24/09/2005 13:20 GMT+7

Thành phố thịt mèo

HỒNG ĐỨC - KHÁNH LINH
HỒNG ĐỨC - KHÁNH LINH

TTCN - Cách đây vài năm, ở một số thành phố phía Bắc rộ lên phong trào ăn thịt “tiểu hổ” (mèo) nhưng từ khi nạn chuột hoành hành ở nhiều nơi, Chính phủ chỉ thị cấm buôn bán thịt mèo nên phong trào xơi “tiểu hổ” có phần lắng xuông. Vậy mà ở một vùng lúa nổi tiếng chỉ cách Hà Nội hơn 100km, nạn buôn bán và giết thịt “tiểu hổ” vẫn diễn ra hằng ngày.

A9zUKwA5.jpgPhóng to
Mèo được thui ngay bên vệ đường trên phố Nguyễn Thái Học (ảnh chụp sáng 6-9-2005) sau khi vớt từ cái máy làm lông mèo
TTCN - Cách đây vài năm, ở một số thành phố phía Bắc rộ lên phong trào ăn thịt “tiểu hổ” (mèo) nhưng từ khi nạn chuột hoành hành ở nhiều nơi, Chính phủ chỉ thị cấm buôn bán thịt mèo nên phong trào xơi “tiểu hổ” có phần lắng xuông. Vậy mà ở một vùng lúa nổi tiếng chỉ cách Hà Nội hơn 100km, nạn buôn bán và giết thịt “tiểu hổ” vẫn diễn ra hằng ngày.

Đến Thái Bình, dễ nhận thấy hàng loạt hàng quán bán thịt mèo treo biển quảng cáo đập vào mắt người đi đường, thậm chí người ta còn làm thịt hàng trăm con mèo mỗi ngày trước cửa nhà hàng, ngay bên vệ đường.

Đủ kiểu giết mèo

Gần 6g, khi những người đi tập thể dục sáng trở về thì quán “Tiểu hổ đồng quê” trên phố Nguyễn Thái Học bắt đầu mở cửa. Một chiếc lồng sắt hoen gỉ được khiêng ra, bên trong nhốt đến trăm con mèo. Những tay đồ tể lần lượt túm cổ từng con đút vào sợi dây thòng lọng rồi thít chặt. Những con mèo xấu số giãy giụa vì ngạt thở, sau đó chúng được quẳng vào một cái bể nước đen ngòm, có khi chỉ kêu lên vài tiếng tắc nghẹn rồi chìm nghỉm.

Sau đó mèo được vớt ra khỏi bể nước, ném vào chiếc máy làm lông mèo bằng inox giống như một chiếc máy... trộn bêtông thu nhỏ chạy ầm ầm ngay cạnh đó. Trong máy có sẵn nước sôi và hai quả lô. Khi máy vận hành, hai quả lô quay và đánh tuột hết lông mèo. Mèo khi đã làm sạch lông được lôi ra chất thành đống trắng ởn ngay bên vệ đường để thui trước khi xẻ thịt: những người làm công tay dao tay thớt thoăn thoắt mổ bụng, cắt đầu và phân chia từng bộ phận của “tiểu hổ” để chế biến thành các món nhậu. Nhưng đó chỉ là loại hàng phục vụ khách bình dân đến ăn hoặc mua về. Còn những thượng khách thì chỉ cần alô đặt chỗ, khi đến quán mới xuống bếp tự tay chọn mèo đưa nhà hàng chế biến. Với khách loại này, những con mèo mun đen tuyền luôn là sự lựa chọn số 1 dù có con giá lên tới cả triệu đồng!

Tuy không đem mèo ra vệ đường để xả thịt giữa thanh thiên bạch nhật như quán “Tiểu hổ đồng quê”, nhưng mức độ “diệt mèo” ở nhà hàng Tuấn béo trong một con ngõ ngang trên đường Lý Thường Kiệt cũng chẳng thua kém gì. Vợ chồng Tuấn “béo” trước đây là những chủ đề có tiếng ở cái thành phố nhỏ bé này, do vỡ nợ nên chuyển hướng kinh doanh thịt mèo. Mở quán nhậu “tiểu hổ” được vài năm họ đã xây được nhà năm tầng khang trang bề thế.

“Đồ tể” của nhà hàng Tuấn béo là mấy cô gái trẻ. Và họ không cần dùng tới dây thòng lọng mà nện cho mỗi con mèo một chày gỗ vào đầu, chết không kịp kêu lấy một tiếng! Gọn ghẽ và dứt khoát đến từng động tác, từ cú chày gỗ đến quẳng con vật vào thùng nước sôi rồi nhấc ra mẹt để người khác cạo lông và làm nốt những công đoạn còn lại. Cứ thế, suốt từ sáng cho đến chiều tối, mèo được “hóa kiếp” dưới bàn tay của các cô. Nhà hàng Tuấn béo là nơi lui tới thường xuyên của các quan chức và dân làm ăn có máu mặt tại địa phương vì giá cả hơi “chát”. Ngôi nhà năm tầng được chia thành những phòng riêng kín đáo nên các “thượng đế” đến đây không sợ ai dòm ngó.

Có không dưới 30 nhà hàng treo biển “đặc sản thịt mèo” ở TP Thái Bình. Nổi tiếng như Duyên thịt mèo trên đường Lý Thường Kiệt, Thanh Vân đặc sản chó mèo ở phố Lý Bôn, rồi Thịt mèo Ngọc Thao và hàng chục quán lấy tên Tiểu hổ đồng quê... Có những quán không treo biển nhưng thật dễ nhận ra chúng qua những chiếc lồng nhốt mèo hay những con mèo đã được làm lông bày trên mẹt.

“Đại dịch” ở Thái Bình

1anGp5mD.jpgPhóng to
Quán Thanh Vân trên phố Lý Bôn
Không biết từ bao giờ và vì đâu mà nhiều người ở Thái Bình cho rằng ăn thịt mèo giải được vận xui! Có lẽ vì thế mà khoảng hai ba năm trở lại đây, thịt mèo được liệt vào hàng đặc sản tại quê lúa. Làm ăn thua lỗ, ăn thịt mèo. Ký được hợp đồng béo bở, nhậu thịt mèo. Các quan khi tiếp khách cũng chọn quán thịt mèo. Liên hoan, chia tay, bạn bè gặp mặt... người ta dẫn nhau đi ăn mèo, bất kể đầu hay cuối tháng âm lịch.

Thậm chí có đám cưới mời hơn trăm mâm, mỗi mâm cũng phải có đĩa thịt mèo hấp và lòng mèo xào cho thêm phần... sang trọng! Nhìn vào thực đơn của các nhà hàng mới biết thịt mèo được chế biến thành nhiều món: hấp, rựa mận, xào xả ớt, giả cầy... và cả mật mèo cũng được ngâm rượu mà theo quảng cáo của những nhà hàng thì uống rượu mật mèo “bổ âm, bổ dương, bổ giường, bổ chiếu”. Không chỉ ở TP Thái Bình mà tại các thị trấn và dọc theo những con đường xuống các huyện, đặc biệt là trên quốc lộ 10 đoạn qua thị trấn Đông Hưng đi Hải Phòng và tại thị trấn Vũ Thư đi Hà Nội, các quán đặc sản thịt mèo cũng mọc lên nhan nhản. Chưa có một thống kê nào cho thấy số lượng “tiểu hổ” bị đem đi xả thịt ở Thái Bình mỗi ngày, nhưng cứ nhìn số lượng mèo bị giết ở những nhà hàng nói trên, có thể ước tính có đến nghìn con mèo bị mất mạng mỗi ngày.

Khi dịch chuột hoành hành phá hoại mùa màng nhiều địa phương miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 09/1998/CT- TTg qui định rõ: “Thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán thịt mèo, xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, buôn bán mèo...” và nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này. Không hiểu sao chỉ riêng tại Thái Bình, các quán đặc sản “tiểu hổ” vẫn mọc lên ngày một nhiều mà cơ quan chức năng không xử lý?

Mấy năm trước lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã từng khuyến khích các hộ dân nuôi mèo có thưởng. Để diệt chuột thì nuôi mèo là tối ưu vì mỗi con mèo có thể bắt được khoảng 400 con chuột/năm. Thái Bình được mệnh danh là tỉnh lúa Bắc bộ và cũng đã từng phải chịu những tổn thất do chuột gây ra, nhưng người ta vẫn cứ thoải mái nhậu thịt mèo!

HỒNG ĐỨC - KHÁNH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên