27/08/2014 08:03 GMT+7

​2 tàu cá vỏ thép gặp trục trặc

PHAN SÔNG NGÂN - TRƯỜNG TRUNG
PHAN SÔNG NGÂN - TRƯỜNG TRUNG

TT - 13g ngày 26-8, tàu Hoàng Anh 01 - tàu cá vỏ thép - được tàu cứu hộ lai dắt về cảng Nha Trang do bị chết máy, sau 20 ngày xuất bến chuyến thứ 2.

Ngư dân tàu Sang Fish 01 kiểm tra lại các tay lưới bị mất sau chuyến đi biển đầu tiên bị trục trặc - Ảnh: Trường Trung

Tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01 hỏng máy trên biểnTrong khi đó, tàu Sang Fish 01 - cũng là tàu cá vỏ thép - gặp sự cố với hệ thống tời quay lưới ngay chuyến đi biển đầu tiên vào ngày 22-8. Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang đang kiểm tra thiết bị gặp sự cố.

Vừa ra khơi đã gặp sự cố

Thuyền trưởng và chủ tàu Hoàng Anh 01 - ông Mai Thành Văn (ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết chuyến đi biển thứ hai của tàu xuất phát từ cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 5-8.

Sau khi chạy ba ngày ba đêm, tàu đến vùng biển khai thác. Lúc đang đánh cá thì trục tời để kéo lưới bị trục trặc, bứt gãy. Thủy thủ trên tàu tự khắc phục, hàn lại để tiếp tục khai thác.

Thế nhưng đến sáng 24-8, máy chính của tàu bị hư không thể khắc phục, mất khả năng điều động, phải thả trôi rồi gọi tàu cứu nạn.

Trở về với 11-12 tấn cá ngừ đại dương đã đánh bắt được trước khi tàu chết máy, một số ngư dân trên tàu lắc đầu cho hay “như vầy là lỗ nặng, sẽ không có tiền chia cho anh em rồi”.

Trưa cùng ngày, tại cầu cảng Đồn biên phòng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - nơi tàu Sang Fish 01 đậu, gần 10 ngư dân đang tham gia vá lưới và kiểm tra lại các khoen chì.

Ông Phan Bé - chủ tàu này - cho biết việc phải dùng lưới Đài Loan để vá vào phần lưới nguyên thủy nhập từ Nhật đã mất trong quá trình xảy ra sự cố và việc vá lưới lâu hơn dự kiến, nhanh nhất phải nửa tháng nữa tàu mới tiếp tục ra khơi.

Theo ông Bé, ngày 22-8, khi tàu đang đánh lưới vây trên khu vực vịnh Bắc bộ, hệ thống tời quay lưới bất ngờ bị gãy khi đang rút lưới khiến bốn tay lưới dài hơn 400m (trị giá hơn 500 triệu đồng) và hơn 1 tấn cá bị mất. Thủy thủ tàu phải mất hơn năm giờ để cứu giàn lưới hơn 1,6 tỉ đồng không bị cuốn xuống biển.

“Trục quay tời có khả năng chịu tải theo thiết kế là 18 tấn nhưng lúc gặp sự cố cá không nhiều nên tải trọng chưa tới 10 tấn. Trong chuyến đánh bắt này, tàu tôi bủa lưới 6 lần thì có tới 4 lần gặp sự cố với hệ thống tời. Lần này nghiêm trọng nhất vì trục quay bị gãy, thợ cơ khí trên tàu không thể khắc phục nên phải cập bờ để sửa chữa. Nguyên nhân là do khớp nối truyền lực được làm không chắc chắn. Tôi mới đánh được hai mẻ lưới nên chuyến đi này lỗ nặng” - ông Bé nói.

Do lỗi thiết kế?

Ngư dân Lê Văn Sang (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đồng sở hữu tàu Sang Fish 01, cho hay khi nhận tàu về anh phải mất hơn hai tháng để hoàn thiện tàu, nhưng hiện tàu vẫn còn khá nhiều khuyết điểm mà sau chuyến ra khơi đầu tiên anh mới nhận ra.

Theo anh Sang, tàu Sang Fish 01 thiết kế cabin to nên thường chao đảo và rung lắc với biên độ nhanh và rộng hơn so với tàu gỗ.

“Khi thả lưới, tàu ở dưới nước, dưới gió (tức tàu hướng vuông góc với hướng sóng và ở phía sau hướng thả lưới) nên vào mùa biển động, người kéo lưới trên tàu dễ ngã xuống biển. Tàu này mùa biển lặng thì êm nhưng mùa biển động thì chưa hợp với nghề lưới vây” - anh Sang nói.

Ngoài một số sửa chữa nhỏ, sau chuyến ra khơi đầu tiên, anh Sang phải tự bỏ tiền khắc phục các thiết kế chưa đúng như lệch khớp nối truyền lực, hỏng khớp nối hệ thống tời, dời trụ cẩu về phía mũi tàu do khó lên khoen chì khi kéo lưới.

“23 anh em trên tàu cứ kỳ vọng chuyến ra khơi đầu tiên trên tàu vỏ thép được suôn sẻ do đây là con tàu cá hiện đại nhất nhì VN, vậy mà tàu lại gặp sự cố. Tiền khắc phục sự cố so với giá trị con tàu chưa hẳn là nhiều, nhưng hi vọng những con tàu sau, nhà máy đóng tàu quan tâm hơn đến những chi tiết nhỏ nhất để ngư dân yên tâm vận hành tàu”- anh Sang nói.

Trong khi đó, ông Văn cho rằng lẽ ra độ cao của tháp cabin tàu phải hạ thấp hơn nữa, khoảng 0,8-1m. Ngoài ra, không chỉ trục tời bị trục trặc, không quay kéo được lưới lên, mà lưới dây trên tàu còn bị kéo tuột lại rất nguy hiểm, có thể sẽ cuốn cả ngư dân rớt luôn xuống biển nếu sơ ý.

“Nếu được cho đóng con tàu vỏ thép thứ hai, chắc chắn tôi sẽ đề nghị thiết kế có nhiều cái khác hơn con tàu đầu tiên này...” -  ông Văn nói.

Trả lời về việc hai tàu vỏ thép mới đóng nhưng đã gặp trục trặc ngay từ các chuyến đi biển đầu tiên, ông Lê Văn Toàn - phó giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang, đơn vị đóng tàu Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01 - cho rằng cần phải xem xét lại, bởi cả hai tàu “đều được đóng theo đúng quy trình quy phạm”.

“Dẫu sao đó cũng đều là theo lý thuyết. Còn cả con tàu là một tổ hợp cơ khí, kỹ thuật nên có những sai số, độ vênh nhất định, khi hoạt động trong thực tế mới nảy sinh, phát hiện. Chính vì vậy công ty đang rà soát, kiểm tra chặt chẽ mới có đánh giá kết luận và khắc phục...” - ông Toàn nói.

Các nhà cung cấp thiết bị, bảo hiểm sẽ kiểm tra

Sau khi tàu Hoàng Anh 01 được kéo về đến cảng Nha Trang, đích thân ông Lê Văn Toàn - phó giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang - trực tiếp xuống tàu để tìm hiểu.

Theo ông Toàn, máy lắp ráp cho cả hai tàu vỏ thép đầu tiên này đều là máy Nhật đã qua sử dụng, còn khoảng 85%, do một doanh nghiệp ở TP.HCM cung cấp.

Còn trục tời do một nhà sản xuất ở Nha Trang cung cấp và “ông này đã làm mấy chục năm nay, lắp ráp hàng trăm trục tời cho các tàu cá khác”. Ngày 27-8, các nhà bảo hiểm, cấp máy, thiết bị sẽ cùng kiểm tra, đánh giá trục trặc của tàu Hoàng Anh 01.

 

PHAN SÔNG NGÂN - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên