19/02/2017 11:00 GMT+7

VĐV học ngoại ngữ: không dễ chút nào!

K.XUÂN - T.PHúC - H.ĐĂNG
K.XUÂN - T.PHúC - H.ĐĂNG

TT - Việc không có ngoại ngữ đã làm “khổ” nhiều VĐV trong thi đấu và tập huấn ở nước ngoài. Không chỉ VĐV, một số HLV cũng đành bỏ qua những cơ hội học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài do ngoại ngữ không đạt yêu cầu.

Có rất nhiều ví dụ cho sự khó khăn này của giới thể thao VN. Nguyễn Thị Ngọc Tâm - “chân dài” từng mang về HCB nhảy cao SEA Games cho VN - hồi tưởng việc không có ngoại ngữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của cô.

Ý thức từ sự tủi thân

“SEA Games 2005 ở Philippines, trước khi thi đấu tôi nhìn thấy thanh xà của mình bị lệch, nhưng lúc đó chẳng biết làm sao giải thích với trọng tài nên rồi cũng đành thi đấu. Rồi khi bị chấn thương, các bác sĩ nước ngoài hỏi tôi bị đau thế nào để họ sơ cứu, nhưng do chẳng biết nói sao nên đành đợi đến lúc gặp bác sĩ của mình. Những lúc đó cảm thấy rất tủi thân và tôi quyết tâm học tốt Anh văn từ đó” - Ngọc Tâm kể.

Thật ra, VĐV nào cũng có ý thức học ngoại ngữ, nhất là các tuyển thủ quốc gia. Nhưng vì nhiều lý do, họ đã không theo được đến cùng. Ngọc Tâm kể trước khi lên đường dự SEA Games 2005, cô cùng một nhóm VĐV trên tuyển khi đó đang tập trung ở Nhổn tự góp tiền, mời giảng viên Anh văn ở ĐH Công nghiệp Hà Nội về dạy. Nhưng chỉ sau 2 buổi, ai cũng bận đi tập huấn nên lớp học sớm tan rã. Thế là vòng luẩn quẩn “bận tập huấn - bỏ học - kém ngoại ngữ” cứ thế tiếp tục. Là một trong số VĐV VN chịu khó theo con đường học hành, Ngọc Tâm cho biết dù nỗ lực tự học nhưng cho đến nay, khi đã sắp sửa lấy bằng thạc sĩ ở Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, cô vẫn chưa thể giao tiếp trôi chảy tiếng Anh, chủ yếu chỉ là đọc hiểu.

Tay vợt trẻ Nguyễn Văn Phương trao đổi cùng HLV Akerstrom trong lúc luyện tập. Ảnh: T.P
Tay vợt trẻ Nguyễn Văn Phương trao đổi cùng HLV Akerstrom trong lúc luyện tập. Ảnh: T.P

Tuy nhiên với những VĐV trẻ sau này, chuyện học Anh văn được họ ý thức nhiều hơn. Nguyễn Văn Phương, tay vợt 15 tuổi của Becamex Bình Dương, cho biết hai năm gần đây tiếng Anh là môn học em tập trung nhiều nhất. Do CLB Bình Dương có 2 HLV người nước ngoài, nên việc có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ trở thành điều kiện để các tay vợt của đội tập luyện tốt hơn.

Học bổng không có người nhận vì yếu tiếng Anh

Nhiều HLV, trọng tài có cơ hội đi tập huấn, được cấp học bổng tham gia các khóa học ở những cường quốc thể thao nhưng không tìm được người hiểu tiếng Anh để đi học.

Ông Trần Đức Phấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, tiết lộ năm 2016 bóng chuyền VN có đến 4 suất học bổng cho HLV đi học ở Nhật Bản, Mỹ nhưng không thể chọn được ai đi vì trình độ tiếng Anh quá kém. Đây là thiệt thòi rất lớn cho các HLV và thể thao VN bởi nếu được đi nước ngoài học để nâng cao trình độ, cập nhật phương pháp huấn luyện, đào tạo tiên tiến trên thế giới thông qua các khóa học quốc tế thì sẽ rất hữu ích. Bao năm qua, bóng chuyền VN không có HLV giỏi nên phải trông chờ vào chuyên gia ngoại, không có bước đột phá thành tích có nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những hạn chế này.

Ở môn bóng bàn, ông Phan Tuấn, trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT, cho biết bóng bàn VN chỉ có hai trọng tài quốc tế là ông Phan Tuấn và ông Nguyễn Tiến Hùng. Gần chục năm qua, Liên đoàn Bóng bàn VN đặt mục tiêu tăng số lượng trọng tài quốc tế của VN nhưng đều thất bại, vì nhiều trọng tài không vượt qua được các cuộc thi sát hạch trọng tài quốc tế vì yếu tiếng Anh.

Ông Phấn cho biết trong tương lai ngành thể thao rất muốn các VĐV tài năng sau khi giải nghệ có thể tham gia các khóa học của nước ngoài, hay cử đi nước ngoài đào tạo để xây dựng đội ngũ HLV kế cận. “Tôi mong những chuyến đi tập huấn, thi đấu nước ngoài các VĐV, HLV sẽ tự nâng cao trình độ tiếng Anh, tranh thủ học ngoại ngữ để chuẩn bị cho những cơ hội sau này” - ông Phấn nói.

Vượt qua “rào cản” tiếng Anh

Tiền đạo Lê Công Vinh là một trong những tấm gương về tinh thần tự học ngoại ngữ và đã thành công. Những lần tập trung đội tuyển quốc gia đi tập huấn và thi đấu nước ngoài, Công Vinh thường tự tin trả lời các hãng thông tấn nước ngoài bằng tiếng Anh.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh của mình, Công Vinh cho biết bí quyết của anh hoàn toàn đến từ việc tự học và học một mình. Vinh nói: “Vì vốn tiếng Anh hạn chế nên tôi bị bó buộc rất nhiều mỗi khi đi thi đấu hay tập huấn nước ngoài. Vì thế tôi nghĩ mình phải học tiếng Anh để có thể tự giao tiếp khi đi nước ngoài, giao tiếp với người nước ngoài cũng như mở cánh cửa mới với những tri thức mới. Tôi đã tự mua từ điển tiếng Anh về để học mỗi ngày vài từ mới. Dù học được ít, tôi vẫn mạnh dạn trao đổi với các ngoại binh ở trong CLB. Các cầu thủ ngoại cũng giúp tôi sửa khi tôi nói sai và hỗ trợ tôi bằng việc nói chuyện tiếng Anh với tôi.

Năm 2010, khi sang Bồ Đào Nha thi đấu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì không hiểu hết những gì mà đồng đội, HLV nói. Vì thế thời gian thi đấu tại đây tôi rất nỗ lực học tiếng Anh. Sau khi về nước, tôi tự mời gia sư về dạy mỗi tuần 3 buổi vào các buổi tối. Vừa học vừa làm bài tập nên tiếng Anh của tôi dần tiến bộ lên”.

Còn theo kình ngư Hoàng Quý Phước, mỗi ngày anh dành khoảng một giờ học tiếng Anh trên Internet. Quý Phước chia sẻ: “Trước đây khi tập huấn ở Nhật, tôi rất vất vả do nói chưa tốt tiếng Anh trong khi HLV người Nhật Bản của tôi cũng không giỏi tiếng Anh. Nhưng giờ đây, tôi có thể nói chuyện với HLV Hungary hoàn toàn bằng tiếng Anh trong các vấn đề chuyên môn. Tiếng Anh quan trọng là sự tự học và thấy được sự cần thiết của nó”.

Nên dạy tiếng Anh từ sớm cho VĐV

Thạc sĩ Phan Công Chinh - cựu giảng viên khoa ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn và cũng là người có thâm niên giảng dạy ngoại ngữ ở các trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM - nhận định: “Trách nhiệm lớn nhất trong việc đào tạo trình độ tiếng Anh cho các VĐV thuộc về các trường năng khiếu nghiệp vụ, vì để đến khi lên đến độ tuổi học ĐH thì rất khó để các VĐV bắt đầu với các kỹ năng nghe nói. Mà đây lại là yếu tố quan trọng với người trong ngành thể thao, kể cả thi đấu hay làm công tác huấn luyện.

Theo tôi, các đội tuyển khi được thành lập cần có thêm những khóa đào tạo tiếng Anh cho các VĐV, nhằm trang bị cho họ vốn tiếng Anh cần thiết để giao tiếp cơ bản khi thi đấu quốc tế. Ngoài ra, nỗ lực của bản thân VĐV cũng rất quan trọng. Một số VĐV sau giờ tập mệt nhọc vẫn cố gắng tranh thủ học tiếng Anh. Nhờ vậy họ có thể tiến xa hơn đồng nghiệp trong việc được chọn đi huấn luyện ở nước ngoài, phân công nhiệm vụ trong các giải quốc tế hoặc nâng tầm chuyên môn nhờ tham khảo tài liệu tiếng Anh...”.

Dạy taekwondo ở Mỹ từ việc... nghe nhạc nước ngoài

Sau khi tốt nghiệp ĐH sư phạm thể dục thể thao, Vũ Đình Hoàng Tùng - một tên tuổi của đội tuyển taekwondo VN - theo hẳn nghiệp giảng dạy. Mỗi năm khoảng một tháng, anh được đội taekwondo M-Team của Mỹ (đóng góp nhiều thành viên cho tuyển taekwondo Mỹ) mời sang huấn luyện. Hoàng Tùng cho biết vì thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện cùng các VĐV, HLV nước ngoài nên anh được nhiều người biết đến và mời sang giảng dạy.

Nằm trong nhóm số ít VĐV chuyên nghiệp của VN có trình độ ngoại ngữ khá tốt, Hoàng Tùng cho biết anh có ý thức rèn luyện tiếng Anh từ nhỏ, đặc biệt qua các sở thích thông thường như nghe nhạc: “Tôi cố gắng hiểu khi nghe nhạc nên từ đó dần rèn được kỹ năng nghe, nói tiếng Anh”.

K.XUÂN - T.PHúC - H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên