10/07/2016 14:19 GMT+7

​ Xây dựng trường trong doanh nghiệp nâng chất dạy nghề

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Tiềm năng phát triển các chương trình hợp tác với doanh nghiệp trong các cơ sở dạy nghề còn rất lớn và được phía doanh nghiệp ủng hộ.

Các trường nghề cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong ảnh: Sinh viên lớp cơ khí Trường CĐ nghề TPHCM đang thực hành trên máy phay. Ảnh: NHƯ HÙNG
Các trường nghề cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong ảnh: Sinh viên lớp cơ khí Trường CĐ nghề TPHCM đang thực hành trên máy phay - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo TS Bùi Thế Đức, phó trưởng ban Tuyên giao trung ương, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao hiện nay còn nhiều yếu kém. Việc kết nối giữa đào tạo với việc sử dụng lao động ở các doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhiều trường nghề không có người học

“Năng suất lao động ở VN còn rất thấp trong khu vực, thua xa so với các nước phát triển. Tình trạng lao động qua đào tạo trình độ cao ở trình độ cao thất nghiệp nhiều. Một số tỉnh có tới 80% sinh viên ra trường làm trái nghề. Nhiều khu công nghiệp chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật” - ông Đức cho biết.

Tính đến tháng 12-2015, cả nước có 1.467 cơ sở đào tạo nghề, mạng lưới đào tạo nghề đã phủ kiến toàn quốc với đội ngũ giáo viên dạy nghề trên 40.600 người, cơ sở vật chất đã được đầu tư nâng cấp nhiều.

“Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vào các trường trung cấp và cao đẳng nghề hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở không có học sinh vào học. Chất lượng đào tạo của rất nhiều cơ sở đào tạo vẫn rất kém, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp” - ông Đức cho biết thêm.

Theo ý kiến của một số nhà khoa học, hiện nay cơ chế, chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp ở nước ta có nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp không tham gia vào quá trình đào tạo nghề…

TS Lê Hồng Huyên, vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế trung ương, cho rằng tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 20% là rất thấp. Nguyên nhân chính là tư duy bao cấp trong dạy nghề còn nặng và chưa thực sự coi dạy nghề là hoạt động cung cấp dịch vụ theo nguyên tắc thị trường.

"Các chính sách về dạy nghề về phía cung lao động (người học) mà chưa chú trọng phía người sử dụng lao động (doanh nghiệp) làm triệt tiêu động lực nâng cao trình độ và kỹ năng của người học, làm giảm lòng tin và sự tham dự của doanh nghiệp trong đào tạo nghề” - ông Huyên nói.

Cần đổi mới cơ chế đào tạo nghề

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sự dịch chuyển lao động trong cộng đồng các nước ASEAN đòi hỏi các nhà trường phải đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo để cung cấp cho người học kỹ năng cần thiết.

Cần đổi mới cơ chế đào tạo nghề, xóa bỏ dần bao cấp, tăng tính tự chủ cho nhà trường, tạo cơ chế cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia quá trình đào tạo, đóng góp tài chính, đề ra các tiêu chí để các cơ sở đào tạo điều chỉnh chương trình đào tạo.

Tập trung đào tạo kỹ năng cho người lao động, phù hợp với yêu cầu từng vị trí việc làm; các hội nghề nghiệp cần xây dựng chuẩn nghề nghiệp trên cơ sở đó các trường xây dựng chuẩn đầu ra.

Bên cạnh đó cần đổi mới cơ chế tiền lương, chế độ bảo hiểm để khuyến khích người lao động liên tục nâng cao trình độ tay nghề. Cần điều chỉnh lại kế hoạch chiến lược đào tạo nhân lực cho phù hợp với mức tăng dân số và yêu cầu của kỹ nguyên số. 

Tiềm năng còn rất lớn

Theo TS Nguyễn Hồng Minh, tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề - Bộ LĐTB&XH các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, trong đó có những nội dung sau nếu được thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kiến thức, kỹ năng sinh viên như: mời chuyên gia doanh nghiệp về giảng dạy, mời cựu sinh viên về giao lưu, trao đổi với sinh viên đang học, doanh nghiệp tài trợ thiết bị cho dạy nghề, cấp học bổng cho sinh viên…

Những điều này cũng có những tác động tích cực tới kiến thức, kỹ năng sinh viên, tuy nhiên chúng chỉ đóng vai trò bổ trợ trong toàn bộ quá trình học tập của sinh viên. “Hiện nay, tiềm năng phát triển các chương trình hợp tác với doanh nghiệp trong các cơ sở dạy nghề còn rất lớn và được phía doanh nghiệp ủng hộ. Nếu khai thác tốt chất lượng sinh viên tốt nghiệp sẽ được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động” - ông Minh khẳng định.

Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chưa chủ động tham gia hợp tác với cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề (nhiều doanh nghiệp chưa biết có chính sách miễn thuế thu nhập khi tham gia đào tạo nghề).

Trong khi các cơ sở dạy nghề chưa thiết lập được bộ phận chuyên quan hệ với doanh nghiệp để tạo thế chủ động trong mối quan hệ cung cầu lao động qua đào tạo nghề.

Chiến lược Phát triển nhân lực VN thời kỳ 2011-2020 đã khẳng định cần phải thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh vào phát triển nhân lực; đẩy mạnh gắn kết các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, mở rộng các hình thức dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực; thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc phát triển nhân lực.

Cần sớm xây dựng "trường trong doanh nghiệp"

Nhiều chuyên gia cho rằng Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực tạo hành lang pháp lý để hệ thống đào tạo nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ. Trong Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định rất rõ việc đổi mới chương trình, đổi mới quá trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng những nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp về kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

TS Lê Hồng Huyên kiến nghị phải nhanh chóng đưa Luật Giáo dục nghề nghiệp vào áp dụng, đồng thời giao cho ban quản lý các khu công nghiệp nhiệm vụ quản lý đào tạo chính lao động mình sẽ sử dụng, thay vì thực tế gần như 100% doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại ở mức trung bình ba tháng như hiện nay.

Còn TS Nguyễn Hồng Minh cho rằng cần sớm hình thành hệ thống cơ sở giáo dục dạy nghề có sự phân tầng có trường chất lượng, đào tạo những nghề mũi nhọn. Đồng thời khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại khu công nghiệp, xây dựng mô hình “trường trong doanh nghiệp”.

“Trong thời gian qua, một số cơ sở dạy nghề đã đầu tư và phát triển các trung tâm quan hệ doanh nghiệp và thực tế đã chứng minh rằng cơ sở dạy nghề nào có các trung tâm quan hệ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì nơi đó có sự gắn kết tốt với doanh nghiệp và chất lượng đào tạo được nâng lên. Vì vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển mô hình này ở tất cả các trường trung cấp, cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp” - ông Minh đề xuất.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên