Vũ Bằng làm báo trên đất Bắc

LẠI NGUYÊN ÂN 06/06/2013 07:06 GMT+7

TTCT - Từ năm 2000 tới nay, các tác phẩm của nhà văn - nhà báo Vũ Bằng (1913-1984) được phép trở lại "sống" với công chúng và giới văn nghệ chúng ta.

Phóng to

Tuy vậy, có thể nói, về Vũ Bằng như một tác gia và một nhà hoạt động văn học và báo chí, sự tiếp cận của giới xuất bản và nghiên cứu vẫn còn những thiếu hụt rõ rệt: 1/ Chưa thu thập được toàn bộ các tác phẩm Vũ Bằng từng đăng báo, in sách lúc sinh thời, hoặc là di cảo; 2/ Chưa nắm được đủ dữ liệu về toàn bộ hoạt động báo chí của Vũ Bằng.

Hai thiếu sót này liên can mật thiết đến nhau. Những điểm mờ về tiểu sử, về sự nghiệp làm báo làm văn của Vũ Bằng vẫn còn khá rộng. Tôi thử đi tìm đôi nét dấu bút Vũ Bằng trên hai tờ nhật báo đất Bắc: tờ Trung Việt Tân Văn ở Hà Nội và tờ Lửa Sống ở Hải Phòng năm 1954-1955.

Một kiểu chủ bút "thật kỳ"

Về tờ Trung Việt Tân Văn (1946), soạn giả Nguyễn Thành trong Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Hà Nội: Nxb Văn Hóa - Thông Tin, 2001) ghi: "Trung Việt tân văn. Hà Nội. Của một nhóm văn nghệ sĩ, lợi dụng quan hệ với Hoa thương và sĩ quan quân đội Trung Hoa để buôn bán kiếm lời", kèm chỉ dẫn duy nhất về khoảng thời gian hoạt động của tờ báo là "năm 1945-1946". Tòa soạn đặt tại 56 Hàng Bông, Hà Nội.

Giới nhà văn cùng thời biết gì, nói gì về sự can dự của Vũ Bằng vào Trung Việt Tân Văn?

Có lẽ người duy nhất nói đến đoạn hoạt động này của Vũ Bằng chính là Nam Cao (1915-1951) trong truyện ngắn Đôi mắt (1948) mà hầu như ai cũng từng biết. Tuy là truyện hư cấu, nhưng ít nhiều vẫn có thể xem là sự ghi nhận đôi nét bề ngoài của một hoạt động có thực: "Vào cái hồi quân đội Ðồng minh vào giải giáp quân Nhật ở nước ta, một số gái kiếm tiền trút bộ áo đầm ra để mặc bộ áo Tầu. Còn anh bạn của tôi, chẳng biết bám được ông má chín nào, ra một tờ báo hằng ngày để chửi vung lên"... (Tạp chí Văn Nghệ, s.2, 4-1948).

Nhà văn - nhà báo Vũ Bằng - Ảnh: wikipedia.org
Vũ Bằng, trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo (1969), cũng kể về việc mình tham gia Trung Việt Tân Văn. Ông nhớ lại: "Báo ra đời nhằm mục tiêu siết chặt tình thân thiện Hoa - Việt, tuyên truyền cho chế độ Trung Hoa trắng [tức Trung Hoa dân quốc - LNA]". Người được phép xuất bản tờ này là Tsan Cẩm Thoòng (có lẽ là một Hoa kiều có thế lực ở Hà Nội khi ấy); Lê Kỳ làm chủ nhiệm; Vũ Bằng được mời làm chủ bút do chơi thân với Nguyễn Phổ, con rể Lê Kỳ.

Cũng theo lời kể lại của Vũ Bằng, tuy giữ chân chủ bút Trung Việt Tân Văn nhưng ông rất ít viết cho báo và hầu như không làm việc tòa soạn.

"Nói riêng về chức chủ bút của tôi, thật kỳ. Khác hẳn khi làm thư ký tòa soạn cho các tờ báo khác, người chủ bút của Trung Việt Tân Văn từ lúc báo ra cho đến lúc báo nghỉ gần như không viết gì, không biết gì về báo. Mọi công việc tòa soạn do Phùng Bảo Thạch và Ngô Tất Tố trông nom hết. Qua ngày này sang ngày khác, tôi chỉ phụ trách việc đi ăn uống, xã giao, hết cơm Tàu đến cơm Tây, hết cụ này mời lại đến ông kia thết. Nhưng dù sao, tất cả những cái đó chưa kỳ bằng việc mấy chủ nhân của báo quan niệm về nghề báo lúc bấy giờ: bài vở đăng báo không cần lắm, trọng tâm hoạt động của chủ bút là công việc tiếp thu quân đội Nhật. Nghĩa là mỗi khi quân đội Lư Hán tiếp thu ở đâu thì lại có tin báo liền cho chủ bút với đầy đủ chi tiết: hôm nay, quân đội Nhật làm sao, ta nhận bao nhiêu võ khí, tìm ra được mấy kho vải, bao nhiêu kho gạo, bao nhiêu kho đường...

Thực quả làm báo như thế cũng ngộ và khỏe. Từ thuở bước chân vào nghề, tôi chưa hề bao giờ lại thấy làm báo khỏe đến như thế"…

(Bốn mươi năm nói láo, phần 3, Trung Việt Tân Văn, bản điện tử)

Sưu tập Trung Việt Tân Văn hiện còn lưu tại Thư viện quốc gia ở Hà Nội chỉ có 13 số, từ 17-2-1946 đến 2-3-1946, lại đã bị ai đó xé mất số 1. Mỗi số báo chỉ có một tờ giấy A3, hai mặt giấy làm thành hai trang. Đây là nhật báo, đưa tin nhiều hơn đăng các bài luận. Bài luận nếu có thường ngắn, tuy vậy báo vẫn có đăng quảng cáo.

Về tin tức, trọng tâm là thời sự ở Việt Nam, ở Đông Dương, như tin về các ông nghị và quốc dân thảo luận hiến pháp, tin tức về các thương thảo Pháp - Hoa, Pháp - Việt, tin quân Pháp và quân ta giao chiến ở Mương Phine, quân ta đánh quân Pháp ở Sài Gòn - Chợ Lớn, tin chiến sự Nam Trung bộ, "5 phút với Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Hồ Chủ tịch giải thích về hiệp ước Pháp - Hoa", tin tức về việc thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến…

Mỗi số thường có một bài xã thuyết, ký T.V.T.V., là những ý tưởng "định hướng" công chúng: "Cầm nhận rõ đại cục" (s.2), "Ba điều kiện tối cần để kháng chiến kiến quốc" (s.4), "Chánh phủ liên hiệp kháng chiến" (s.5), "Khủng hoảng chánh trị" (s.6), "Mấy cuộc biểu tình và bãi công chánh trị gần đây nói với ta những gì?" (s.7), "Kẻ thù của ta" (s.8), "Ai phản động?" (s.9)…

Thông thường, người viết xã thuyết là chủ bút, tức là về nguyên tắc phải gắn trách nhiệm tinh thần, tác quyền tinh thần loạt bài kể trên với tác gia Vũ Bằng, do việc ông đứng tên chủ bút Trung Việt Tân Văn. Chỉ khi chúng ta tin lời Vũ Bằng trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo rằng ông "gần như không viết gì, không biết gì" về bài vở, về công việc của tờ báo, thì người ta mới nghĩ đến việc gắn loạt xã thuyết trên cho những người làm việc ở tòa soạn mà Vũ Bằng kể tên là Phùng Bảo Thạch hoặc Ngô Tất Tố.

Nét riêng biệt của tờ báo này có lẽ ở chỗ có thể xem đây là tiếng nói của một số nhà văn nhà báo Việt Nam lúc này hãy còn chưa đứng về phía nào trong một tiến trình phân ly chính trị khốc liệt của cộng đồng dân Việt vốn đã bắt đầu khởi lên từ những năm tháng đó.

Hải Phòng có một "Lửa sống"

Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam của soạn giả Nguyễn Thành vốn là sách chỉ dẫn toàn bộ các báo và tạp chí từng xuất bản ở Việt Nam, nhưng lại không có dòng nào về tờ báo Lửa Sống. Nhớ chừng như cách nay trên mười năm có một hội thảo về văn hóa lịch sử Hải Phòng, cũng chưa nghe ai nói đến tờ Lửa Sống trong đời sống Hải Phòng hồi năm 1954…

Hai nguồn tư liệu duy nhất hiện có về tờ Lửa Sống là hồi ức của Vũ Bằng và chính sưu tập nhật báo Lửa Sống hiện còn lưu tại Thư viện Quốc gia. Ngay chính Vũ Bằng, trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo đã nói đến tờ báo này, dù rất sơ sài:

"Ở Hải Phòng, gần tết, trời mưa phùn liêu diêu, nằm gối đầu tay ở trên gác trọ, tôi cũng sầu không tả được. [...] Nghỉ tay được chừng nửa tháng thì Bùi Đình Lĩnh lại rủ tôi làm tờ "Lửa Sống", tờ báo hàng ngày độc nhất ở Hải Phòng lúc bấy giờ. [...] lúc Lĩnh rủ tôi về giúp cho tờ "Lửa Sống", tôi nhận lời ngay, mỗi sáng tạt đến tòa báo xem tin tức độ nửa tiếng đồng hồ. Vì là một tờ báo độc nhất xuất bản lúc ấy trên đường vào Nam, báo "Lửa Sống" được người ta tranh nhau mua đọc [...].

[...] "Lửa Sống" cùng với chúng tôi di cư từ Bắc vào Nam [...] Nhưng vì mới chân ướt chân ráo vào Nam, chưa rành tiếng Nam, mà lại không được thấu đáo tâm lý của người đọc báo, thêm nữa lại cứ trình bày báo theo lối Bắc, viết truyện dài kiểu Bắc, cho nên "Lửa Sống" không còn được trông thấy những ngày vàng ở Hải Phòng…".

(Bốn mươi năm nói láo, phần 4, Báo hại. Trên đường vào Nam: "Lửa Sống", bản điện tử)

Trong đoạn hồi ức này, điều đáng tiếc nhất đối với người nghiên cứu hậu thế là thay vì kể các tình tiết, sự việc về bài vở và công việc tòa soạn Lửa Sống, tên những người thường viết bài cho báo, bút danh của họ…, tác giả lại đuổi theo dòng cảm nghĩ về ý muốn thoát khỏi nghề báo, gợi lên do ông thấy tận mắt một cảnh làm tiền bất lương của đồng nghiệp trong tòa soạn.

Tại Thư viện Quốc gia hiện có một sưu tập khoảng trên 30 số báo Lửa Sống, từ số 1 (ra ngày 28-9-1954) đến số 51 (17-11-1954). Có lẽ đây chỉ là một phần rất nhỏ các số báo Lửa Sống đã xuất bản tại Hải Phòng trong suốt khoảng thời gian thành phố cảng trở thành thủ phủ tạm thời của chính phủ Quốc gia Việt Nam (từ 1-10-1954). Bởi có thể dự đoán thời điểm báo chuyển vào Nam hẳn cũng chỉ ít lâu trước 13-5-1955, ngày mà phía quân đội Liên hiệp Pháp trao trả hoàn toàn Hải Phòng cho phía Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đó là một tờ báo ra hằng ngày, mỗi kỳ bốn trang khổ lớn (A2), tòa soạn và trị sự tại 56 Bonnal (Lê Thánh Tôn, Hải Phòng), chủ nhiệm kiêm quản lý Bùi Đình Lĩnh, chủ bút Hà Thành Thọ. Hoạt động trong vùng do chính thể Quốc gia Việt Nam quản lý, bối cảnh này chi phối mọi diễn ngôn, từ đưa tin đến bình luận của tờ báo.

Các tin tức và bình luận liên quan đến chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa đương nhiên được xem như đưa tin và bình luận về phía bên kia, về phía "đối phương", phía "cộng sản". Tất nhiên, trên một tờ nhật báo người ta sẽ đọc được những tin tức về muôn mặt đời sống đương thời chứ không phải chỉ những so đọ "quốc/cộng".

Và tờ báo hằng ngày duy nhất trên đất cảng thời gian 300 ngày ấy, lưu giữ được rất nhiều dữ kiện cụ thể của đời sống muôn mặt ở Hải Phòng, ở vùng duyên hải miền Bắc những ngày tháng ấy. Tiếc rằng sưu tập hiện còn chỉ gồm một lượng báo quá ít, lại hầu như chưa hề được giới nghiên cứu biết đến và khai thác.

Ở hồi ký Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng kể ông "mỗi sáng tạt đến tòa báo xem tin tức độ nửa tiếng đồng hồ". Vậy là có nhiều khả năng Vũ Bằng động bút vào mảng tin tức thời sự trên báo. Đây là một mảng lớn trên mỗi số của tờ nhật báo này, tin tức thường lấy từ nhiều nguồn (các đài phát thanh và các báo Âu Mỹ, nhất là của Pháp, từ Việt Tấn Xã và đài phát thanh của chính quyền Quốc gia Việt Nam), rất ít tin tức do người của tòa soạn Lửa Sống trực tiếp thực hiện.

Trang nhì dành đáng kể cho những tin tức tại Hải Phòng, từ hoạt động của tòa thị chính đến các vụ việc dân sự. Tuy vậy, điều được quan tâm nhiều hơn cả chính là những diễn biến và xung đột xung quanh việc tổ chức di cư từ Bắc vào Nam, hoặc những dịch chuyển thay đổi tại Hải Phòng và Hà Nội từng ngày một.

Tác phẩm duy nhất ký Tiêu Liêu (Vũ Bằng) trong những số Lửa Sống hiện còn dường như là một dịch phẩm, hoặc đúng hơn một phóng tác nhan đề: "Thuốc độc trong cái răng giả".

Truyện được đăng trên Lửa Sống từ số 37 (2-11-1954), tính đến số 51 (17-11-1954) là số cuối của sưu tập Lửa Sống hiện có tại Thư viện Quốc gia, đăng đến kỳ thứ 15 và vẫn chưa kết thúc. Đây là một truyện trinh thám, biểu dương tài phán đoán, khám phá của thám tử Đằng Tôn, người luôn luôn tìm ra các dấu hiệu hình sự đáng giá trước khi các nhân viên sở liêm phóng dò tới…

Cả hai tờ nhật báo mà Vũ Bằng từng can dự có thể đã bị quên lãng ngay ở giới làm lịch sử báo chí, chưa nói giới làm lịch sử văn học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận