10/03/2017 17:34 GMT+7

Vì sao Ba Lan nổi loạn ở Brussels?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đang hội nghị thượng đỉnh ở Brussels trong thời điểm cần thống nhất vì Anh rời đi nhưng Ba Lan lại lội ngược dòng.

Chủ tịch EC Donald Tusk đã được bầu trở lại - Ảnh: AFP
Chủ tịch EC Donald Tusk đã được bầu trở lại - Ảnh: AFP

Ông Donald Tusk đã tái đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) - là ban lãnh đạo chính trị cao nhất của EU - trong buổi bỏ phiếu chiều 9-3, thế nhưng lá phiếu chống ông lại đến từ quê nhà của ông: Ba Lan.

Thậm chí ngay trước cuộc bỏ phiếu, Ba Lan còn đưa ra một ứng viên khác cạnh tranh với ông Tusk. Thế rồi trong cuộc bỏ phiếu tái bổ nhiệm ông Tusk tại Hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra ở Brussels, vị Chủ tịch EC chiến thắng với đa số tuyệt đối (27/1).    

Phát biểu sau khi tái đắc cử cho nhiệm kỳ 30 tháng, ông Donald Tusk bày tỏ hy vọng sẽ nỗ lực để EU được tốt hơn. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông Tusk nêu rõ: "Cảm ơn Hội đồng châu Âu vì sự tin cậy và đánh gía tích cực. Tôi sẽ nỗ lực tối đa để EU được tốt hơn".    

Trong thời gian gần 30 tháng qua, ông Donald Tusk được các thành viên EU - trừ chính phủ hiện tại ở Ba Lan - đánh giá cao và công nhận đã làm tốt sứ mệnh của mình là chèo lái giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31-5 tới.

Ba Lan - quê hương của ông Donald Tusk - đã không ủng hộ vị đương kim Chủ tịch EC tái ứng cử. Trước thềm hội nghị, nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo còn tuyên bố sẽ tìm mọi cách để ngăn cản ông Donald Tusk tái đắc cử. “Tôi xin nhắc lại: không được phép làm gì mà không có chúng tôi và sự đồng ý của chúng tôi”, bà Beata phát biểu trước khi vào họp.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu, đến cuối ngày, bà Thủ tướng Ba Lan là người duy nhất không chịu ký tên vào bản kết luận hội nghị.

Nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tại Brussels ngày 9-3 - Ảnh: AFP
Nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tại Brussels ngày 9-3 - Ảnh: AFP

Ông Tusk là cựu Thủ tướng Ba Lan thuộc đảng trung hữu Cương lĩnh Công dân (PO) và nay trở thành người của châu Âu.

Ông bị Chính phủ Ba Lan do đảng cánh hữu Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền phản đối vì cho rằng đã can thiệp vào vấn đề chính trị trong nước như việc phản đối những cải cách của chính quyền Varsaw.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, ông Witold Waszczykowski, từng gọi ông Tusk - Thủ tướng nhiệm kỳ 2007-2014, là "kẻ độc ác, xấu xa".

Truyền thông cho rằng vấn đề ở Ba Lan còn mang tính tư thù cá nhân của lãnh đạo đảng PiS, ông Jaroslaw Kaczynski. Đảng PiS từng ở thế phe đối lập trong nhiệm kỳ đảng PO của ông Tusk cầm quyền.

Hôm 10-4-2016, nhân kỷ niệm 6 năm vụ tai nạn máy bay, ông Kaczynski từng tuyên bố trước các đảng viên của đảng PiS rằng ông Tusk phải chịu “trách nhiệm đạo đức” cho vụ máy bay chính phủ rơi ở Smolensk, bên Nga, năm 2010.

Người anh song sinh của ông Kaczynski là Tổng thống Lech Kaczynski cùng 95 quan chức chính quyền, quân đội Ba Lan đã bị tử nạn khi đó.

Vấn đề là ông Jaroslaw không giải thích lý do nào để ông đi đến cáo buộc đó và chỉ phát biểu ỡm ờ rằng “cuộc điều tra đích thực chỉ mới bắt đầu". Các đài báo thiên hữu thân với đảng PiS còn dọa sẽ có điều tra để truy tố ông Tusk.

Những phát ngôn cùng động thái của ông Jaroslaw khiến các thành viên EU không vui bởi ông không nằm trong chính phủ nhưng lại đang có dấu hiệu thao túng chính trường Ba Lan, buộc bà Thủ tướng Beata có kiểu hành xử không thống nhất với các thành viên khác.

Thái độ của Ba Lan kỳ này tuy vậy lại không được sự ủng hộ như thường thấy của các thành viên Trung và Đông Âu. Bằng chứng là chỉ có mỗi Ba Lan bỏ phiếu chống. Các nhà phân tích cho rằng dẫu sao họ cũng cần một người thuộc khối Trung Ấu giữ vị trí lãnh đạo cơ quan quyền lực nhất của EU.

Chính phủ cánh hữu của Ba Lan đã đe dọa làm "chệch hướng" Hội nghị thượng đỉnh EU, vốn bàn về tương lai hậu Brexit (Anh rời EU) của khối và trong giai đoạn cần đoàn kết nhất, Nhưng có vẻ chính quyền của bà Beata đã sai lầm.

Trong buổi sáng hôm nay (10-3), dù không có nữ Thủ tướng Anh Theresa May, và kể cả không có sự tham gia của nữ Thủ tướng Ba Lan, các lãnh đạo châu Âu vẫn sẽ dành thời gian để bàn thảo chuẩn bị cho "Bản tuyên bố Roma" sẽ công bố nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu - tiền thân của EU.

Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức tại Roma (Ý) ngày 25-3 tới. Với những biến cố chính trị dồn dập gần đây, EU sẽ không muốn buổi lễ chứng thực sự chín chắn của mình bị lệch lạc.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên