22/01/2013 09:30 GMT+7

Một số quy định đang "sống dở chết dở"

LAN ANH - LÂM HOÀI - THẠNH HƯNG
LAN ANH - LÂM HOÀI - THẠNH HƯNG

TT - Có thể nhắc ngay nghị định 45/2005 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế): cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng đối với một trong các hành vi như hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng.

Cụ thể như trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm.

tFmrgUPo.jpgPhóng to
Một người đàn ông vứt rác bừa bãi ở phố Thái Thịnh, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Từ ngày 1-1-2010, quy định bổ sung nhiều địa điểm công cộng, nơi làm việc trong nhà bị cấm hút thuốc lá. Thế nhưng việc vi phạm vẫn vô tư diễn ra hằng ngày, ngay cả tại những nơi cần phải cấm triệt để như trường học, bệnh viện.

Một năm rưỡi sau khi quy định có hiệu lực, trên cả nước mới chỉ có 10 người bị phạt do hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc.

* Quy định xử phạt hành vi sử dụng điện thoại ở cây xăng cũng đang “sống dở chết dở”. Theo nghị định 52/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (có hiệu lực từ ngày 5-8-2012), mức phạt dành cho hành vi sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm (trong đó có các cây xăng) tăng từ 200.000-500.000 đồng lên gấp 10 lần thành 2-5 triệu đồng. Về lý, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt thì rất nhiều (UBND phường, công an quận, CSGT, cảnh sát PCCC...) nhưng rồi chẳng ai xử và chẳng ai bị phạt vì “alô” ở cây xăng.

* Việc giao xã, huyện bắt chó, mèo cũng nằm trong tình trạng “khó nuốt”. Theo quyết định 2891/QĐ-BNN-TY phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 do Bộ NN&PTNT ban hành ngày 14-11-2012, UBND các cấp có nhiệm vụ lập đội bắt giữ chó, mèo chạy rông và mắc bệnh dại. Thế nhưng xã, huyện không có nhân lực, phương tiện, công cụ và nơi chốn để thực hiện việc này.

* UBND TP Hà Nội quy định vào tháng 2-2010 xử phạt hành chính từ 100.000-300.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định, phạt từ 5-10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển... Đây là mức xử phạt “nhắc lại” từ nghị định 23 của Chính phủ ban hành trước đó quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng...

Quy định là vậy nhưng đi dọc các tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn nhiều quận, đặc biệt các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa (Hà Nội)... có thể dễ dàng bắt gặp nhiều đống rác thải từ lớn tới nhỏ. Bi hài hơn, rác không chỉ xuất hiện ở những nơi công cộng mà còn xuất hiện phổ biến ngay tại những nơi cắm biển... cấm đổ rác. Các hành vi đổ rác bừa bãi diễn ra rất phổ biến nhưng thực tế việc kiểm tra, xử lý hầu như không được thực hiện.

Ông Trần Viết Ngôn, phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, thừa nhận các lực lượng chức năng hiện nay không quan tâm tới lĩnh vực này, việc kiểm tra, xử phạt hành vi đổ rác sai quy định bị xem nhẹ và bỏ quên trong một thời gian dài.

LAN ANH - LÂM HOÀI - THẠNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên