23/07/2010 07:47 GMT+7

Tiếng đàn ở Angkor Wat

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Bên ngoài cổng Bệnh viện Jayavarman VII ở tỉnh Siem Reap, Campuchia, khách du lịch có thể dễ dàng thấy tấm biển lớn vẽ những nét đơn giản kiểu trẻ con: một hình cây dừa nguệch ngoạc với dòng chữ “Beatocello concert, every Saturday 7:15pm”(Hòa nhạc của Beatocello, mỗi thứ bảy, 7g15 tối).

uxUxQTyc.jpgPhóng to
Beat Richner trong một buổi hòa nhạc “Beatocello” tại Bệnh viện Jayavarman VII, Siem Reap

Kỳ 1:Nhà thương của người nghèoKỳ 2:Triết lý “rạp xiếc”

Nhà thương và âm nhạc

"Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng cây cello sẽ trở thành nhân tố quan trọng đến thế trong việc giúp tôi quyên góp tiền quỹ hoạt động cho bệnh viện. Cây cello đã cứu sống hàng nghìn đứa trẻ và giúp hàng nghìn em khác thoát khỏi sự tàn tật suốt đời. Hơn tất cả những cây cello khác trên thế giới này, nó đã kiếm được nhiều tiền nhất. Tên của nó là Prescenda "

(Trích hồi ký Beat Richner)

Mỗi năm, bệnh viện của Beat Richner nhận một phần nhỏ hỗ trợ từ hoàng gia Campuchia, khoảng 1,8-2 triệu USD, trong khi chi phí một năm cho toàn bộ Bệnh viện Kantha Bopha là 24 triệu USD.

Beat Richner và Kantha Bopha Foundation ở Thụy Sĩ phải chật vật chiến đấu với từng chút tiền họ có được. Beat Richner đã đưa cả tiếng đàn của mình vào cuộc chiến giúp người nghèo.

Những ngày đầu tiên, khi xây Bệnh viện Jayavarman VII tại Siem Reap, Beat Richner vẫn còn nhớ ông mua khu đất xây bệnh viện tạo điều kiện cho cư dân vùng này có thể đến bệnh viện miễn phí gần hơn là đổ hết về Phnom Penh.

Lúc ấy, những ngôi đền còn đóng cửa, chưa hề có du khách đổ về. Rồi bệnh viện xong và như một sự diệu kỳ, khi Angkor Wat mở cửa, hàng triệu du khách trước khi ghé vào đền sẽ phải đi ngang cổng nhà thương này.

Beat Richner đã dùng chính sự tài hoa của mình đưa du khách vào những buổi hòa nhạc để giúp bệnh viện.

Mỗi thứ bảy hằng tuần, tại hội trường lớn của Bệnh viện Jayavarman VII, tỉnh Siem Reap, bác sĩ Beat Richner xuất hiện trong bộ đồ sáng màu giản dị, xách theo hộp đàn cello và bước lên trung tâm của ánh đèn hội trường. Ông bắt đầu chơi những trích đoạn của Bach trong ánh mắt tò mò của hàng trăm khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới.

Tiếng đàn dâng lên như sóng và tắt lịm. Ông bắt đầu nói về công việc của mình, về bệnh nhân trẻ em, sự chịu đựng và sự đau đớn của những người nghèo chết vì bệnh tật. Ông nói những lời đơn giản và dùng những hình ảnh đơn giản nhất để những người đến từ mọi nơi xa xôi trên Trái đất này ngay lập tức có thể hiểu chuyện gì đang diễn ra ở Campuchia, đám trẻ con cần gì để có một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhiều gương mặt tò mò xa lạ với trang phục lấp lánh sang trọng chìm vào tiếng nhạc của ông. Beat Richner từng bảo: “Tiếng đàn cello gần gũi tiếng người, nó diễn tả tất cả cảm xúc nhân tính nhất của con người. Và Bach viết nhạc cho những cảm xúc duy nhất ấy của nó”.

Ngay hội trường, nơi mỗi ngày hàng trăm nhân viên bệnh viện phải nghe và thảo luận những ca bệnh đau đớn và khó khăn, những vị khách du lịch thảnh thơi dần cảm nhận được có điều gì đó đang diễn ra đằng sau những hành lang vắng lặng và sạch sẽ của bệnh viện này.

Tối hôm ấy ông nói về bệnh tả và những ca nhiễm tả kiệt sức đầu tiên trong suốt mấy tháng qua. Có một dịch bệnh đang nhen nhóm quay trở lại. Ông nói về triệu chứng, cơn đau, khả năng chết... Và ông lại thảnh thơi nâng đàn lên.

Beat Richner cho biết: “Các buổi hòa nhạc có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với việc xin tiền du khách tại chỗ. Nó đã đưa thông tin của Kantha Bopha đến khắp nơi. Có lần bệnh viện đã được nhận hỗ trợ 1 triệu USD từ một du khách khi bà đến nghe nhạc và quay trở lại để tặng tiền”.

Buổi hòa nhạc của ông kết thúc bằng bộ phim tài liệu kỷ niệm 15 năm thành lập bệnh viện mà một nhà làm phim người Thụy Sĩ đã mô tả ngắn gọn hành trình của Bệnh viện miễn phí Kantha Bopha. Beat Richner nói lời chào tạm biệt: “Với bạn trẻ, chúng tôi xin máu. Với người già, chúng tôi xin tiền. Với những người giữa hai độ tuổi trên, chúng tôi xin sự đóng góp cả hai”.

Trên con đường hướng về Angkor Wat, bằng hơn 500 buổi hòa nhạc suốt nhiều năm vừa qua, bác sĩ Beat Richner đem về 7-8 triệu USD mỗi năm cho hoạt động của bệnh viện.

Hằng năm, ông cũng có một hoặc hai chuyến quay về Thụy Sĩ với cây đàn cello của mình. Ông có những buổi hòa nhạc lớn tại Zurich, Berne, St.Gallen... trong những nhà thờ, viện bảo tàng lịch sử hoặc nhà hát.

Chính từ đây có những nhà tài trợ lớn nhất của bệnh viện, với hàng chục triệu USD đổ về cho Kantha Bopha mỗi năm, họ biết Beat Richner giúp những đứa trẻ được sống.

Hãy biến nỗi đau thành tình thương...

Beat Richner trầm ngâm nhớ lại: “Cô có biết những người Do Thái sống sót từ những trại tập trung của phát xít Đức không? Năm 1974, tôi đến Campuchia làm trưởng văn phòng Hội Chữ thập đỏ quốc tế tại đây. Và năm 1975 tôi phải về nước. Khmer Đỏ tuyên bố họ sẽ bắt giữ tất cả những người nước ngoài nếu chúng tôi không về nước. Lúc đó Campuchia có hơn 900 bác sĩ, là một trung tâm y tế không thua gì Singapore hay Malaysia. Và năm 1991, khi tôi trở lại, ở đây chỉ còn hơn 60 bác sĩ. Tôi đã sống ngần ấy năm với cảm giác y như những người Do Thái sống sót và thoát khỏi trại tập trung. Đồng nghiệp tôi đã chết. Có bảy bác sĩ nước ngoài đã chết vì họ quyết không di tản. Tại sao họ phải chết? Và tại sao tôi sống? Tôi luôn ân hận” - ông nhún vai và rít một hơi thuốc rất dài.

Từ ngày trở lại Campuchia, Beat Richner chứng kiến hằng ngày những tấm phim CT, những bệnh án nghiêm trọng đến đau lòng. Bên ngoài phòng bệnh, đứa bé gầy rộc, mắt lồi và cả phần bụng phồng lên, thở gấp. Những đứa trẻ đau thắt ngực, khóc không thành tiếng. Ông không bao giờ cho phép mình quá gần gũi với bệnh nhân. Ông sợ những đau đớn chực vỡ òa và không thể giúp mình đủ cứng rắn tiếp tục làm việc.

Trong hồi ký của mình, ông nghĩ đã có lúc sẽ rời xa cây đàn cello vì áp lực công việc, vì chính ông đã rời xa quê hương Zurich mà ông yêu tha thiết.

Năm 1996, khi nhận lời ghi âm album Bach in the pagoda, Beat Richner trở lại là một nghệ sĩ biểu diễn thực thụ với người bạn cello - ông thu âm và ghi hình cho album nhạc J.S.Bach đầu tiên của mình tại Campuchia. Trong album, ông chơi ba tổ khúc của Bach ở một ngôi chùa bằng cây cello của mình.

Âm thanh của cây đàn cello như có thể tạm thời cất bỏ gánh nặng của Beat trong tiếng khóc và sự tuyệt vọng trong đôi mắt những đứa trẻ bệnh tật mà mỗi ngày ông thấy ở Kantha Bopha. Album nhạc được xây dựng cũng để giúp gây thêm quỹ và tiền đổ vào bệnh viện.

Những buổi tối cuối tuần ở Angkor, Beat Richner lặng lẽ xếp đàn vào hộp sau buổi diễn, vội vã châm điếu thuốc và trút một hơi thở dài đầy nặng nhọc. Cuối tuần, đã có thêm vài người biết về dịch bệnh tả, vài người đã tặng tiền và mua sách về bệnh viện, sẽ có thêm những hi vọng mới cho những đứa trẻ nghèo được cứu chữa và sống sót.

Tiếng đàn cello ở Angkor Wat sẽ tiếp tục làm hàng triệu trái tim khách du lịch phải phân vân và khắc khoải về nơi này.

_____________________

Phải đàn cello để vận động từng đồng tiền hỗ trợ, nhưng Beat Richner lại dám mua những thiết bị y tế hiện đại nhất cho nhà thương của mình. Trong triết lý của ông, con người không có sự phân biệt sang - hèn. Họ đáng hưởng quyền được chăm sóc như nhau!

Kỳ tới: Cuộc chiến vì người nghèo

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên