19/05/2015 12:00 GMT+7

​“Xắn tay” giải bài toán mía đường

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Nguồn cung đường hiện đang quá cao so với lượng cầu trong khi giá thành sản xuất đường của Việt Nam lại không cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực.

Nếu không thay đổi, người nông dân sẽ quay lưng với cây mía, và khi đó, người tiêu dùng sẽ phải sử dụng đường nhập khẩu giá cao...

Sức cạnh tranh yếu

Niên vụ 2014-2015, tổng diện tích mía cả nước đạt 305.000 ha, với năng suất mía bình quân cả nước là 65,3 tấn/ha. Tổng sản lượng mía ước đạt 20 triệu tấn, tương đương niên vụ trước, sản lượng mía được ép để chế biến đường vào khoảng 16 triệu tấn.

Tuy nhiên, có một con số khác đáng quan tâm hơn, đó là theo thống kê của Bộ NN&PTNT, niên vụ này đã có 4.000 ha mía được thay thế bằng các loại cây khác.

Sức cạnh tranh của mía đường đang yếu từ chính nơi sản xuất, khi người nông dân không còn thiết tha trồng mía...

Đại diện Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT lý giải, sức cạnh tranh yếu của ngành mía đường Việt Nam có nguyên nhân quan trọng là do giá mía nguyên liệu. Hiện nay, giá mía nguyên liệu chiếm từ 70-80% giá thành sản xuất đường.

Cụ thể, giá mía nguyên liệu tại Thái Lan ở mức 30-35 USD/tấn (khoảng 6.000-7.000 đồng/kg), trong khi giá ở Việt Nam từ 800.000-1.000.000 đồng/tấn (8.000-10.000 đồng/kg). Như vậy, giá nguyên liệu Việt Nam đã cao hơn Thái Lan 2.000-3.000 đồng/tấn.

Giá thành mía nguyên liệu ở Việt Nam cao là do giống mía ở Việt Nam chủ yếu là giống cũ (chiếm tới 50%), những giống đang trồng gồm My 55-14, ROC1- ROC 10, F156, F127, R570, Comus… có trữ đường thấp.

Ngoài công tác giống chưa được quan tâm đúng mức, phương thức thu mua mía (mua sô) cũng không khuyến khích được người trồng mía.

Việc thu hoạch bằng phương thức thủ công, ít đưa cơ giới hóa cũng làm giảm trữ đường (một ngày chậm đưa mía nguyên liệu đã thu hoạch vào sản xuất sẽ làm giảm 10% trữ đường).

Một yếu kém khác của ngành mía đường Việt Nam phải kể tới là 2/3 lượng đường sản xuất hiện nay dựa vào những nhà máy có công nghệ, trình độ chế biến ở mức trung bình, thậm chí lạc hậu do sử dụng thiết bị cũ, nhỏ.

Do đó, giá thành sản xuất đường ở Viêt Nam luôn cao ngất ngưởng so với các nước.

Chính vì vậy, phải gấp rút thực hiện giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường.

Không phải chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành so với thị trường quốc tế, mà phải nâng cao ngay cả đối với các loại nông sản khác trong nước.

Bản thân ngành mía đường sẽ không thể cạnh tranh được với các loại cây trồng khác trong nước như sắn, cao su…

20asVxIO.jpg

Nỗ lực vực dậy mía đường

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, đến năm 2018, các nước thành viên ASEAN phải cam kết mở cửa thị trường hoàn toàn đối với hầu hết các mặt hàng, trong đó có đường.

Cụ thể, Việt Nam phải thực hiện cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường trong ASEAN với thời gian chậm nhất là năm 2018.

Khi thực hiện cam kết này, việc nhập khẩu đường từ các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng và khi đó, thuế suất nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chỉ là 5%.

Có thể nói, đây là “sân chơi” đòi hỏi ngành đường phải có sự chuẩn bị bài bản và quyết tâm lớn trong nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh vững vàng hơn trong hội nhập.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đang bàn thảo nhiều giải pháp, nhưng đầu tiên là phải chấn chỉnh về năng suất, chất lượng mía nguyên liệu. Bộ đặt vấn đề không nằm ở khối lượng mía mà là năng suất đường. Để tăng năng suất đường có thể là tăng khối lượng, tăng trữ đường hoặc cả hai.

Với tình hình hiện nay, phải đưa giá thành đường Việt Nam tương đương thế giới. Như vậy, ngành phải giảm chi phí nguyên liệu. Có thể giảm giá thu mua nguyên liệu nhưng thu nhập của nông dân vẫn phải tăng lên, đây mới là bài toán khó. Do vậy, yếu tố đầu tiên là phải đột phá về giống, sau là thay đổi thâm canh, áp dụng cơ giới hóa và tổ chức lại sản xuất.

Để ngành mía đường sản xuất hiệu quả, Cục Trồng trọt cần sớm rà soát và công bố quy trình sản xuất mía để phổ biến, nhân rộng cho nông dân; Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu công nghệ tưới mía cho từng vùng cụ thể.

Cùng với đó, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản phải công bố quy trình cơ giới hóa, giảm tối thiểu tổn thất sau thu hoạch trên cây mía...

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên