14/10/2016 09:02 GMT+7

Vô cảm với cộng đồng - căn bệnh không mới

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Tôi không muốn dây dưa, tôi không muốn bị ảnh hưởng, kệ xác mọi chuyện? - là những trả lời thường thấy khi có một sự kiện bên ngoài xã hội đang diễn ra....

Thấy xả rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, 47,5% người mặc kệ

Thấy xả rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, 47,5% người mặc kệ - Ảnh: Tự Trung. 

Thấy người xả rác không lên tiếng, gặp người bị nạn không ra tay cứu giúp, sống ảo - bình luận cổ xúy cho những hành động gây sốc trên mạng… bình thường? Chúng ta vô cảm đến vậy sao?

Những câu chuyện buồn

47,5% người dân sống dọc bờ Nhiêu Lộc-Thị Nghè cho biết họ mặc kệ, không coi đó là chuyện của mình khi thấy người khác xả rác xuống dòng kênh.

Trước đây, dư luận từng bất bình trước hình ảnh những người đi đường dừng lại để chụp ảnh, quay video vụ tai nạn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Hà Nội), thay vì ra tay giúp đỡ những người đang bị thương, đau đớn nằm trên đường.

Chưa kể có những người còn vô cảm đến độ nhìn xem quanh hiện trường tai nạn có gì giá trị thì nhanh tay bỏ vào túi mình, lẩn vào đám đông và bỏ trốn.

“Cảm giác tuyệt vọng nhất không phải là nỗi đau thân thể hay cái xe hỏng mà là cảm giác không biết bao nhiêu người đi đường quần áo đẹp đẽ phóng qua, đi chậm chậm lại, hạ kính ôtô, dừng xe tay ga chen chúc nhau giơ máy điện thoại và... quay lại hình ảnh”.

Đó là chia sẻ của nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông khi bao người qua lại chỉ chụp ảnh, quay hình mà chẳng nghe thấy tiếng cô kêu cứu.

Cứ mỗi khi xuất hiện clip học sinh đánh nhau, người ta lại thấy một đám đông xung quanh hò reo, cổ vũ hoặc kích động kiểu “đánh nó đi, cho nó chừa” thay vì những cánh tay chìa ra để chở che người bị bắt nạt.

Dù Bộ luật hình sự đã có quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng theo nhiều chuyên gia, trước khi xét đến khía cạnh pháp luật, hãy bàn đến cái tình giữa người và người trong xã hội.

Nếu ai cũng chỉ nghĩ cho mình, “sống chết mặc bây” thì“gian khổ sẽ dành phần ai” trong cuộc sống này?

Tuy nhiên, có lúc, muốn làm điều tử tế, muốn làm người tốt cũng không phải là điều dễ dàng, khi mà có nhiều rắc rối có thể nảy sinh trong quá trình giúp người. Người tốt giúp người bị nạn, vậy ai bảo vệ người tốt đây?

Chuyện của anh Trương Hoàng, một người “thề sẽ không can gián gì nữa” sau những rắc rối anh gặp phải khi giúp người: "Tôi sống và làm việc tại Sài Gòn. Hôm bữa đi trên đường có vụ đánh nhau. Bất ngờ một người ngã đè vào xe tôi đang đi tới. Người còn lại đang dùng một ống tuýp bổ xuống đầu người kia. Tiện tay tôi chụp ống tuýp và can ngăn. Bỗng đâu ba tên đầu gấu lao ra đánh tôi tới tấp, ý nói là không được can. Trong khi người đứng hai bên đường cứ chỉ trỏ rất say sưa…"

Cộng đồng càng lớn, ý thức chung càng nhỏ?

Tiến sĩ (TS) Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho rằng ứng xử của con người đối với các hành vi xâm hại quyền lợi chung của cộng đồng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường mà người đó sinh sống.

Ở những cộng đồng nhỏ như làng xã, nơi mọi người có quan hệ thân thuộc với nhau, ai cũng được mặc định có quyền lợi và nghĩa vụ chung đóng góp cho cộng đồng đó.

Nhưng ở môi trường đô thị thì lại khác, con người không có mối quan hệ thân hữu với nhau, đi đến nơi công cộng chỉ gặp người dưng kẻ lạ.

Người ta luôn phải tính toán rằng khi phản ứng với những hành vi xấu thì sẽ đem lại hiệu quả gì. Đôi khi gặp những trường hợp bất lợi, phản ứng vừa không đạt hiệu quả bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng, vừa gây hại cho cá nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng phòng quản lý khoa học - dự án (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho rằng: “Cuộc sống đô thị quá nhanh khiến nhiều người không còn thời gian quan tâm đến mọi người xung quanh.

Nhiều người cũng nghĩ đến chuyện mình sẽ bị nguyền rủa, bị hãm hại hoặc bị liên đới trách nhiệm khi xen vào việc của người khác, lâu dần làm giảm đi hoặc thậm chí giết chết nhiệt huyết xây dựng nếp sống văn minh. Đáng buồn việc này lại trở thành hiện tượng được phần đông noi theo”, TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.

Cứ để cho chính quyền xử phạt?

Theo ông Nguyễn Ngọc Thơ, con người đô thị hiện đại dường như quên đi mất rằng trách nhiệm giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ trật tự an ninh, giữ gìn tác phong cộng đồng không phải chỉ riêng của bộ phận chính quyền mà cũng là của mỗi cá nhân.

Nhiều người có tâm lý cứ để chính quyền xử phạt, mình không cần dây dưa vào làm gì mà quên mất rằng việc phát hiện, lên tiếng trước những hành vi xấu là trách nhiệm của mọi người để bảo vệ môi trường sống của mình.

Chính quyền không thể có tai mắt ở khắp mọi nơi, do đó rất cần sự giám sát và chung tay góp sức của mọi người dân.

Theo TS xã hội học Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), khi con người ta vô cảm thì cái xấu, cái ác, cái giả dối sẽ lên ngôi, vì không còn sự kiểm soát trên bình diện xã hội.

Ở những trường hợp này người ta thường viện dẫn đến lực lượng chức năng, nhưng không một lực lượng nào đủ để giám sát hết mọi mặt xã hội, không đủ thời gian, tiền bạc, độ bao phủ. Mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ môi trường sống chung.

Ở những quốc gia phát triển có sự phân công xã hội cao, người dân phát hiện tình huống xấu có thể báo ngay cho chính quyền, nhưng ở xã hội ta chưa có sự chuyên nghiệp đó, do vậy mọi mặt của đời sống đều cần đến sự tham gia của cả cộng đồng. 

Thêm vào đó hành vi xấu chưa bị trừng phạt, hành vi tốt chưa được tôn vinh cũng là lý do khiến người ta “ngại” tử tế.

Cần nâng cao tương tác xã hội

Làm thế nào để con người bớt vô cảm? - Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Ngọc Thơ đề xuất cần tăng cường sự tương tác lẫn nhau, đặc biệt là giữa những người sống trong các đô thị lớn.

Theo TS Trịnh Hòa Bình, các giá trị xã hội hiện nay đang có nhiều sự thay đổi và đang bị thách thức trên nhiều mặt.

Chủ nghĩa tập thể không còn tồn tại, giá trị xã hội nghiêng rất nhiều về cá nhân, về cái tôi của mỗi người, cho nên người sẵn sàng không tham gia vào công việc chung, thấy rác không buồn nhặt, thấy người xả rác không buồn nhắc nhở,…

Nhiều người sẵn sàng vì hiếu kỳ mà tụ tập đám đông để xem cái gì đó, nhưng để can thiệp, tỏ chính kiến, thể hiện trách nhiệm và tinh thần phê phán thì lại không.

Thêm vào đó, ví dụ về những người làm ơn mắc oán, làm việc chung mà phải chịu trách nhiệm cá nhân cũng không thiếu, làm những người còn đang do dự giữa việc thể hiện trách nhiệm chung với cộng đồng và việc bảo vệ sự yên ổn cho bản thân sẵn sàng không tham gia.

Có lẽ chỉ trong những trường hợp cháy nhà, thiên tai, những tình huống liên quan đến tính mạng, tình huống nguy hiểm ảnh hưởng đến nhiều người thì trạng thái dùng dằng không muốn can thiệp của mỗi cá nhân mới được tháo gỡ - ông Hòa Bình cho biết.

“Chủ trương một người vì mọi người, mọi người vì một người giờ đây dường như đang mất đi”, ông hòa Bình nói.

Nghe các phát biểu trong bài:

>> Ông Trịnh Hòa Bình

>> Ông Lý Tùng Hiếu

>> Ông Nguyễn Ngọc Thơ

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục