06/03/2013 16:20 GMT+7

Không thể lấy đậu nành, bắp rang cạnh tranh với Starbucks

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Bàn cà phê chiều đã thực sự nóng lên, bật ra nhiều điều thú vị và bất ngờ với buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Cà phê giả - cà phê thật” đang diễn ra tại Tòa soạn báo Tuổi Trẻ - từ 14g chiều nay 6-3.

Giấc mơ cà phê chất lượng

Wx2YffQl.jpgPhóng to
Thí nghiệm để nhận biết cà phê thật và giả ngay buổi giao lưu chiều 6-3 tại Tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm
McJ9TgVE.jpgPhóng to
Trái cà phê arabica chín đều tại Đắk Lắk - Ảnh minh họa: TTO

Thời gian qua, dư luận không khỏi hoang mang trước việc nhiều cơ sở chế biến cà phê đã “hô biến” hóa chất, hương liệu, đậu nành rang thành cà phê chính hiệu. Và thực tế, một số lượng không ít các loại bột được gọi là cà phê này đã đi ra thị trường, đến với người dùng.

Vì thế, làm sao để có thể nhận diện và từ bỏ các loại cà phê có phụ gia, chất độn là nỗi băn khoăn của rất nhiều người.

Trước thực tế đó, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cà phê giả - cà phê thật” sẽ giúp bạn đọc cách thức để phân biệt cà phê có phụ gia, chất độn qua thí nghiệm đơn giản; cung cấp thông tin về cà phê, văn hóa cà phê, kinh doanh cà phê; tác hại của việc sử dụng cà phê giả; kinh nghiệm lựa chọn hàng hóa, sản phẩm; quyền lợi của người tiêu dùng...

Khách mời gồm:

- Bác sĩLương Lễ Hoàng - Trung tâm Ôxy cao áp.

IgNAVYkj.jpgPhóng to
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng tốt nghiệp y khoa ở Sài Gòn, định cư ở CHLB Đức từ năm 1981.

Bên cạnh một số phát kiến đã được đăng ký bản quyền phát minh tại CHLB Đức, bác sĩ Lương Lễ Hoàng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về y dược nhằm mục tiêu cổ động cho biện pháp phòng bệnh bằng cách vận dụng kinh nghiệm của y học dân gian nhưng với tri thức cập nhật và kỹ thuật thực nghiệm của y học hiện đại.

- Nguyễn Minh Hương, đại diện Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM.

E4sCIEH7.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Minh Hương

Bà Hương hiện là phó chủ tịch Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA), phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (ASEAN IPA), hội viên của Hội các luật sư sáng chế châu Á (APAA), Hội nhãn hiệu hàng hóa quốc tế (INTA).

- ÔngNguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa.

WFpYGyjg.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thanh Tùng

Ông Nguyễn Thanh Tùng được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa từ tháng 2-2012.

Trước đó, ông Tùng từng đảm nhận các vị trí trưởng phòng marketing kiêm trưởng phòng kinh doanh từ tháng 1-2011 đến tháng 1-2012, trưởng phòng marketing Vinacafé Biên Hòa từ tháng 6-2002 đến tháng 12-2010.

CUỘC GIAO LƯU ĐANG DIỄN RA, NỘI DUNG:

* Thưa ông Nguyễn Thanh Tùng, theo ông thực trạng cà phê giả Việt Nam đang ở mức nào và sự ảnh hưởng của nó tới ngành cà phê Việt Nam? (Phan Đăng Dũng, 34 tuổi, dangphan719@...)

- ÔngNguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa: Trước khi nói về thực trạng thị trường cà phê Việt Nam hiện nay, tôi muốn làm rõ, khái niệm cà phê thật và cà phê giả. Thế giới hiện có 3 phân khúc tiêu dùng cà phê theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau:

(1) cà phê 100% thiên nhiên, đỉnh cao của loại này là cà phê hữu cơ. Cà phê hữu cơ được chế biến từ nhũng hạt cà phê được trồng, chăm bón một cách hữu cơ, tức là loại bỏ tất cả các yếu tố vô cơ như phân hóa học, thuốc trừ sâu,...

(2) cà phê có sử dụng hương liệu. Loại này các nhãn hiệu đa quốc gia thường sản xuất. Mục đính chính của việc sử dụng hương liệu là nhằm đồng nhất hương vị của sản phẩm, dù nó được sản xuất từ nguyên liệu cà phê nào, tại quốc gia nào.

(3) cà phê có bổ sung các loại hương khác không phải là cà phê và pha thêm một số thành phần khác như sôcôla, ca cao, chicory, các chất thay thế cà phê khác. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Sản xuất loại nào trong 3 loại kể trên, nhà sản xuất công bố rõ thành phần của loại đó trên bao bì sản phẩm. Khi đã ghi rõ như vậy, nếu sử dụng hương và chất độn, nhà sản xuất bắt buộc phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là các sản phẩm cà phê thật.

Ngược lại, nếu trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất không công bố đúng, đủ hoặc sai sự thật, nhập nhằng, lẫn lộn 3 loại trên với nhau thì bị coi là làm cà phê giả.

Về thực trạng cà phê Việt Nam: Những năm trước 1990, cà phê nguyên liệu thiếu và đắt đỏ, hầu hết các cơ sở chế rang xay đã sử dụng bắp và một số loại hạt khác để độn vào cà phê. Ngoài ra, để tạo gu riêng, một số phụ gia khác như rượu, bơ, hạt cau, thậm chí cả nước mắm được cho vào cà phê. Hiện tượng này kéo dài đã tạo nên gu cà phê tạp trên thị trường cà phê rang xay.

Càng về sau, gu này đã càng khuyến khích các cơ sở sản xuất chỉ chú trọng vào việc tìm kiếm các chất độn rẻ tiền hơn nhằm tối đa hóa lợi nhuận mà không chú ý vào việc đầu tư cho công nghệ và kỹ thuật chế biến. Tuy không phải là cà phê nguyên chất, nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều ghi là 100% cà phê hoặc mỹ miều hơn với những cái tên như Culi, Arabica, Robust, ….

Ngày nay, hiện tượng này đã lây cả sang cà phê hòa tan. Thực trạng cà phê giả đã ở mức báo động đỏ. Vài năm gần đây, ngoài phụ gia, còn có nhiều loại hóa chất độc hại được cho vào cà phê. Không chỉ dùng chất độn, có loại "cà phê" hoàn toàn sử dụng đậu nành trộn với hóa chất không rõ nguồn gốc, như các báo đã đưa. Những loại hóa chất đó có hai đối với sức khỏe cho những người đã trót nghiền cà phê nên vẫn phải uống. Những người khác thì e dè, không dám uống cà phê. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành cà phê Việt Nam, làm cho giá trị của cà phê Việt Nam thấp hơn nhiều thế giới. Ước tính, cà phê Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 10% giá trị thật của mình.

* Xin cho biết cách phân biệt cà phê thật cà phê giả, tác hại của cà phê giả khi dùng lâu ngày (Đàm Tùng, 42 tuổi, tientung689@...)

fWnlgkKa.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa - Ảnh: Thanh Đạm

* Tôi muốn biết quan điểm của các ông về cà phê thật, phải chăng nó gồm 100% cà phê hay là cà phê được rang xay theo một tỉ lệ % cà phê nhất định? (Phạm Đình Phú, 26 tuổi, tetekh@...)

- ÔngNguyễn Thanh Tùng: Tôi xin trả lời chung cho hai bạn đọc trên.

1. Cách nhận biết cà phê rang xay nguyên chất:

Một thí nghiệm nhỏ với bột cà phê: Đổ nước nguội đầy 2/3 ly thủy tinh, sau đó rắc nhẹ khoảng 1 muỗng canh bột cà phê lên trên mặt nước trong ly và quan sát. Cà phê nguyên chất sẽ nổi rất lâu trên mặt nước. Sau khoảng 10 phút, bột cà phê bắt đầu chìm từ từ từng ít một.

Khi cà phê chìm, màu nâu mới phai ra nước và tạo thành một dung dịch màu nâu nhạt trong suốt (do các chất tan chỉ được lấy ra hết khỏi bột cà phê bằng nước nước sôi). Ngược lại, cà phê pha độn chìm nhanh hơn, lâu nhất cũng chỉ khoảng 5 phút. Pha độn càng nhiều, bột càng nhanh chìm xuống đáy ly và khi chìm cũng chìm xuống cả mảng lớn. Màu nâu đen phai ra trong nước nhanh hơn và nước đục, không trong.

* Giải pháp nào để giải quyết vấn đề cà phê bẩn hiện nay ạ? (Ngô Minh, 25 tuổi, ngominhcafe@...)

- Nguyễn Minh Hương: Để giải quyết vấn đề cà phê bẩn theo tôi cần có biện pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước giám sát từ khâu công bố chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm cà phê bán trên thị trường và có chế tài đủ mạnh để xử phạt những cá nhân, đơn vị sản xuất cà phê bẩn.

Đối với cà phê đã pha: quan sát màu nước trong ly: Cà phê nguyên chất có màu nâu cánh gián và trong suốt, không vẩn đục và đen kịt. Vị cà phê đắng thanh, không đắng ngắt như ký ninh hay tetraciline, hương dịu dàng không sộc mạnh.

2. Với cà phê hòa tan:

Phổ biến ở VN hiện nay là cà phê hòa tan 3 trong 1. Cà phê 3 trong 1 gồm có đường mía, bột kem làm từ tinh dầu cọ, cà phê hòa tan nên khi pha ra, chúng ta chỉ cảm nhận được 3 vị đó. Nếu có độn đậu nành, bắp, để ý kỹ, có thể thấy vị béo của bắp, đậu nành trộn lẫn trong vị ngọt đường mía và hậu vị béo của tinh dầu cọ. Cà phê có sử dụng hóa chất tạo mùi, vừa mở gói ra đã thơm sực nức nhưng hương thơm ấy nhanh chóng mất đi khi ly cà phê đã nguội.

Cà phê thiên nhiên có hương thơm dịu nhẹ nhưng bền lâu. Khi ly cà phê đã nguội hẳn, chúng ta vẫn thấy thơm.

Các bạn lưu ý là cả hai yếu tố dịu nhẹ và bền lâu phải đi cùng với nhau mới là cà phê thiên nhiên. Nếu thơm sộc nhưng vẫn bền hương thì sản phẩm đó có thể có chứa chất cầm hương. Chất cầm hương dùng cho thực phẩm chất lượng cao thường rất đắt tiền. Loại rẻ tiền thì lại không an toàn. Vị cà phê không độn đậu nành và hương nhân tạo khi uống không cảm thấy vị dầy và hậu vị dễ chịu, nhẹ nhàng.

Dựa vào các quan sát và thử cảm quan như trên và xem thông tin về thành phần trên bao bì, các bạn sẽ dễ dàng tự nhận biết đâu là cà phê thật và đâu là cà phê giả.

* Tôi xin hỏi cà phê mà bỏ hương liệu vào vậy đó có phải là cà phê sạch không ạ? (Ngô Minh, 25 tuổi, ngominhcafe@...)

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Cà phê sạch nhất là cà phê hữu cơ (organic) như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhu cầu về cà phê hương liệu và chất độn.

Khi đáp ứng nhu cầu đó mà nhà sản xuất công bố rõ thành phần họ sử dụng trong sản phẩm đồng nghĩa với việc những thứ đó đã được kiểm soát, an toàn cho người sử dụng, cà phê đó có thể gọi là sạch.

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn khuyến nghị nên dùng các sản phẩm tự nhiên hoàn toàn.

Hiện nay cà phê tại Việt Nam gồm những loại nào? Phân bố tỷ lệ ra sao? (Tư Duy, 25 tuổi, tuduy@...)

* Câu hỏi cho ông Nguyễn Thanh Tùng: Theo tôi được biết, cà phê arabica được ưa chuộng hơn tại thị trường các nước phát triển. Vậy Vinacafe Biên Hòa có sử dụng arabica cho sản phẩm của mình chưa? Arabica có lượng cafeine thấp, vậy đó có phải là lý do người dùng Việt Nam, quen uống cà phê đậm và đặc, chưa quen với thứ cà phê có trộn loại này? (Nguyễn Phan Quốc Tấn, 29 tuổi, quoctanvn@...)

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tôi xin trả lời chung cho hai bạn đọc trên. Một số người cho rằng VN chỉ có cà phê Robusta. Điều này không chính xác. Đúng hơn là chúng ta có sản lượng Robusta lớn nhất thế giới, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên VN cũng có trồng cả cà phê Arabica. Chúng tôi vẫn thường mua Arabica từ Đà Lạt, Di Linh, Sơn La và một số ít từ Quảng Trị.

Cà phê Arabica có thế mạnh về hương, nó thơm hơn cà phê Robusta. Ngược lại, cà phê Robusta thì lại mạnh hơn cà phê Arabica về vị. Vị cà phê Robusta đắng nồng hơn, mạnh mẽ hơn. Trên thế giới, cà phê Arabica được phối trộn với cà phê Robusta để làm cà phê rang xay. Trong đó, tỉ lệ cà phê Arabica cao hơn. Đối với cà phê hòa tan, cà phê Robusta lại có thế mạnh và nó được sử dụng trong cà phê hòa tan với tỉ lệ cao hơn.

Do chúng ta trồng nhiều Robusta ở Việt Nam nên người Việt có thói quen uống cà phê với vị mạnh hơn người châu Âu, Mỹ.

* Tại sao chúng ta là quốc gia có cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng người dân bản xứ cũng phải dùng cà phê dỏm! Nguyên nhân do người dùng hay thị trường đáp ứng? hay khâu quản lý của cơ quan chức năng?

Thậm chí các hương liệu giả cà phê được sử dụng khá phổ biến trên thị trường có chứa chất độc tố làm hại đến sức khỏe con người? Vậy thì nhà sản xuất đến thị trường có những bước xúc tiến gì trong hoạch định chiến lược "sản phẩm chất lượng đến với mọi người tiêu dùng? (Tam Doan, 40 tuổi, doantammuoinam@....)

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Gu cà phê pha độn bắt đầu được hình thành ở VN từ thời bao cấp. Khi đó, cà phê nguyên liệu thiếu, người ta đã sử dụng bắp rang cháy để thay thế cà phê. Ngày nay, người ta có xu hướng tìm các chất độn rẻ tiền hơn, thậm chí là hóa chất để thay thế cà phê. Cà phê giả ở VN nhiều nhất là loại cà phê pha độn nhưng nhà sản xuất không ghi rõ thành phần hoặc ghi 100% cà phê trên bao bì để bán với giá cà phê thật. Lợi nhuận cao hơn nhiều cà phê thật chính là lý do cà phê giả ngày càng tăng.

Công thức tính lợi nhuận gộp của cà phê: LN (%) = P : C – 1 (1).

Trong đó LN là viết tắt của chữ lợi nhuận, P là giá bán; C là giá vốn của cà phê. Công thức (1) cho thấy rất rõ: khi giá vốn giảm thì tỷ lệ lợi nhuận gộp tăng. Tỷ lệ lợi nhuận gộp tăng ngày càng mạnh khi giá vốn giảm dần

Giá vốn của cà phê giả thường thấp hơn cà phê thật rất nhiều. Mức chênh lệch càng lớn khi tỷ lệ giả càng cao và nguyên liệu giả thay thế cà phê càng rẻ. Nguyên liệu thay thế càng rẻ và tỷ lệ giả càng cao thì ảnh hưởng đối với người tiêu dùng càng lớn.

Công thức tính giá vốn cà phê giả: C giả = c1 + c2 + c3.a (x’ + x. y) (2)

Trong đó

- c1, c2 là chi phí sản xuất và chi phí hóa chất;

- c3 là đơn giá nguyên liệu café thật, a là tỷ lệ thu hồi của cà phê

- x là tỷ lệ giả

- x’ là tỷ lệ nguyên liệu thật còn lại

- y là tỷ lệ giữa đơn giá chất độn so với đơn giá nguyên liệu thật

Công thức (2) cho thấy khi tỷ lệ độn tăng, hoặc/và giá nguyên liệu thay thế giảm thì giá vốn giảm. Mức giảm của giá vốn ngày càng tăng mạnh hơn khi tỷ lệ độn tăng dần và/hoặc khi giá nguyên liệu thay thế giảm dần. Để dễ hình dung, bạn đọc có thể xem các ví dụ sau:

Ví dụ 1: Giá cà phê nguyên liệu là 42.000đ/kg. Một kg cà phê rang xay cần 1,3 kg cà phê nguyên liệu. Chi phí sản xuất khác là 5.400 đồng. Giá vốn cà phê xay nguyên chất là 42.000đ x 1,3 + 5.400 đ = 60.000 đồng/ kg. Nếu bán với giá trước thuế là 80.000 đồng/kg, lợi nhuận gộp là khi làm cà phê thật sẽ là 80.000đ : 60.000đ - 1 = 33,3%.

Ví dụ 2: Chất độn là đậu nành, giá 18.000đ/kg. Nhà sản xuất sử dụng đậu nành để thay thế 50% cho cà phê nguyên liệu. Đậu nành cũng có tỷ lệ thu hồi tương đương cà phê. Hóa chất tạo hương vị cà phê cần sử dụng là 300đ. Chi phí sản xuất khác cũng là 5.400 đồng. Giá vốn khi đó là: 18.000đ x 0,65 + 42.000đ x 0,65 + 300 đ + 5.400 đ = 44.700đ. Lợi nhuận gộp là 80.000đ : 44.700đ - 1 = 78,9%.

Ví dụ 3: Nếu chất độn cũng là đậu nành, giá 18.000đ/ kg. Tỷ lệ độn là 100% nên lượng hóa chất nhiều hơn, mất 1000đ. Chi phí sản xuất khác cũng là 5.400 đồng. Giá vốn khi đó là: 18.000đ x 1,3 + 500 đ + 5.400 đ = 29.800đ. Lợi nhuận gộp là 80.000đ/ 29.800đ – 1 = 168,4%.

* Vì sao cà phê Arabica lại đắt hơn cà phê Robusta? (Tư Duy, 25 tuổi, tuduy@...)

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Giá thành sản xuất cà phê Arabica thường cao hơn Robusta vì năng suất của nó thấp hơn. Giá bán phụ thuộc một phần vào giá thành nhưng chủ yếu vẫn do quy luật cung cầu. Thế giới có nhu cầu về Arabia lớn hơn Robusta nên giá của Arabica cao hơn.

* Kỹ thuật pha chế cà phê như thế nào cho ngon? Trên thế giới có mấy cách pha cà phê? Dường như cà phê phin chỉ có ở Việt Nam? (Tư Duy, 25 tuổi, tuduy@....)

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Trên thế giới có nhiều cách pha cà phê và không có cách nào ngon hơn cách nào vì nó tùy thuộc vào phong cách uống của từng quốc gia nhưng nhìn chung có các cách uống cà phê như sau:

1. Cà phê rang xay: được pha bằng các loại phin, giấy, kim loại. Các loại phin này có cấu trúc khác nhau, có loại thì nước cà phê thẩm thấu từ trên xuống, có loại thì bốc hơi nước từ dưới lên. Cách uống cà phê rang xay đơn giản nhất là cách uống của người Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ cho cà phê rang xay vào trong ấm đồng và nấu sôi trên bếp sau đó rót ra ly để uống.

Người Ý thì nghĩ ra một loại phin máy để pha cà phê Espresso. Theo cách này, hơi nước được nén với áp suất cao đi qua một khoang chứa cà phê để chiết xuất các chất tan cà phê xuống dưới ly được đặt bên dưới. Từ cà phê Espresso có thể pha thêm loại Capuchino bằng việc cho thêm sữa tươi đã đánh bọt...

2. Cà phê hòa tan hay còn gọi là cà phê uống liền: bản chất cà phê hòa tan là tách nước ra khỏi dung dịch cà phê sau khi pha. Có hai công nghệ tách nước gồm sấy phun và đông lạnh.

3. Cà phê với hương liệu: được chế biến từ hai loại trên nhưng có bổ sung thêm một số hương vị khác trên nền hương vị cà phê.

* Người trồng cà phê thiệt hại thế nào khi nạn cà phê giả hoành hành thưa ông Tùng, Vinacafe có hướng hỗ trợ nào cho nông dân trồng cà phê tại Việt Nam không? (Công Hùng, 35 tuổi, boytruelove5000@...)

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Nếu không bị nạn cà phê giả hoành hành, thứ nhất, chắc chắn người trồng cà phê sẽ bán được nhiều cà phê hơn (thay thế cho bắp và đậu nành...).

Thứ hai, khi làm cà phê giả, các công ty chế biến cà phê thường mua cà phê chất lượng thấp với giá thấp.

Thứ ba, ở góc độ lớn hơn, thực trạng cà phê giả ở Việt Nam đã làm cho uy tín cà phê Việt Nam giảm sút, cơ hội xuất khẩu sẽ thấp đi, Việt Nam do đó phải tiếp tục xuất khẩu cà phê thô, cà phê nguyên liệu với giá cả bấp bênh, giá trị gia tăng thấp. Ở ngay thị trường nội địa, nạn cà phê giả làm cho nhiều người e dè khi sử dụng cà phê, làm cho mức tiêu thụ cà phê trong nước thấp, sử dụng rất ít sản lượng cà phê do nông dân trồng.

Các sản phẩm Vinacafe được chế biến theo định hướng cà phê thiên nhiên, thuần khiết nên chúng tôi thường thu mua nguyên liệu chất lượng cao với giá cao hơn và ổn định hơn mặt bằng giá thị trường. Chúng tôi nghĩ rằng những nỗ lực quảng bá cà phê thật sẽ góp phần làm cho nhiều người Việt Nam yêu thích cà phê hơn, tiêu dùng cà phê nhiều hơn và làm cho cà phê Việt Nam có nhiều cơ hội ra với thế giới hơn. Và những người trồng cà phê sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ những hoạt động đó.

* Tình hình hàng giả tại Việt Nam hiện nay đang thế nào, hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam có phải là hàng giả không? (Lan Linh, 28 tuổi, firstlove_forever2106@...)

- BàNguyễn Minh Hương, đại diện Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM:

vxwskd7d.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Minh Hương, đại diện Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HC -- Ảnh: Thanh Đạm

Hiện nay có thể nói là thị trường Việt Nam tràn ngập hàng giả (hàng giả ngoại, hàng ngoại giả hàng ngoại), đặc biệt ở các chợ và các khu vực nông thôn. Tốt nhất hãy nên là người tiêu dùng thông minh khi mua bất kì sản phẩm nào cần kiểm tra kỹ lưỡng bao bì của sản phẩm.

Hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam có phải là hàng giả không thì không đúng vì vẫn có những sản phẩm nguồn gốc Trung Quốc được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu về bán.

* Tôi muốn hỏi là bằng mắt thường thì có thể nhận biết chắc chắn được hàng giả hay hàng chất lượng không khi đã xem kỹ thông tin trên bao bì, với lại nhà tôi ở vùng quê thì làm sao mua được hàng thật khi không có các trung tâm siêu thị uy tính. Tôi mong rằng các ngành chức năng hãy xử lý mạnh khi phát hiện để người tiêu dùng không phải tiền mất tật mang. (Trần Văn Toàn, 22 tuổi, toan.tranvan91@...)

- Bà Nguyễn Minh Hương: Đúng bằng mắt thường chưa chắc đã biết được hàng giả hay hàng kém chất lượng; ở vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, theo tôi, người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm mình đã biết rõ. Đối với những sản phẩm mới, họ nên áp dụng phương thức mua dùng thử nếu thấy sản phẩm tốt thì tiếp tục mua. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của anh, các cơ quan chức năng của nhà nước cần xử lý mạnh hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

* Bác sĩ ơi, em vừa tập uống cà phê nhưng em cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và tim đập mạnh, đôi khi đi tiểu còn nghe mùi cà phê nữa. Vậy là em uống cà phê giả phải không ạ? (lâm ý nhi, 25 tuổi, nhilam@...)

- BS Lương Lễ Hoàng: Các triệu chứng vừa tả không đủ để khẳng định là người dùng cà phê đang uống cà phê giả. Nhưng có điều chắc chắn là cách dùng cà phê từ liều lượng cho đến tần suất quá nhiều so với cơ tạng nhạy cảm của người uống cà phê. Nếu bạn muốn tiếp tục uống cà phê nên uống loãng hơn, thưa hơn hay chọn loại đã khử cafein.

IZDQwSIa.jpgPhóng to
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Trung tâm Ôxy cao áp - Ảnh: Thanh Đạm

* Mỗi ngày làm việc tôi phải uống ít nhất 2 ly cà phê, ngày nào không có cà phê lại thấy uể oải. Bác sĩ cho tôi hỏi có phải tôi đang bị nghiện cà phê?

Và nếu cà phê tôi đang uống làm cho tôi tỉnh táo như vậy thì có phải là cà phê thật? (Thạch, 28 tuổi, sakura_11b6@...)

- BS Lương Lễ Hoàng: Do tác dụng hưng phấn hệ thần kinh, người quen dùng cà phê tất nhiên cảm thấy uể oải nếu thiếu cà phê.

* Xin cho hỏi là cà phê về y học có công hiệu như thế nào với sức khỏe?(Tư Duy, 25 tuổi, tuduy@...)

- BS Lương Lễ Hoàng: Cà phê nguyên thủy là một dược liệu để điều trị hen suyễn vào TK 17. Cà phê trở thành thức uống, được ưa chuộng khắp năm châu từ khi người ta phát hiện mặt mạnh của cà phê thông qua tác động thuận lợi trên hệ thần kinh và hệ vận động. Tương tự thuốc, hiệu năng cà phê tùy thuộc vào cách áp dụng cụ thể là tần suất và liều lượng. Dùng cà phê với tiết độ là biện pháp bảo vệ sức khỏe nếu hiểu đúng về cà phê.

Tình trạng này không đồng nghĩa với nghiện cà phê. Người dùng cà phê cảm thấy tỉnh táo là nhờ hoạt chất cafein trong cà phê.

Điều này không giúp phân biệt cà phê thật hay cà phê giả nếu như trong cà phê pha trộn vẫn có cafein.

Nhưng điều chắc chắn là người dùng cà phê giả cho dù tỉnh táo nhất thời nhưng chắc chắn sẽ mệt mỏi, dễ bệnh khi dùng dài lâu.

* Uống cà phê nhiều hóa chất ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? (Ro, 33 tuổi, tranthuy_dantam@...)

- BS Lương Lễ Hoàng- Trung tâm Ôxy cao áp: Không chỉ riêng với cà phê, chất phụ gia trong thực phẩm, nếu không bảo đảm về an toàn trong cấu trúc hóa học, là một trong các nguyên nhân dẫn đến rối loạn sức đề kháng, biến dưỡng, và là gánh nặng cho các cơ quan giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da. Dùng cà phê nguyên chất vì thế là hình thức dinh dưỡng quan trọng để bảo vệ sức khỏe.

* Bác sĩ cho em hỏi, em hay bị lở miệng khi uống cà phê, má em nói tại vì cà phê nóng, điều đó có chính xác không? Làm sao biết được cà phê em hay uống có pha hoá chất không? (Lan Anh, 29 tuổi, vienanh7116@...)

- BS Lương Lễ Hoàng: Uống cà phê (nóng hay đá) ít khi là nguyên nhân gây lở miệng nhưng có thể là lý do dẫn đến viêm thực quản. Lở miệng có thể xảy ra ở người dị ứng với chất phụ gia nào đó trong cà phê không nguyên chất. Người tiêu dùng tất nhiên khó biết cà phê có pha hóa chất hay không. Tốt nhất nên chọn sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín, thương hiệu và nhất là cam đoan về độ nguyên chất của cà phê.

* Uống cà phê giả lâu ngày liệu có gây ung thư, tôi hay bị nhiệt miệng mỗi khi uống cà phê, liệu cà phê giả có phải là nguyên nhân gây ra vấn đề này? (Nguyễn Minh Phuc, 42 tuổi, minhphuc1912@...)

- Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Nếu dùng cà phê nguyên chất và không lạm dụng liều lượng thì người tiêu dùng tất nhiên không gặp rắc rối về sức khỏe như nhiệt miệng, hồi hộp, táo bón... Chất phụ gia, chất hóa học, chất tạo mùi, tạo vị trong cà phê giả đương nhiên rất bất lợi cho sức khỏe. Một số hóa chất trong cà phê giả thậm chí có tên trong danh sách các độc chất có thể gây ung thư hoặc bệnh mãn tính. Dùng cà phê nguyên chất với sự đảm bảo an toàn của nhà sản xuất không chỉ là biện pháp nên thuốc. Đó là hình thức an toàn cho người tiêu dùng.

* Việc triển khai tiến hành chống gian lận đang được thực hiện như thế nào? Việc xử lý ra sao? Có kênh thông tin báo cáo trực tiếp hay không? (Tư Duy, 25 tuổi, tuduy@...)

- BàNguyễn Minh Hương: Công tác chống gian lận thương mại và hàng giả được nhà nước Việt Nam quán triệt đến nhiều cơ quan chức năng cụ thể các Bộ Công thương (lực lượng quản lý thị trường), Bộ Công an, Tổng cục hải quan, Bộ đội biên phòng.

Trong thẩm quyền của mình các cơ quan này kiểm tra, kiểm soát và bắt giữ hàng gian lận thương mại và hàng giả tại thị trường trong nước, tại biên giới và các cửa khẩu. Để phối hợp công tác giữa các cơ quan đã nêu, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về chống gian lận thương mại và hàng giả (thường gọi tắt là Ban 127), thành viên của ban chỉ đạo bao gồm lãnh đạo của các Bộ và cơ quan đã nêu.

* Hàng giả bây giờ tràn lan trên thị trường, bà con bán hàng giả vẫn tìm mọi cách thanh minh, chứng tỏ hàng mình là hàng thật, riết rồi người mua hàng muốn loạn luôn giữa đống thật giả. Theo các vị khách mời thì tiêu chí nào đánh giá hàng thật hàng giả ?(Trương Thành Tiến, 38 tuổi, thanhtien2197@...)

- BàNguyễn Minh Hương: Dưới góc độ pháp lý, đánh giá cà phê giả có thể là:

- Cà phê giả mạo về nhãn nhãn hiệu (thí dụ: sản phẩm cà phê của đơn vị A nhưng lại gắn nhãn hiệu của Vinacafé), giả chỉ dẫn địa lí (thí dụ: cà phê Long Khánh ( Đồng Nai) nhưng lại nói là cà phê Buôn Mê Thuột) ( Định nghĩa hàng hóa giả mạo theo Luật sở hữu trí tuệ).

- Cà phê giả về chất lượng, thí dụ: ngoài bao bì đề 100% cà phê nhưng trên thực tế thành phần cà phê trong sản phẩm chỉ có 50% hoặc thí dụ trên bao bì sản phẩm ghi cà phê bột nhưng trong thành phần không có cà phê mà chỉ có đậu nành, bắp rang và hương liệu cà phê) ( Định nghĩa theo điều 3 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16-1-2008 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và điểm 1 Thông Tư Liên Tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTV-BCA-BKHCNMT ngày 27-4-2000 hướng dẫn thực hiện chỉ thị số 31/1999/CT-TTG ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống hàng giả).

* Thưa BS, tôi cũng ghiền cà phê mấy năm nay. Lúc trước uống cà phê ở quán về thấy bình thường, nhưng lúc này uống ở mấy quán về là có cảm giác khó chịu, buồn nôn. Trong khi mua cà phê về nhà tự pha uống thì không có cảm giác đó. Mà cảm giác ra ngoài quán cà phê thưởng thức thì nó ngon hơn, giờ không lẽ mang cà phê nhà ra quán nhờ pha dùm. Xin BS cho lời khuyên. (Nguyễn Anh Trung, 32 tuổi, anhtrung2704@...)

- Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Nếu đã có cảm giác khó chịu, buồn nôn thì tất nhiên, phải ngưng việc uống cà phê ngoài quán. Cần lưu ý là các chất phụ gia trong cà phê ngoài quán có thể dẫn đến viêm loét dạ dày. Lý do khiến cà phê pha ở nhà không ngon bằng ngoài quán thường không do cà phê, mà do người cùng đối ẩm.

* Ngay kế nhà tôi có cơ sở sản xuất cà phê giả, mỗi lần nghe mùi hoá chất cà phê thơm sực nức tôi rất nhức đầu và có dấu hiệu chóng mặt. Xin hỏi bác sĩ nếu về lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình tôi không? (Văn Trường, 32 tuổi, luckyman6101@...)

- BS Lương Lễ Hoàng: Không riêng với cà phê giả, tất cả hương liệu lạm dụng trong sản xuất thực phẩm đều có hại cho sức khỏe vì tác động thông qua thần kinh khứu giác là một trong những đường kích ứng nhạy cảm nhất của cơ thể. Kích ứng này có thể là đòn bẩy dẫn đến nhiều rối loạn trên trục thần kinh - biến dưỡng - nội tiết. Nạn nhân có thể vì thế đau đầu, mất ngủ, đãng trí, trầm uất...

* Xin hỏi cà phê dùng buổi sáng khi chưa ăn, có ảnh hưởng gì không? (Đỗ Hà triều, 50 tuổi, hatrieuthanhnga@...)

- BS Lương Lê Hoàng: Thói quen chỉ uống cà phê nhưng không ăn sáng rất bất lợi cho sức khỏe. Người dùng cà phê theo kiểu này tuy có thể tỉnh táo ngay nhưng sau vài giờ rất dễ bị hạ đường huyết, hạ can-xi, hạ huyết áp thể hiện qua dấu hiệu mệt mỏi, choáng váng, tê tay chân. Tác dụng hưng phấn của cafein trong cà phê được tối ưu khi có sự hiện diện của chất đạm đi kèm. Do đó, nên uống cà phê sau khi ăn sáng lót lòng.

* Tại sao không làm việc nghiêm ngặt với các nơi bán sản phẩm hoá chất ở chợ Kim Biên và các nơi khác, nếu cứ xử phạt mạnh, có thể là đi tù cho những người mua bán hoá chất không được phép thì làm sao có nguyên liệu sản xuất cà phê giả được. Theo bà Nguyễn Minh Hương thì ai chịu trách nhiệm quản lý về buôn bán hoá chất và họ cần làm gì trong thời điểm này để chấm dứt tình trạng hoá chất độc hại buôn bán công khai, tràn lan? (Hoàng Văn Việt, 34 tuổi, robben_viet@...)

- BàNguyễn Minh Hương: Theo tôi được biết chợ Kim Biên là chợ đầu mối của TP.HCM nơi kinh doanh, buôn bán hóa chất và hương liệu. Theo quy định của Luật hóa chất, Luật thương mại thì tiểu thương kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên có trách nhiệm nắm rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hàng hóa bán ra phải được đóng gói trong bao bì đúng quy định và có ghi nhãn hàng hóa đầy đủ và đảm bảo hàng hóa được bảo quản, cất giữ đúng điều kiện quy định; các tiểu thương bị nghiêm cấm kinh doanh các sản phẩm hóa chất bị nhà nước nghiêm cấm.

Các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Thanh tra thương mại và Ban quản lý chợ đều có quyền định kì hoặc đột xuất kiểm tra việc kinh doanh của các tiểu thương. Tuy nhiên tiểu thương không bị chịu trách nhiệm pháp lý về việc người mua hóa chất do họ được phép kinh doanh, lại sử dụng hóa chất này không đúng quy định trong sản phẩm của họ.

* Làm sao để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tôi muốn bán cà phê thật nhưng ai cũng thích uống cà phê giả? Bán cà phê giả có gọi là phạm pháp không? (Phan Tuấn Hoài Anh, 37 tuổi, hoaianh_27321411@...)

- BàNguyễn Minh Hương: Về câu hỏi: "bán cà phê giả có gọi là phạm pháp không?", theo tôi, bất kì hành vi kinh doanh để kiếm lời đối với sản phẩm giả đều là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy thuộc theo mức độ, quy mô của hành vi kinh doanh.

Vấn đề thay đổi thói quen của người tiêu dùng thích uống cà phê giả hơn cà phê thật cũng cần phải xem xét. Nếu chế tài của nhà nước buộc các đơn vị sản xuất cà phê công bố chính xác tên gọi của sản phẩm cà phê của mình tùy thuộc vào thành phần của sản phẩm cà phê thì sự lựa chọn của người tiêu dùng vào sản phẩm cà phê sẽ được phân loại theo hướng người tiêu dùng thích uống cà phê nguyên chất và người tiêu dùng thích uống cà phê có độn thêm các chất khác...

Khi đó với việc công bố chính xác tên sản phẩm cà phê (cà phê nguyên chất, cà phê độn thêm bắp, đậu nành...) và xác định thị phần người tiêu dùng theo xu hướng nào lúc đó nhà kinh doanh sẽ xác định sản phẩm của minh hướng theo thị hiếu nào của người tiêu dùng.

* Những lợi ích của cà phê đối với sức khoẻ của người cao tuổi, uống cà phê giả lâu ngày có thể gây ra những biến chứng gì về sức khoẻ không thưa bác sĩ Hoàng? (Phùng Đức Tài, 57 tuổi, phungductai8003@...)

- Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Cà phê nếu dùng với tiết độ là thức uống có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi. Ví dụ, cà phê đen có tác dụng hạ đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường, cà phê pha chút muối cải thiện huyết áp cho người huyết áp thấp, cà phê pha sữa có lợi cho người cao tuổi ăn ít nếu như không có vấn đề với đường huyết, mỡ trong máu.

Dùng cà phê giả lâu ngày là lý do dẫn đến rối loạn biến dưỡng, do các cơ quan giải độc như gan, thận khó tránh mệt mỏi. Mặt khác, hóa chất trong cà phê giả là nguyên nhân gây hao mòn sức đề kháng trong cơ thể vốn đã nhạy cảm và thậm chí suy yếu của người cao tuổi.

Chọn lựa cà phê đầy đủ chất lượng và nhất là đảm bảo an toàn là điều rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi, người bệnh mãn tính, người có nhu cầu phục hồi.

* Vinacafe Biên Hòa có phải là thương hiệu riêng so với Vinacafe?(Tư Duy, 25 tuổi, tuduy@...)

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Vinacafe Biên Hòa là tên công ty, là thương hiệu công ty. Vinacafe là thương hiệu của sản phẩm do Vinacafe Biên Hòa sản xuất.

* Tôi thấy Starbucks đã vào Việt Nam và có vẻ đang rất thành công, theo ông Tùng thì ngành cà phê Việt Nam phải làm gì để cạnh tranh và chiến thắng Starbucks trên sân nhà? (Mai Quốc Bình, 37 tuổi, binhthien137@...)

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tôi thấy Starbucks vào Việt Nam cũng là việc bình thường. Chúng ta đang hội nhập thế giới nên chúng ta cũng phải quen dần với việc tiếp khách ngoại trước khi nghĩ đến việc mang sản phẩm của mình đến nước họ. Trước Starbucks đã có một số công ty nước ngoài khác đến Việt Nam, ví dụ như Gloria Jeans, Coffee Bean & Tea leaf... Những công ty này đến Việt Nam mang đến phong cách mới, cách thức kinh doanh hiện đại và trung thực.

Ở một chừng mực nào đấy họ giúp thị trường cà phê Việt Nam sạch hơn.

Chúng tôi coi những công ty sử dụng nguyên liệu cà phê Việt Nam để làm cà phê thật, cà phê nguyên chất, không phân biệt quốc tịch, là những người bạn đồng chí hướng. Họ góp phần mang đến lợi ích thật sự cho người tiêu dùng và đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam.

Đối với những công ty như thế, chúng ta nên đua tranh để cùng tiến bộ và mang lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng và xã hội. Starbucks cũng vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chiến thắng họ bằng việc nâng cao kỹ thuật, công nghệ, bằng các chiến lược marketing chứ không phải cạnh tranh bằng đậu nành, bắp rang!

0tqgoGsQ.jpgPhóng to

Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ Hà Thạch Hãn (trái) tặng hoa các khách mời dự giao lưu trực tuyến "Cà phê thật - cà phê giả" chiều 6-3 - Ảnh: Thanh Đạm

* Tôi là tổng giám đốc công ty tư vấn phát triển đầu tư quốc tế, đang có ý tưởng giới thiệu, quảng bá để tạo cho cà phê Việt Nam một vị thế, một chỗ đứng trong khung gian ẩm thực của quần chúng Mỹ và trở thành thương hiệu được yêu thích trên thế giới.

Xem buổi giao lưu trực tiếp "Cà phê giả - Cà phê thật" trên báo Tuổi Trẻ online, tôi xin những khách mời cho biết ý kiến về vấn đề sau: Với cà phê xuất khẩu thì tỷ lệ "thật" và "giả" là bao nhiêu phần trăm? Còn cà phê bán cho người tiêu thụ trong nước thì tỷ lệ "thật" và "giả" được đặt trên yếu tố kinh doanh nào? Xin cảm ơn! (Ms. TATH, 50 tuổi, MyVinh.com@...)

- ÔngNguyễn Thanh Tùng: Một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận tạm thời là 95% cà phê do Việt Nam sản xuất đang được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Chỉ có 5% còn lại được sử dụng cho chế biến. Lượng cà phê chế biến này chủ yếu được tiêu dùng trong nước, số dành cho xuất khẩu chiếm tỉ lệ rất thấp. Cà phê chế biến xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là cà phê hòa tan, cà phê rang xay chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Có vẻ như người nước ngoài chỉ tò mò nếm thử cà phê Việt Nam khi họ đến đây du lịch chứ chưa thực sự quan tâm đến việc nhập khẩu cà phê rang xay của chúng ta. Các tiêu chuẩn khắt khe về cà phê rang xay chế biến của các nước Âu - Mỹ là rào cản lớn nhất đối với cà phê rang xay của Việt Nam. Tôi không rõ các nhãn hiệu khác như thế nào nhưng riêng Vinacafe thì dù bán ở trong nước hay xuất khẩu đều là cà phê 100% thiên nhiên.

* 16g20. Buổi giao lưu trực tuyến đã khép lại với nhiều gợi mở cho người tiêu dùng trong việc chọn lựa, sử dụng cà phê thật, nhằm tăng cường sức khỏe, tỉnh táo trong các quyết định khi bước vào một ngày mới. Trân trọng cám ơn bạn đọc đã tham gia gửi câu hỏi, góp ý đến buổi giao lưu.

Chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề "Cà phê giả - cà phê thật" do Tuổi Trẻ Online và Công ty Vinacafé Biên Hòa tổ chức

E44NbY9A.jpg

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên