Vì sao Trung Quốc ngó lơ tên lửa hạt nhân Triều Tiên?

LAN CHI 24/09/2016 22:09 GMT+7

TTCT - Vụ thử bom nguyên tử ngày 9-9 cho thấy CHDCND Triều Tiên đang tiến sát tới khả năng sản xuất tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Bất chấp mối nguy hiểm đó, Trung Quốc vẫn chần chừ, để mặc Bình Nhưỡng tự do hành động.

Quân đội CHDCND Triều Tiên khoe tên lửa trong cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng hồi tháng 10-2015 -Reuters
Quân đội CHDCND Triều Tiên khoe tên lửa trong cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng hồi tháng 10-2015 -Reuters

Theo báo Korea Times, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se mô tả vụ thử bom nguyên tử hôm 9-9 cho thấy năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã “đạt mức đáng kể” sau giai đoạn phát triển liên tục trong 10 năm qua. Trước đó, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố “có thể sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn và nhẹ hơn” và “công nghệ lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo đã được nâng cao”.

Chuyên gia quân sự Kim Dae Young thuộc Diễn đàn quốc phòng và an ninh Hàn Quốc nhận định có thể Triều Tiên đã phát triển một thiết kế đầu đạn hạt nhân chung để lắp vào các loại tên lửa đạn đạo khác nhau, từ Scud, Rodong và Musudan, cho đến loại tên lửa bắn đi từ tàu ngầm.

Nhà khoa học hạt nhân Whang Joo Ho thuộc ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc) cho rằng năm vụ thử hạt nhân là bằng chứng quá rõ ràng để khẳng định Triều Tiên giờ đã sở hữu bom nguyên tử đủ sức tấn công các nước láng giềng.

Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ) Daryl Kimball đánh giá Bình Nhưỡng đã tiến rất gần tới năng lực lắp đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ vào tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

“Kiến thức thu thập được từ năm vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo, đặc biệt trong 12 tháng qua, chắc chắn sẽ khiến đội ngũ kỹ thuật của Triều Tiên tự tin với khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân ở tên lửa đạn đạo” - ông Kimball lo ngại.

“Nếu Triều Tiên chưa đạt được khả năng đó trong ngày hôm nay thì sớm hay muộn điều đó cũng xảy ra khi họ tiếp tục thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo” - ông Kimball dự đoán. Cần nhớ rằng hai trong số năm vụ thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra trong vòng tám tháng qua.

Cũng trong quãng thời gian đó, quân đội nước này bắn thử tên lửa đạn đạo 21 lần. Một tuần trước vụ thử hạt nhân ngày 9-9, Bình Nhưỡng ba lần bắn thử thành công tên lửa đạn đạo. Cũng dễ hiểu khi truyền thông nhà nước đồng loạt hào hứng mô tả Triều Tiên đã trở thành “cường quốc hạt nhân thật sự”.

7 hay 100 quả bom nguyên tử?

Cho dù chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đang ở giai đoạn nào đi chăng nữa thì có một sự thật mà Mỹ, Hàn Quốc và các nước đồng minh phải thừa nhận: quả bom nguyên tử nổ ngày 9-9 là quả bom mạnh nhất mà Bình Nhưỡng từng thử nghiệm.

Chính quyền Hàn Quốc và phía Mỹ ước tính trận động đất do vụ nổ bom gây ra có cường độ lên đến 5,3 độ Richter. Vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 tạo ra địa chấn chỉ 3,9 độ Richter. Và vụ thử hồi tháng 1-2016 gây chấn động 4,8 độ Richter.

Ước tính sức công phá của quả bom nổ hôm 9-9 vào khoảng 10-12 kiloton, tương đương 70-80% sức mạnh của quả bom 15 kiloton mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima ở Nhật Bản vào năm 1945. Quả bom Bình Nhưỡng thử hồi tháng 1 chỉ có sức công phá 6 kiloton.

Báo cáo năm 2010 của Viện Nghiên cứu quốc phòng RAND (Mỹ) cho biết một quả bom 10 kiloton nổ tại Seoul có thể lập tức giết chết hơn 200.000 người và gây một thảm họa y tế khắp toàn đất nước Hàn Quốc.

Báo New York Times dẫn lời một số chuyên gia quân sự phương Tây nhận định đến năm 2020, nghĩa là chỉ năm năm nữa, Triều Tiên sẽ làm chủ công nghệ sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân. Giáo sư Siegfried S. Hecker thuộc ĐH Stanford (Mỹ) đánh giá: “Những tiến bộ thần tốc của chương trình hạt nhân và tên lửa thời gian qua cho thấy Bình Nhưỡng đã quyết định phải thiết lập một lực lượng tấn công nguyên tử”.

Theo giới chuyên gia, câu hỏi “trị giá 1 triệu USD” là liệu Bình Nhưỡng có đủ khả năng sản xuất đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ và nhẹ để gắn vào một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn vươn tới tận nước Mỹ hay không.

Đây là một công nghệ cực kỳ hiện đại và khó làm chủ. Chuyên gia Kimball khẳng định đến nay Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hiện được năng lực bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung có thể quay trở lại bầu khí quyển Trái đất. Kimball cũng dự đoán nước này cần vài năm nữa mới có thể phát triển được tên lửa đạn đạo có thể đưa đầu đạn hạt nhân tới nước Mỹ.

Giới phân tích cho biết loại tên lửa Musudan của Triều Tiên có tầm bắn khoảng 3.862km, đủ sức tấn công căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam. Nhưng nó vẫn chưa đạt tới tầm bắn 5.470km để được xếp vào loại “tên lửa xuyên lục địa”. Dù vậy, phía chính quyền Mỹ đã bắt đầu tỏ ra lo ngại thật sự.

Trong báo cáo trình lên Quốc hội hồi đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo một trong những loại tên lửa Triều Tiên đang sở hữu có thể tấn công nước Mỹ. Đô đốc Samuel J. Locklear, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cũng có cùng mối lo đó.

“Mọi dấu hiệu đều cho thấy chúng ta phải chuẩn bị để bảo vệ đất nước” - đô đốc Locklear phát biểu trước Ủy ban quân vụ Thượng viện.

Chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury thậm chí cho rằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên có thể không chỉ bắn tới Bờ Tây, mà còn có thể tấn công các mục tiêu trên toàn nước Mỹ, bao gồm thủ đô Washington D.C.

Nếu Bình Nhưỡng đã làm chủ công nghệ thu nhỏ bom hạt nhân, bước kế tiếp sẽ là sản xuất hàng loạt để gắn vào đầu đạn. Nhưng nước này có thể chế tạo được bao nhiêu quả bom như vậy? Triều Tiên là một quốc gia nghèo và không có nguồn lực như Mỹ hay Liên Xô trong thời kỳ chạy đua vũ trang hạt nhân.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, Bình Nhưỡng hiện có khoảng 40kg plutonium làm giàu cấp độ vũ khí, đủ để sản xuất bảy quả bom hạt nhân. Nhưng nước này cũng có chương trình làm giàu uranium rất bí mật. Có nghĩa là Triều Tiên có thể có đủ nhiên liệu để chế tạo hàng chục quả bom hạt nhân. Nhiều chuyên gia phương Tây ước tính Bình Nhưỡng có thể sản xuất tới 100 quả bom nguyên tử.

Sợ bình nhưỡng sụp đổ?

"Quan điểm của Trung Quốc là vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên không phải là bom nguyên tử, mà là sự hỗn loạn. Nỗi sợ hỗn loạn đã in sâu vào tâm trí giới lãnh đạo Trung Quốc"

Euan Graham (cựu quan chức Đại sứ quán Anh ở Bình Nhưỡng)

Trong thời gian qua, Mỹ và Hàn Quốc đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên. Sau vụ thử bom hạt nhân ngày 9-9, Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng. Nhưng các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng chính quyền nước này sẽ không làm gì thêm nữa.

Dường như Trung Quốc tê liệt trước người láng giềng “bất trị”. “Lý do Triều Tiên dám thực hiện vụ thử hạt nhân là bởi họ biết phía Trung Quốc bị bó tay” - báo Los Angeles Times dẫn lời nhà phân tích Triệu Thông thuộc Viện chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua (Thanh Hoa) ở Bắc Kinh.

Trung Quốc là quốc gia đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên. Mậu dịch với Trung Quốc chiếm tới 90% tổng thương mại của Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh luôn tỏ ra e dè dù Bình Nhưỡng đã nhiều lần thực hiện các động thái đầy bất ngờ.

Theo chuyên gia Triệu Thông, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh rất lo ngại nguy cơ chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ, khiến hàng triệu người dân nước này di tản sang vùng đông bắc Trung Quốc. Nhưng điều mà Bắc Kinh lo ngại hơn là nguy cơ đánh mất vùng đệm ngăn cách Trung Quốc với Hàn Quốc, nơi gần 30.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân.

Hồi tháng 7, chính quyền Trung Quốc bừng bừng giận dữ khi Mỹ và Hàn Quốc đạt thỏa thuận triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD để bảo vệ Seoul trước nguy cơ bị Bình Nhưỡng tấn công tên lửa.

Bắc Kinh coi THAAD là mối đe dọa đối với an ninh nước này và phản ứng lại bằng việc rút khỏi các cuộc đàm phán quân sự với Seoul. Thậm chí Trung Quốc còn ra lệnh tẩy chay các nghệ sĩ Hàn Quốc. Căng thẳng đó đã đe dọa mọi nỗ lực xây dựng một chiến lược chung để đối phó với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

“Đối với Trung Quốc, Triều Tiên là điều cần thiết - chuyên gia Trương Bạc Hối thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của ĐH Lingnan (Lĩnh Nam, Hong Kong) khẳng định - Trung Quốc cần đảm bảo sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng.

Và đó là điều gây ra thế lưỡng nan”. Đến nay, Trung Quốc vẫn phản đối các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt với Triều Tiên. Trong khi đó, các biện pháp cấm vận hiện tại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không có nhiều hiệu quả đối với Bình Nhưỡng.

Nghiên cứu của chuyên gia John Park thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho thấy vẫn có nhiều công ty nhà nước Triều Tiên hoạt động tại Trung Quốc, hợp tác với các đối tác nước này, “đi vòng” qua các biện pháp cấm vận. Trung Quốc hoàn toàn có thể hạn chế hoạt động của các công ty này.

Hơn nữa, Triều Tiên phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu thô từ Trung Quốc. Bắc Kinh có thể “đe” Bình Nhưỡng bằng biện pháp cắt đứt nguồn dầu, nhưng cú đòn này sẽ gây thảm họa kinh tế tại Triều Tiên và Bình Nhưỡng sẽ coi Bắc Kinh là kẻ thù.

Do đó, đến nay Trung Quốc chỉ ủng hộ nối lại đàm phán sáu bên. “Trung Quốc có rất nhiều giải pháp. Nhưng điều nước này thiếu là sự quyết tâm” - chuyên gia Go Myong Hyun thuộc Viện Nghiên cứu chính sách châu Á ở Seoul nhận xét.

Chính vì thế, chắc chắn Triều Tiên sẽ còn thực hiện thêm các vụ thử bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Và chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục là một nguy cơ quân sự - an ninh lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận