21/10/2013 13:01 GMT+7

Lữ đoàn dù 305 - Khúc tráng ca lặng lẽ - Kỳ 1: "Đội Hồ Nam"

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh kể: “Đầu năm 1961 tôi và anh Điềm (lúc đó là trung tá Nguyễn Chí Điềm - PV) lên gặp thiếu tướng - phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn nhận nhiệm vụ.

* Trong những năm chống Mỹ có một lực lượng đặc biệt đã bí mật ra đời và tồn tại một thời gian ngắn. Đó là Lữ đoàn dù 305 - đơn vị dù đầu tiên và duy nhất đến nay của Quân đội nhân dân Việt Nam.

* Dù chỉ tồn tại trong bảy năm rồi chuyển sang binh chủng đặc công, nhưng Lữ đoàn dù 305 đã lập nên những chiến công oanh liệt và bi tráng. Có rất ít người biết về lực lượng đặc biệt này với những thăng trầm và oai hùng trong lặng lẽ.

9LTl2W5n.jpgPhóng to
Những người lính dù thuộc Lữ đoàn dù 305 - Ảnh: Tư liệu của Bùi Xuân Dưỡng

Anh Tấn nói: Từ lâu Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã nghĩ tới, nay mới chính thức quyết định thành lập binh chủng dù, lấy Sư đoàn bộ binh 305 của Liên khu 5 tập kết ra Bắc làm nòng cốt. Đây là việc làm nằm trong định hướng xây dựng quân đội ta trở thành quân đội chính quy hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam. Đây là một binh chủng hoàn toàn mới với chúng ta. Anh Tấn hỏi chúng tôi có ý kiến gì không, chúng tôi xin phép khi triển khai cụ thể có gì lúng túng sẽ xin ý kiến thủ trưởng vì mọi thứ còn mới quá, không hình dung được điều gì sẽ xảy ra để thắc mắc trao đổi”.

Khai sinh Lữ đoàn dù

ndrFfyTT.jpg
Ông Bùi Xuân Dưỡng và cuốn sổ ghi chép năm 1959 - Ảnh: MY LĂNG
“Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Sư đoàn bộ binh 305 thành Lữ đoàn dù 305 là tạo sức mạnh thép cho miền Nam”. Tháng 6-1961, thượng tướng - tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã nói như thế khi về thăm Lữ đoàn dù 305 đóng tại phố Vôi (Lạng Giang, Bắc Giang). “Anh Dũng nói: tất cả các đơn vị nhảy dù của quân đội các nước trên thế giới bao giờ cũng là đơn vị thiện chiến đứng đầu trong các đơn vị bộ binh. Nó là đơn vị được tuyển chọn có chất lượng nhất, được huấn luyện toàn diện, kỹ càng nhất; có phương tiện và kỹ thuật vận động cơ động nhanh nhất, bất ngờ nhất; có sức đột kích mạnh nhất, chiến đấu sâu trong trung tâm địch; tạo nên thế tiến công mạnh mẽ cho lực lượng chủ lực giành thắng lợi”, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (86 tuổi, hiện sống ở Hà Nội) nhớ lại ký ức của hơn 50 năm trước.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh là chính ủy đầu tiên của Lữ đoàn dù 305 khi lữ đoàn đặc biệt này thành lập đầu năm 1961 với sự giúp đỡ của năm chuyên gia nhảy dù Liên Xô. Lữ đoàn trưởng là đại tá Nguyễn Chí Điềm (tư lệnh binh chủng đặc công sau này). Đây là lữ đoàn dù đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lữ đoàn trưởng Điềm và chính ủy Khánh bắt tay xây dựng kế hoạch dài hạn, nhưng trước mắt tập trung triển khai đợt huấn luyện kỹ thuật nhảy dù cá nhân đạt yêu cầu cao. Đây là điều kiện tiên quyết để chuyển sang các đợt huấn luyện tiếp sau cao hơn, phức tạp hơn. Họ phải làm gấp rút để đến cuối năm 1962 hoàn thành kế hoạch huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật dù trong chiến đấu binh chủng hợp thành cho toàn lữ đoàn.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc thành lập Lữ đoàn dù 305, cuối năm 1958 đầu năm 1959, việc tuyển chọn lực lượng để đưa sang Trung Quốc học rồi về phát triển lữ đoàn dù được khẩn trương tiến hành và diễn ra trong bí mật. Cục Cán bộ - Tổng cục Chính trị đã đến Trường bổ túc văn hóa quân đội Lạng Sơn lấy người đưa về Viện Quân y 108 (Hà Nội) khám tuyển được vài chục người để phát triển lực lượng cho không quân. Đoàn cán bộ nhảy dù được thành lập, rút ra trong số đã tuyển chọn ở trên và chọn lựa thêm từ các trung đoàn chủ lực đã chiến đấu và lập công xuất sắc trên các chiến trường Nam Trung bộ và Tây nguyên.

“Những người được chọn đi học đều là bộ đội đã trải qua chiến đấu, thiện chiến. Ít nhất là cán bộ tiểu đội, chiến sĩ xuất sắc ngon lành mới được đi chớ đâu phải tay ngang. Tôi còn nhớ các anh như đại úy Trần Thẩm, thượng úy Bùi Duy Trinh, chuẩn úy Vũ Minh Ngọc đại đoàn 312 đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đại úy Đặng Nhơn là bộ đội Nam tiến, chuẩn úy Đại từ chiến trường Trung bộ, chuẩn úy Cao Minh Dương chiến đấu ở chiến trường Nam bộ. Lúc đó tui đang học lý thuyết lái máy bay trinh sát thì được lệnh chuyển qua học dù”, đại tá Dương Tuấn Kiệt (81 tuổi, hiện sống ở Hòa Vang, Đà Nẵng) nhớ lại. Khi tham gia lực lượng đặc biệt ấy, ông Kiệt mới mang quân hàm thượng sĩ.

Ông Bùi Xuân Dưỡng (78 tuổi, hiện sống ở TP Đà Nẵng) cho biết thêm: “Tuyển trong toàn quốc chớ không đơn giản đâu. Kỹ lắm, như tuyển không quân, từ lý lịch phải trong sạch đến trình độ, thể lực. Do hoạt động trên không, sức chịu đựng cao nên phải chọn những người trẻ (dưới 30 tuổi), khỏe. Sức khỏe phải đạt chuẩn như phi công. Sư đoàn 324 của tui tuyển chọn được ba người ra Hà Nội nhưng cuối cùng chỉ có tui được chọn”. Lúc đó ông Dưỡng mới 24 tuổi, là trinh sát chuyển qua.

jhMSr1Ly.jpgPhóng to
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (hàng ngồi, thứ ba từ phải sang) và các cựu binh lực lượng dù họp mặt vào năm 1998 - Ảnh: Tư liệu

Chuyến xuất ngoại bí mật

Toàn bộ đội hình đặc biệt được đưa đến trạm 66 (Bộ Quốc phòng) tập kết. “Trước ngày đi, trung tướng phó tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trực tiếp giao nhiệm vụ cho chúng tôi: các đồng chí được chọn lựa vì nhiệm vụ cấp bách của đất nước. Yêu cầu các đồng chí phải tiếp thu hết, tiếp thu nhanh, phải học bằng được để về làm nhiệm vụ. Tui còn nhớ anh Trần Hiệu - cục trưởng Cục Tình báo quân sự - nói: Tôi từng nhảy dù ở Mỹ bảy lần nhưng với người Việt Nam đây là nhiệm vụ rất mới. Lúc đầu tôi nghĩ chỉ có ông nào dám tự tử mới dám nhảy. Tôi nói vậy để các đồng chí biết nhiệm vụ của các đồng chí rất nặng nề. Nhưng đây là quốc thể. Qua đấy học mà các đồng chí không dám nhảy thì xấu hổ lắm. Nghe vậy anh em rất phấn khởi. Mình là nông dân có biết chi đâu. Giờ được chọn, được học một nghề quá mới từ trên trời rơi xuống”, ông Kiệt cười hể hả.

Tháng 3-1959, đoàn học viên đặc biệt được đưa sang căn cứ đổ bộ đường không ở Khai Phong (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) tập huấn. Đoàn có 11 người bên không quân và 30 trinh sát của bộ do đại úy Đặng Nhơn làm trưởng đoàn, Hoàng Gia Huệ làm phó đoàn. Cuộc ra đi diễn ra trong bí mật. Gia đình không biết đi đâu, làm gì. Ngay cả bộ đội nơi tập kết (trạm 66 Bộ Quốc phòng) cũng không biết. Tất cả đều mặc thường phục. Mọi người được đưa lên xe lửa đến cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ở bên kia bạn đã chờ sẵn, đưa thẳng về căn cứ ở Khai Phong. “Chúng tôi học ở Sư đoàn dù 2721 và được bố trí ăn, ngủ ngay tại căn cứ - ông Kiệt kể - Đoàn chúng tôi có mật danh là “đội Hồ Nam”. Khi xưng với người Trung Quốc và khi họ gọi mình, vẫn là “đội Hồ Nam” chứ không được gọi là bộ đội Việt Nam để bảo đảm bí mật”.

“Chưa huấn luyện, học hành gì cả, họ cho mình xem đội nữ vận động viên nhảy khinh khí cầu ở độ cao 400m. Xong, họ hỏi anh Đặng Nhơn có dám nhảy thử hay không. Tụi tui bất ngờ lắm, không biết anh Nhơn xử trí thế nào. Nhảy thì... mình đã biết gì đâu. Không nhảy thì mất thể diện lắm. Ảnh gật đầu. Họ đưa anh Nhơn lên khinh khí cầu, cũng tầm 400m, cho đeo dù trước ngực 8kg, dù sau lưng 17kg. Lên khinh khí cầu, chưa biết nhảy nhót thế nào thì họ đẩy nhẹ, anh Nhơn rơi ra ngay. Về tụi tui hỏi, ảnh nói: Khó chịu lắm! Người cứ như tuồn tuột xuống từng tầng, từng tầng. Ruột gan bàng hoàng ba ngày mới hết”, đại tá Dương Tuấn Kiệt nhớ lại.

Sau ngày ra mắt không thể quên, chuỗi ngày huấn luyện đặc biệt bắt đầu.

_______________

Kỳ tới:Khóa huấn luyện đặc biệt

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên