17/03/2006 14:47 GMT+7

"Việt Nam ủng hộ Hội đồng nhân quyền không hoạt động vì động cơ chính trị"

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Như đã đưa tin, ngày 15-3-2006, tại phiên họp toàn thể, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Nhân dịp này, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại Liên Hợp Quốc đã trả lời phỏng vấn của báo chí.

* Thưa Đại sứ, Việt Nam đã cùng 169 nước khác bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết do Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đưa ra về việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Xin Đại sứ cho biết Việt Nam nhìn nhận nghị quyết vừa được thông qua như thế nào?

- Đại sứ Lê Lương Minh: Chúng ta lấy làm tiếc nghị quyết đã không được thông qua bằng đồng thuận. Có 4 phiếu chống. Sau khi Đại Hội đồng thông qua nghị quyết, tôi phát biểu ý kiến nêu rõ Việt Nam đã mong muốn có một Hội đồng Nhân quyền có số thành viên lớn hơn (ít nhất cũng bắng số thành viên Uỷ ban Nhân quyền hiện nay là 53; Hội đồng Nhân quyền sẽ được thành lập có 47 thành viên - PV) nhằm đảm bảo cơ hội lớn hơn cho các nước tham gia; một Hội đồng Nhân quyền có thể đóng góp tốt hơn vào việc thúc đẩy thực hiện quyền phát triển, ít có khả năng bị chính trị hoá hơn, không phải đương đầu với các vấn đề nhạy cảm như đình chỉ quy chế thành viên hay việc thảo luân tình hình của các nước cụ thể.

Tôi cũng chỉ rõ trong bối cảnh các nước có quan điểm khác nhau về cấu trúc và phương thức làm việc của Hội đồng Nhân quyền, xét trên quan điểm tổng thể, dự thảo nghị quyết do Chủ tịch Đại Hội đồng đưa ra sau một quá trình thương lượng, tham khảo kéo dài 5 tháng qua kể từ khi Phiên họp Cấp cao của Đại Hội đồng thông qua nghị quyết về vấn đề này, là một tài liệu cân đối và do đó chúng ta đã ủng hộ. Việc Việt Nam ủng hộ dự thảo nghị quyết thành lập Hội đồng Nhân quyền xuất phát từ chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước.

* Như vậy, với những bảo lưu nêu trên, Việt Nam đã ủng hộ nghị quyết vì thấy nhiều yếu tố tích cực?

- Kết quả bỏ phiếu nói lên điều đó. Cần quay lại vấn đề tại sao tuyệt đại đa số các nước ủng hộ việc thành lập một cơ chế nhân quyền mới của Liên Hợp Quốc thay thế cho Uỷ ban Nhân quyền hiện nay. Nguyên nhân chính là từ nhiều năm nay, Uỷ ban Nhân quyền đã bị chính trị hoá ở mức độ cao, bị lợi dụng làm diễn đàn cho các hành động có động cơ chính trị, can thiệp công việc nội bộ các nước.

Nghị quyết vừa được thông qua khẳng định nguyên tắc “khách quan, không chọn lọc khi xem xét các vấn đề nhân quyền”; khẳng định “việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền phải dựa trên các nguyên tắc hợp tác và đối thoại thực sự”; đồng thời quy định “Hội đồng sẽ được chỉ đạo bởi các nguyên tắc phổ biến, không thiên vị, khách quan, không chọn lọc, hợp tác và đối thoại quốc tế mang tính xây dựng”; phương pháp làm việc của Hội đồng là “ minh bạch, công bằng, không thiên vị”.

Tôi muốn nhấn mạnh các nguyên tắc “khách quan và không chọn lọc” được nhắc đến nhiều trong nghị quyết. Về việc kiểm điểm định kỳ tình hình nhân quyền, nghị quyết cũng quy định rõ quy mô xem xét là toàn cầu, tức tình hình tất cả các nước, không nhằm vào riêng một nước nào, và khẳng định cơ chế kiểm điểm là một cơ chế mang tính hợp tác dựa trên đối thoại với sự tham gia đầy đủ của nước hữu quan. Liên quan một vấn đề khác mà nhiều nước, trong đó có chúng ta, quan tâm là vị trí của Hội đồng trong bộ máy Liên Hợp Quốc thì nghị quyết cũng đã khẳng định Hội động trực thuôc Đại Hôi đồng, cơ quan quyền lực cao nhất của Liên Hợp Quốc theo quy định của Hiến chương.

* Hội đồng sẽ ít bị chính trị hoá và sẽ hoạt động hiệu quả hơn?

- Nội dung nghị quyết hướng tới mục tiêu đó và chúng ta đã ủng hộ. Các mục tiêu đó có đạt được không còn phụ thuộc vào thiện chí, thái độ xây dựng và hợp tác của tất cả các nước.Tôi cũng đã nêu trong phát biểu của mình là Việt Nam yêu cầu và hy vọng nghị quyết sẽ được thực hiên một cách cân đối, công bằng nhằm thành lập một Hội đồng Nhân quyền không có các hành động vì động cơ chính trị, một Hội đồng Nhân quyền có thể thực hiện chức năng của mình là đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân tất cả các nước.

* Xin Đại sứ cho biết Việt Nam có ý định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền không.

- Chúng ta đã tham gia Uỷ ban Nhân quyền, là thành viên nhiệm kỳ 2001-2003. Chúng ta đã tích cực đóng góp vào công việc của Uỷ ban, được đánh giá cao. Chúng ta tôn trọng nguyên tắc tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các nước tham gia vào công việc của Liên Hợp Quốc. Trước mắt, chúng ta tập trung chuẩn bị cho việc tham gia Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 với tư cách thành viên không thường trực. Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan quan trọng, chúng ta sẽ ứng cử vào thời điểm thích hợp.

* Xin cám ơn Đại sứ.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên