2 hiện tượng phim độc lập & nỗi cô đơn của người Mỹ hiện đại

LÊ HỒNG LÂM 20/12/2018 03:12 GMT+7

TTCT - Khác với những bộ phim bom tấn thương mại của Hollywood chinh phục khán giả khắp thế giới chủ yếu mang tính giải trí và thoát ly hiện thực; dòng phim độc lập của Mỹ chỉ tiếp cận một lượng khán giả hạn chế, nhưng đó thường là những bộ phim mô tả trực diện các vấn đề xã hội hiện đại của nước Mỹ, thậm chí mang tính phổ quát mà khán giả ở bất cứ đâu cũng có thể chia sẻ được.

Searching

Searching (Truy tìm tung tích ảo) và Leave no trace (Không manh mối) là hai hiện tượng tiêu biểu của dòng phim độc lập năm nay.

Cho dù hai bộ phim thuộc hai thể loại khác nhau, có cốt truyện và ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn khác nhau, cả Searching (*) và Leave no trace lại có một điểm chung thú vị. Cả hai đều kể về mối quan hệ giữa người cha đơn thân và con gái vị thành niên, hai đối tượng nhân vật có tâm lý bất ổn và dễ tổn thương.

Và thông qua hai đối tượng nhân vật này, cả hai bộ phim đều đề cập đến những vấn đề trong xã hội Mỹ: sự khác biệt thế hệ và nỗi cô đơn của con người thời hiện đại.

Cuộc truy tìm dấu vết của thời hiện đại 

Searching là một bộ phim thuộc thể loại hình sự thông minh và giàu sáng tạo của biên kịch, đạo diễn gốc Ấn Aneesh Chaganty. Bộ phim dài đầu tay của đạo diễn mới 27 tuổi này lập tức nhận được sự khen ngợi nồng nhiệt của giới phê bình với hai giải thưởng tại Sundance - LHP độc lập quan trọng nhất của giới làm phim tại Mỹ.

Khi trình chiếu rộng rãi vào cuối tháng 8 vừa qua, bộ phim có kinh phí chỉ 1 triệu USD này thu về tới 70 triệu USD, trở thành một trong những phim độc lập thành công nhất của năm nay.

Trong bộ phim hình sự siêu hiện đại được kể chuyện chủ yếu qua các thiết bị công nghệ mà chúng ta sử dụng hằng ngày để giao tiếp, người cha David Kim (John Cho đóng) đã lần theo những manh mối mà Margot, cô con gái mình để lại trên chiếc laptop cá nhân trước khi cô bé biến mất không tăm tích.

Đạo diễn Aneesh Chaganty đã dẫn dắt khán giả lần theo một cuộc tìm kiếm trong vô vọng của người cha, đồng thời để lại một câu hỏi lớn: những thiết bị công nghệ thông minh được sáng tạo ra để kết nối chúng ta đến gần nhau hơn hay chia rẽ và đẩy chúng ta ra xa nhau hơn?

Searching không phải là bộ phim đầu tiên đặt ra vấn đề này, cũng không phải là bộ phim đầu tiên sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh để kể chuyện. Năm 2014, bộ phim hình sự Open windows hay năm 2015, bộ phim kinh dị Unfriended đã từng khai thác chủ đề và cách kể chuyện tương tự.

Tuy nhiên cả hai phim này đều không thành công khi chỉ mới chạm đến bề mặt của câu chuyện, chưa đưa ra được những cái nhìn phản biện xã hội sắc sảo và khiến khán giả phải bất ngờ với cú “twist” theo phong cách của bậc thầy phim kinh dị Alfred Hitchcock khiến đoạn kết đảo ngược 180 độ như Searching.

Nhất quán về phong cách kể chuyện, bộ phim được mở đầu với đoạn hồi ức được kể lại thông qua những kỷ niệm hạnh phúc của gia đình David Kim với những hình ảnh, video, nhật ký riêng tư được lưu lại trên máy tính cá nhân của anh.

Mạch phim tiếp diễn xuyên suốt với thời lượng đến 90% diễn ra trên màn hình máy tính hay các thiết bị cầm tay thông minh. Có lẽ vì lý do đó mà Searching chỉ mất 13 ngày để quay (thuộc vào loại ngắn kỷ lục đối với một bộ phim truyện dài) nhưng mất tới 2 năm để dàn dựng và hoàn thiện phần hậu kỳ.

Khi vợ của David bị ung thư và qua đời, mối quan hệ giữa hai cha con không còn được như trước. Mỗi người đều trốn vào một ốc đảo riêng mình, chỉ trò chuyện với nhau thông qua những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại nhà, những tin nhắn hay cuộc gọi video call, face time qua điện thoại di động.

Chỉ đến khi cô con gái Margot biến mất không tăm tích với 3 cuộc gọi nhỡ trong đêm mà David ngủ quên không nghe máy, anh mới giật mình phát hiện ra anh biết quá ít về con gái mình, những mối quan hệ bạn bè hay những nơi cô bé thường lui tới.

Tuyệt vọng vì không tìm ra bất cứ manh mối nào, David chỉ còn cách duy nhất là truy cập vào máy tính cá nhân mà Margot bỏ quên ở nhà, lần tìm theo những “dấu vết” nhỏ nhất mà cô để lại trên các account cá nhân của các mạng xã hội khác nhau để rồi phát hiện ra những bất ngờ của thế giới ảo.

Searching có cách kể chuyện thông minh và sáng tạo, rất gần gũi với khán giả hiện đại. Là một bộ phim thuộc thể loại hình sự, đạo diễn khiến khán giả hồi hộp thót tim mà không cần phải dàn dựng những màn rượt đuổi nghẹt thở, những pha đấu súng căng thẳng hay hình ảnh một ông bố thiện chiến một mình hạ gục cả một băng đảng mafia như cách mà bộ phim hành động Taken của Liam Neeson từng khai thác.

Sự hồi hộp mà đạo diễn mang đến chủ yếu là nhờ nhịp điệu dồn nén với những cuộc tìm kiếm dấu vết của người cha thông qua những phần mềm của mạng xã hội ảo. Chúng như một ma trận thách đố anh, khiến anh đau lòng bởi nhận ra mình biết quá ít về cuộc sống riêng tư của con gái.

Câu chủ đề của bộ phim: “Con gái của David Kim mất tích. Anh ta không thể biết được cô bé ở đâu cho đến khi anh phát hiện ra cô bé là ai” thể hiện rất rõ chủ đề của bộ phim, khiến người xem ám ảnh về những thông điệp ẩn mà bộ phim đặt ra.

Sự cách biệt thế hệ, sự thiếu kết nối của những thành viên cùng một gia đình trong xã hội hiện đại hay nghịch lý của công nghệ đã biến bộ phim hình sự thông minh này trở thành một tác phẩm độc lập có chiều sâu chứ không đơn thuần là một bộ phim giải trí.

Leave No Trace
Leave No Trace

 

Rời đi không dấu vết 

Leave no trace, có chút trái ngược, lại là một bộ phim về hai cha con cố xóa những dấu vết khi họ chọn cách sống biệt lập trong rừng sâu, rời xa xã hội hiện đại. Đây là một bộ phim độc lập đúng nghĩa, một tác phẩm chân thực và thô ráp về những con người bé nhỏ, những kẻ chấp nhận sống bên lề xã hội sau những tổn thương, mất lòng tin vào hệ thống của bộ máy chính quyền.

Bộ phim này tạo được tiếng vang lớn khi đạt số điểm 100% bài phê bình tích cực trên trang Rottentomatoes, nhận nhiều đề cử tại các giải thưởng điện ảnh độc lập cuối năm và là một ứng cử viên cho phim hay nhất và nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Ben Foster) tại giải Oscar 2019 sắp tới.

Debra Granik, đạo diễn của Leave no trace, không phải là một kẻ xa lạ với giới mộ điệu điện ảnh. Bảy năm trước, bà đã đạo diễn bộ phim Winter’s Bone (2011), cũng là một phim độc lập gây tiếng vang lớn khi đoạt giải thưởng lớn tại LHP Sundance và giành 4 đề cử Oscar, trong đó có phim hay nhất và nữ diễn viên chính xuất sắc cho Jennifer Lawrence.

Winter’s Bone của Debra Granik được xem là có công lớn khi phát hiện ra Jennifer Lawrence, nữ diễn viên sau đó lập tức trở thành một ngôi sao nữ thành công và đoạt giải Oscar cho nữ diễn viên xuất sắc hai năm sau đó.

Leave no trace, phần nào đó còn được giới phê bình đánh giá cao hơn Winter’s Bone. Cả hai đều khai thác chủ đề về những kẻ đơn độc, dễ tổn thương trong xã hội Mỹ hiện đại, nhưng đồng thời cũng là những nhân vật có phẩm chất đặc biệt, luôn có khả năng vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để sinh tồn.

Cả hai bộ phim đều vừa mô tả hiện thực dữ dội nhưng lại giàu chất thơ, đặc biệt là những khuôn hình trữ tình về thiên nhiên. Và cuối cùng, cả hai bộ phim này đều mang đến cho khán giả những vai diễn không thể nào quên.

Trong Leave no trace, Ben Foster đóng vai Will, một người cha đơn thân trở về từ cuộc chiến Iraq, mắc hội chứng PTSD (một hội chứng sau chấn thương tâm lý, thường xảy ra với những cựu binh chiến tranh).

Ám ảnh bởi những vết thương chiến tranh và không tin tưởng vào hệ thống của chính quyền Mỹ, Will đưa cô con gái mới lớn Tom (do nữ diễn viên trẻ Thomasin Harcourt McKenzie đóng) vào rừng sống. Họ dựng một túp lều tạm bợ trong rừng sâu và tìm mọi cách để xóa dấu vết, không để cho chính quyền địa phương phát hiện.

Những cảnh mở đầu phim gợi cảm giác về một cuộc sống nguyên thủy, khi hai cha con đánh lửa bằng đá hay đi hái nấm trong rừng để nấu ăn. Sau đó, Will tập huấn cho con gái cách lẩn trốn trong rừng sâu và không để lại dấu vết khi bị phát hiện.

Ống kính của nhà quay phim Michael McDonough mang đến cho những cảnh ở đầu bộ phim một không khí vừa hiện thực vừa siêu thực, đặc biệt là những góc máy mô tả thiên nhiên hay ánh sáng tự nhiên. Những nhà làm phim đã tạo dựng một không khí ấn tượng ngay từ đầu, một chốn trú ngụ thần tiên và thuyết phục khán giả tại sao hai cha con Will lại chọn cách sống kỳ lạ đó.

Nhưng ở phần tiếp theo của bộ phim, không khí huyền ảo đó bị phá vỡ hoàn toàn khi hai cha con họ bị chính quyền địa phương phát hiện vì cư trú trái phép. Họ bị ném vào hệ thống dịch vụ xã hội và phải chịu sự quản thúc của những người cán bộ địa phương.

Vốn là một người mắc hội chứng PTSD, Will không chịu được cuộc sống tù túng ngột ngạt này nên anh lại đưa Tom chạy trốn và tìm đến một khu rừng khác. Cuộc sống của họ ngày càng bất ổn và thiếu an toàn. Cho đến một ngày, mệt mỏi vì chạy trốn, Tom nói với bố rằng: “Những điều bất ổn của bố không giống với con”...

Sau hết, những bộ phim độc lập vẫn là dòng phim nhiều sáng tạo, ít khuôn mẫu và chân thực nhất nếu muốn nhìn rõ hơn những kẻ nhỏ bé bên lề cuộc sống.■

(*): Searching (Truy tìm tung tích ảo) được trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam từ ngày 30-11.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận