93% doanh nghiệp không giới thiệu sản phẩm mới

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 05/12/2012 05:12 GMT+7

TTCT - Khó tiếp cận vốn nên doanh nghiệp (DN) không đầu tư, vì vậy chẳng có sản phẩm mới. “Cái sảy nảy cái ung”, tiêu thụ và sản xuất lại càng thêm khó...

Và đây là một trong những điều vẽ nên chân dung DN vừa và nhỏ của Việt Nam mà báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam” năm 2011 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Đại học Copenhagen (Đan Mạch) vừa công bố cho thấy.


Những con số đáng suy ngẫm

* Có 31,3% DN năm 2009 không chi hối lộ nhưng đến năm 2011 lại phải chi. Trong 1.999 DN, có tới 335 DN đã chi hối lộ cả trong năm 2009 và 2011. Điều này cho thấy các DN hiện nay vẫn phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn về việc phải chi các khoản phi chính thức “để được việc”.

* DN lớn có xác suất chi hối lộ cao hơn so với các DN siêu nhỏ, khoảng 10%. DN ở miền Nam có tỉ lệ chi hối lộ thấp hơn so với DN cùng đặc tính ở miền Bắc.

* Kết quả khảo sát cho thấy 30% DN thực hiện các khoản thanh toán không chính thức để đối phó với các cơ quan thuế trong năm 2011 so với tỉ lệ 26% của năm 2009. Mức tăng này là khá nhanh. 

 Trao đổi với TTCT, ông NGUYỄN THÀNH TÂM, Ban cải cách và phát triển DN - CIEM, cho biết:

- Theo kết quả khảo sát, số lao động toàn thời gian của gần 2.000 DN vừa và nhỏ đã giảm từ 28.174 năm 2009 xuống 26.414 năm 2011. Tính ra tổng số lao động giảm 6,2%. Mặc dù để xác định được mức độ tác động mạnh hay yếu của khủng hoảng toàn cầu, cần xem xét, phân tích nhiều yếu tố khác như năng suất lao động, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, xuất khẩu... Nhưng thực tế cho thấy khủng hoảng kinh tế toàn cầu kết hợp với suy giảm kinh tế ở Việt Nam đã tác động rất tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN vừa và nhỏ.

Điều này cũng thể hiện qua số lượng DN đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian qua lớn (theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, có hơn 26.000 DN giải thể, ngưng hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2012) và lượng tồn kho sản phẩm lớn.

* Nhiều DN đã phá sản, ngừng hoạt động, ngành nào chịu ảnh hưởng mạnh nhất?

- Trong số trên 2.500 DN khảo sát năm 2009 có 20% đã đóng cửa vào năm 2011. Căn cứ theo kết quả điều tra của chúng tôi, DN hoạt động trong ngành may mặc và da giày là những DN có tỉ lệ thoát khỏi thị trường cao hơn so với các ngành nghề khác - bình quân khoảng 15%/năm đối với may mặc và 17,5%/năm đối với da giày. Nguyên nhân có thể xuất phát từ đặc điểm hoạt động của các DN này gắn với xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường Mỹ, EU trong khi nhu cầu về sản phẩm dệt may, da giày suy giảm.

Điều đáng lưu ý đối với các nhà làm chính sách là các DN hộ gia đình và công ty hợp danh lại có tỉ lệ thoát khỏi thị trường ít hơn so với các loại hình DN khác. Tại Hà Nội và TP.HCM, tỉ lệ DN thoát khỏi thị trường cao hơn tỉ lệ bình quân chung cả nước.

* Tỉ lệ DN cải tiến sản phẩm đã giảm từ 41% xuống 38%. Điều này có nghịch lý và cho thấy nguy cơ gì?

- Theo số liệu từ cuộc điều tra, có tới 93% DN không giới thiệu sản phẩm mới trong suốt bốn năm. Tỉ lệ DN có đầu tư cho thiết bị trong giai đoạn 2009-2011 khoảng 15%. Đáng lưu tâm là tỉ lệ DN có đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm khoảng 0,2%. Do mức độ đầu tư thấp cho máy móc, thiết bị và cho nghiên cứu phát triển thấp như vậy, tất yếu sản phẩm mới cũng sẽ có tỉ lệ không cao.

Trong khủng hoảng kinh tế, sản phẩm của DN tiêu thụ khó khăn hơn nên tất yếu các DN vừa và nhỏ sẽ có kỳ vọng đầu tư để cải tiến sản phẩm. Nhưng do nhu cầu sản phẩm bị suy giảm và năng lực hạn chế (phần lớn DN vừa và nhỏ trong cuộc điều tra là các DN hộ gia đình) nên tỉ lệ cải tiến sản phẩm giảm. Tất nhiên vẫn có một số DN chuyển hướng, giới thiệu và khai thác sản phẩm mới để vượt qua khó khăn.

Một điểm sáng là qua kết quả cuộc điều tra, năng suất lao động theo doanh thu và giá trị gia tăng của DN vừa và nhỏ năm 2011 lại tăng đáng kể so với năm 2009. Nên có thể nói rằng bên cạnh những khó khăn, khủng hoảng cũng thúc đẩy DN vừa và nhỏ tái cơ cấu sản xuất và họ đã thực hiện các biện pháp để nâng cao năng suất.

“Nếu xu hướng sụt giảm về mức độ cải tiến sản phẩm tiếp tục kéo dài thì rất có thể các DN vừa và nhỏ sẽ phải sớm rút lui khỏi thị trường. Thực tế cho thấy trong chín tháng đầu năm nay, hàng tồn kho là một vấn đề lớn và đã có trên 42.000 DN phải ngừng hoạt động và giải thể” - TS Phạm Thị Thu Hằng (tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp VN).

* Báo cáo cũng nêu 59% DN không nộp hồ sơ xin vay chính thức tại các ngân hàng mà lại có hoạt động vay không chính thức. Vì sao có chuyện này?

- Trong số 59% DN không nộp hồ sơ xin vay chính thức (1.729 DN) có 43% có thể được gọi là DN gặp khó khăn tín dụng, nâng tổng số DN có tiếp cận hạn chế hoặc gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng lên tới 39%. Tức là cứ 10 DN thì có gần bốn DN gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

* Vậy theo các chuyên gia nên tập trung vào đâu để hỗ trợ DN vừa và nhỏ?

- Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất mặc dù đã có sự cải thiện giữa năm 2009 và 2011. DN vừa và nhỏ tại VN có vai trò làm sống động nền kinh tế. Vì vậy, những khó khăn của họ hiện nay như chi phí không chính thức, không ra được sản phẩm mới, khó tiếp cận vốn ngân hàng... cần được quan tâm và có biện pháp hiệu quả tháo gỡ trên thực tế.

Báo cáo của chúng tôi góp phần đưa ra thực trạng hiện nay. Chỉ khi có giải pháp tốt thì thực trạng mới được giải quyết. Hi vọng trong thời gian tới, các biện pháp hỗ trợ khu vực DN vừa và nhỏ sẽ mạnh mẽ hơn, bởi sự phục hồi và phát triển của họ là một trong những yếu tố quyết định việc hồi phục và ra khỏi khó khăn của nền kinh tế VN.


Sợ cạnh tranh trong nước hơn

Một báo cáo khác cũng do CIEM và ĐH Copenhagen nêu ra một hiện tượng: các DN Việt Nam cảm nhận phải đương đầu với cạnh tranh trong nước mạnh mẽ hơn so với thị trường nước ngoài. Gần 40% DN xuất khẩu cho biết họ không có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất của mình và chỉ có 8% DN xuất khẩu có trên 10 đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, 78% DN cho biết có một số đối thủ cạnh tranh và 36% cho biết phải đối mặt với hơn 10 đối thủ. Lý giải điều này, các tác giả cho rằng DN Việt Nam bán hàng ở nước ngoài có thể vẫn đang hoạt động trong những phân khúc, ngách thị trường nhỏ. Trong tổng số mẫu gồm hơn 7.000 DN, chỉ có khoảng 1.300 DN từng xuất khẩu.

Gợi ý từ quan sát này là cần coi việc giúp DN có khả năng tiến vào thị trường nước ngoài nên là một ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý là kết quả này cần được tìm hiểu thêm trong những nghiên cứu sau này để hiểu được bản chất của việc cạnh tranh mà khu vực xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt.

Kết quả cuộc điều tra còn cho thấy chặng đường vượt khủng hoảng của các DN vừa và nhỏ Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Năm 2009 có 12% DN tin rằng khủng hoảng toàn cầu mang lại cơ hội kinh doanh thuận lợi, thì hai năm sau con số này giảm xuống còn 6%. Gần 60% DN được điều tra cho biết khủng hoảng vẫn tác động tiêu cực đến các điều kiện kinh doanh của họ. Chỉ có 330 trong tổng số gần 2.000 DN không nhận thấy tác động tiêu cực của khủng hoảng toàn cầu!

(Nguồn: Báo cáo của CIEM và Đại học Copenhagen)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận