25/06/2015 08:14 GMT+7

Vĩnh biệt thầy GS.TS Trần Văn Khê - người truyền lửa

Học trò 
NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
Học trò 
NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG

TT - Tiễn biệt GS.TS Trần Văn Khê -  nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia hàng đầu về âm nhạc Việt Nam, Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu bài viết của một trong những học trò gắn bó nhất với ông - nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng.

GS.TS Trần Văn Khê và học trò - thạc sĩ Hải Phượng - Ảnh: Nguyễn Á
GS.TS Trần Văn Khê và học trò - thạc sĩ Hải Phượng - Ảnh: Nguyễn Á

Thầy ơi,

Dẫu biết cuộc đời thật vô thường, ai rồi cũng sẽ đến một ngày trở về với cát bụi, nhưng chúng con - những người học trò vẫn cảm thấy một sự hụt hẫng, mất mát không gì bù đắp nổi khi người Thầy yêu dấu đã mãi mãi rời xa.

Chúng con chẳng còn cơ hội làm vui lòng Thầy bằng tiếng nhạc, lời ca; chẳng còn lúc cười đùa vui vẻ khi nghe Thầy kể chuyện; không còn dõi mắt say sưa nghe Thầy giảng những bài học về tình yêu âm nhạc bao la.

Hơn nửa đời người sống và làm việc tại nước ngoài, biết bao lần Thầy đứng trên bục giảng của nhiều đại học trên thế giới, viết hàng trăm bài nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam và các nước... nhưng Thầy vẫn trăn trở nỗi niềm làm sao cho giới trẻ Việt Nam yêu mến âm nhạc Việt Nam. Sao cho lớp trẻ có thể trả lời câu hỏi: âm nhạc Việt Nam có cái gì? Âm nhạc Việt Nam hay chỗ nào?

Ngọn lửa yêu thương âm nhạc dân tộc mà Thầy đã dùng cả cuộc đời mình để nhen lên và trao truyền cho nhiều thế hệ sẽ còn cháy mãi trong trái tim của những người còn nặng lòng với đất nước

Hành trang trở về

Thầy đã trở về, mang theo hành trang là tất cả những tư liệu góp nhặt trong nhiều năm và khối kiến thức uyên bác mà Thầy sẵn sàng chia sẻ cho những ai cần đến. Cũng vì mong muốn truyền bá âm nhạc dân tộc nên dẫu cho đôi chân không thể dễ dàng di chuyển, Thầy vẫn chẳng ngại ngần đi diễn thuyết ở bất cứ nơi đâu. Khi sức khỏe không cho phép, Thầy vẫn gọi chúng con lại hòa đàn, vẫn góp ý những đề án để bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, vẫn tổ chức những buổi giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt tại tư gia. Thầy vẫn là "người truyền lửa", người đứng phía sau, hỗ trợ và khuyến khích những người học trò có năng lực, có tâm huyết đi theo con đường vinh danh văn hóa Việt. Những lúc đó, chúng con thấy Thầy vẫn tràn đầy nội lực. Sự uyên thâm về kiến thức; sự điêu luyện ở cách diễn giải; sự hào hứng, sôi nổi toát ra từ nét mặt, giọng nói vẫn ngự trị trong tâm hồn và thể xác của một "lão sư" trên 90 tuổi.

Thầy từng nói lên tâm nguyện của mình là căn nhà sau này sẽ được giữ lại để làm "nhà lưu niệm, nhà bảo tàng" để những ai yêu quý âm nhạc Việt Nam, yêu quý Thầy có thể đến thăm. Thầy ước mong rằng tro cốt của Thầy sẽ được để ở nơi đây, để mỗi lần ngôi nhà sáng ánh đèn của các cuộc đàn ca tài tử thì Thầy vẫn có thể cùng vui với mọi người. Thầy thường cười lớn khi nhắc nhở rằng: Thầy là một người nghệ sĩ, Thầy muốn các con nhớ đến Thầy với hình ảnh một ông già ngồi xe lăn nhưng vẫn lạc quan yêu đời, một người nghệ sĩ tuổi đã cao nhưng trái tim yêu nhạc dân tộc mãi còn trẻ trung.

Tiếng đàn tri âm...

Là một nhà nghiên cứu, Thầy đã sắp xếp công việc cũng như cho cuộc hành trình ra đi mãi mãi của đời mình một cách chu đáo. Thầy căn dặn gia đình đừng báo tin cho nhiều người biết trong lần vào bệnh viện mới đây.

Thầy không muốn mọi người lo lắng, còn chúng con thì vẫn tin rằng Thầy chỉ vào ít bữa rồi lại ra như bao lần trước. Rồi Thầy lại có thể ngồi trên chiếc xe lăn quen thuộc đi từng nơi, giới thiệu những cái hay cái đẹp trong âm nhạc Việt Nam, truyền ngọn lửa cháy bỏng từ trái tim mình đến bao thế hệ tiếp nối.

Ngay trong căn phòng bệnh viện, Thầy vẫn dành những giây phút hiếm hoi còn lại để chia sẻ những nỗi niềm suy tư trăn trở về văn hóa dân tộc, vẫn lên kế hoạch cho những chương trình kế tiếp, vẫn khuyến khích những người học trò của mình tiếp nối con đường vinh danh văn hóa Việt Nam mà Thầy theo đuổi trong suốt cuộc đời.

Nằm trên giường bệnh, bao quanh mình là hàng loạt máy móc khiến Thầy không thể tự do cử động, nhưng khi vừa tỉnh lại Thầy đã ra dấu cho biết muốn nghe tiếng đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo. Mọi người vội tìm lại các CD lưu những bản hai Thầy từng đàn với nhau, đồng thời liên lạc với nhạc sư. Khi được báo tin, nhạc sư đã lập tức ngồi lên đàn, thu thanh hai bản và chuyển sang. Khi tiếng đàn còn thoảng bên tai Thầy thì nhạc sư đã lại ngồi thu âm và gửi sang nhiều khúc nhạc nữa.

Chúng con đã thật xúc động khi được nghe tâm sự của nhạc sư: "Ngày hôm nay, 10-6-2015, vào lúc 16g58 phút giờ Sài Gòn..."; "Hôm nay, ngày 11-6-2015, lúc 9g rưỡi sáng giờ Sài Gòn...". "Nam xuân, Vĩnh Bảo đàn. Tặng cho GS.TS Trần Văn Khê đang bệnh. Mong rằng tiếng đàn Nam xuân này, xuất phát từ cái tâm, có thể có mãnh lực phi thường do ơn trên ban, để cho GS.TS Trần Văn Khê sớm bình phục, trở lại cuộc sống bình thường".

Lời chúc thân thương và tiếng đàn mạnh mẽ của vị lão sư 98 tuổi như muốn truyền sang niềm tin yêu, động viên tiếp sức cho người bạn tri âm tri kỷ của mình. Chúng con đã mong muốn rằng phép lạ sẽ xảy ra như mọi lần để hai Thầy có thể thực hiện được lời hứa năm nào: "Dù cho vật đổi sao dời, chúng mình trăm tuổi vẫn ngồi bên nhau".

Vậy mà...

Con xin kính cẩn thắp một nén hương cầu chúc cho Thầy ra đi thanh thản. Rồi đây căn nhà lưu niệm Trần Văn Khê - một địa chỉ thân quen cho những chương trình vinh danh văn hóa Việt - sẽ vắng bóng một con người uyên bác, tài hoa. Những cây đàn treo trên tường, kỷ niệm của nhiều chuyến đi, kỷ niệm của nhiều con người Thầy đã từng gặp gỡ, giờ đây nằm im lìm chịu sự phủ bụi của thời gian.

Nhưng Thầy ơi, ngọn lửa yêu thương âm nhạc dân tộc mà Thầy đã dùng cả cuộc đời mình để nhen lên và trao truyền cho nhiều thế hệ sẽ còn cháy mãi trong trái tim của những người còn nặng lòng với đất nước. Gia tài văn hóa Việt Nam sẽ mãi mãi ghi thêm vào đó tên một người con đã hiến dâng trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp âm nhạc nước nhà.

Thầy ơi...

GS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt chuyên đề tại tư gia - Ảnh: Gia Tiến
GS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt chuyên đề tại tư gia - Ảnh: Gia Tiến

Giáo sư Trần Văn Khê từ trần

Sau gần một tháng bệnh nặng, mặc dù đã được bệnh viện và gia đình tận tình cứu chữa, chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, GS-TS Trần Văn Khê đã qua đời vào 2g55 sáng 24-6 (nhằm ngày mùng 9 tháng 5 năm Ất Mùi) tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM, hưởng thọ 94 tuổi.

Tang lễ của GS Trần Văn Khê được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình cùng tổ chức.

Theo đúng di nguyện của giáo sư, linh cữu của ông sẽ được quàn tại nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 12g trưa ngày 26-6-2015.

Lễ động quan được bắt đầu vào lúc 6g sáng ngày 29-6-2015.

Ngay sau lễ động quan, linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tro cốt sẽ được đem về tư gia để mọi người thăm viếng.

GS-TS Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình bốn đời là nhạc sĩ.

Sau khi hoàn thành xuất sắc chương trình tú tài vào năm 1941 tại Sài Gòn, Trần Văn Khê nhận học bổng của chính phủ thuộc địa ra Hà Nội học đại học y khoa (1941-1944). Từ năm 1944-1949, Trần Văn Khê vừa làm giáo sư tư thục tại Sài Gòn và Cần Thơ, vừa làm ký giả báo Thần Chung và Việt Báo.

Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp với nhiệm vụ phóng viên, từ đó bắt đầu quá trình học tập và làm việc lâu dài tại Pháp. Ông đã tốt nghiệp Trường Chính trị Paris, khoa quan hệ quốc tế vào năm 1951. Tháng 6-1958, Trần Văn Khê trở thành người Việt Nam đầu tiên đậu bằng tiến sĩ nghệ thuật âm nhạc tại Đại học Sorbonne hạng tối ưu với lời khen ngợi của hội đồng chấm thi cho luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến âm nhạc cung đình Huế và âm nhạc tài tử miền Nam.

Từ sau khi đậu bằng tiến sĩ về âm nhạc học, Trần Văn Khê đã liên tục hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá âm nhạc dân tộc tại Pháp và hơn 20 trường đại học của các quốc gia trên thế giới. Ông đã có trên 200 bài viết về âm nhạc Việt Nam và âm nhạc châu Á. Ông cũng đã thực hiện 25 đĩa hát 33 vòng và CD về âm nhạc Việt Nam và vài nước châu Á để phổ biến trên thế giới. Ông cũng chính là cố vấn đặc biệt cho Ủy ban thành lập hồ sơ về đờn ca tài tử để gửi UNESCO.

Từ năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê về ở hẳn trong nước. Chính quyền TP.HCM đã bố trí căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh để ông sống, làm việc trong những năm cuối đời.

Nơi ở của ông gần 10 năm qua đã thật sự trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người trong và ngoài nước với hàng trăm buổi biểu diễn, nói chuyện, giao lưu với công chúng về âm nhạc dân tộc Việt Nam với nhiều loại hình đặc trưng cho các vùng miền, như: Ngẫu hứng trong âm nhạc truyền thống Việt Nam (Rao & đàn), Nghệ thuật ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam, Nét đa dạng của đàn tranh Việt Nam, Âm nhạc cung đình Huế, Nhạc khí phương Tây trong đờn ca tài tử: làm giàu cho vốn cổ, Nghệ thuật đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ, Các loại đàn môi Việt Nam so sánh với đàn môi trên thế giới...

GS-TS Trần Văn Khê đã được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng của thế giới và Việt Nam.

Q.N.

Học trò 
NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên