12/08/2017 10:13 GMT+7

Xuất giá tòng phu, Kịch cùng bolero đạo - nhái?

KHÔI NGUYÊN
KHÔI NGUYÊN

TTO - Có vẻ như... nhờ game show, ngày càng nhiều vụ xâm phạm bản quyền được phát hiện.

Sau liên khúc Mình ơi - Lý son sắt trong chương trình Sao nối ngôi lấy đoạn độc thoại trong vở Tía ơi má dìa, nay một tiết mục của chương trình Kịch cùng bolero lại gây thắc mắc về bản quyền.

Tuổi Trẻ trích đăng thư bạn đọc.

“Khi xem qua tập thứ 10, chủ đề “Cô đơn” của chương trình Kịch cùng bolero phát sóng trên kênh THVL1 tối 24-7, tôi khá bất ngờ khi thấy nội dung Xuất giá tòng phu của đạo diễn Vũ Trần phần nhiều sao chép từ truyện cùng tên của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan.

Xuất giá tòng phu là tác phẩm khá nổi tiếng của Nguyễn Công Hoan. Vì mong thăng quan tiến chức, người chồng đầu ấp tay gối sẵn sàng bán rẻ cả lương tâm, tình cảm vợ chồng sâu nặng, đành đoạn “biếu” vợ cho cấp trên một đêm như một món quà tết.

Với tác phẩm của đạo diễn Vũ Trần, người xem thấy câu chuyện biến đổi phần đầu và đuôi.

Xuất giá tòng phu kể về hai vợ chồng trẻ. Hằng ngày, người vợ ở nhà xe nhang, đợi chồng đi làm về. Một hôm người chồng trở về với món quà là chiếc áo dài gấm màu hồng vợ yêu thích.

Người vợ mặc ngay chiếc áo mà chồng mua tặng với niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, bỗng thấy vẻ mặt nhiều suy tư của chồng, cô gặng hỏi mới hay chồng vừa lỡ tay đánh chết người.

Anh chồng nhớ ra ông phủ từ trước giờ vẫn để ý đến vợ mình nên nghĩ cách hiến vợ một đêm cho ông ta để chạy tội, thậm chí còn muốn vì vợ “hầu” người có chức quyền mà sau này sẽ được thăng chức.

Người vợ đương nhiên không đồng ý với chuyện quá trái đạo lý luân thường như thế! Năn nỉ mãi không được, người chồng tức giận đánh vợ vì cho rằng không thương mình.

Sau cùng, mang quan niệm “xuất giá tòng phu”- mọi chuyện phải nghe lời chồng, người vợ trong xã hội cũ phải nhận lời đi “hầu” ông phủ.

Hiểu ra được tình cảm, sự chung thủy của vợ, người chồng hối hận nhưng vẫn để vợ đi...

Dù cố tình tạo vỏ bọc khác hơn cho tác phẩm nhưng diễn biến truyện, tâm trạng, câu thoại đắc địa của người phụ nữ và nhân vật nam trong truyện Nguyễn Công Hoan và kịch bản sân khấu khá giống nhau.

Các câu thoại họ cãi nhau về luân lý, phận làm vợ... cũng khá gần gũi nên dù cải biên thì vẫn phảng phất ngôn ngữ của truyện.

Người xem có thể nghi ngờ có hay không sự sao chép ý tưởng từ truyện khi xem kịch dù phần dự thi ghi rõ ràng: “Kịch bản - tác giả: Vũ Trần”. Hoàn toàn không có ý cảm tác từ tác phẩm văn học.

Tôi chợt nhớ câu nói như tuyên ngôn về văn chương, nghệ thuật của nhà văn Nam Cao: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho.

Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.

Nếu người nghệ sĩ không sáng tạo, anh chỉ là một anh thợ vụng mà thôi! Làm nghệ thuật là đòi hỏi nghệ sĩ phải luôn sáng tạo, sáng tạo không ngừng chứ không phải là sao chép, vay mượn ý tưởng.

Hơn hết, trong thời đại ngày nay, thật dễ dàng để phát hiện ra một tác phẩm đạo nhái, mượn ý tưởng. Người làm nghệ thuật chân chính cần phải nghiêm túc với chính mình, cũng là tôn trọng khán giả”.

Trách nhiệm của nhà đài ở đâu?

Nhiều trường hợp xâm phạm tác quyền khi được phát giác phần lớn các nhà đài đều đẩy quả bóng trách nhiệm về phía thí sinh.

Họ cho rằng thí sinh khi tham gia đã làm bản cam kết nên mọi việc thí sinh phải gánh hết. Và “công” phát giác hầu hết là từ phía công chúng, còn ban giám khảo, đạo diễn, biên tập, nhà sản xuất đều không hay biết.

Đạo diễn Hoàng Duẩn băn khoăn: “Tất nhiên, lỗi trước tiên là thí sinh, nghệ sĩ. Nhưng cần xem lại chất lượng của ban giám khảo, đạo diễn, biên tập, nhà đài... Tại sao không ai phát hiện?”.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chỉ thẳng: “Dù là lỗi của ai nhưng đã phát sóng trên truyền hình thì sản phẩm cuối cùng là của nhà đài nên nhà đài phải có trách nhiệm trong mọi chuyện, không thể đổ lỗi cho ai!”.

Bà Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan, cho hay bà đang giữ bản quyền những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Khi được hỏi đạo diễn Vũ Trần có liên lạc gì với gia đình để xin phép sử dụng nội dung truyện ngắn Xuất giá tòng phu để chuyển thể thành tác phẩm kịch cùng tên hay chưa?, bà Lê Minh nói về mặt giấy tờ thì gia đình bà chưa có hợp đồng giao kết bản quyền nào với đạo diễn này.

Theo một đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL), các tác phẩm văn học được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong 50 năm kể từ khi tác giả mất, tính cả các trường hợp làm tác phẩm phái sinh.

Vì vậy, nếu đơn vị sử dụng muốn làm tác phẩm phái sinh thì phải xin phép những người thừa kế theo luật.

L.ĐOAN - V.V.TUÂN

“Tôi không biết truyện Xuất giá tòng phu ”

Liên hệ với Vũ Trần, đạo diễn trẻ này phủ nhận kịch bản của anh có liên quan với truyện ngắn Xuất giá tòng phu của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Bất ngờ hơn khi Vũ Trần lý giải kịch bản Xuất giá tòng phu được anh dựa trên một kịch bản của... đạo diễn Huỳnh Phúc Điền.

Vũ Trần giải thích: “Trước khi làm tôi có ngồi bàn với diễn viên Khả Như thì Khả Như kể lại một kịch bản của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền (kịch Cõi tình - PV).

Câu chuyện về người chồng gây tai nạn rồi ép vợ mình đi nhận tội thay. Tôi thích câu chuyện này nên viết thành kịch bản Xuất giá tòng phu.

Vì câu chuyện của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền ở thời hiện đại nhưng tôi muốn chuyển về thời xưa. Còn truyện Xuất giá tòng phu của nhà văn Nguyễn Công Hoan thì tôi không biết!”.

Tuy Vũ Trần giải thích như vậy nhưng Xuất giá tòng phu của anh giống truyện Nguyễn Công Hoan hơn là kịch của Huỳnh Phúc Điền, giống từ cái tên Xuất giá tòng phu cho đến chi tiết người chồng tặng quà cho vợ, ép vợ đi ngủ với “ông phủ”... - ý chính trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.

QUANG THI

KHÔI NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên