Ai nói chuyện khó nói?

HẢI MINH 04/03/2019 03:03 GMT+7

TTCT - Khi đạo diễn Rayka Zehtabchi bước lên sân khấu nhận giải Oscar cho hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất, cô đã bật khóc.

Nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi (phải) và nhà sản xuất Melissa Berton vui mừng với tượng vàng Oscar. Ảnh: Reuters
Nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi (phải) và nhà sản xuất Melissa Berton vui mừng với tượng vàng Oscar. Ảnh: Reuters

 Nhưng cô muốn nói cho thật rõ với khán giả vì sao cô khóc. “Tôi không khóc vì tôi đang tới tháng hay gì cả - cô nói - Chỉ là tôi không tin được một bộ phim về kinh nguyệt phụ nữ vừa giành giải Oscar!”. Phim tài liệu của Zehtabchi, Period. End of Sentence. 

(“Kinh nguyệt. Dấu chấm hết”, là một lối chơi chữ, “period” trong tiếng Anh vừa có nghĩa là “dấu chấm câu”, vừa có nghĩa là “chu kỳ kinh nguyệt”), soi rọi ánh sáng lên những khó khăn mà các bé gái và phụ nữ trẻ phải đối mặt khi kinh nguyệt - một chuyện hoàn toàn tự nhiên và bình thường - có thể cản trở việc giáo dục, thậm chí là chấm dứt luôn cơ hội được học hành của họ.

Bộ phim của nữ đạo diễn người Mỹ - Iran cũng nêu bật hoạt động của một tổ chức tên gọi The Pad Project (Dự án băng vệ sinh), vốn có mục tiêu cung cấp các sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ ở các nước đang phát triển.

Khi phụ nữ không được tiếp cận với những sản phẩm vệ sinh đơn giản mà với nhiều người là nghiễm nhiên như băng, bông vệ sinh..., họ buộc phải sử dụng các sản phẩm thiếu vệ sinh để hút máu, đôi khi là giẻ lau, lá cây, giấy báo, và cả tro, gây nhiễm trùng và tệ hại hơn, gây ra cảm giác tủi hổ về một chức năng cơ thể vốn hoàn toàn tự nhiên và bình thường.

Theo The Pad Project, các bé gái thường buộc phải nghỉ học ở nhà trong kỳ kinh, điều nhiều lúc có nghĩa là phải bỏ học cả tuần lễ mỗi tháng.

Các bé gái nghỉ học càng nhiều thì khả năng các em tụt lại hoặc bỏ học hẳn càng cao. “Về mặt văn hóa, tại nhiều vùng ở Ấn Độ (và cả châu Á nói chung), kỳ kinh nguyệt vẫn còn bị coi là thứ gì đó dơ bẩn và không thanh sạch - các học giả Suneela Garg và Tanu Anand viết trong một nghiên cứu về những ngộ nhận với chu kỳ kinh nguyệt ở Ấn Độ xuất bản năm 2015 (www.ncbi.nlm.nih.gov) có tên “Những điều cấm kỵ xoay quanh vấn đề kinh nguyệt loại trừ phụ nữ và các bé gái khỏi rất nhiều phương diện của đời sống xã hội và văn hóa”.

Zehtabchi và nhà sản xuất của cô, Melissa Berton, muốn thay đổi tận gốc rễ những quan điểm sai lạc và ngộ nhận đó. “Một dấu chấm câu - chu kỳ kinh nguyệt (“period”) chỉ nên dùng để kết câu, chứ không phải kết thúc việc học hành của một bé gái” - Berton nói ở lễ trao giải.

Trong phim Period. End of Sentence. có mặt một nhóm các học trò nữ cấp III ở California (Mỹ), những em đã khởi động một chiến dịch gây quỹ cho The Pad Project. Mục tiêu của chiến dịch này là lắp đặt ở các cộng đồng những nước đang phát triển các cỗ máy có thể chế tạo băng vệ sinh bằng nguyên vật liệu địa phương có thể tái chế, thân thiện với môi trường.

Máy này - do Arunachalam Muruganantham, doanh nhân khởi nghiệp 57 tuổi người Ấn Độ, phát minh - có thể sản xuất băng vệ sinh với giá vào khoảng hơn 1.000 đồng/một đơn vị. Bộ phim, đã được chiếu trên Netflix, cũng theo chân các cô gái và phụ nữ ở Hapur, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, sau khi máy được lắp ở làng của họ.

Khi tôi tới đó và nói chuyện trực tiếp với những phụ nữ ở đó, tôi mới nhận thức rõ ràng rằng với họ đó là một nỗi hổ thẹn lớn - Zehtabchi nói với chương trình tin tức Mỹ Today - Nó kéo lùi phụ nữ lại, rất lâu”. Giờ bộ phim tài liệu đã nổi tiếng hơn nhiều nhờ giải Oscar, Zehtabchi hi vọng sẽ có nhiều cô gái hơn được dự án The Pad Project giúp đỡ.

Một emoji mới sẽ xuất hiện trên Internet. Ảnh: Teen Vogue
Một emoji mới sẽ xuất hiện trên Internet. Ảnh: Teen Vogue

 Trong một diễn biến thú vị khác có liên quan, vào đầu tháng 2, công ty đóng ở California chuyên thiết kế, cung cấp và quản lý các “biểu tượng cảm xúc số” (emoji) trên mạng đã bổ sung thêm “emoji” chỉ “kỳ kinh nguyệt” vào bộ dữ liệu của họ.

Động thái này là kết quả của một chiến dịch kéo dài từ nhóm nhân quyền Anh Plan International, vốn muốn chấm dứt định kiến về kinh nguyệt. “800 triệu phụ nữ trên toàn thế giới có kinh mỗi tháng, vậy mà chúng ta vẫn nghĩ đó là điều đáng hổ thẹn” - Hayley Cull của Plan International nói với ABC News.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận