23/08/2012 06:42 GMT+7

Học kỹ năng từ hoạt động cộng đồng

 BẢO LỆ
 BẢO LỆ

AT - Tham gia hoạt động cộng đồng là một trong những con đường giúp bạn học tập và trải nghiệm kỹ năng sống hiệu quả nhất.

EqR7wrJO.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Thùy Dương (thứ hai, hàng đầu từ trái sang) cùng các bạn trẻ tham gia Ngày thế giới ôm tự do 2012 tại VN

Đó là những hoạt động nằm ngoài chương trình học chính khóa, ở nhiều lĩnh vực và hình thức khác nhau. Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia như: Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, Đạp xe xuyên Việt, Giờ Trái đất (Earth hour), Ôm tự do (Free hugs day), cùng các hoạt động của các câu lạc bộ thiện nguyện...

Học từ thực tế

Dù ở bất cứ hình thức nào thì điểm chung của các hoạt động cộng đồng này là yếu tố tình nguyện, không khí cởi mở, thân thiện cũng như hướng đến những giá trị giàu tính nhân văn. Những hành động tưởng chừng như nhỏ bé lại mang đến cho người tham gia bài học vô cùng lớn lao.

Với Nguyễn Thị Thùy Dương, sinh viên năm nhất Trường ĐH quốc tế Việt Đức (Bình Dương), việc tham gia Ngày thế giới ôm tự do 2012 tại VN vừa rồi là trải nghiệm khó quên. Chưa từng tham gia bất cứ hoạt động cộng đồng nào trước đây, Thùy Dương tìm đến sự kiện “Free hugs day” chỉ vì chút tò mò. “Nhưng sau đó mình đã lột xác hoàn toàn và rút ra được nhiều bài học quý giá”, Thùy Dương cho biết.

Công việc chủ yếu của Thùy Dương khi tham gia chương trình là đi khắp công viên và đường phố, trao cho những người hoàn toàn xa lạ những chiếc ôm ấm áp, thân tình để nối kết mọi người với nhau. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được là cả một quá trình quan sát, học hỏi và tìm cách thuyết phục. Không tránh khỏi cảm giác ngượng ngùng, tự ái và thậm chí là chán nản khi bị “đối phương” thẳng thừng từ chối, Thùy Dương nhận ra mình “phải biết vận dụng kỹ năng thuyết phục”. Cô bạn đúc kết: “Mình phải thể hiện được thật sự chân thành, chú ý đến biểu cảm của nét mặt, cử chỉ của chính mình và của người đối diện để có thể thuyết phục hiệu quả”.

Từng tham gia nhiều khóa kỹ năng mềm do trường tổ chức, nhưng chỉ khi tham gia sự kiện “Ôm tự do”, Thùy Dương mới nhận ra từ lý thuyết đến ứng dụng vào thực tế là “cả một quá trình”. Môi trường thực tế bên ngoài cần sự ứng biến linh hoạt rất nhiều. “Qua quá trình thất bại, rồi quan sát, rút kinh nghiệm, học hỏi..., bạn sẽ ngộ ra được nhiều điều mà trên lớp học không thể nào có được”, Thùy Dương nhấn mạnh. Gặp gỡ nhiều người cũng là cách giúp cô bạn trở nên dạn dĩ và tự tin hơn trong giao tiếp...

Còn với Nguyễn Thị Vân, sinh viên năm 2 Trường ĐH Luật TP.HCM, việc tham gia chương trình Giờ Trái đất đã cho cô bạn những bài học về kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm. Phụ trách truyền thông của chương trình, Vân phải tìm cách sắp xếp công việc, thời gian, địa điểm cũng như điều phối tình nguyện viên sao cho hợp lý. “Các bạn tham gia trên tinh thần tự nguyện nên cái khó nhất là phải thống nhất ý kiến và thuyết phục mọi người”, Vân chia sẻ. Vân khẳng định việc tham gia chương trình là một cơ hội học hỏi và thực hành mà không ở đâu có được.

Đi để trưởng thành

Hoạt động cộng đồng còn đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung các kỹ năng và kinh nghiệm sống cho bạn trẻ để hoàn thiện và trưởng thành hơn.

Trước khi tham gia chương trình Đạp xe xuyên Việt, Nguyễn Thúy Hà, sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tự nhận mình là người nhút nhát, bồng bột và ít biết lo lắng cho người khác. Chuyến hành trình đạp xe qua 15 tỉnh thành dọc chiều dài đất nước đã giúp cô bạn tích lũy thêm nhiều kỹ năng để trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Gần 25 ngày bên các đồng đội là quãng thời gian quý giá để Hà có thể làm quen và trò chuyện với nhiều người bạn, học cách chia sẻ khó khăn và hỗ trợ lẫn nhau. “Khi đi chung đoàn, bạn phải để ý người đằng trước và sau mình có gặp trở ngại gì không để còn giúp đỡ. Sự quan tâm như vậy khiến mọi người tin tưởng và gắn bó nhau hơn”, Hà chia sẻ. Những kỹ năng làm việc nhóm và tổ chức các sự kiện tại những nơi đi qua cứ lớn dần theo từng bước chân. Để khi trở lại TP.HCM, Hà đen và gầy hơn nhưng tinh thần lại mạnh mẽ, kiên cường hơn bao giờ. “Có đi mới biết yêu thương nhiều hơn và biết dựa vào nhau để vượt qua khó khăn”, cô bạn khẳng định. Hà còn tự hào về những kỹ năng rèn luyện được sau chuyến đi như giao tiếp tốt hơn, tự tin hơn, làm việc nhóm hiệu quả, tổ chức sự kiện thành thạo hơn.

Còn chương trình Mùa hè xanh (MHX) do trường tổ chức đã giúp Tiêu Kim Anh, sinh viên năm 2 Trường ĐH KHTN TP.HCM, thay đổi rất nhiều. Là chiến sĩ MHX phải hằng ngày tiếp xúc, khuyến khích bà con tham gia an toàn giao thông, vệ sinh môi trường..., Kim Anh dần trở nên chững chạc và thân thiện hơn trong mắt mọi người. Ngoài ra, thời gian diễn ra MHX cũng trùng với khóa học tiếng Anh nên cô bạn phải sắp xếp hợp lý để hoàn thành tốt cả hai việc. “Tập cách làm chủ quỹ thời gian ít ỏi của bản thân làm mình thấy có trách nhiệm và “người lớn” hơn hẳn”, Kim Anh cho hay.

Không thể phủ nhận việc tham gia các hoạt động ngoại khóa là cách dễ dàng và hiệu quả nhất để tích lũy và trau dồi những kỹ năng thiếu sót. Hơn thế, đó còn là môi trường để phát huy, khám phá những kỹ năng của bản thân. Trải nghiệm thực tế luôn là cách để bạn trẻ lựa chọn học hỏi.

HzlkYZ9I.jpgPhóng to

Áo Trắng số 15 ra ngày 15/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 BẢO LỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên