17/11/2016 11:28 GMT+7

Xe ôm trong vòng xoáy công nghệ

NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG - VŨ THỦY
NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG - VŨ THỦY

TTO - Ngày nào cũng vậy, dọc tuyến đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), cánh tài xế xe ôm bồn chồn ngồi ngóng khách. Trong khi đó, cánh xe ôm công nghệ liên tục lướt qua, thường lúc nào cũng có khách.

Khách đi xe GrabBike trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp trưa 16-11) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gọi là xe ôm công nghệ vì họ sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để đặt xe do tiện lợi, giá rẻ nên thu hút được nhiều khách hàng, khiến không ít người chạy xe ôm không dùng công nghệ mất khách, chịu ế ẩm.

Có gần chục dịch vụ xe ôm công nghệ mới. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ là lo toan miếng cơm manh áo, mà đã có những trận “thư hùng” đau lòng.

“Nồi cơm” vơi đi

Ông Minh (62 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), một người chạy xe ôm, nói: “Lúc trước chạy xe mỗi ngày còn phụ vợ 50.000 đồng tiền chợ. Phần tui 30.000 đồng đổ xăng, rồi cũng được ly cà phê đá với tô hủ tiếu 30.000 đồng. Giờ có Grab, sáng giờ mới được một cuốc 10.000 đồng”.

Ông Hưng - chạy xe ôm gần đó, thâm niên 30 năm - than thở: “Trước kiếm cơm cũng được, ngày 300.000 đồng là bình thường. Giờ kiếm 100.000 đồng không nổi”. Từ ngày xe ôm công nghệ ra đời, ông nói “te tua xơ mướp”. Ông cho biết dịch vụ công nghệ đặt xe ôm trên điện thoại đã “cướp nồi cơm” của ông.

“Nồi cơm” của những người chạy xe ôm chuyên nghiệp như ông Minh vơi đi là bởi giá xe ôm công nghệ rẻ hơn và linh hoạt theo giờ.

Anh Lê Nguyễn Hiền (36 tuổi), chạy xe ôm ở công viên 23 Tháng 9, cho biết: giá phổ biến của xe ôm công nghệ là 12.000 đồng cho 2km đầu tiên, 3.800 đồng cho những kilômet tiếp theo, ngoài ra còn có khuyến mãi như “hai cuốc tặng một cuốc”... khiến cánh xe ôm tự do khó cạnh tranh lại.

Xe ôm nào cũng mưu sinh

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - giám đốc một hãng xe ôm công nghệ, từ đầu năm đến nay đã xảy ra khoảng 20 vụ tài xế của hãng bị hành hung tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bởi các tài xế xe ôm thông thường. Đại diện hãng phải trình báo với công an các vụ việc này.

Không chỉ có ở sân bay, ga tàu lửa, bến xe, xung đột còn xảy ra ngay trên đường phố.

“Tại phường chúng tôi, bên công an có mời những người chạy xe ôm ra để thành lập tổ tự quản. Trong quá trình chạy xe, họ làm tai mắt giúp phát hiện và báo cho phường về tội phạm ma túy, cướp giật

Ông Phạm Quốc Thái ​(phó chủ tịch UBND P.7, Q.Tân Bình)

Anh Linh, một xe ôm công nghệ, phân trần: “Tui chỉ chạy theo cuốc khách đặt. Mình kiếm cơm cũng để người khác kiếm cơm, chẳng ai hại ai cả”. Tuy nhiên, anh cho biết cánh xe ôm công nghệ cũng rất tinh ý, thường né những nơi “nhạy cảm” như bến xe, sân bay, nơi tập trung nhiều xe ôm truyền thống.

Những người chạy xe ôm công nghệ cho biết: trước đây các anh thường không dám mặc đồng phục vì sợ bị đánh. Nay công ty yêu cầu, mặc thì vẫn mặc nhưng vẫn lo ngay ngáy vì nguy cơ bị đánh càng cao.

Tuy nhiên ông Dương Văn Minh - Nghiệp đoàn xe ôm P.2, Q.6 - cho biết: ở các bến bãi của nghiệp đoàn ông thỉnh thoảng có khách gọi xe ôm công nghệ và hai bên vẫn vui vẻ, việc ai nấy làm. Ông không quan niệm ai cướp “nồi cơm” của ai, mà chính là do khách hàng lựa chọn.

“Nhưng để tương lai có thể cạnh tranh được thì chúng tôi cũng cần tự nhắc nhở nhau trong thái độ với khách hàng, cách phục vụ... để chuyên nghiệp hơn” - ông Minh nói.

Cách nào “chung sống với nhau”?

Ông Nông Thanh Ban - chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm P.Bến Thành, Q.1 - cho biết: “Gần đây xảy ra nhiều trường hợp xe ôm công nghệ đến đón khách tại các vị trí của anh em xe ôm chúng tôi, cũng có chuyện đụng chạm, ảnh hưởng đến nồi cơm”.

Ông cho biết một hãng xe ôm công nghệ từng gặp gỡ, gợi ý nghiệp đoàn gia nhập mô hình công ty của họ.

“Nhưng hiện tại anh em xe ôm tham gia nghiệp đoàn hoạt động đã vào quy củ và nề nếp nên chúng tôi tự mình hoạt động được. Nghiệp đoàn có nhiều quy định để anh em hành nghề chuyên nghiệp hơn: yêu cầu phải đăng ký hồ sơ lý lịch, có thẻ hành nghề, có mã số, có đồng phục in logo trên cầu vai...

Nhờ vậy xe ôm chúng tôi cũng tạo được sự tin tưởng với người dân. Khách đi nhìn mã số, nhìn thẻ hành nghề thì khi xảy ra thất lạc đồ đạc nghiệp đoàn vẫn truy ra được” - ông nói.

Dù vậy, ông Ban nhìn nhận thực tế hầu hết cánh xe ôm ở khắp nơi chạy tự phát, số vào nghiệp đoàn chẳng bao nhiêu. Do đó thiếu chuyên nghiệp: cung cách phục vụ mạnh ai nấy xử lý, giá cả tùy tiện khiến khách hàng ngại bị “chặt chém”, rủi ro...

Ông Ban cho biết nếu nghiệp đoàn xe ôm được tổ chức thống nhất và ở tất cả các quận, huyện thì xe ôm nói chung vẫn có thể cạnh tranh được với xe ôm công ty, xe ôm công nghệ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Chí - tổ trưởng tổ xe ôm tự quản P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 - cũng có cùng quan điểm như ông Minh: “Chúng tôi mong muốn mọi người cùng chia nhau, nhường nhịn nhau để chạy, không ai giành “nồi cơm” của ai. Xe ôm công nghệ không nên mời khách dọc đường mà chỉ chạy theo cuốc đặt trên mạng, như vậy mới đúng”.

Ở tổ của ông Chí, anh em xe ôm tự quản, thỏa thuận với khách ở mức giá trung bình, không o ép khách. Đồng thời anh em cũng tự ra giá có khuyến mãi nếu đi hai chiều thì giảm giá chẳng hạn.

“Chúng tôi mong muốn được cạnh tranh công bằng như đưa ra mức giá chung thống nhất với các công ty xe ôm khác. Lúc đó tất cả mọi loại hình sẽ tự đổi mới để cạnh tranh. Cũng có thể thành lập một công ty hay có cơ quan quản lý xe ôm để hoạt động bình đẳng, có đóng thuế” - ông nói.

Trong khi đó tại các bến bãi, giới xe ôm lâu năm có lợi thế nhờ có bến. Chẳng hạn tại bến xe Miền Đông, xe ôm hoạt động trong bến xe do bến xe quản lý. Theo đó, chỉ có xe ôm của bến xe mới được rước khách từ trong bến xe. Khách muốn đi xe bên ngoài phải tự ra ngoài cổng.

Ở bến xe Miền Tây, xe ôm hoạt động trong bến phải đăng ký và đóng lệ phí. Do đó xe ôm bên ngoài không được đón khách bên trong.

45 phút trở thành tài xế xe ôm công nghệ

Giám đốc một hãng xe ôm công nghệ cho biết: thực chất các điều kiện để gia nhập công ty đơn giản, rất rõ ràng và luôn hoan nghênh sự tham gia của các tài xế tự do.

Các thủ tục đăng ký có chú trọng xác nhận nhân thân để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của đối tác tài xế đối với công ty và ngược lại, cũng như với hành khách. Tuy nhiên, cũng vì yêu cầu này mà nhiều người không muốn gia nhập với công ty.

Điều kiện để trở thành tài xế xe ôm công nghệ, theo ông Tuấn Anh, gồm có: xe máy cá nhân, điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android 4.1 trở lên.

Sau khi đăng ký và nộp hồ sơ, người đăng ký sẽ được tham gia khóa đào tạo cách sử dụng ứng dụng công nghệ cũng như kỹ năng phục vụ khách hàng. Chỉ với 45 phút kể từ khi nộp hồ sơ, người đăng ký sẽ được kích hoạt tài khoản và bắt đầu hoạt động ngay.

Nhiều hãng xe ôm

Hiện nay ở TP.HCM có rất nhiều hãng xe ôm công nghệ như Grab, Uber, GO-IXE, xe ôm thông minh GOGOX, EASYGO...

Ngoài một số hãng tính giá vận chuyển trên ứng dụng trong điện thoại, một số công ty tính cước theo đồng hồ gắn trên xe: như xe ôm của Công ty Thiên Khách (10km đầu tiên: 7.000 đồng/km, 10km tiếp theo: 6.000 đồng/km, từ km 21 trở đi là 4.000 đồng/km), Xe ôm Văn Minh: 5km đầu tiên 6.000 đồng/km, km thứ 6 đến km thứ 10 là 5.000 đồng/km, từ km thứ 11: 4.000 đồng/km…

NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên