​Cuộc lật đổ thầm lặng

QUANG THÁI 16/09/2014 12:09 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên kể từ năm 2005 trận chung kết một giải Grand Slam không có mặt bất kỳ ai trong bộ tứ gồm Novak Djokovic, Roger Federer, Rafael Nadal và Andy Murray.

Marin Cilic (phải) cùng Kei Nishikori đã tạo nên cú lật đổ ngoạn mục nhất tại Giải Mỹ mở rộng 2014 - Ảnh: Reuters
Marin Cilic (phải) cùng Kei Nishikori đã tạo nên cú lật đổ ngoạn mục nhất tại Giải Mỹ mở rộng 2014 - Ảnh: Reuters

Và sân Arthur Ashe trên 22.500 chỗ ngồi đã không được lấp đầy trong rạng sáng 9-9 (giờ VN). 

Marin Cilic thắng Kei Nishikori 6-3, 6-3, 6-3 trong trận chung kết Giải Mỹ mở rộng kéo dài 114 phút.

“Anh ta thi đấu hay đến mức tôi không thể chơi như mong muốn... Đúng là quá khó nhưng tôi rất hạnh phúc vì lần đầu tiên vào chung kết một giải Grand Slam” - Nishikori cầm micro phát biểu trên sân.

Không hạnh phúc sao được khi chỉ ba tuần trước giải, tay vợt người Nhật 24 tuổi phải phẫu thuật cắt một cục u trong bàn chân, để rồi sau đó lần lượt đánh bại Milos Raonic, Stanislas Wawrinka cùng trong năm ván, rồi Djokovic trong bốn ván ở bán kết. 

“Tôi đã tập luyện cật lực, nhất là ở nửa cuối mùa giải. Goran (Ivanisevic) đã mang đến cho tôi điều gì đó rất đặc biệt” - Cilic giải thích sau chiến thắng.

Tay vợt người Croatia 25 tuổi đã cùng Nishikori tạo bất ngờ lớn nhất của mùa giải bằng cách lật đổ hai gương mặt quen thuộc ở các giải Grand Slam là Federer và Djokovic.

Trước đó, cả hai đều không có tên trong danh sách ứng viên do thành tích quá khứ chẳng có gì nổi bật, và vì theo nhận xét của Cilic, “mọi người muốn thấy các tay vợt trong bộ tứ dẫn đầu kéo dài chuỗi chiến thắng ở các giải Grand Slam vì họ thu hút người hâm mộ và khán giả truyền hình nhiều hơn”.

Thậm chí Grigor Dimitrov và Milos Raonic được trông chờ nhiều hơn Cilic và Nishikori nhờ thứ hạng cao hơn và từng vào đến bán kết Wimbledon.

Bước ngoặt quan trọng của Nishikori 

"3 triệu USD cho nhà vô địch ư? Một món quà quá lớn! Chắc chắn tôi sẽ chia sẻ nó với cả êkip của mình, họ xứng đáng được như thế

Marin Cilic

Nishikori đến với quần vợt trên sân tập ở một công viên tại thành phố quê hương Shimane. Cha mẹ anh cũng chơi quần vợt nhưng chỉ để giải trí. Do sống ở thành phố nhỏ nên Nishikori chẳng tìm được ai để tập luyện chung.

Năm 12 tuổi, Nishikori được ông Masaaki Morita, tổng giám đốc Tập đoàn Sony, chọn cùng hai tay vợt trẻ khác đưa sang Mỹ tập luyện tại Học viện Bollettieri mà không phải trả chi phí nào. 

“Ông ấy yêu quần vợt và giúp đỡ quần vợt Nhật rất nhiều thông qua hiệp hội của mình. Mỗi năm ông ấy vẫn đi tìm vài tài năng trẻ để gửi sang Mỹ học. Lúc đó tôi còn quá trẻ để hiểu rằng sự xuất hiện của ông ấy có thể thay đổi cuộc đời mình” - Nishikori nói về người ân nhân trong một trả lời phỏng vấn trên tạp chí Tennis Magazine (Pháp).

Từ niềm vui được chơi quần vợt, Nishikori đã bước chân vào thế giới chuyên nghiệp và đầy thử thách mà không phải ai cũng vượt qua được. “May là chúng tôi gồm ba người và hai bạn kia đã giúp tôi rất nhiều, dù họ không còn tiếp tục con đường thi đấu” - anh kể.

Tại Florida, Nishikori được tập chung cùng Tommy Haas (Đức) và Xavier Malisse (Bỉ) thỉnh thoảng 1-2 lần trong tuần với chính ông thầy Nick Bollettieri. 

Sau khi ngấp nghé tốp 10 vào thời điểm cuối năm 2013, Nishikori đã có một quyết định quan trọng trong sự nghiệp: bổ sung Michael Chang vào êkip huấn luyện cùng với Dante Bottini (HLV thuộc Học viện Bollettieri).

“Tôi cảm nhận lối chơi của mình đang thay đổi. Tôi tấn công nhiều hơn và chơi tự tin hơn. Michael là người rất nghiêm khắc nhưng đôi lúc tôi cần điều đó. Một số người có thể thúc đẩy tôi một cách hiệu quả, và đó là trường hợp của Michael” - Nishikori nói về ảnh hưởng của Chang, cựu vô địch Roland Garros, sau trận thắng Djokovic.

Hiện nay Nishikori giao bóng hiểm hóc hơn và thường ghi điểm từ cú thuận tay đánh bóng nảy sớm. Nhưng thành công đến với Nishikori bị gián đoạn bởi nhiều chấn thương.

Ngoài ra, thể hình khiêm tốn của anh (cao 1,78m, nặng 68kg) cũng là một bất lợi trong thế giới của những gã khổng lồ có lối chơi đầy sức mạnh như Cilic. 

Marin Cilic - Ảnh: Reuters
Marin Cilic - Ảnh: Reuters

Sự phục thù ngọt ngào của Cilic

Năm ngoái Cilic không dự giải vì bị treo vợt do bất cẩn dùng thuốc có chất cấm. Anh luôn được nhắc đến trong thế hệ nối tiếp các tay vợt đầu đàn hiện nay. Nhưng khi Djokovic, Nadal, Murray... vẫn còn làm mưa làm gió ở các giải quan trọng, con đường để những tay vợt vừa đủ độ chín như anh thành công còn lắm chông gai.

Ít ai biết rằng trước hai tuần lễ “điên rồ” ở New York vừa rồi, Cilic chưa hề vào đến chung kết một giải Masters 1000 nào, chưa hề đoạt danh hiệu một giải ATP hạng 500 nào. Cả 11 danh hiệu ATP của anh đều là hạng 250, trong đó có đến bốn lần đăng quang tại giải quê nhà Zagreb.

“Đúng là phi thực tế khi tôi được gọi là nhà vô địch Grand Slam. Cả cuộc đời tôi đã mơ đến điều này” - Cilic phát biểu với cảm giác của một sự phục thù ngọt ngào cho tai nạn doping ngoài ý muốn.

Ngay khi vừa kết thúc án phạt treo vợt vào cuối năm 2013, Cilic liền tìm đến Goran Ivanisevic, nhà vô địch Wimbledon 2001, để cải thiện lối chơi mà HLV Bob Brett đã định hình từ năm 2004. Và Ivanisevic hào hứng nhập cuộc khi phát hiện Cilic đáp ứng một yêu cầu rất quan trọng trong mối quan hệ thầy trò: luôn chịu lắng nghe. 

Thay đổi lớn nhất mà Ivanisevic mang đến cho Cilic là động tác giao bóng và di chuyển trên sân uyển chuyển hơn, nhờ đó các cú đánh tấn công trở nên mạnh hơn. Tính trung bình mỗi bàn Cilic thực hiện thành công hai cú giao bóng ăn điểm trực tiếp. Anh cũng dễ dàng thắng điểm cầm giao bóng nhờ đánh dứt điểm chuẩn xác hơn. 

Ivanisevic từng khẳng định: “Với tầm vóc cao lớn (cao 1,98m, nặng 82kg), Cilic phải chơi tấn công nhiều hơn và tìm cách kết thúc bóng sớm để không bị kéo vào đôi công”. Nhưng phải mất gần nửa năm Cilic mới có sự thay đổi mong muốn khi anh bỏ được thói quen phân tâm vào việc tìm chiến thuật thi đấu trước các đối thủ mà quên tập trung vào lối chơi của mình.

Đặt mục tiêu trở lại tốp 10 trong năm 2014, Cilic xem như đã đạt được khi vươn lên hạng 9 thế giới, thứ hạng trước đây của anh hồi tháng 2-2010. So với Nishikori, hành trình của anh tại New York có phần thầm lặng hơn cho đến khi lật đổ Federer.

“Tôi bắt đầu chơi hay từ ván thứ năm trong trận gặp Gilles Simon (ở vòng 4). Sau đó, tôi có một chuỗi trận thắng khó tin trước các tay vợt hàng đầu. Đối với tôi, điều đó mang nhiều ý nghĩa” - Cilic nói.

Ý nghĩa nhất là vài con số thống kê sau đây. Cilic là nhà vô địch Giải Mỹ mở rộng đầu tiên nằm ngoài tốp 10 (hạng 16) kể từ Pete Sampras (hạng 17) năm 2002. Tại giải, anh đã thắng bốn trận cuối cùng trước những đối thủ đều dẫn trước anh trong đối đầu trực tiếp: Simon (0-4), Berdych (3-5), Federer (0-5) và Nishikori (2-5).

Tính từ kỷ nguyên Open (năm 1968) của quần vợt, Cilic là nhà vô địch thứ năm đoạt giải mà không thua ván nào trong ba trận cuối (thành tích gần đây nhất là của Federer tại Wimbledon 2003)...

Sau Wawrinka tại Giải Úc mở rộng 2014, Cilic đã góp phần mở rộng cánh cửa cho các tay vợt từ “tuyến hai” (tức xếp sau bộ tứ) đăng quang.

“Tôi nghĩ nay các tay vợt đều tin rằng họ có thể làm được điều tương tự ở các giải Grand Slam” - Cilic nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận