23/12/2008 06:14 GMT+7

Vì sao trẻ biếng ăn?

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG(Trung tâm Oxy cao áp, TP.HCM)
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG(Trung tâm Oxy cao áp, TP.HCM)

TT - Trong thời gian gần đây có nhiều bậc cha mẹ mang con đến phòng khám với vẻ mặt lo lắng vô cùng. Tưởng trẻ mắc bệnh trầm kha thì hố! Lý do chỉ vì trẻ biếng ăn, một số thậm chí nôn ọe ngay khi mới nuốt.

Y2HnKsD6.jpgPhóng to
Tôn trọng khẩu vị của trẻ - Ảnh: N.C.T.

Hậu quả tất nhiên là trẻ gầy còm. Thêm vào đó, vì trẻ nay ốm mai đau nên thầy thuốc kết luận là trẻ mất sức kháng bệnh. Điểm kẹt cho cha mẹ đứt ruột vì thương con là vì thầy thuốc khuyên nên bồi dưỡng cho trẻ bằng khẩu phần chứa đủ thứ sinh tố, trong khi trẻ nào chịu nuốt thì món ăn đầy bàn cũng như không. Cứ thế mà trẻ bệnh hoài khiến cha mẹ cũng xanh xao vì ốm theo!

Kết luận về sức đề kháng suy yếu ở trẻ bệnh rề rề là điều quá đơn giản. Không cần phải là thầy thuốc chuyên khoa mới hiểu được điều đó. Công việc của thầy thuốc không thể dừng lại ở ghi nhận hiển nhiên như thế. Nếu chỉ có vậy thầy thuốc không cần phải học nhiều năm đến thế! Vấn đề cốt lõi là truy lùng cho ra tại sao trẻ bị suy yếu sức đề kháng? Vì rối loạn nguyên phát của hệ miễn dịch, hay do hậu quả của bệnh lý nào đó khiến sức đề kháng bị đục khoét đến độ hao mòn? Có như thế mới mong điều trị đến nơi đến chốn, thay vì chỉ lắc đầu rồi khoán trắng cho cha mẹ bệnh nhi! Tệ hơn nữa là trường hợp trẻ ăn hết nổi vì bị nhồi quá nhiều thuốc kháng sinh, dù nhiều khi chẳng hề nhiễm khuẩn!

Trẻ con khác xa người lớn

Muốn tăng cường sức kháng bệnh, thầy thuốc tất nhiên sẽ tùy trường hợp mà bổ sung men vi sinh, loại hữu ích trên đường tiêu hóa, cũng như sinh tố, khoáng tố cần thiết cho chức năng phòng vệ của cơ thể trẻ. Mặt khác, thầy thuốc dựa vào nguyên nhân sinh bệnh, chẳng hạn trẻ suy yếu vì bệnh lao, vì viêm gan nhưng chưa được phát hiện trước đó, để đồng thời tiến hành liệu pháp đặc hiệu.

Riêng về mặt dinh dưỡng, nếu trẻ chưa có dấu hiệu suy dinh dưỡng, không cần thiết có chế độ ăn uống đặc biệt. Chỉ cần đừng quên khẩu phần đa dạng, càng nhiều rau quả càng tốt và nhất là cân đối về tỉ lệ đường, đạm và chất béo. Đừng tưởng phải cao lương mỹ vị mới bổ, cũng đừng áp đặt trẻ với món ăn tuy đúng theo nghĩa bổ dưỡng từ góc nhìn hạn hẹp của cha mẹ qua sách vở được viết bởi những “chuyên gia” chưa hề nuôi con nhưng khác xa món ăn ngon miệng!

Đừng quên muốn trẻ ăn mạnh thì món ăn phải ngon. Có gì đâu khó hiểu nếu trẻ ăn phở ngoài đường thì sạch sành sanh trong khi lại chê cơm nhà! Cũng đừng suy diễn theo kiểu diễn dịch vô căn cứ bằng cách so sánh ngang xương với bệnh lý của người lớn. Không thiếu cha mẹ cấm trẻ ăn ngọt vì sợ trẻ bị đái tháo đường hay cắt giảm thịt cá vì sợ trẻ bị tăng cholesterol, tệ hơn nữa là cấm trẻ ăn cay, ăn mặn vì sợ loét bao tử, ngại tăng huyết áp. Ngừa sao được nếu trẻ khi trưởng thành lại có nếp sinh hoạt không lành mạnh! Cần gì phải bắt trẻ khổ sớm đến thế!

Muốn ăn cho bổ phải nuốt cho lọt

Nuôi con như thế thì không lạ nếu trẻ suy yếu sức kháng bệnh vì trẻ đào đâu ra dưỡng chất để tổng hợp kháng thể? Cũng không có gì khó hiểu nếu trẻ suy nhược khi bữa ăn với trẻ chẳng khác nào hình phạt đúng giờ! Thay vì nuôi trẻ bằng bụng dạ hẹp hòi của người lớn, nên tôn trọng khẩu vị của trẻ, trẻ thích món nào nên cho ăn món đó vì ăn ngon, ăn mà vui là một trong các nhân tố cần thiết để phục hồi sức đề kháng của trẻ. Tất nhiên không thể cho trẻ uống bia để được tiếng giống cha, nhưng cũng đừng bắt trẻ ăn chay quá sớm khi trẻ nào muốn quy y!

Đừng quên trẻ rất nhạy cảm nhưng trái với người lớn, trẻ lại rất thành thật. Món nào trẻ thích là món chứa hoạt chất trẻ đang cần. Đừng ép trẻ ăn những món mà người lớn nuốt không vô! Đơn giản vậy thôi.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG(Trung tâm Oxy cao áp, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên