13 năm theo dấu loài rùa Hoàn Kiếm

TUỆ MINH - THANH HÀ 09/11/2020 20:11 GMT+7

TTCT - Ngày 22-10-2020 vừa qua, sau nhiều lần trì hoãn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cơ quan chức năng đã bắt thành công cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô (Hà Nội), bước đầu tiên trong hành trình khôi phục và phát triển loài rùa quý hiếm nhất thế giới.

Rùa Hồ Gươm trong lồng chữa trị. Ảnh: Anh Tuấn
Rùa Hồ Gươm trong lồng chữa trị. Ảnh: Anh Tuấn

Tìm thấy rùa Hoàn Kiếm ở... Xuân Khanh, Đồng Mô

Sau hai năm kiên trì “mắc võng” theo dõi mặt hồ Xuân Khanh (Hà Nội) chờ đợi bất kể nắng mưa, một ngày tháng 11-2019, sau nhiều giờ kiên nhẫn quan sát, anh Bùi Văn Diện, cán bộ thực địa Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), mới chụp được một bức ảnh về cá thể rùa Hoàn Kiếm.

Bức ảnh là bằng chứng cụ thể để cùng với kết quả nghiên cứu về gene trước đó của các nhà khoa học mở ra hi vọng khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm quý hiếm nhất thế giới có nguy cơ tuyệt chủng.

Niềm hi vọng có thể bảo tồn loài rùa quý hiếm của giới khoa học tăng lên vào ngày 20-8-2020, khi anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ thực địa ATP, chụp lại khoảnh khắc hai cá thể rùa Hoàn Kiếm cùng nổi lên tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Mặc dù chỉ nổi chưa đến 3 giây, anh Trọng đã chụp được một số bức ảnh quý giá về hai cá thể này.

Đây là lần đầu tiên ghi lại được khoảnh khắc hai cá thể rùa cùng xuất hiện tại một địa điểm, là bằng chứng cho thấy có ít nhất 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm sống tại hồ Đồng Mô - nơi từng được coi là vương quốc của loài rùa Hoàn Kiếm.

Mặc dù trước đó ngư dân địa phương luôn cho rằng có ít nhất 2 cá thể của rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô dựa trên quan sát và căn cứ vào vết rách mà rùa để lại trên lưới, nhưng chưa có bằng chứng tin cậy nào chứng minh được điều này.

Các ngư dân ở hồ Đồng Mô từ lâu đã khẳng định có một cá thể thứ hai nhỏ hơn đang sống trong hồ, bên cạnh cá thể lớn thường xuyên được chụp ảnh. Cá thể lớn chính là “nhân vật” đã thoát ra khỏi hồ trong vụ vỡ đập năm 2008 và ngay sau đó đã được cứu hộ, thả lại hồ. Tại thời điểm đó, cá thể này nặng 69kg.

Phải đến nay, sau 13 năm nỗ lực, kể từ khi phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm đầu tiên ở hồ Đồng Mô vào năm 2007, các cán bộ nghiên cứu của ATP mới có cơ sở khẳng định sự tồn tại của 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm nơi đây.

Trong ảnh, cá thể lớn xuất hiện phía trước, ước nặng 100-130kg vào thời điểm hiện tại so với cân nặng 69kg khi được cứu hộ vào năm 2008. Cá thể rùa thứ hai xuất hiện phía sau trong khung hình, khá gần cá thể lớn. Mặc dù bức ảnh chưa đủ rõ để quan sát kỹ các hoa văn trên đầu, ước tính cá thể này nặng 40-50kg.

hặng đường dài bảo tồn

Năm 2003, ATP thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) bắt đầu công tác nghiên cứu và bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở VN. Đi đến những kết quả nghiên cứu về sự tồn tại của các cá thể rùa Hoàn Kiếm ngày hôm nay là cả một chặng đường dài gian nan, với nỗ lực bền bỉ của các thành viên ATP và sự hỗ trợ nhiệt thành của nhiều người dân địa phương.

Anh Nguyễn Văn Trọng, ngư dân sinh ra và lớn lên ở khu vực hồ Đồng Mô, còn trở thành nhân viên thực địa của ATP và đã dành nhiều năm để có những bức ảnh đóng góp quan trọng cho công tác bảo tồn rùa.

Đến nay, ATP đã khảo sát tại 21 tỉnh ở miền Bắc VN. “Với một số địa điểm khác đã xác định ở VN, chúng tôi hi vọng có thể tìm thấy thêm các cá thể khác cùng loài, mang lại nhiều cơ hội hơn cho công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở VN trong tương lai”, một cán bộ ATP cho biết.

Rùa Hoàn Kiếm được giới bảo tồn xếp loại loài rùa quý hiếm nhất thế giới khi ghi nhận chính thức chỉ có 4 cá thể. Loài mai mềm khổng lồ này từng có một vùng phân bố rất rộng lớn, trải dài từ phía nam sông Dương Tử (Trung Quốc) đến vùng Bắc Trung Bộ của VN với nhiều tên gọi khác nhau như giải Thượng Hải, rùa Hoàn Kiếm.

Nhưng quá trình bị săn bắt và môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rùa Hoàn Kiếm giảm dần số lượng và bên bờ tuyệt chủng.

Có bao nhiêu con rùa Hoàn Kiếm tại hồ Gươm và có bao nhiêu con như thế trên thế giới? Câu hỏi ấy đã gây tranh cãi nhiều năm qua vì loài mai mềm khổng lồ này có tập tính vô cùng bí ẩn, hoang dã, thường ngâm mình dưới nước sâu. Sau khi “cụ rùa Hồ Gươm” chết vào đầu năm 2016, cả thế giới chỉ ghi nhận 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm chính thức, gồm một cá thể ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) và hai cá thể ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc).

Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô vừa được bắt lên ngày 22-10. Ảnh: FB Hà Đình Đức
Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô vừa được bắt lên ngày 22-10. Ảnh: FB Hà Đình Đức

Để bảo tồn cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được phát hiện vào năm 2007, ATP đã thuê anh Nguyễn Văn Trọng ngày ngày ngồi thuyền quan sát. Và trong nỗ lực khôi phục quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới, hơn 10 năm qua các nhà bảo tồn của ATP đã tìm kiếm trên nhiều khu vực rộng lớn ở miền Bắc.

Mãi đến ngày 12-4-2018, hành trình tìm kiếm mới mang lại kết quả. Bằng công nghệ phân tích gene môi trường (eDNA), các nhà khoa học có đủ bằng chứng khẳng định sự tồn tại một cá thể rùa Hoàn Kiếm tại hồ Xuân Khanh (Hà Nội).

Thông tin gây chấn động này mở ra hi vọng khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm quý hiếm nhất thế giới. Tuy nhiên, mãi đến đầu tháng 11-2019, bằng bức ảnh quý giá của anh Bùi Văn Diện, các nhà khoa học mới chính thức xác nhận sự tồn tại của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh. Số lượng rùa Hoàn Kiếm được ghi nhận chính thức lại quay về con số 4.

Nhưng đầu năm 2019, giới bảo tồn rùa Hoàn Kiếm nhận một tin buồn: cá thể rùa Hoàn Kiếm cái ở Trung Quốc qua đời sau nỗ lực thụ tinh nhân tạo không thành công.

Để duy trì loài rùa này, các nhà bảo tồn ở Trung Quốc đã cho 2 cá thể đực, cái phối giống với nhau suốt nhiều năm, nhưng hơn 600 quả trứng đẻ ra mà không thụ tinh được bởi cá thể đực quá già và có vấn đề về sinh sản. Sau 5 lần thụ tinh nhân tạo không thành công, cá thể rùa cái qua đời. Thế giới chỉ còn 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm, trong đó có 2 cá thể ở VN.

Nhờ phát hiện này tại hồ Đồng Mô, thế giới lại ghi nhận chính thức 4 cá thể rùa Hoàn Kiếm. Niềm hi vọng mới cho công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới tại VN lại dâng lên.

Ghép đôi sinh sản để bảo tồn rùa

Rùa Hoàn Kiếm từ lâu gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của người Hà Nội. Việc phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh năm 2018 dấy lên hi vọng khôi phục quần thể rùa này.

Tháng 10-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu lâu dài là ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm tại TP Hà Nội.

Kế hoạch tập trung bảo vệ an toàn rùa Hoàn Kiếm tại hai hồ, nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đồng thời điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.

Dự kiến giai đoạn 2021- 2025, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản nếu khả thi. Từ đó đến năm 2026, các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới này.

Để bảo vệ những cá thể rùa hiếm hoi này, Hà Nội sẽ đồng loạt áp dụng nhiều biện pháp từ thông tin đến nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đầu tư xây dựng hàng rào phòng chống di cư loài rùa Hoàn Kiếm tại các đập tràn và các điểm có nguy cơ rùa tự thoát khỏi hồ.

Các cá thể rùa ở hai khu vực hồ Xuân Khanh, Đồng Mô trở thành những “công dân đặc biệt” của thủ đô vì thường xuyên được canh gác bảo vệ. Những hành vi xâm hại, hủy hoại môi trường sinh sống, phát triển của loài rùa Hoàn Kiếm cũng được TP thông báo xử lý nghiêm khắc.

Một hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các hồ được xây dựng. Các nhà khoa học sẽ xác định giới tính, tập tính sinh học rùa Hoàn Kiếm, gắn thiết bị giám sát lên các cá thể rùa Hoàn Kiếm đã được ghi nhận.

Hà Nội cũng đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, công nghệ nhằm bảo tồn, phát triển loài rùa Hoàn Kiếm.

ATP với vai trò là thành viên tích cực của Liên minh Bảo tồn rùa Hoàn Kiếm (Rafetus Alliance) đang phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA), Tổ chức Global Wildlife Conservation (GWC) và Viện Tài nguyên và môi trường (CRES) thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn loài rùa quý hiếm này.

Kế hoạch bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm nhằm xác định giới tính - bước khởi đầu trong kế hoạch ghép đôi sinh sản đã được chuẩn bị từ lâu.

Tuy nhiên phải đến 5 giờ sáng 22-10, một cá thể rùa Đồng Mô mới được bắt lên để cơ quan chức năng xác định giới tính. Giới bảo tồn đang mong chờ một kết quả khả quan, thuận lợi cho việc phối giống - niềm hi vọng gần như duy nhất để khôi phục quần thể rùa quý hiếm nhất thế giới.■

Cá thể sao la trong tự nhiên được giới bảo tồn chụp lại bằng bẫy ảnh. Ảnh: WWF
Cá thể sao la trong tự nhiên được giới bảo tồn chụp lại bằng bẫy ảnh. Ảnh: WWF

Cuộc tìm kiếm để bảo tồn “kỳ lân” châu Á

Tháng 3-2019, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế ký kết hợp tác xây dựng chương trình nhân nuôi bảo tồn sao la trong nỗ lực tìm kiếm và khôi phục loài thú này.

Sao la được mệnh danh là “kỳ lân” châu Á, có một vùng phân bố hẹp ở dãy núi Trường Sơn, vùng biên giới Việt - Lào. Chưa một nhà sinh vật học nào được chạm trán với chúng trong tự nhiên, họ chỉ chụp được ảnh chúng bằng máy bẫy ảnh trong tự nhiên 5 lần.

Hình ảnh gần đây nhất của sao la, được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh do Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) lắp đặt, là vào năm 2013 tại một khu rừng trên dãy Trường Sơn. Đó là hình ảnh đầu tiên của loài này sau 15 năm.

Lần cuối cùng một cá thể sao la bị bắt giữ là năm 2010 tại một ngôi làng của Lào và chết một tuần sau đó. Tại VN, lần cuối cùng một cá thể sao la bị bắt giữ là năm 1998, cách đây 22 năm.

Bộ NN&PTNT và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xây dựng một kế hoạch tìm kiếm các cá thể sao la còn lại qua một chương trình nghiên cứu thực địa tăng cường tại VN và Lào. Nếu phát hiện cá thể sao la sẽ tiến hành bảo tồn nguyên vị.

Một trung tâm bảo tồn nhân nuôi sinh sản Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) sẽ được xây dựng để bảo tồn trực tiếp. Sau đó sẽ bắt các cá thể sao la, mang lớn (nếu được tìm thấy) về nơi đây bảo tồn, chăm sóc. Bước cuối cùng là cải thiện môi trường tự nhiên để có thể tái thả về tự nhiên. Tuy nhiên đến nay chương trình tìm kiếm sao la chưa mang lại kết quả.

Tuệ Minh - T.Hà

Cá thể rùa Hoàn Kiếm được tìm thấy ở hồ Đồng Mô vào năm 2007. Ảnh: ATP
Cá thể rùa Hoàn Kiếm được tìm thấy ở hồ Đồng Mô vào năm 2007. Ảnh: ATP

Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) khổng lồ, còn được biết đến với tên gọi rùa Hoàn Kiếm, là loài cực kỳ nguy cấp, có thể nặng hơn 150kg. Loài rùa này đã bị săn lùng ráo riết trong giai đoạn 1970-1990 để làm thực phẩm và rất hiếm gặp ngoài tự nhiên. 

Loài này phân bố ở các vùng đầm lầy, hồ và sông lớn ở miền Bắc VN, miền Nam Trung Quốc và có thể cả Lào. Tuy nhiên trong một thời gian dài không có quần thể tự nhiên nào được tìm thấy đến tận năm 2007, khi cá thể hoang dã đầu tiên được xác nhận ở hồ Đồng Mô, ngoại thành Hà Nội. Thực tế có rất ít loài rùa nước ngọt ở VN có thể đạt kích thước lớn như rùa Hoàn Kiếm.

Công nghệ phân tích gene môi trường

Tháng 5-2017, một bức ảnh rùa được chụp bởi anh Nguyễn Văn Trọng, ngư dân từng tham gia công tác bảo tồn cùng với ATP. Bức ảnh với chất lượng tốt hơn cho thấy đây là cá thể rùa mai mềm lớn nhưng lại không đủ tốt để định dạng loài.

Tuy nhiên, với công nghệ gene môi trường đã giúp nhận diện sự tồn tại của loài mà không cần chụp được hình ảnh hay bắt được cá thể. eDNA là một kỹ thuật mới được nghiên cứu và ứng dụng trong nghiên cứu rùa và động vật hoang dã.

Kỹ thuật này tập trung vào việc phát hiện các dấu vết di truyền nhỏ nhất trong mẫu nước được thu tại nơi cần xác minh sự tồn tại của một loài rùa, động vật nào đó. Phương pháp này thường được áp dụng đối với các loài cá và lưỡng cư, gần đây kỹ thuật này đã được ứng dụng với các loài rùa nguy cấp.

“Chúng tôi quyết định đã đến lúc cần phải thu mẫu eDNA và phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington, Mỹ” - anh Hoàng Văn Hà, cán bộ ATP, chia sẻ. Kết quả phân tích dương tính với kết luận rằng các dấu vết di truyền từ các mẫu nước phù hợp với các mẫu hiện có của loài, cho thấy cá thể rùa trong hồ thuộc loài rùa Hoàn Kiếm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận