Ai sở hữu hình ảnh Einstein?

NGUYỄN VŨ 31/05/2022 23:00 GMT+7

TTCT - Bất kỳ nơi nào muốn sử dụng ảnh này hay bất kỳ hình ảnh nào khác của Albert Einstein đều phải xin phép và trả khá bộn tiền.

 
 Albert Einstein kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 - 14 tháng 3 năm 1954. Ảnh: AFP / Getty Images

Ngày 14-3-1951, sau khi dự buổi tiệc mừng sinh nhật của mình, Albert Einstein ra về nhưng vẫn bị các phóng viên ảnh bu quanh. Nhiếp ảnh gia Arthur Sasse của Hãng UP đề nghị ông cười để chụp một pô ảnh nhưng Einstein nghịch ngợm thè lưỡi chọc đám phóng viên quấy rầy ông suốt ngày. 

Thoạt tiên Hãng UP không muốn sử dụng ảnh này vì cho rằng nó không nghiêm túc. Bất ngờ thay mọi người, kể cả Einstein, đón nhận bức ảnh một cách nồng nhiệt; nhà khoa học yêu cầu UP in cho ông thêm 9 tấm để ông tặng bạn bè. Năm 2009 tấm ảnh gốc được bán đấu giá, đem về gần 75.000 đôla. 

Thế nhưng hiện nay, bất kỳ nơi nào muốn sử dụng ảnh này hay bất kỳ hình ảnh nào khác của Albert Einstein đều phải xin phép và trả khá bộn tiền; đó là bởi những người thừa kế của ông đang thực thi quyền công bố hình ảnh người nổi tiếng - một loại quyền đang gây tranh cãi. 

Sau khi Einstein qua đời vào năm 1955, di chúc của ông được công bố trong đó giao quyền thừa kế mọi di sản của ông cho bà thư ký Helen Dukas và sau đó là con gái của bà Margot Einstein. Sau khi hai người này mất, di sản đó sẽ chuyển giao cho Đại học Hebrew ở Jerusalem, do Einstein đồng sáng lập vào năm 1918. 

Trường này tổ chức việc xét duyệt cấp phép sử dụng hình ảnh của Albert Enstein rất chặt chẽ. Tã lót trẻ em có in hình ông? Bác. Một máy tính cầm tay mang nhãn hiệu Einstein? Duyệt. Bất kỳ ai sử dụng hình ảnh của ông như in lên áo thun, in lên hộp cà phê, đặt tên cho một loại xe bán tải, hay một loại mỹ phẩm mà không được trường xét duyệt sẽ bị kiện ra tòa. 

Các hãng lớn như Coca-Cola, Apple hay Walt Disney đều phải trả bộn tiền để sử dụng hình ảnh nhà vật lý thiên tài này trên sản phẩm của họ. Như Walt Disney năm 2005 trả đến 2,66 triệu đôla cho một giấy phép 50 năm sử dụng cách đặt tên “Baby Einstein” cho một dòng đồ chơi trẻ con. Hình ảnh của Einstein dường như đại diện cho khái niệm “thiên tài” nhưng “gần gũi”, “xuất chúng” nhưng “thân thiện”, rất quen thuộc với công chúng.

 
 Bản sao bức ảnh nổi tiếng có chữ ký của Albert Einstein vào năm 1951. Bản sao này được mua với giá 124.000 USD tại một cuộc đấu giá năm 2017. Ảnh: Arthur Sasse/Sàn đầu giá Nate D Sanders

Lúc sinh thời, Einstein là người được trả lương rất cao. Trường Princeton trả lương cho ông ở mức 10.000 đôla/năm (tương đương với 180.000 đôla ngày nay), mức cao nhất cho bất kỳ nhà khoa học nào vào lúc đó. Nhưng thu nhập ấy không tài nào sánh nổi thu nhập từ tên tuổi của ông sau khi ông qua đời. 

Từ năm 2006 đến 2017, ông có tên trong danh sách thu nhập cao nhất của 10 người nổi tiếng đã qua đời, bình quân mỗi năm đem về cho Đại học Hebrew chừng 12,5 triệu đôla. Tờ The Guardian đưa ra phỏng đoán tổng thu nhập Einstein đem về cho trường này từ trước tới nay chừng 250 triệu đôla, một ước tính tờ báo này cho là còn khiêm tốn.

Tờ báo này kể câu chuyện tiến sĩ Tony Rothman, một nhà vật lý chuyên viết sách phổ biến khoa học, muốn sử dụng hình của Einstein làm ảnh bìa một cuốn sách ông viết về các điều bị hiểu sai trong lịch sử khoa học bởi sách được đặt tên Mọi thứ đều tương đối. Thế nhưng nhà xuất bản, lo ngại sự kiểm soát chặt chẽ hình ảnh Einstein mà Đại học Hebrew từng chứng tỏ trong quá khứ, khuyên ông nên dùng hình khác cho an toàn. Rothman không đồng ý, cho rằng có chắc là Trường Hebrew đang sở hữu quyền sử dụng hình ảnh của Einstein; miễn sao họ đã mua bản quyền sử dụng một tấm hình nào đó của Einstein, còn lại Trường Hebrew lấy quyền gì để ngăn cản?

Không chỉ Rothman, nhiều người phê phán cách sử dụng quyền hình ảnh của Trường Hebrew vì họ cho rằng nó đi ngược với ước nguyện lúc sinh thời của Albert Einstein. Ông từng nhiều lần không chịu cho ai khác thương mại hóa tên tuổi của ông; thậm chí ông còn ngăn cản Trường đại học Brandeis muốn đổi tên thành Einstein University. Nhiều người nói Trường Hebrew không thể thừa kế một quyền mà lúc Einstein còn sống không hề tồn tại. Luật pháp về quyền hình ảnh người nổi tiếng chỉ ra đời sau này và khác nhau tùy từng tiểu bang ở Mỹ; có bang chỉ cho thời gian tối đa sử dụng quyền này là 20 năm sau khi người nổi tiếng qua đời, có bang cho kéo dài đến 100 năm. Riêng tiểu bang New Jersey nơi Einstein qua đời lại không đề cập đến mốc thời gian tối đa được khai thác quyền hình ảnh.

 
 Bìa quyển Mọi thứ đều tương đối của Tony Rothman.

Tranh luận là thế nhưng Trường đại học Hebrew tiếp tục thu tiền sử dụng hình ảnh Einstein như mới năm ngoái họ thu một khoản không được tiết lộ từ chính quyền Anh để sử dụng hình nhà vật lý vào một quảng cáo loại đồng hồ điện thông minh. Không có ngân sách để trả phí như thế, nhà xuất bản của Tony Rothman đề nghị một bìa sách khác: dùng hình Thomas Edison thay cho hình Einstein. Rothman chê thiết kế quá xấu, đòi sử dụng hình cũ. Cuối cùng hai bên đi đến một giải pháp dung hòa: bìa sách vẽ hình đám mây có công thức nổi tiếng E = mc2, xem như dùng nó để đại diện cho người viết ra công thức nổi tiếng này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận