Ai đã "ăn" rừng?

LÊ ĐỨC DỤC 11/07/2019 01:07 GMT+7

TTCT - muốn cứu rừng, giữ rừng, có lẽ phải cứu lấy cái tâm thế của chúng ta trước. Cái tâm thế mắc mứu với thú vui sưu tập đồ gỗ càng hiếm càng hoành tráng càng oai, cái tâm thế trồng cây chỉ một đêm thành cổ thụ

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Trong vô số những bức ảnh chụp cảnh cháy rừng ở Bắc Trung Bộ những ngày qua, có nhiều bức ảnh chụp cảnh người dân cứu tài sản gia đình trước nguy cơ bị ngọn lửa cháy rừng thiêu đốt. Và có một khung hình rất ấn tượng: Những người lính cứu hỏa giúp khiêng một chiếc tràng kỷ gỗ của một gia đình ra khỏi đám cháy. Chỉ nhìn những nét chạm khắc, màu gỗ... cũng có thể đoán ngay chiếc tràng kỷ có nguồn gốc từ... gỗ rừng, và tất nhiên là gỗ quý.

Hình ảnh ngọn lửa cháy rừng dồn đuổi và hình ảnh người dân cuống cuồng cứu mớ tài sản bằng gỗ quý kia là một câu chuyện không hồi kết. Bởi thế, khi mạng xã hội đang bày tỏ sự đau thương với những cánh rừng, sự chậm trễ thiếu vắng của các phương tiện chữa cháy hiện đại, chiếc trường kỷ lừng lững kia hiện lên như một câu trả lời.

Người ta tự hỏi, có những ai trong số những người viết những lời đau thương trên mạng xã hội, thả những biểu tượng cảm xúc buồn đau tức giận kia về chuyện rừng cháy, từ lâu nay vẫn làm giàu bộ sưu tập đồ gỗ cho gia đình mình?

Tôi có nhiều cơ hội chứng kiến muôn vàn kiểu “thú chơi đồ gỗ” của nhiều đại gia và quan chức, thậm chí cả những chức sắc tôn giáo. Đó là gì? Là những bộ “ngựa” - một loại phản gỗ để trưng bày hơn là để phục vụ cho sự ngủ nghỉ của gia chủ với chiều dài lên cả chục mét, chiều rộng (tức đường kính thân cây) lên tới vài ba mét.

Tưởng tượng một cây gỗ có đường kính vài ba mét thì tuổi tác của nó thế nào? Và để hạ được nó rồi kéo cưa lừa xẻ mang về thành phố thì sẽ thêm bao nhiêu cây rừng cạnh nó bị hạ gục theo?

Và không chỉ là những tấm phản gỗ quý, đó là còn những bộ salon, tràng kỷ, độc bình, tủ thờ... cho tới những biệt phủ toàn gỗ quý. Vì thế, nói ra thì dễ mích lòng, nhưng thật sự thì những khóc lóc cho rừng cháy nào chắc không giải quyết tận gốc của vấn đề khi mà gỗ vẫn đang là cách để nhiều quan chức và đại gia dùng nó để biểu diễn sự giàu sang.

Sau trận cháy, trên mạng xã hội kêu gọi câu chuyện trồng cây. Quá tốt. Nhưng trồng cây như thế nào khi mà ta vẫn chứng kiến những cây được trồng trên... truyền hình đều là những cây cổ thụ được bứng từ rừng về rồi đặt nó vào một sinh cảnh khác, gắn thêm bảng tên, bia đá, trong khi bản chất thật của cách “lưu niệm” này là chăm cho cây non từng ngày lớn lên, thay vì cưỡng chế cổ thụ theo kiểu “đốt cháy giai đoạn”.

Bởi thế, muốn cứu rừng, giữ rừng, có lẽ phải cứu lấy cái tâm thế của chúng ta trước. Cái tâm thế mắc mứu với thú vui sưu tập đồ gỗ càng hiếm càng hoành tráng càng oai, cái tâm thế trồng cây chỉ một đêm thành cổ thụ.

Nhắc tới cây và rừng, tôi lại nhớ về Bhutan, đất nước bên triền Himalaya, một xứ sở “sống xanh” thực sự. Nhà vua Bhutan đã từng ra một sắc lệnh: khi một cây rừng bị chặt, người dân phải trồng ba cây khác thay vào đó. 72% diện tích đất nước được che phủ bởi rừng rậm - một con số cao vào hàng nhất thế giới.

Nhưng người Bhutan vẫn không bằng lòng với con số ấy, vẫn luôn tìm mọi cách tăng độ che phủ của rừng. Nhà vua, đã từ lâu, luôn là người tìm cách đưa diện tích rừng tăng lên mỗi năm. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm lễ đăng quang hay sinh nhật, thay vì những cuộc diễu hành huy hoàng và tráng lệ, nhà vua tuyên bố đó là ngày “lâm nghiệp xã hội”, những trường học cũng như cộng đồng dân cư được nghỉ lễ để đi... trồng cây.

Và thiên nhiên của đất nước Bhutan được bù đắp bởi những ân tình mà người dân đối xử với cây cỏ.

Màu xanh của rừng ở xứ Bhutan.

Trên những con đường nhiều đèo dốc quanh co nguy hiểm của Bhutan mà chúng tôi từng đi qua, hầu như không gặp một điểm sạt lở nào trên đường. Là nhờ những tán rừng cổ thụ điệp điệp trùng trùng hai bên đường kiên trung giữ đất. Những con đường tuy hẹp nhưng có lẽ người Bhutan không muốn mở rộng bởi không muốn phá đi những cây cối bên lề đường. 

Sẽ mất nhiều thời gian hơn để đi lại trên những con đường hẹp đó, nhưng khi gìn giữ được cây rừng và thiên nhiên, một triết lý “sống chậm” của Bhutan đã nhập tâm chúng tôi trong những ngày rong ruổi. Bài học gìn giữ những cánh rừng trên đất nước Bhutan đã được nhà vua Jigme Singye Wangchuck rút ra từ kinh nghiệm đau thương của đất nước Nepal “hàng xóm”, khi những cánh rừng ở Nepal bị đốn trụi đã mang đến tai ương lũ lụt và hạn hán triền miên. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận