1 nhà hát - 3 nhiệm kỳ

QUỐC THANH THỰC HIỆN 26/11/2013 03:11 GMT+7

TTCT - Đầu tháng 11-2013, lãnh đạo UBND TP.HCM mới có kết luận đặt Nhà hát Giao hưởng - nhạc - vũ kịch TP ở Công viên 23-9 (quận 1), sau hơn ba nhiệm kỳ có chủ trương thực hiện công trình này.

Đánh giá về cơ sở vật chất của ngành văn hóa hiện nay, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM Nguyễn Thành Rum nhìn nhận sự kém cỏi, nhỏ bé và thiếu hụt nhiều phía.


Vị trí đề xuất xây dựng nhà hát giao hưởng ở công viên 23-9 - Ảnh: T.T.D

Ông Rum cho rằng trong hoạt động thường xuyên của ngành, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, lãnh đạo TP là khá lớn để ngành có thể hoạt động thường xuyên và “trong chừng mực nào đó có thể phát triển được”. Song cơ sở vật chất của ngành có tính chất then chốt đối với TP thì “không cần phải suy nghĩ nhiều đâu, tôi có thể nói ngay là quá kém”.

Hát bội, xiếc, múa rối hiện nay không có chỗ. Ngoài Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, hệ thống bảo tàng TP, kể cả những cái có trước và đang xây dựng, đều không mang tầm cỡ của TP và quá nhỏ lẻ. 

Tôi hoàn toàn thấy được những khó khăn khách quan, áp lực về ngân sách, nhưng xét trên cơ sở văn hóa như chúng ta đang đặt ra thì TP gần như không có gì, còn thiếu rất lớn, kể cả trong lĩnh vực thể thao” 

(Ông Nguyễn Thành Rum)

* Dự án Nhà hát Giao hưởng - nhạc - vũ kịch TP mất nhiều năm chạy vòng vòng tìm chỗ, thực hiện quá chậm là một ví dụ điển hình cho tình trạng đó?

- Theo tôi biết, cách đây ba nhiệm kỳ đã có chủ trương bằng văn bản của Thường vụ Thành ủy TP đối với nhà hát này. Nếu hết nhiệm kỳ này thì mất ba nhiệm kỳ rưỡi. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện. 

Với công trình này, chúng tôi đề xuất xây tại công viên 23-9 (quận 1). Nếu làm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì còn xa và còn lâu lắm.

Trước đây, theo chủ trương của lãnh đạo TP thì quy hoạch xây dựng nhà hát TP ở 23 Lê Duẩn (quận 1, trụ sở của Công ty Xổ số kiến thiết TP). Sau đó một số anh em bên quy hoạch cho rằng đây là vị trí tốt, nhưng tốt cho công việc khác chứ không phải tốt cho xây dựng nhà hát. Xây nhà hàng, khách sạn hay gì gì đó… là tốt, còn xây nhà hát thì lại cho rằng không phải là vị trí đắc địa.

Trong khi đó, khi quy hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, anh em mới đề nghị bố trí đất bên khu này để xây dựng nhà hát. Sở đã làm việc với Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã cân đối bố trí quỹ đất, nhưng chúng tôi thấy rằng nếu làm ở Thủ Thiêm có lẽ phải chờ đợi nữa vì làm xong thì không ai xem do bên khu đấy hiện còn vắng lắm. Nếu làm ở khu Thủ Thiêm thì 10 năm nữa làm cũng được. Do vậy, mới nhất là lựa chọn vị trí ở công viên 23-9 để đặt nhà hát.

Còn về kinh phí, TP có chủ trương cho phép chuyển nhượng mặt bằng 23 Lê Duẩn để lấy tiền làm nhà hát ở công viên 23-9 (ước khoảng 2.000 tỉ đồng).

Trước đó, vào tháng 7-2013, nhìn lại 15 năm thực hiện nghị quyết trung ương 5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, TP.HCM nêu nhiều thành tựu trên các mặt song cũng đã nhận định: “Sau gần 40 năm giải phóng, TP chưa xây dựng được một công trình nào đạt chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa TP hoặc đáp ứng việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế”. 


Ông Nguyễn Thành Rum - Ảnh: Gia Tiến

- Đúng, đây được xem là công trình điểm nhấn của TP nên ở khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ làm một nhà hát. Còn đặt nhà hát ở công viên 23-9 cũng là nhu cầu có thực. Địa điểm đó còn quá tốt so với nhà hát của nhiều nước. Song¸ có một điểm phải tính toán thêm ở góc độ quy hoạch là ở khu vực này dự kiến quy hoạch ở đây hai tượng đài (tượng đài Thống nhất và Nam bộ kháng chiến).

* Nhưng xây dựng một nhà hát là cho cả trăm năm, nhiều thế hệ… trong khi đặt ở công viên 23-9 không gian khá hẹp (lấy khoảng 1,2ha trong số 10ha của công viên)?

Nhà hát đặt ở công viên 23-9 cũng là lựa chọn lâu dài và dự định một nhà hát khác trong tương lai đặt ở khu Thủ Thiêm cũng thế, chứ không phải làm ở công viên 23-9 là lựa chọn trước mắt, tạm thời.

* Công chúng TP chưa thật rõ do thiếu tiền hay thiếu quan tâm đúng mức mà công trình từ ngày có chủ trương đến nay đã trải qua ba nhiệm kỳ chỉ dừng lại ở kết quả chọn vị trí?

- Theo tôi là thiếu cả hai. Nhưng tôi cho rằng vấn đề chính nằm ở sự quan tâm không được thường xuyên và quyết liệt. Nói điều này có thể tôi bị rầy nhưng đó là thực tế.

Đến bây giờ nhà hát Hòa Bình (xây dựng sau 10 năm giải phóng TP.HCM - thời điểm đất nước còn khó khăn - PV) vẫn là tầm cỡ ở TP, có 2.000 ghế. Do vậy, tôi vẫn trở lại vấn đề quyết liệt thôi. Tôi cho rằng nếu lãnh đạo quyết làm việc nào đó thì sẽ làm, khó cỡ nào cũng làm. Tôi nói đơn giản thôi, TP đã kẹt xe nhiều năm nay rồi nhưng mới sáu tháng nay thôi mình đã làm được nhiều cầu vượt.

 Nguyễn Thế Thanh (nguyên đại biểu HĐND TP.HCM):

Không thiếu tiền, chỉ thiếu cách nghĩ, cách làm

Thẳng thắn mà nói, trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới ở nước ta, các dự án công trình văn hóa ít được quan tâm hơn so với các công trình kinh tế. Sự cần thiết của các công trình kinh tế phục vụ dân sinh là không thể phủ nhận và mọi sự so sánh có thể đều là khập khiễng.

Tuy vậy, trước thực tế sau gần 40 năm mà chúng ta chưa xây dựng được một nhà hát đạt chuẩn biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, chưa làm được một quảng trường văn hóa, chưa có được một công trình mỹ thuật tạo hình đẹp mang tính biểu tượng cho TP - trung tâm giao lưu quốc tế lớn của cả nước, thiết nghĩ chỉ có thể gọi đích danh đó là sự thiếu quan tâm đúng mức đối với các công trình văn hóa và nhu cầu tinh thần của người dân TP.

Ở TP.HCM, vào thời điểm trước kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng và trước khi công cuộc đổi mới được khởi xướng, nhà hát Hòa Bình đã được khởi công xây dựng và hoàn thành. Đó là một việc làm gây ấn tượng mạnh trong cán bộ và nhân dân bởi khi đó nước mình còn nghèo, dân mình còn đói, vậy mà những người lãnh đạo TP thời đó đã mạnh dạn nghĩ đến việc đáp ứng nhu cầu về các thiết chế văn hóa đàng hoàng cho tương lai.

Hồi đó có nhiều ý kiến phản đối “làm nhà hát lớn vậy, sang vậy (có sân khấu quay) làm gì trong khi năng lực tổ chức chương trình nghệ thuật lớn của mình còn hạn chế, nhu cầu văn hóa của dân mình chưa cao”. Các vị lãnh đạo ngành văn hóa TP thời đó kể lại trước các ý kiến đó, các ông Võ Văn Kiệt và Huỳnh Tấn Phát đã nói đại ý dân mình, nước mình không thể nghèo đói mãi và cũng không phải chỉ khi cuộc sống người dân đã no đủ thì mới có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật.

Có nhà hát đàng hoàng thì vừa khuyến khích người làm nghệ thuật trong nước sáng tạo các chương trình tầm cỡ, lại có thể mời các chương trình nghệ thuật đặc sắc đỉnh cao của nước ngoài vào diễn cho dân mình thưởng thức. Chính kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát khi ấy là phó thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp phụ trách việc vẽ mẫu thiết kế nhà hát Hòa Bình.

Còn ông Võ Văn Kiệt khi ấy là bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo sát sao quận 10 và các sở, ngành để công trình được thực hiện đúng tiến độ, kịp khánh thành vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng TP. Hiệu quả sử dụng đa dạng về quy mô và chất lượng chương trình của nhà hát Hòa Bình gần 30 năm qua đã chứng minh cách nghĩ, cách làm của các vị lãnh đạo TP thời đó quả là rất đúng, rất gần với thế giới văn minh, tiến bộ.

Tôi không bao giờ tin TP thiếu tiền để xây nhà hát đạt chuẩn quốc tế, quảng trường và công trình mỹ thuật mang tính biểu tượng. Một vị lãnh đạo Thành ủy từng nói: “Đừng nói TP mình (TP.HCM) không có tiền để làm nhà hát giao hưởng vũ kịch đạt chuẩn quốc tế. Vấn đề là làm nhà hát với công năng đó rồi thì việc sử dụng phải ra sao để không lãng phí”.

Câu trả lời của những người làm nghệ thuật và quản lý nghệ thuật là cứ có một nhà hát đạt chuẩn cao nhất về không gian, về âm thanh và ánh sáng thì sẽ đáp ứng được nhiều nhu cầu biểu diễn nghệ thuật khác nhau.

Tôi cho rằng mọi việc bắt đầu từ nhận thức, khi đã quan tâm đúng mức và thật sự có quyết tâm thực hiện thì sẽ có giải pháp cân đối, chia tách, phân bổ dòng ngân sách cho tương xứng giữa các công trình văn hóa với các công trình khác. Đừng quên, các công trình văn hóa đạt chuẩn cũng tạo ra tiền chứ không phải chỉ tiêu tốn đồng tiền của tư nhân hay của ngân sách.

Nhìn lại các dự án: nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch đã gần 20 năm từ khi có chủ trương, rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ đã gần 10 năm, trung tâm cải lương Trần Hữu Trang gần bảy năm... tất cả đều còn trên giấy hoặc dang dở. Nhắc đến sự chậm trễ, kéo dài của những công trình văn hóa trên đây không chỉ buồn mà còn thật khó thông cảm cho sự loay hoay của TP lớn bậc nhất nước.

TP chúng ta chưa có một nhà hát đạt chuẩn quốc tế, một quảng trường đúng nghĩa, một công trình tạo hình mang tính biểu trưng… Đó là những “món nợ” cần phải tiếp tục “đòi”. Trách nhiệm không chỉ ở cấp lãnh đạo cao nhất mà ở cả các cấp tham mưu, giúp việc.

GIÁNG HƯƠNG ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận