20/10/2017 12:13 GMT+7

Xin đừng vội giao bờ sông Sài Gòn cho ai đó

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Thành phố đã tác động để di dời cảng Sài Gòn, Ba Son ra xa thành phố, dải đất ven sông Sài Gòn dài gần 70km là một mảnh đất kim cương theo nhiều nghĩa, vì vậy xin đừng vội giao cho ai đó...

Xin đừng vội giao bờ sông Sài Gòn cho ai đó - Ảnh 1.

Có một điều thú vị là hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều có dòng sông xuyên tâm hay chảy bên cạnh và nhiều thành phố trong số đó mang tên của dòng sông.

Thượng Hải có sông Hoàng Phố, Seoul có sông Hán, Bangkok có sông Chao Phraya, Matxcơva có sông Volga, Paris có sông Seine... Ở Việt Nam cũng tương tự, Huế có sông Hương, Hà Nội có sông Hồng, Đà Nẵng có sông Hàn, Cần Thơ có sông Hậu và TP.HCM có sông Sài Gòn.

Hai bờ của những con sông đó là tài sản vô giá của người dân thành phố và người thụ hưởng giá trị của nó không chỉ người dân thành phố mà còn những người khắp cả nước, cố nhiên là cho cả hàng triệu khách nước ngoài. Những dòng sông mang lại những lợi ích hữu hình và vô hình cho con người nhiều không kể xiết. 

Nhận biết được giá trị của bờ sông cho nên hầu hết chính quyền của các thành phố đều ý thức một cách rõ ràng rằng sông là tài sản chung của tất cả mọi người, ai cũng có quyền hưởng thụ, do vậy phải nâng niu, chăm chút cho bờ sông luôn sạch, đẹp, nên thơ.

Ở Việt Nam, có hơn 200 thành phố, thị xã, thị trấn sở hữu các dòng sông, nhưng biến bờ sông thành điểm đến mong ước thì còn quá ít. Rất nhiều thành phố ven sông và cả ven biển của Việt Nam đã không thành công trong ứng xử với những dải đất vàng này. Những dải biển của Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, những dải ven sông của Hà Nội, TP.HCM, Huế và nhiều thành phố khác bị "phân lô bán nền" cho các đại gia khai thác. 

Bờ sông, bờ biển bị băm nát. Bằng cách nào đó, các đại gia được sở hữu mảnh đất vàng ven sông, rồi họ coi dải đất đó là của mình và rồi các khối nhà cao tầng lừng lững mọc lên che chắn tầm nhìn, che chắn gió và nắng; họ đổ đất lấn sông, lấn biển tạo ra những công viên, sân vườn với những "kỳ hoa dị thảo", cây xanh, thảm cỏ, tượng đài, đài phun nước...

Giao bờ sông cho một số người là bất công Giao bờ sông cho một số người là bất công

TTO - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng giao bờ sông cho một số người là bất công.

Tất nhiên ai đến ở cũng được, nhưng để được hưởng thụ nó, trước đó phải bỏ ra nhiều tỉ đồng để được sở hữu một căn hộ cao cấp hay biệt thự.

Nói một cách thật công bằng, nhiều đời lãnh đạo của TP.HCM đã chú ý đến dải đất ven sông Sài Gòn, đặc biệt là đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến bến Nhà Rồng dài chừng 7km, việc thiết kế, xây dựng và khai thác nó đã được giao cho Hội Kiến trúc sư TP và Saigontourist. 

Thành phố đã tác động để di dời cảng Sài Gòn, Ba Son ra xa thành phố, nhưng ngặt nỗi không có kinh phí để phát triển, do vậy mà các dự án tuyệt vời vẫn còn nằm trên bản vẽ, trong khi các đại gia "lắm tiền nhiều của" lúc nào cũng muốn sở hữu dải đất này và cả những mảnh đất còn vẻ đẹp hoang sơ như Cần Giờ.

Chuyện rằng, khi giao 650ha để xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt - người sáng lập ra mô hình này - chỉ cho phép khai thác 40% đất xây dựng, phần còn lại là để cho thế hệ mai sau. Thông điệp của ông không chỉ cho Đại học Quốc gia TP.HCM mà cho tất cả những người có trách nhiệm của đất nước này.

Dải đất ven sông Sài Gòn dài gần 70km là một mảnh đất kim cương theo nhiều nghĩa, do vậy xin đừng vì quá nóng lòng, hay vì lợi ích nhóm mà vội vã giao cho ai đó. Lãnh đạo có nhiệm kỳ, đại gia hưng thịnh có thời, còn lợi ích của dân là vạn đại.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên