16/03/2017 19:12 GMT+7

Xâm hại tình dục trẻ em: giúp trẻ vượt qua nỗi đau

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Người mẹ cần phải bình tĩnh, vỗ về để con vượt qua nỗi sợ bằng cách từ từ nghe con tâm sự chứ không giận dữ cố tìm cho ra kẻ hại trẻ, vì như vậy sẽ “nỗi đau chồng nỗi đau”.

TS Lê Thị Linh Trang, trưởng khoa đại cương, Học viện cán bộ TP.HCM, chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
TS Lê Thị Linh Trang chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

“Đừng đánh trống bỏ dùi”

Tại tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” do báo Tiền Phong cùng Trường ĐH Văn Hiến phối hợp tổ chức ngày 16-3, PGS.TS Kim Xuyến (phó khoa KHXH&NV, chuyên ngành xã hội học - tâm lý học, ĐH Văn Hiến) cho rằng dư luận xã hội Việt Nam hiện nay đang phản ứng dữ dội với hành vi đồi bại của những kẻ xâm hại trẻ em.

“Họ không đồng tình với tình trạng quá nhiều vụ việc nghiêm trọng đã và sẽ bị xem nhẹ và dần dần bị bỏ rơi trong quên lãng. Có người mẹ, người cha dường như đơn độc đi cầu cứu hết nơi này đến nơi khác mà không thể lấy lại được công bằng.

“Nhiều người đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xử lý nghiêm với mọi đối tượng xâm hại. Cho dù kẻ thủ ác là ai thì công lý cũng phải được thực thi” - bà Xuyến nhấn mạnh.

Bà Xuyến cho rằng nguyên nhân nạn ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh và còn quá cứng nhắc; xã hội trọng sự im lặng cùng văn hóa tránh nói về vấn đề sinh lý, tình dục.

Trong khi đó, dường như các tổ chức xã hội chưa nhìn nhận nghiêm túc về kỹ năng sống, về tình dục, giáo dục giới tính.

“Tôi nhận thấy việc quá chậm trễ trong việc xử lý về pháp lý và sự im lặng cũng như sự kỳ thị với trẻ em bị hại là cách khắc nghiệt nhất làm các em không được hưởng những quy định về quyền trẻ em” - bà Xuyến nói.

Nhẹ nhàng với trẻ bị xâm hại

TS Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng điều quan trọng là phải làm sao hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân và gia đình.

Đặc biệt, khi cha mẹ chính là người phát hiện ra con bị xâm hại, điều đầu tiên cần làm là hỗ trợ tâm lý cho con, giúp cho con ổn định, sau đó mới nói đến các hoạt động liên quan đến việc hỏi về câu chuyện, thông tin kẻ thủ ác rồi liên hệ các cơ quan y tế hay công an.

“Nhiều khi nỗi đau, căm giận quá lớn khiến cho phụ huynh ngay lập tức tra hỏi đứa trẻ, bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại. Chúng tôi gọi như vậy là “hiếp dâm lần thứ 2”. Nhiều bài báo cùng mạng xã hội gần đây đang đưa quá sâu và quá kỹ, vô tình khoét sâu thêm nỗi đau của nạn nhân, làm cho trẻ bị di chấn nhiều hơn” - TS Thúy chia sẻ.

“Tại sao những ca xâm hại tình dục lại dẫn đến tự tử?” - TS Thúy đặt câu hỏi rồi trả lời: “Là do các em bị xã hội ám thị, bị hỏi đi hỏi lại quá nhiều, trẻ phải trả lời quá nhiều. Trong khi đó, kẻ thủ ác lại không được đưa ra ánh sáng, không chịu hình phạt thích đáng. Điều này làm mất niềm tin và dẫn đến trẻ bị xâm hại tự tử”.

"Việt Nam có 15 tổ chức bảo vệ trẻ em, nhưng khi chúng tôi gửi văn bản thì không được nhiều tổ chức hỗ trợ. Tôi không vui vì tại sao các tổ chức không vào cuộc ngay từ đầu vụ xâm hại trẻ ở Vũng Tàu mà phải đến khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước mới được chung tay?” - luật sư Lê Ngọc Luân,  Đoàn luật sư TP.HCM, chia sẻ.

Một khách mời trong buổi tọa đàm thắc mắc, làm sao lưu lại bằng chứng có giá trị pháp lý khi trẻ bị xâm hại.

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng khi trẻ bị sang chấn tâm lý cần phải được điều trị. Cơ quan thực thi pháp luật cần phải được công nhận để đào tạo ra một chuyên viên tâm lý làm việc với bệnh nhi. Cha mẹ cũng cần được điều trị tâm lý, phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho con" - bác sĩ Trang nói.

Đồng quan điểm, luật sư Đào Thị Bích Liên, chi hội phó Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, chia sẻ: "Người mẹ cần phải bình tĩnh, vỗ về để con vượt qua nỗi sợ bằng cách từ từ nghe con tâm sự chứ không giận dữ cố tìm cho ra kẻ hại trẻ, vì như vậy sẽ “nỗi đau chồng nỗi đau”. Người đó sẽ chối và trẻ sẽ sợ hơn”.

Luật sư Liên cho biết thêm, khi thu nhập chứng cứ, sau khi con kể lại thì hãy nhẹ nhàng ghi âm bằng điện thoại. Từ từ lắng nghe con, lời kể ban đầu rất quan trọng, đồng thời chụp lại hình ảnh trên cơ thể, lưu lại quần, không tắm cho con trong 24 tiếng. Yêu cầu cơ quan chức năng trưng cầu pháp y, sau đó đưa con đi thăm khám.

Tương tự, luật sư Lê Ngọc Luân chia sẻ: “Quan điểm của tôi là người mẹ phải bình tĩnh, nhẹ nhàng trò chuyện với con và phải ghi âm lời khai. Phía công an là phải hết sức nhẹ nhàng, không để kẻ xâm hại biết để xóa hết các dấu hiệu”.

Dạy trẻ bảo vệ bản thân đúng cách

“Tôi nghĩ nhà trường nên cho các em học tập theo nhóm, có những tờ rơi, hình ảnh để các em nhận biết về các hành vi xâm hại” - bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, chia sẻ.

TS Lê Thị Linh Trang, trưởng khoa đại cương, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết: "Chúng ta cần phải dạy cho trẻ dùng những từ ngữ một cách chính xác để nói về vùng riêng tư. Chỉ cho trẻ cách làm sao tự ứng phó với kẻ xấu một cách cụ thể”.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên