26/03/2014 07:57 GMT+7

Tôi nghĩ rằng từ đúng là "ngọt sắc"

GS-TSKH NGUYỄN ĐỨC DÂN
GS-TSKH NGUYỄN ĐỨC DÂN

TT - Đó là ý kiến của GS-TSKH Nguyễn Đức Dân sau bài phản hồi của chủ biên SGK Tiếng Việt 4 của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết “Ngọt sắt” hay “ngọt sắc” - Tuổi Trẻ 25-3).

"Ngọt sắt” hay “ngọt sắc”?

4ufjZbpW.jpgPhóng to
SGK Tiếng Việt lớp 4 - tập 2, trang 51 (NXB Giáo Dục - 2005) vẫn dùng từ “ngọt sắc”

Trong Trái vải tiến vua của Vũ Bằng có câu “... Đặt lên lưỡi cắn một miếng thì nước chan hòa, ngọt sắt, nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt”. (SGK)

Phương ngữ Nam bộ không phân biệt hai âm cuối ~c và ~t. Nghĩa là trong các cặp tiếng bác/bát, cúc/cút, sắc/sắt... người Nam bộ phát âm như nhau. Vậy thì ngọt sắc hay ngọt sắt? Vũ Bằng người Bắc không viết lẫn lộn sắc/sắt, nhưng thợ đánh máy, sắp chữ hẳn là người miền Nam nên vẫn có thể lầm hai từ này.

Cho nên, trong trường hợp này cần căn cứ vào vị rất ngọt của trái vải thiều xưa được dùng để tiến vua mà đoán nhận.

Để nói về vị ngọt đặc biệt, tiếng Việt có các từ ngọt lịm, ngọt lừ, ngọt lự. “Sắc thuốc” sẽ làm nước thuốc cô lại. Nước thuốc cô lại sẽ có vị đặc biệt, khác thường. Trong tâm thức người Việt, ở các từ đặc sắc, xuất sắc thì sắc mang nghĩa “đặc biệt, khác thường” theo hướng “tốt”. Nhà văn tài năng luôn luôn tìm ra những từ mới. Vũ Bằng đã đặt ra một từ mới ngọt sắc.

Còn động từ sắt cũng làm vật teo nhỏ lại nhưng với nghĩa theo hướng “trở nên khô cứng, rắn chắc” như “da thịt sắt lại vì mưa nắng” rồi chuyển thành những nghĩa trừu tượng “cứng rắn, đanh thép”: nét mặt sắt lại, giọng sắt lại. Ngọt sắt thì khó mà mềm và giòn. Tôi nghĩ rằng từ đúng là ngọt sắc.

Phải là dùng chữ đã thông dụng trong xã hội

Ngay khi đọc qua bài trên báo Tuổi Trẻ ngày 22-3 về hai từ nói trên, theo cách hiểu và cũng là sự dùng quen thuộc lâu nay, tôi cho dùng “sắc” là đúng (“sắc” ở đây như trong “sắc sảo”, “sắc nét” - chỉ ấn tượng mạnh, nổi bật...)

Đọc ý kiến của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, trước hết tôi hoan nghênh việc những người làm sách giáo khoa đã thận trọng - dù chỉ là một chữ cái “c” hay “t”; và khi khẳng định việc dùng “sắt”, ông cũng thận trọng viết thêm hai từ “có lẽ”. Tuy vậy, tôi xin có ý kiến như sau:

1. Trong Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa Học Xã Hội, 1977 - in lần 2 có chỉnh lý, bổ sung), trang 554, có từ ngọt sắc với định nghĩa: “Ngọt đến khé cổ.” Xin lưu ý cuốn này do những nhà khoa học xã hội nhân văn hàng đầu đất nước biên soạn như Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm, Lê Khả Kế, Ngụy Như Kontum, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng...

2. Sách giáo khoa cần tôn trọng nguyên bản của nhà văn, nhưng nhà văn cũng vẫn có sai sót như mọi ngành nghề khác. Đó là chưa kể trường hợp nhà in xếp chữ sai, mà nhà văn không có điều kiện (hay sơ sót khi xem lại bản in) để sửa chữa.

3. Do đó, tiêu chí hàng đầu chọn chữ trong trường hợp có nghi vấn, theo tôi, phải là dùng chữ đã thông dụng trong xã hội. Nếu cần, có thêm chú thích bản gốc đã dùng từ nào...

Quyết định cuối cùng xin dành cho các nhà làm sách giáo khoa.

GS-TSKH NGUYỄN ĐỨC DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên