21/07/2010 05:15 GMT+7

Nhà thương thí trong mơ

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Có một bác sĩ đã bỏ gần 20 năm trong cuộc đời mình để xây dựng những nhà thương thí phục vụ người nghèo. Ở đó không có sự miệt thị, lời quát nạt, không có thuốc “hạng hai”... Mỗi bệnh nhân được đối xử bằng với tiêu chuẩn bệnh viện tại châu Âu. Bác sĩ phải ngồi cạnh người bệnh chứ không trốn vào phòng riêng, và bệnh nhân nhi trước khi về quê sẽ được cho tiền trở lại tái khám...

Kỳ 1: Nhà thương của người nghèo

Ngày nào cũng vậy, từ 4-5g sáng những người phụ nữ đội khăn rằn, quấn những chiếc xà rông dài lấm lem bùn đất từ tận những tỉnh quê nghèo xa xôi của Campuchia bồng bế con đứng đợi trước cổng Bệnh viện Kantha Bopha, nằm ngay bên hông ngôi chùa thiêng liêng Wat Phnom ở Siem Reap. Không ai ồn ào. Những đứa bé được ôm trên tay. Có đứa khóc ré lên trong cơn sốt, bà mẹ cầm chiếc khăn ướt chườm mát cho bé.

K4pB8NEF.jpgPhóng to

Những cơ hội sống...

6g, cổng bệnh viện mở. Từng người nhận số, lấy thẻ từ bảo vệ và đi thẳng vào sảnh giữa bệnh viện ngồi xuống chiếu chờ đợi. Sáng hôm ấy, năm bệnh viện Kantha Bopha ở Campuchia đón hơn 1.500 bệnh nhân vào lúc mặt trời vừa ló dạng.

Bác sĩ Beat Richner đến Campuchia từ năm 1974, làm bác sĩ trưởng của tổ chức Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và rời nơi này khi Khmer Đỏ nắm chính quyền. Năm 1991, ông trở lại theo lời mời của nhà vua Campuchia. Bắt đầu với 16 người nước ngoài, hơn 60 giường bệnh và 18 năm trôi qua Beat Richner đã xây dựng năm bệnh viện: Kantha Bopha I, II, IV, V và Jayavarman VII tại Phnom Penh và Siem Reap, hoàn toàn miễn phí cho tất cả trẻ em sinh sống ở Campuchia.

Hàng trăm bà mẹ ngồi bó gối ôm con dưới chiếu, đợi đọc số và bế con lại bàn cân, ghi hồ sơ. Những đứa trẻ có dấu hiệu nguy hiểm nhất: bất tỉnh, sốt nóng quá cao, bị thương... ngay lập tức được đưa thẳng tới các phòng bệnh ICU - nơi đứa bé cần cấp cứu.

Trong phòng dành cho bệnh nhân mới sinh, bà Tau Khau, dì của một đứa bé bị chứng dính phổi sau khi sinh, đang ngồi thực hiện thao tác kích thích hô hấp cho đứa bé bằng túi khí cao su theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đứa bé đến từ tỉnh Kandal. Mẹ bé đã sinh đôi hai chị em và đứa em đã chết.

Hàng xóm mách chị đưa bé còn lại lên Kantha Bopha để tìm cơ hội sống sót. Bác sĩ Dok Busou nói: “Nó sẽ phải ở đây khoảng nửa tháng mới ổn định được”. Phòng bệnh ICU sáng rực trong ánh đèn ấm áp và yên tĩnh so với không khí đông đúc bên ngoài.

Sáng hôm ấy có 340 trường hợp nhập viện vì những bệnh nghiêm trọng. “Đã có năm ca nghi nhiễm tả”- bác sĩ Denis Laurent lo lắng nhìn đồng hồ trên đường đến phòng bệnh trực tiếp xem kết quả. Với cương vị là người quản lý toàn bộ bốn bệnh viện Kantha Bopha I,II, IV, V, Denis Laurent vẫn nắm rất kỹ các căn bệnh có xu hướng chuyển thành dịch hoặc có nguy cơ lớn ở nơi này.

Sáng nào ở Kantha Bopha, các bác sĩ cũng phải đón hơn 1.000 bệnh nhân nhi được đưa đến trong nhiều tình trạng đau lòng: sốc vì sốt xuất huyết, bất tỉnh vì kiệt sức do bệnh tả, đau quằn quại giữa ngực... Suốt ngày đêm, những phòng bệnh từ trẻ sơ sinh vài ngày tuổi đến phòng cho trẻ lớn 15 tuổi lúc nào cũng sáng đèn.

Trong một phòng chuyển bệnh cấp cứu, cô Borou Hul khóc ngất khi đứa con nhỏ nằm duỗi thẳng người trên giường, thở yếu ớt, ánh mắt lạc thần. Con cô bị nghi bệnh tả và đang chờ kết quả xét nghiệm. Cô cho biết hôm đầu tiên bé bệnh cô đã đưa con đến bác sĩ gần nhà, chích mỗi mũi thuốc giá 1,5 USD và đã chích mười mũi như thế trong hai ngày qua.

Cô chỉ đưa bé lên Kantha Bopha khi mấy người hàng xóm ép buộc và mách bảo. Nhà nghèo và ở quá xa Phnom Penh, việc đưa một đứa bé đi xa làm cô lo sợ. Và hôm nay đứa bé đang được theo dõi liên tục bởi một y tá túc trực ngay bên cạnh.

tGr1GgvJ.jpgPhóng to

“Phòng làm việc” của bác sĩ là một bàn lớn, quanh họ là giường bệnh nhân - Ảnh: L.Phương

Bác sĩ ư? Đừng ngồi phòng riêng!

Ở một con đường hướng tới cổng ra bệnh viện, một quầy thuốc mở rộng hai cửa sổ đặt ngay trước một kho dược phẩm khổng lồ của bệnh viện. Những toa thuốc màu trắng, màu vàng được các dược sĩ xem kỹ càng, cấp thuốc và ghi chú liều uống bằng số cho cả những bà mẹ mù chữ và dặn dò kỹ lưỡng.

Quầy thuốc của Kantha Bopha nhập trực tiếp thuốc từ Thái Lan, thông qua các tập đoàn dược phẩm lớn và các sản phẩm mới, ít tác dụng phụ từ châu Âu. Nhận thuốc điều trị không tốn tiền chỉ là khâu cuối cùng trong quy trình điều trị cho bệnh nhân nhi hoàn toàn miễn phí ở bệnh viện này.

Những đứa trẻ bị bệnh lao hoặc bệnh cần theo dõi thời gian dài được nhận thêm món tiền nhỏ, vừa với vé xe đi và về tỉnh nhà, với điều kiện của bác sĩ là phải đưa bé quay lại tái khám đúng thời gian được dặn dò. Cô bé 8 tuổi Ny Rhom ôm túi đồ theo ông nội là nông dân về lại tỉnh Kompong Chnang sau khi nằm tám đêm vì bệnh lao tại bệnh viện. Phiếu tái khám đề ngày 19-8-2010 của em sẽ được lãnh thêm tiền xe về địa phương, cách bệnh viện 200km.

“Tất cả mọi người đều giữ lời hứa đưa các em quay trở lại, chúng tôi rất ít khi gặp phải trường hợp bỏ dở quá trình điều trị. Bệnh lao rất nguy hiểm, nếu uống thuốc và ngưng không đúng sẽ tạo ra lao kháng thuốc. Đứa bé sẽ chết nhanh hơn”.

Các giường bệnh bình thường được đặt gần nhau ở khoảng cách vừa phải. Kế bên giường là một chiếc ghế - dành cho cha hoặc mẹ đứa trẻ ngồi chăm sóc con. Các dãy giường bệnh đều hướng đến một trung tâm duy nhất: bàn làm việc của bác sĩ. Đó là một chiếc bàn lớn đặt giữa phòng với ghế nhựa rẻ tiền và vài chiếc tủ kê sát tường.

Hồ sơ bệnh án và giấy tờ trong tủ. Bác sĩ ngồi ngay giữa phòng cùng với các y tá. Chỉ một tiếng kêu thất thanh của mẹ nếu bé có chuyện bất thường, bác sĩ sẽ là người có mặt đầu tiên. Không có chỗ nghỉ ngơi cho bác sĩ. Không có phòng riêng cho y tá. Chỉ có một chỗ nhỏ xíu để treo áo và thiết bị sau một cánh cửa đóng kín và khuất. Bác sĩ Beat Richner - giám đốc bệnh viện - nói một cách khắt khe: “Chúng tôi không trả tiền để họ ngồi trong các phòng khám và tán dóc hay xem tivi. Họ phải theo dõi bệnh nhân đang nguy kịch!”.

“Ở đây chúng tôi không có vòng luân chuyển của tiền” - bác sĩ Beat Richner tự hào khi nhìn những gương mặt gầy rộc và sạm nắng của những bà mẹ nghèo ánh lên nụ cười khi ôm đứa con khỏe mạnh trở về nhà...

_________________

Nạn bác sĩ ăn cắp thuốc, nạn phòng mạch riêng, chân trong chân ngoài... đã được bác sĩ Beat Richner giải quyết theo triết lý “rạp xiếc” như thế nào?

Kỳ tới: Triết lý “rạp xiếc”

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên