29/12/2010 07:13 GMT+7

Thực tế không như mong ước

Thùy Dương ghi
Thùy Dương ghi

TT - Đó là ý kiến chung của các thầy thuốc, các công ty dược trong nước khi nói về việc làm gì để có thuốc giá rẻ, chất lượng tốt cho người dân VN.

CdhW3qsq.jpgPhóng to
Cử nhân Vũ Văn Thắng điều chế thuốc Pegnano điều trị viêm gan siêu vi B và C ở phòng thí nghiệm của Công ty Nanogen tại Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM Ảnh: THANH ĐẠM

* Dược sĩ Ông Văn Dũng (tổng giám đốc Công ty TNHH Stada VN): Tranh thủ cơ hội để có thuốc rẻ

Với điều kiện hiện nay của VN, thật sự các công ty dược trong nước chưa đủ khả năng tìm ra thuốc mới. Ở thời điểm trước khi VN chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Công ty Stada VN cũng tập trung cao độ cho việc sản xuất các thuốc còn thời hạn bản quyền để có thể đăng ký lưu hành thuốc. Hiện có rất nhiều loại thuốc của Stada VN sản xuất còn trong thời hạn bản quyền của công ty nước ngoài, thậm chí bản quyền đến sau năm 2020.

Chúng tôi cũng từng bị các công ty nước ngoài kiện vi phạm bản quyền khoảng 4-5 lần. Cuối cùng chúng tôi đều thắng, không bị rút số đăng ký, không phải bồi thường cho họ. Làm được việc này là do chúng tôi biết công ty độc quyền bảo hộ sản phẩm tại VN theo những nội dung nào để triển khai sản phẩm ở những điểm mà họ chưa bảo hộ. Không chỉ VN, rất nhiều quốc gia khác cũng làm tương tự.

Chúng tôi tự hào hiện nay thuốc trị bệnh AIDS tại VN không có nhà sản xuất thuốc gốc nào nhập về, mà toàn bộ sử dụng thuốc trong nước do Công ty Stada VN và một số công ty khác sản xuất với giá rẻ hơn 50-70% thuốc độc quyền trước đây.

Về nhóm thuốc đặc trị các bệnh nan y, mãn tính, Stada VN cũng sản xuất được hầu hết các loại ở dạng viên, chỉ còn thuốc tiêm là chưa có cơ sở sản xuất. Giá thành các thuốc này chưa tới 50% so với thuốc gốc, thậm chí có loại giá chỉ bằng 10-15% thuốc gốc. Vì quyền lợi của dân mình, chúng tôi phải tận dụng cơ hội để có thuốc rẻ cho người dân.

* DS Trần Thị Đào (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty Imexpharm): Tiếp cận công nghệ nhượng quyền

Đặc thù của công ty chúng tôi là tiếp cận công nghệ nhượng quyền của các công ty đa quốc gia. Sản xuất nhượng quyền có ưu điểm là công ty nước ngoài sẽ đến VN kiểm tra, xét duyệt dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc, hệ thống quản lý chất lượng. Khi thấy đạt tiêu chuẩn tương đương tập đoàn đa quốc gia, họ sẽ giao hết quy trình công nghệ, sản phẩm và thương hiệu bản quyền của họ cho mình sản xuất thay vì phải nhập về VN để bán. Giá thuốc sản xuất nhượng quyền rẻ hơn thuốc nhập khẩu 15-20%.

Nếu thật sự trong nước sản xuất được thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B, C với giá như Nanogen công bố mà không vi phạm sở hữu trí tuệ thì vô cùng có lợi cho người dân.

* TS.DS Phạm Thị Việt Nga (tổng giám đốc Công ty Dược Hậu Giang): Chờ... hết bản quyền

Với giá thuốc đặc trị hiện nay, để điều trị những bệnh mãn tính, nan y... thì dù giàu cũng sẽ trở thành nghèo vì giá thuốc quá cao do độc quyền nước ngoài và do trong nước chưa sản xuất được.

Khó khăn lớn nhất của các công ty dược VN là khả năng kỹ thuật chưa cao, những mặt hàng độc quyền thì chưa được phép sản xuất. Vì vậy sách lược của Dược Hậu Giang hiện nay là tiếp tục theo dõi các thuốc nước ngoài hết thời hạn bản quyền, đồng thời nắm bắt những đề tài khoa học nghiên cứu trong nước để ứng dụng sản xuất. Nhờ thế, chúng tôi đã sản xuất được khoảng mười mặt hàng đặc trị hết thời hạn bảo hộ của nước ngoài để điều trị tim mạch, huyết áp, hạ mỡ máu.

* GS.BS Phạm Hoàng Phiệt (phó chủ tịch Hội Gan mật VN, chủ tịch Hội Gan mật TP.HCM): Chỉ 20% bệnh nhân có khả năng điều trị

Ở góc độ thầy thuốc điều trị cho bệnh nhân, có được thuốc tốt mà giá lại rẻ luôn là điều mong ước. Không may là thực tế ít khi đáp ứng được các mong ước này. Giá thuốc Peg Interferon hiện nay đúng là một trở ngại lớn cho bệnh nhân.Thực tế điều trị chúng tôi thấy chỉ khoảng 20% người bệnh có chỉ định chích thuốc đặc trị có khả năng tài chính để dùng Peg Interferon. Tuy nhiên, thầy thuốc có thể dùng Interferon giá thấp hơn nhiều cho bệnh nhân, tất nhiên hiệu quả thấp hơn Peg Interferon.

Pegnano của Công ty Nanogen là thuốc sinh học tương tự (bio similar) với Pegasys, nhưng chúng tôi chưa thấy công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng nào trên các tạp chí chuyên ngành về gan mà chúng tôi thường tham khảo. Nếu việc lưu hành thuốc Pegnano phù hợp về pháp luật kèm các bằng chứng khoa học về hiệu quả lâm sàng mà giá rẻ, Hội Gan mật TP sẽ động viên sử dụng một sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của VN.

* Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí (trưởng khoa nhiễm E Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM): Đưa thuốc viêm gan vào danh mục bảo hiểm y tế

Là thầy thuốc, chúng tôi mong muốn làm sao giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật, có đời sống tốt và cuộc sống được kéo dài hơn. Vấn đề quan trọng khi điều trị viêm gan siêu vi là an toàn và vừa với khả năng kinh tế của bệnh nhân. Do đó chúng tôi luôn tư vấn cho bệnh nhân biết hiệu quả, độ an toàn, giá thuốc... rồi khuyên bệnh nhân suy nghĩ trước khi quyết định điều trị.

Đúng là giá thuốc hiện nay quá đắt, rất nhiều bệnh nhân cần những giải pháp để cứu sống họ. Các giải pháp đó không chỉ của ngành y tế mà cả xã hội phải cùng chung tay bằng cách giúp bệnh nhân tiếp cận được thuốc điều trị. Một giải pháp, theo tôi, có thể làm được là đưa thuốc đặc trị viêm gan siêu vi vào danh mục bảo hiểm y tế để nhiều bệnh nhân có cơ hội được trị bệnh tốt hơn.

Chị N.T.T. (35 tuổi, Q.Ba Đình, Hà Nội): Đợi thuốc giá rẻ mới điều trị tiếp

Trong một lần khám sức khỏe định kỳ cách đây một năm, chồng tôi phát hiện mắc bệnh viêm gan siêu vi C. Ba tháng đầu, mỗi tháng chồng tôi phải chích bốn mũi Pegasys (của Roche) với giá 4.360.000 đồng/mũi, ba tháng sau mỗi tháng tiếp tục chích ba mũi. Từ tháng thứ sáu đến tháng thứ tám mỗi tháng chích hai mũi. Đó là khoảng thời gian khủng hoảng nhất với gia đình tôi. Số tiền góp nhặt sau nhiều năm của vợ chồng tôi đã bay vèo chỉ trong thời gian ngắn.

Sau tám tháng liên tục điều trị, kết quả kiểm tra cho thấy chồng tôi không có virut trong máu nữa và bác sĩ cho chồng tôi ngưng dùng thuốc. Chưa vội mừng thì bốn tháng sau, chồng tôi đi định lượng lại virut thì bác sĩ thông báo virut đã bùng phát, số lượng còn nhiều hơn cả trước đây nên đề nghị chồng tôi điều trị trở lại. Lúc này gia đình tôi không còn đủ tiền để điều trị với thuốc Pegasys vì tám tháng trị bệnh đã hết 150 triệu đồng. Nếu tiếp tục điều trị bằng loại thuốc này, vợ chồng tôi sẽ mất khoảng 200 triệu đồng nữa nên chồng tôi đành ngưng điều trị và chờ mong có loại thuốc giá rẻ hơn.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nanogen có thể kiện lại RocheMục đích cuối cùng: vì người dân!Mơ ước thuốc giá rẻLuật bản quyền cần được thay đổiĐừng để người nghèo không mua được thuốcVừa được cấp phép đã bị khiếu nại Thuốc rẻ cứu sống người nghèo

Thùy Dương ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên