05/07/2010 08:09 GMT+7

Bài học Vinashin: Xem lại cơ chế giám sát các tập đoàn

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Gặp gỡ đầu tuần với Tuổi Trẻ về câu chuyện thời sự Vinashin, ông Trần Hữu Huỳnh - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN - cho rằng cần phải xem lại cơ chế giám sát các tập đoàn. Từ bài học Vinashin, ông cũng đề nghị lập ra một cơ quan quản lý công sản độc lập để quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.

BDQTahze.jpgPhóng to
Ông Trần Hữu Huỳnh - Ảnh: K.H.

Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồngVinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoài 3 năm sau Vinashin hết khó khăn

Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự kiện Vinashin phải tái cơ cấu, ông Trần Hữu Huỳnh - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN - cho rằng qua đây cần xem lại vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước và quy trình ra quyết định tại các tập đoàn để đạt hiệu quả cho đồng vốn nhà nước.

Ông Huỳnh nói:

"Các doanh nghiệp nhà nước thường có những lợi thế “trời cho” như tiếp cận đất đai dễ dàng, điều kiện vay vốn thuận lợi, khả năng được bảo lãnh cả về nguồn lực vật chất lẫn con người trong kinh doanh, cũng như “né” được những đòn khắc nghiệt của thị trường như giải thể, phá sản nhờ sự giải cứu của Nhà nước... nên dễ khiến các lãnh đạo chủ quan, coi thuận lợi này là thế mạnh, trong khi không phải vậy"

Ông Trần Hữu Huỳnh

- Vinashin khó khăn, Thủ tướng có quyết định tái cơ cấu không chỉ là chuyện của một tập đoàn kinh tế nhà nước vì vốn của các tập đoàn này là của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân. Câu chuyện của Vinashin đã được quan tâm khá lâu, từng có những câu hỏi, những lời cảnh báo nhiều lần về hiệu quả hoạt động kinh doanh, việc đầu tư dàn trải ra ngoài ngành không chỉ của tập đoàn này mà còn của các tập đoàn kinh tế nhà nước khác.

Do đó đằng sau quyết định tổ chức lại Vinashin, điều đáng bàn không chỉ là những thiệt hại kinh tế mà cần làm rõ thêm các vấn đề chung cũng như những bài học cần được rút ra.

* Thủ tướng đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm trong việc để Vinashin khó khăn. Ông có cho rằng việc cần kiểm điểm đầu tiên chính là các quyết định đầu tư ngoài ngành và cơ chế ra quyết định đó?

- Luật doanh nghiệp nhà nước, nghị định về các tập đoàn kinh tế nhà nước đã quy định việc để doanh nghiệp thua lỗ hai năm liền thì trách nhiệm của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc thế nào khá rõ nên việc xem xét trách nhiệm theo yêu cầu của Thủ tướng không khó. Nguyên nhân tình trạng khó khăn của Vinashin, theo tôi, nằm ở chỗ đội ngũ “cầm lái” tập đoàn này đã muốn “con tàu Vinashin” lớn nhanh, chạy nhanh trong khi nguồn lực có hạn và bị ngược gió. Doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với những điều thuận và không thuận của thị trường.

Lãnh đạo doanh nghiệp giỏi phải biết tạo đột phá, nhưng cần xem lại quy trình ra quyết định đầu tư đột phá đó có đúng không. Với Vinashin, tôi băn khoăn không biết các quy trình ra quyết định đầu tư đó có được đặt ra một cách cẩn trọng, hợp lý, minh bạch không. Điều này càng có ý nghĩa đối với một tập đoàn rất lớn mà chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.

Thành bại trong các quyết định đầu tư trên thương trường phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng cần nhấn mạnh đến yếu tố rất quan trọng là quy trình ra quyết định đầu tư và tính chịu trách nhiệm đối với thành bại của các quyết định đó. Nơi nào có sự tính toán toàn diện, có giám sát chặt chẽ, phản biện khoa học, đề cao trách nhiệm cá nhân, sự mẫn cán, trung thành với lợi ích của chủ sở hữu và có chế độ thưởng - phạt hợp lý thì khả năng thất bại sẽ ít hơn. Với các doanh nghiệp nhà nước, nơi dễ có tình trạng “cha chung không ai khóc”, nơi mà cơ chế tự chịu trách nhiệm chưa rõ ràng thì quy trình này lại càng quan trọng.

* Nghĩa là chúng ta đã cho Vinashin đặc thù chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc là không nên? Đặc thù này dễ cho quyền cá nhân, khó cho sự khách quan, huy động được trí tuệ tập thể?

- Chúng ta đang thí điểm tập đoàn kinh tế nhưng thí điểm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc không phù hợp với loại tập đoàn nhà nước lớn. Một số quyết định đầu tư của Vinashin không hẳn là sai nhưng vấn đề là trước khi đầu tư anh có thực hiện đúng quy trình như khảo sát thị trường, thăm dò khách hàng, rồi lập các báo cáo tiền khả thi, khả thi không. Trên thực tế, nếu một cá nhân có quyền quyết định đầu tư thì quyết định đó thường mang nhiều rủi ro, duy ý chí và khả năng thất bại sẽ cao hơn.

* Để các tập đoàn thua lỗ, khó khăn thì trách nhiệm của các bộ ngành cũng không thể không tính tới?

- Để Vinashin khó khăn như hiện nay, hoạt động giám sát chưa hiệu quả. Nợ trên vốn chủ sở hữu của Vinashin tính đến cuối năm 2008 là trên 10 lần theo báo cáo giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo nguyên tắc thị trường, một doanh nghiệp nợ quá ba lần vốn đã có thể bị đặt vào diện giám sát đặc biệt và chủ sở hữu cũng phải có những điều kiện ngặt nghèo hơn. Các ngân hàng cũng thường không cho doanh nghiệp này vay thêm hoặc điều kiện cho vay sẽ chặt chẽ hơn. Câu hỏi đặt ra là Vinashin khó khăn thì các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm chưa, có cơ chế giám sát đặc biệt không để ngăn ngừa diễn biến xấu hơn?

* Chúng ta đang giao rất nhiều vốn nhà nước và quyền cho một số người đại diện tại các tập đoàn. Cơ chế giám sát bán chuyên trách hiện nay của Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát được những vấn đề phức tạp của các tập đoàn?

- Nếu thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế thì cũng nên cải cách cơ chế giám sát của chủ sở hữu. Cơ chế giám sát đó hiện nay ở VN chưa rõ lắm. Theo tôi, từ bài học Vinashin, VN cần gấp rút nghiên cứu các mô hình chuyên trách kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, theo hướng lập ra ủy ban quản lý công sản độc lập với chức năng quản lý nhà nước để thực hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên