30/06/2017 08:44 GMT+7

Vụ án Phương Nga cần điều tra bổ sung vấn đề gì?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Cho Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung tại ngoại, TAND TP.HCM cũng đề nghị Viện KSND TP.HCM điều tra việc ngụy tạo hồ sơ, xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án này.

Hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung nghe tòa công bố quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn - Ảnh: Hữu Khoa
Hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung nghe tòa công bố quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn - Ảnh: Hữu Khoa
Tôi chỉ hi vọng tòa trả hồ sơ để làm rõ thêm một số vấn đề chứ không dám nghĩ đến việc mình được tại ngoại. Tôi thấy HĐXX đã thật công tâm khi xem xét tất cả những vấn đề mà chúng tôi đã trình bày. Và chú thẩm phán đã mang lại cho tôi niềm tin rằng còn có sự công bằng 
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga

Chiều 29-6, hội đồng xét xử công bố quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án, thay đổi biện pháp ngăn chặn và cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.

Tất cả các chứng cứ mới xuất hiện và tình tiết mâu thuẫn trong 5 ngày xét xử vừa qua đều được hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu Viện KSND TP.HCM điều tra làm rõ.

Điều tra việc ngụy tạo chứng cứ

Theo HĐXX, tại tòa hai bị cáo Nga và Dung đều khai nhận bản chất số tiền 16,5 tỉ đồng là do ông Cao Toàn Mỹ chuyển cho Nga vì hai bên có quan hệ tình cảm. Trong khi đó, ông Mỹ lại khai số tiền đó là nhờ Nga mua nhà.

Bị cáo Nga khai hồ sơ mua nhà do bị cáo làm theo hướng dẫn của bà Nguyễn Mai Phương. Toàn bộ thỏa thuận mua bán nhà được tạo lập sau khi Nga bị ông Mỹ tố cáo.

Diễn biến tại phiên tòa cho thấy bị cáo Dung thay đổi lời khai so với lúc ở cơ quan điều tra. Đối chất tại tòa cho thấy lời khai của bị cáo, người làm chứng có nhiều mâu thuẫn nên cần phải làm rõ.

Theo HĐXX, cần xác định thời điểm tạo lập các thỏa thuận mua bán nhà, giấy hẹn thanh toán tiền cũng như việc trưng cầu giám định để xác định thời điểm tạo lập hồ sơ, làm rõ xem ông Cao Toàn Mỹ nhận các giấy thỏa thuận từ ai, chứng minh nguồn gốc giấy tờ trên nêu.

HĐXX yêu cầu điều tra làm rõ xem bị cáo Dung tham gia như thế nào trong việc tạo lập các văn bản thỏa thuận mua nhà. Cần phải chứng minh 16,5 tỉ đồng ông Mỹ chuyển cho bị cáo Nga là tiền gì.

Nếu không phải là thỏa thuận mua bán nhà thì phải làm rõ ai là người tạo lập các chứng cứ, với mục đích gì để xử lý theo quy định của pháp luật.

HĐXX cũng yêu cầu cơ quan điều tra xác định lời khai của bị cáo Nga về 17 lần xuất nhập cảnh nước ngoài với ông Cao Toàn Mỹ. Trong khi Nga khai đi và ở chung phòng khách sạn thì ông Mỹ khai ở riêng.

Tại tòa, bị cáo Nga tố cáo bị ông Cao Toàn Mỹ đe dọa, vì vậy HĐXX yêu cầu điều tra xem có sự đe dọa bị cáo hay không, nếu có thì xử lý theo quy định pháp luật.

Có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp

Trong ngày, bị cáo Nga và Dung đã tiếp tục khai ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra. Theo bị cáo Nga, ở cơ quan điều tra, bị cáo đã bị điều tra viên dọa dẫm, mớm cung.

Riêng bị cáo Dung khai được điều tra viên hướng dẫn khi ghi lời khai, vì vậy các bản cung giống nhau đến từng chi tiết.

Dung cũng khai sau khi viết thư xong, bị cáo sẽ đưa thư cho cán bộ trại giam qua lỗ gió ở buồng giam. Thông qua vị cán bộ này, Lữ Minh Nghĩa cũng gửi thư vào trại giam cho Dung.

“Nghĩa đã cung cấp số điện thoại và tên của vị cán bộ này. Vì vậy cần làm rõ lời khai của bị cáo và người làm chứng về việc gửi thư bằng túi nilông, làm rõ vai trò của bà Mai Phương xem có liên quan đến vấn đề này hay không? Có hay không việc quản giáo làm “giao liên” cho bị cáo? Cũng cần giám định các bức thư, làm rõ có hay không hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp” - HĐXX cho biết.

Hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung vui mừng lên xe về lại trại tạm giam để làm thủ tục cho tại ngoại - Ảnh: Hữu Khoa
Hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung vui mừng lên xe về lại trại tạm giam để làm thủ tục cho tại ngoại - Ảnh: Hữu Khoa

Một phiên tòa dân chủ, đáng để nghiên cứu

Phiên tòa được xét xử đã kết hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng nên đã làm rõ được những vấn đề mà hồ sơ chưa làm chặt chẽ. Việc điều khiển phiên tòa như thế đã đảm bảo một cách khách quan, thể hiện rõ bản chất của vụ án.

Việc tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn với 2 bị cáo là hợp lý bởi thời gian tạm giam cũng đã hơn 2 năm, chứng cứ buộc tội còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, giữa chứng cứ buộc tội và gỡ tội còn nhiều mâu thuẫn.

Phiên tòa này còn cho thấy sự dân chủ, chặt chẽ trong việc tôn trọng và đánh giá, ghi nhận những trình bày, kiến nghị và yêu cầu của luật sư.

Đồng thời, phiên tòa này cũng tạo điều kiện hết sức cho truyền thông tác nghiệp cũng là một cách tuyên truyền pháp luật đối với xu hướng cải cách tư pháp trong xét xử.

Điểm nổi bật ở phiên tòa này chính là bị cáo đã im lặng. Đây là vấn đề rất mới bởi những người làm trong ngành tố tụng cũng có thể đặt câu hỏi tại sao bị cáo lại im lặng.

Tuy nhiên, với cách điều khiển khéo léo thì cuối cùng bị cáo đã khai báo dần dần và đưa ra được những bằng chứng, tình tiết mới cho phiên tòa.

Ông NGUYỄN SƠN - phó chánh án TAND tối cao

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên