vì sao luôn là ẩn số và thách đố ?

LÂM LÊ 26/05/2017 20:05 GMT+7

TTCT- Nếu ở Oscar, những người theo dõi thường xuyên sự kiện điện ảnh này, không nhất thiết phải là nhà phê bình, có thể đoán trúng tới 90% kết quả giải thưởng thì tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) cũng có đến 90%, ngay cả giới phê bình, đoán trật lất các hạng mục giải thưởng, đặc biệt là giải cao nhất: Cành cọ vàng.

Một cảnh trong phim Happy End

 

Hai mùa Liên hoan phim (LHP) Cannes gần đây nhất, Cành cọ vàng được trao cho hai bộ phim mà hiếm ai trong giới phê bình, dù theo dõi sát sao những bộ phim dự thi trước đó, có thể đoán trúng.

Năm 2015, Cành cọ vàng được trao cho bộ phim về đề tài nhập cư Dheepan của đạo diễn Pháp Jaques Audiard.

Năm 2016, hạng mục cao nhất này thuộc về bộ phim I, Daniel Blake về đề tài thân phận những người bên lề trong xã hội Anh đương thời của đạo diễn Anh Ken Loach. Hai đạo diễn tên tuổi này tất nhiên không phải hạng xoàng, phim của họ đã dự thi cũng như đoạt giải ở Cannes trước đó, nhưng hai tác phẩm đoạt giải cao nhất của họ liên tiếp trong hai năm vừa rồi đều chỉ là hai bộ phim hạng khá tốt (good) chứ không phải rất tốt (great) - điều mà giới mộ điệu điện ảnh luôn chờ đợi từ LHP Cannes.

Phải chăng Cannes đang “đổi vị”, hướng đến những vấn đề xã hội nóng hổi đương thời ở cựu lục địa hơn là những tìm tòi nghệ thuật có tính tác giả?

Bộ phim Dheepan đưa ra một cái nhìn có tính phản biện về người nhập cư (họ sẽ hòa nhập như thế nào trong xã hội mới), trong khi I, Daniel Blake là một cái nhìn sắc sảo về tệ nạn hành chính công ở nước Anh - một hệ thống máy móc và thiếu tính người.

Cho dù mang nhiều ý nghĩa về mặt thời cuộc như vậy, cả hai bộ phim đều không có nhiều đột phá về ngôn ngữ kể chuyện.

Nói tóm lại, chúng hơi “lành” và thiếu những cú sốc, những phát hiện lớn về ngôn ngữ điện ảnh như cách những bộ phim Cành cọ vàng từng mang lại trước đây như La Dolce Vita của đạo diễn Ý Federico Fellini (1960), Taxi Driver (1976) của đạo diễn Mỹ Martin Scorsese, Pulp Fiction (1994) của Quentin Tarantino hay gần đây là 4 Month, 3 Weeks, 2 Days (2007) của đạo diễn Rumani Cristian Mingiu, The White Ribbon (2009) và Amour (2012) - hai bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng trong vòng chỉ 3 năm của đạo diễn Áo Michael Haneke.

Michael Haneke là một trong chín đạo diễn có hai lần đoạt giải Cành cọ vàng trong lịch sử giải thưởng 70 năm này.

Ông có thể sẽ lập kỷ lục lần thứ ba với bộ phim mới nhất tranh giải năm nay: Happy End. Là một trong những bộ phim ra mắt trong những ngày đầu, Happy End nhận được những đánh giá tích cực từ các nhà phê bình, như hầu hết các bộ phim của Haneke trước đây.

Tờ The Guardian của Anh chấm 5 sao, gọi đây là một sự trở lại của bậc thầy với chủ đề quen thuộc của ông kèm theo một cái nhìn châm biếm và không khoan nhượng về giới quý tộc châu Âu và những người phục vụ họ.

Cây bút Eric Kohn chấm 4,5 sao và cũng gọi đây là “bức chân dung tuyệt vọng về giới tư sản châu Âu của một bậc thầy”.

Tờ Variety thì đưa ra lời cảnh báo: “Đừng tin vào nhan đề của Haneke”. Rõ ràng là vậy, với những ai đã xem những bộ phim gây sốc và thậm chí chấn động tâm thần của Michael Haneke như Funny Games, Hidden, Piano Teacher, AmourThe White Ribbon đều biết ông là tác giả của những bộ phim khuấy động, thách thức và thách đố trí não của người xem.

Ngoài Haneke, tất nhiên Cannes 2017 còn là cuộc trình diễn ngôn ngữ điện ảnh và phong cách kể chuyện giàu tính tác giả của nhiều tên tuổi “nhẵn mặt” khác.

Đạo diễn Nga Andrey Zvyagintsev với Loveless, đạo diễn Pháp Michel Hazanavicius với Redoutable, đạo diễn Hi Lạp đang lên Yorgos Lanthimos với The Killing of a Sacred Deer, nữ đạo diễn Mỹ Sofia Coppola với The Beguiled, nữ đạo diễn Nhật Naomi Kawase với Radiance và đạo diễn Hàn Hong Sangsoo, người mang tới hai bộ phim: The Day AfterClaire’s Camera sau khi đã có một phim dự thi tại Berlin hồi đầu năm.

Một đồng hương Hàn khác của Hong là Bong Joon Ho có phim giả tưởng đầy tham vọng tranh giải là Okja với các ngôi sao Hollywood Jake Gyllenhaal và Tilda Swinton.

Chỉ có điều Okja là một trong hai bộ phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay do Netflix sản xuất và sẽ phát sóng trực tuyến trên kênh này chứ không phải chiếu rạp.

Điều này đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi lớn tại LHP Cannes năm nay khi ngay từ khai mạc, chủ tịch ban giám khảo là đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodovar tuyên bố sẽ không trao giải cho những bộ phim phát sóng trực tuyến!

Khi bài báo này đến tay độc giả, chỉ còn hai ngày nữa là giải thưởng Cành cọ vàng cho phim hay nhất và những hạng mục cá nhân khác được công bố.

Liệu Pedro Almodovar, vị chủ tịch ban giám khảo - đạo diễn đồng tính đến từ Tây Ban Nha, cùng những cộng sự của mình sẽ tôn vinh những bộ phim thách đố và khuấy động trí não của người xem, hay là những bộ phim hướng tới những vấn đề nóng hổi của xã hội phương Tây như câu chuyện nhập cư, khủng bố, những kẻ bên lề như hai năm gần đây?...

Câu trả lời là một ẩn số. Và kèm thách đố. Như Cannes luôn là vậy!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận