22/12/2014 13:15 GMT+7

​Xe công: nên khoán đến cấp sở

THS ĐOÀN THANH TÙNG (Đắk Lắk)
THS ĐOÀN THANH TÙNG (Đắk Lắk)

TT - Chủ trương khoán trong việc sử dụng xe công không nên chỉ áp dụng với cấp thứ trưởng, tương đương thứ trưởng và cấp phó lãnh đạo các tỉnh thành, mà nên mở rộng đến lãnh đạo các sở ngành.

 

 

Nhân đọc bài “Siết chính sách xe công để giảm lãng phí” của TS Lê Hồng Sơn trên báo Tuổi Trẻ ngày 18-12, tôi lại nhớ đến đề xuất “chính sách khoán ôtô 4-7 chỗ ngồi” mà tôi đã gửi tới ngành tài chính của một tỉnh cách đây 14 năm và đề xuất này rơi vào quên lãng.

Lúc đó tôi còn là công chức nhà nước ở một tỉnh. Thời điểm này Chính phủ triển khai cải cách hành chính và Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn chính sách tiết kiệm, chống lãng phí có đề cập đến nội dung quản lý ôtô con.

Những nội dung này được phổ biến đến tận cơ quan để công chức, viên chức thực thi, đồng thời có những góp ý, đề xuất với lãnh đạo để thực hiện sao cho hiệu quả.

Đề xuất của tôi lúc ấy chỉ nêu trong giới hạn của một tỉnh, áp dụng cho cấp sở. Ngày đó, Chính phủ có quy định mỗi sở ban ngành và tương đương được trang bị ít nhất một ôtô 4-7 chỗ ngồi, thời hạn sử dụng tối đa 10 năm hoặc 200.000km thì có thể thanh lý và được trang bị xe mới.

Trong thực tế, mỗi sở thường có nhiều ôtô công, như sở của tôi làm lúc ấy dù chỉ là sở nhỏ của một tỉnh lẻ nhưng đã có đến hai xe công, phần nhiều chỉ phục vụ đưa đón lãnh đạo sở.

Trong đề xuất, tôi tạm tính hiệu quả tiết kiệm cho một ôtô công được khoán sử dụng trong thời hạn 10 năm.

Tổng chi phí cho 10 năm vừa trang bị vừa sử dụng xe là 2 tỉ đồng (gồm chi phí trang bị ban đầu một ôtô khoảng 400 triệu đồng; chi phí lương cho tài xế, bảo hiểm, xăng dầu đi công tác, lệ phí, sửa chữa... khoảng 160 triệu đồng/ năm).

Nếu áp dụng mức khoán với giám đốc sở: 3 triệu đồng/tháng, phó giám đốc: 2 triệu đồng/tháng/người (gồm ba người), thì tổng chi phí khoán với một sở trong một tháng sẽ là 9 triệu đồng, mười năm sẽ là 1,08 tỉ đồng, tiết kiệm được 920 triệu đồng, tức gần 50% so với chi phí bỏ ra.

Và hiệu quả mang lại không chỉ là số tiền này, mà biên chế hành chính sẽ giảm bớt một lái xe và giảm bớt các thủ tục quản lý hành chính tại cơ quan liên quan đến xe công như quản lý giấy tờ liên quan đến bảo hành, sửa chữa, điều xe đi công tác... Nếu mỗi sở giảm được 2-3... xe công thì hiệu quả sẽ được nhân lên hai, ba lần.

Bên cạnh đó, người được khoán chi phí sử dụng xe sẽ có điều kiện tích lũy để mua sắm ôtô riêng cho cá nhân và gia đình (chắc chắn sẽ được sử dụng hiệu quả hơn xe công, không có chuyện lãng phí).

Điều này sẽ tạo cơ hội cho ngành sản xuất ôtô phát triển, tạo công ăn việc làm thêm cho người lao động, tăng thu ngân sách từ thuế mua bán ôtô... Chắc chắn những hiệu quả mang lại này sẽ được xã hội đồng thuận.

Tại thời điểm hiện nay, chi phí đầu tư ban đầu và sử dụng cho một xe công đã tăng lên. Nếu mua ôtô khoảng 1 tỉ đồng, chi phí việc sử dụng xe 10 năm tối thiểu khoảng 3 tỉ đồng (như con số công bố của một quan chức Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đưa ra), thì phải tốn kém ít nhất là 4 tỉ đồng.

Nếu thực hiện việc khoán sử dụng ôtô công như đề xuất của tôi trước đây và có điều chỉnh tăng mức khoán, ví dụ giám đốc 5 triệu đồng/tháng, phó giám đốc 3 triệu đồng/ tháng, thì số tiền tiết kiệm được đến trên 2 tỉ đồng (hơn 50%) cùng những lợi ích khác như kể trên.

Thiết nghĩ, việc thay đổi trong chính sách từ bao cấp sang khoán xe công cho một sở nếu được áp dụng sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ.

Nếu nhân rộng mô hình khoán này trong tầm cả nước với con số khoảng 37.000 xe công mà số đông trong này là hoàn toàn có thể thực hiện khoán được, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho toàn xã hội và nhận được sự đồng thuận cao.

THS ĐOÀN THANH TÙNG (Đắk Lắk)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên