lão phải ngoài trăm tuổi. Tin đồn loang ra. Cánh báo chí đến phỏng vấn. Hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe. Lão nói cờ bạc rượu chè trai gái hút sách đủ hết. Cũng chẳng bao giờ tập thể dục. Nhà báo thắc mắc: “Thưa cụ, thế bí quyết khác người của cụ là gì?”. Lão trả lời: “Cứ sống đến bốn mươi tuổi như tôi thì khắc biết!”.

Già hay trẻ không cứ ở hình hài. Cụ ông ngoài bảy mươi vẫn nhuộm tóc, lái xe và cưới vợ thoăn thoắt. Nhưng chỉ có các bà vợ ông ấy biết rõ chuyện già trẻ mà thôi. Công nghệ làm trẻ hình hài bây giờ quá dễ dàng. Bơm silicon xóa nếp nhăn để cưới vợ chỉ cần một bà lang dạo miền Tây cũng làm được. Nhưng cũng rất dễ dừng lại tuổi trời ở đấy. Nếu chỉ căn cứ vào chuyện lấy vợ, đàn ông chẳng bao giờ được cho là già.

Lại chuyện tiếu lâm khác kể rằng có cụ ông sống ẩn dật trên núi cao. Lấy mưa móc làm đồ uống. Lấy mây trời làm gối chăn. Lấy cây cỏ làm thức ăn. Lấy chim muông làm bầu bạn. Không bao giờ xem phim ảnh. Không đọc sách. Cũng chẳng làm thơ. Và sống hơn trăm tuổi. Một nhà báo đến hỏi chuyện. Chỉ hỏi một câu thôi: “Thưa, thế cụ sống như vậy để làm gì?”. Ông cụ nghĩ ngợi giây lâu. Rồi lăn ra chết.

Những thiên tài thế giới có vài người được cho là yểu mệnh. Thiên tài âm nhạc V.A.Mozart thọ 35 tuổi. Danh họa V.Van Gogh hưởng dương 37 tuổi. Danh họa A.Modigliani thọ 36 tuổi. Việt Nam có hoàng đế Quang Trung từ trần ở tuổi 39. Nhà văn Vũ Trọng Phụng chỉ hưởng 27 năm dương thế. Nếu chỉ tính sự nghiệp lừng lẫy mà họ để lại thì lũ hậu thế chúng ta không mấy ai nghĩ đến chuyện dài ngắn cuộc đời.

Họ có thật sự là những người chết sớm không? Về mặt sinh học mà nói, câu trả lời là có. Nhưng về sự nghiệp, họ đã làm được những việc mà người khác có sống đến vài trăm tuổi cũng không bao giờ làm nổi. Có một suy luận hiện đại ở kỷ nguyên kỹ thuật số của chúng ta là thời gian sống của họ hình như được nén cho nhỏ lại về độ dài nhưng lại chứa đựng một dung lượng khổng lồ.

Với 27 năm tuổi đời, Vũ Trọng Phụng để lại hàng mét sách mà suốt một trăm năm sau hậu thế vẫn còn phải tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu. Đã có những nhà nghiên cứu dành cả cuộc đời dằng dặc của mình chỉ để tìm hiểu về 27 năm ấy.

Hoàng đế Quang Trung với chiến công hiển hách tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm La trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút và đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi. Đó là những chiến công oai hùng nhất trong lịch sử Đại Việt. Và dường như những thiên tài như thế vẫn sống đến tận bây giờ.

Chẳng ai biết tuổi tác thật sự của “cụ” rùa hay ăn xác mèo chết ở hồ Gươm là bao nhiêu. Thói quen ẩm thực của những loài tương tự như ba ba đều thế cả. Nhưng nếu hỏi ai là người sống lâu nhất ở Hà Nội. Câu trả lời e là không thể khác: “Cụ” rùa hồ Gươm.

Có nhà khoa học hỗn hợp hai chuyên ngành lịch sử và sinh học phỏng đoán cụ đã sống suốt từ thời cho vua Lê Thái Tổ mượn thanh gươm để đánh giặc Minh. Kể từ khởi nghĩa Lam Sơn mùa xuân năm Mậu Tuất 1418 đến giờ cũng đã 596 năm rồi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận