20/04/2008 17:50 GMT+7

Viêm cầu thận mãn tính

BS LÊ THÚY TƯƠI
BS LÊ THÚY TƯƠI

TTO - *Tôi có một người bạn năm nay 39 tuổi, mắc bệnh viêm cầu thận mãn ở cuối giai đoạn 2 (sau khi đã xét nghiệm tổng hợp). Vừa rồi bác sĩ có yêu cầu làm sinh thiết để điều trị cho chính xác hơn và cô ấy đã làm sinh thiết ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không lấy được.

Tôi xin hỏi ý kiến bác sĩ vài điều sau: Bệnh có mấy giai đoạn? Bệnh viện nào chuyên điều trị về loại bệnh này? Và có nên làm sinh thiết không và nếu có làm thì nên làm ở đâu để thành công? Chế độ ăn uống đối với người bệnh ra sao? (Huỳnh Thị Bửu Phượng)

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Bệnh thận thường tấn công thầm lặng và "khi xuất hiện triệu chứng bệnh thì đã quá muộn", tiến sĩ Brian Pereira, chủ tịch Quĩ tài trợ Bệnh thận Mỹ, cho biết. Nhiều người bị thận mãn tính trong nhiều năm mà vẫn không cảm thấy bệnh, đến khi phát hiện ra các triệu chứng như đau bụng, mệt mỏi liên miên, vàng da, sưng phù tay chân thì đã bước vào những giai đoạn cuối.

Thường ở ta phát hiện bệnh có thể: tình cờ khi khám sức khỏe thấy tăng huyết áp, thấy kêu đau lưng hay xét nghiệm nước tiểu thấy nước tiểu có máu hay có albumin. Có người xuất hiện phù mí mắt buổi sáng sớm, đi tiểu ít, người nặng nề, mệt mỏi, đo huyết áp thấy huyết áp tăng. Nếu trước đây đã từng có những đợt sưng mí mắt buổi sáng sau khi viêm họng thì càng cần kiểm tra chức năng thận.

Tại sao phải sinh thiết thận? Khi siêu âm thấy hai quả thận teo nhỏ, xét nghiệm nước tiểu thấy có albumin, hồng cầu, hỏi tiền sử đã từng bị viêm cầu thận cấp sau viêm họng thì sinh thiết thận để chẩn đoán mức độ bệnh sẽ điều trị tốt hơn.

Bệnh có thể chia làm ba giai đoạn: viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận mãn: thỉnh thoảng có những đợt cấp. Có người chia viêm cầu thận mãn ra làm ba giai đoạn và sau giai đoạn 2 là đến giai đoạn suy thận.

Suy thận: tất nhiên sau nhiều năm mới đến giai đoạn suy thận. Lúc này chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận là phương án phải lựa chọn.

Khi thận teo thì chắc chắn viêm thận ở giai đoạn mãn. Thường người bị viêm cầu thận mãn đề kháng yếu nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đã bị nhiễm trùng lại thúc đẩy một đợt viêm cầu thận cấp xuất hiện. Phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội khống chế bệnh càng cao, còn nếu một khi đã để thận suy thì sẽ khó cải thiện được tình hình.

Vì vậy, "câu thần chú" ở đây là nếu trong gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường, huyết áp cao và bệnh thận, hoặc bản thân bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao thì hãy làm các xét nghiệm máu và nước tiểu, kiểm tra huyết áp và lượng creatin trong máu. Việc xuất hiện protein trong nước tiểu và tăng creatin trong máu là dấu hiệu cho thấy thận đã bị tổn thương.

Bạn có thể đưa người nhà đến Bệnh viện Bình Dân để sinh thiết thận. Sinh thiết giúp chẩn đoán xác định và tiên lượng tốt hơn. Tuy nhiên sau sinh thiết thì phác đồ điều trị cũng không thay đổi được bao nhiêu. Chủ yếu là thuốc hạ huyết áp, kiêng muối để tránh phù, ăn đạm dễ tiêu.

Chế độ ăn với người viêm cầu thận mãn: ăn ít muối (tính cả muối trong nước mắm), có thể dùng lợi tiểu đông y khi phù (râu bắp, bông mã rửa sạch nấu nước uống). Ăn ít thịt mà thay bằng đậu hũ, cá. Nên ăn nhiều rau, trái cây. Cố gắng ngủ đủ và ở nơi thoáng mát, tinh thần thoải mái. Thoải mái, làm việc nhẹ nhàng, ăn ngủ đúng là những yếu tố giúp người bệnh sống lâu, ít khi có những đợt cấp.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên