07/03/2017 11:08 GMT+7

Vì sao Trung Quốc sợ hệ thống THAAD?

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Những ngày qua quan hệ Trung - Hàn đang căng thẳng vì Seoul quyết triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Vì sao Bắc Kinh tức giận?

Một bệ phóng THAAD phóng tên lửa đánh chặn - Ảnh: MDA
Một bệ phóng THAAD phóng tên lửa đánh chặn - Ảnh: MDA

Mục đích chính của hệ thống THAAD là giúp Hàn Quốc tự bảo vệ trước một cuộc tấn công (giả định) từ CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên Trung Quốc coi đây là một mối đe dọa có thể “phá vỡ cân bằng chiến lược trong khu vực”.

Khu vực Đông Bắc Á vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tranh cãi Trung - Hàn chỉ càng làm rủi ro tăng thêm. CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa nhấn chìm các thành phố Hàn Quốc trong biển lửa, tiến hành hàng chục lần thử tên lửa đạn đạo (mới nhất là vụ phóng 4 quả tên lửa ngày 6-3) và không ngừng cải tiến năng lực cho kho vũ khí hạt nhân.

1. THAAD hoạt động ra sao?

Hệ thống THAAD được chế tạo bởi hãng Lockheed Martin Corp. của Mỹ. Nó được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung ở độ cao lớn khi chúng vào giai đoạn chuẩn bị lao xuống mặt đất.

Khác với các tên lửa phòng thủ thông thường - vốn được thiết kế để tiếp cận gần mục tiêu và tự phát nổ, làm lệch hướng mối đe dọa, THAAD được trang bị công nghệ dò tìm hồng ngoại, tự động dò tìm mục tiêu, va chạm trực diện và phá hủy nó hoàn toàn.

2. THAAD có thể cứu Hàn Quốc khỏi một cuộc tấn công?

Trong một thông báo hồi tháng 7-2016, Lầu Năm Góc khẳng định hệ thống THAAD sẽ góp phần củng cố lá chắn tên lửa nhiều lớp, nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa của liên minh Mỹ - Hàn trước các mối đe dọa tên lửa Triều Tiên.

Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc đặt nghi vấn về khả năng đối phó tên lửa tầm ngắn và đạn pháo của THAAD vì hệ thống này chỉ được thiết kế đánh chặn ở độ cao lớn. Tuy nhiên, các kết quả thử nghiệm độc lập thu thập bởi Trường Đại học Cornell (Mỹ) cho thấy THAAD có hiệu quả đối với các mục tiêu tầm ngắn.

3. THAAD có thể tấn công?

Không, các tên lửa THAAD không mang đầu đạn.

4. THAAD có thể bắn hạ tên lửa Trung Quốc nhắm về phía Mỹ?

Không hẳn. Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Trung Quốc nếu bắn về phía lục địa Mỹ vẫn đang trong giai đoạn lấy độ cao khi bay ngang qua hệ thống THAAD đặt ở Hàn Quốc. Điều này cũng đúng nếu Triều Tiên bằng cách nào đó sở hữu được ICBM có khả năng hoạt động.

5. Vậy thì Trung Quốc lo lắng điều gì?

Bắc Kinh lo ngại khả năng do thám của THAAD có thể cung cấp các dữ liệu theo dõi sớm cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ, ảnh hưởng đến khả năng của Trung Quốc tấn công Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cáo buộc Seoul “tự trói mình vào cỗ xe ngựa chiến Mỹ, trở thành quân tốt kiêu ngạo của Washington trong chiến lược quân sự chống lại Trung Quốc”.

6. Vậy THAAD có cho Mỹ lợi thế trước Trung Quốc?                                                                   

Có lẽ. Mỹ hiện đã triển khai một hệ thống THAAD trên đảo Guam, 2 rađa ở Nhật, các cơ sở không gian, thêm vào đó là một loạt rađa trên tàu chiến và các hệ thống rađa đất liền khác ở nhiều nơi trên Thái Bình Dương. THAAD ở Hàn Quốc có lẽ giúp Mỹ nâng cao khả năng theo dõi tên lửa Trung Quốc nhưng việc đánh chặn không vì thế mà dễ dàng hơn.

7. Trung Quốc phản ứng ra sao?

Đến nay, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các hãng lữ hàng ngưng bán tour du lịch đến Hàn Quốc và có các biện pháp cản trở hoạt động của tập đoàn Lotte của Hàn Quốc vì "tội" trao đổi đất với chính phủ để triển khai THAAD.

“Việc làm ăn của Lotte Group trên thị trường Trung Quốc cần phải chấm dứt” - tờ Thời báo Hoàn cầu từng kêu gọi sau quyết định của Lotte. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin các tin tặc Trung Quốc cũng đã làm tê liệt một số trang web của Lotte. Đáp lại, Hàn Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ các công ty của mình trước các biện pháp cản trở bất công ở Trung Quốc.

8. Chuyên gia nói gì?

Bắc Kinh đã cố gắng kéo Hàn Quốc ra khỏi quỹ đạo của Mỹ, nhưng nỗ lực này đã thất bại do THAAD bắt đầu được triển khai, theo ông Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong).

Ông Robert Kelly, giáo sư Đại học quốc gia Pusan (Hàn Quốc), cho rằng Bắc Kinh đang yêu cầu Hàn Quốc “tiếp tục duy trì trạng thái không phòng vệ trước mối đe dọa tên lửa hạt nhân ngày càng tăng ngay trước thềm nhà”.

“Đó là một tối hậu thư kỳ lạ: từ bỏ an ninh quốc gia Hàn Quốc trước một mối đe dọa hiển hiện theo yêu cầu của một cường quốc ngoại bang” - ông Kelly hóm hỉnh nhận xét.

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên