31/10/2016 08:20 GMT+7

Việt Nam là điểm trung chuyển của đường dây buôn lậu ngà voi

ÁI NHÂN - HỒNG HOA
ÁI NHÂN - HỒNG HOA

TTO - Cơ quan chức năng cho biết Việt Nam là điểm trung chuyển ngà voi cho nhiều thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản...

Tang vật ngà voi bị bắt tại cảng Cát Lái, TP.HCM - Ảnh: ÁI NHÂN

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, trong vòng 5 năm (2010-2015), riêng lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ 116 vụ vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, thực vật hoang dã. Trong số tang vật vi phạm có tới 22.067kg ngà voi, 457 vòng đeo tay chế tác từ ngà voi.

Hàng cấm trong những container quá cảnh

Ngày 26-10, Cục Hải quan TP.HCM, Chi cục hải quan Cát Lái phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (C74) kiểm tra 2 container phát hiện gần 1 tấn ngà voi châu Phi, trị giá gần 40 tỉ đồng.

Hai container được một pháp nhân thuộc quốc gia Kenya (châu Phi) quá cảnh vào cảng Cát Lái vào đầu tháng 10. Rồi từ Việt Nam, 2 container hàng sẽ được chuyển đến Campuchia.

Ngày 7-10, cơ quan chức năng phát hiện hơn 2 tấn ngà voi do đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH TM DV Diệu Tiên, trụ sở tại đường Tái Thiết, P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM.

Ngày 21-10, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện 593kg ngà voi và 10 bao vảy tê tê nhập lậu.

Liên quan đến vụ việc, ông Vũ Viết Tiến - chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan Cát Lái) - cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn lậu ngà voi.

Trước đó, tháng 8-2015 một vụ buôn lậu ngà voi với số lượng hơn 2,3 tấn cũng được cơ quan chức năng phát hiện giấu trong container gỗ tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Ngà voi số lượng nhỏ hơn thường nhập lậu qua đường hàng không, nguồn gốc vẫn chủ yếu từ châu Phi. Ông Lê Tuấn Bình - phó chi cục trưởng Chi cục hải quan sân bay Tân Sơn Nhất - cho biết ngà voi được đưa vào hành lý ký gửi hoặc theo đường hàng hóa quà biếu.

Số lượng bắt được trên dưới 100kg. Ngoài ngà voi thô còn có nhiều chế phẩm ngà voi (mỹ nghệ, trang sức)...

Đối với ngà voi nhập lậu qua đường biển, theo ông Lê Đình Lợi - phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, phần lớn đều được bao bọc bởi sáp, keo nhựa, thạch cao, đất sét... rồi giấu giữa khối gỗ trộn lẫn với gỗ bình thường trong các container.

Thủ đoạn này khiến công tác soi chiếu rất khó khăn, phải kết hợp kinh nghiệm chuyên môn với tổ chức kiểm tra thủ công mới phát hiện được.

Sau các vụ phát hiện ngà voi giấu trong gỗ, ông Lê Đình Lợi cho biết sẽ chỉ đạo hải quan quản lý các cảng ở địa bàn TP.HCM tăng cường rà soát, kiểm tra chặt chẽ đối với tất cả các lô hàng gỗ có nguồn gốc từ châu Phi.

Đồng thời hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá, nghiên cứu tình hình buôn lậu ngà voi qua các cảng để từ đó đề ra các biện pháp đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới.

Việt Nam là điểm trung chuyển

Một cán bộ trinh sát C74 cho biết ngà voi có giá trên thị trường ngầm từ 30-50 triệu đồng/kg tùy độ dài, chất lượng. Ngà voi châu Á có giá cao hơn ngà voi châu Phi.

“Ngà voi châu Á chỉ có ở con đực, thường được giới nhà giàu săn lùng, trưng nguyên cặp trong nhà, trị giá từ vài tỉ đến 10 tỉ đồng...” - vị cán bộ này nói.

Voi châu Phi cả con đực và cái đều có ngà. Đó là lý do tại sao ngà voi châu Phi luôn chiếm phần lớn. Tuy nhiên, ngà voi châu Phi thường có màu nâu, không đẹp bằng voi châu Á nên giá thấp hơn.

Ông Vũ Hải Châu - đại diện Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam - cho biết qua nghiên cứu đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế thì Việt Nam chưa có thị trường tiêu thụ ngà voi, hoặc có nhưng không đáng kể.

Hiện chỉ có làng nghề truyền thống chuyên chế tác ngà tại Nhị Khê (Hà Nội) là có chế tác ngà voi và đang bị thu hẹp nhiều do Nhà nước quản lý ngày càng chặt.

Theo ông Châu, ngà voi phát hiện ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu được trung chuyển đến thị trường chính như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản...

Giới tội phạm muốn đưa ngà voi từ châu Phi về thường trung chuyển lòng vòng qua vài quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan... nhằm xóa dấu vết của quốc gia có nguồn hàng.

Tại mỗi quốc gia đều có các doanh nghiệp là pháp nhân (thường là ảo, chỉ đăng ký doanh nghiệp để nhận hàng lậu) đứng ra nhận hàng.

Trong chuỗi quốc gia trung chuyển đó, tội phạm thường chọn Việt Nam bởi vị trí địa lý thuận lợi về cảng biển, hàng không để chuyển hàng đến quốc gia tiêu thụ.

Nên tiêu hủy ngà voi nhập lậu

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước - phó trưởng khoa luật quốc tế, Đại học Luật TP.HCM - cho rằng Việt Nam nên tiêu hủy ngà voi nhập lậu mới đạt hiệu quả răn đe cao nhất. Theo tiến sĩ Hữu Phước, có 4 điều đạt được khi tiêu hủy ngà voi.

Một là, việc tiêu hủy trực tiếp sẽ thể hiện minh bạch, ai cũng thấy, đạt hiệu quả tuyên truyền.

Thứ hai, mang tính quyết liệt trong việc ngăn ngừa ý định buôn bán động, thực vật quý hiếm.

Thứ ba, thể hiện sự minh bạch, tích cực của quốc gia trong hợp tác quốc tế.

Thứ tư, tránh tình trạng tiêu cực, lợi dụng khi xử lý tang vật, làm méo mó đi việc thực thi nghiêm chỉnh Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

ÁI NHÂN - HỒNG HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên