06/05/2019 09:06 GMT+7

Vào nơi chữa 'ma ngáo'

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Chặt vài ngón tay mang cho bác sĩ xem, tự sát, hại cả người thân, giết bất cứ ai vì sợ họ giết mình... Đó là những gì ma túy đá gây ra khi phá hỏng đầu óc con người. Việc chữa trị cho họ cũng cực kỳ khó khăn.

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 1.

Người nghiện ma túy đá suốt ngày lạy... bức tường - Ảnh: LÊ TÂM

Vừa vào Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (Hà Nội), tôi đã được cảnh báo sốc về sự cực kỳ nguy hiểm của những cơn ngáo đá.

"Ma túy đá và các dạng ma túy tổng hợp có thành phần Methamphetamine đều có thể khiến con người không còn kiểm soát được hành vi. Giới trẻ mắc phải thì xem như tương lai đã bị hủy hoại" - PGS.TS Tô Thanh Phương khẳng định.

Trước đây chúng tôi chữa trị cho hàng nghìn học viên nghiện heroin không vất vả như hiện nay với người nghiện ma túy đá.

Ông NGUYỄN ĐÌNH HOA (giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, Hải Phòng)


Những cô gái ngáo

Chọn thăm các bệnh nhân nữ, bởi tôi nghĩ nữ sử dụng ma túy hiếm hơn nam. Nhưng bác sĩ Phương cho biết nữ sử dụng ma túy chẳng kém gì nam, nhất là lớp trẻ.

Hai cô gái nằm cùng phòng, chỉ cách nhau một giường bệnh. Đ.T.K.C. quê Hậu Lộc, Thanh Hóa, mới 20 tuổi. Còn H. ở Hải Dương, 35 tuổi. Cả hai nhập viện hơn một tháng, nhưng hiện H. vẫn còn như ngáo, lảm nhảm suốt ngày.

Vừa đến giường bệnh, H. chồm tay tôi, làm nũng: "Chị quen bác sĩ à? Chị bảo họ sáng mai cho em ra viện nhé. Em chỉ ra một lúc để lấy tiền thôi. Tài khoản em còn những 100.000 đấy, em sẽ rút cho (hối lộ) bác sĩ để xin ra viện.

Em có tiền đấy chị ạ. Em giấu mọi người không cho ai biết. Chị giúp em nhé... Em chỉ muốn ra ngoài để người ta cho em nghe cái giọng nói. Họ nói hay lắm chị ạ, họ chỉ dẫn trong đầu mình như chuyên gia ấy, họ hay vô cùng".

Nhưng buổi sáng, sau khi uống thuốc an thần, bác sĩ Phương hỏi sức khỏe, H. lại trả lời tỉnh queo: "Cháu uống vào thì không bị (ảo giác), nhưng không uống hai ba ngày là bị lại ngay. Cháu dùng loại tổng hợp, hàng đá ấy, cũng mấy năm rồi".

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 3.

Một học viên nói chuyện một mình cả ngày - Ảnh: LÊ TÂM

Giường kế bên, K.C. có vẻ tỉnh táo hơn. Bà Xuân, mẹ cô, cảm ơn bác sĩ rối rít. Trước đó, bà không hề biết con mình sử dụng ma túy đá cho đến khi bác sĩ phát hiện chứng loạn thần do dùng ma túy có hàm lượng Methamphetamine trong máu cao.

Cô gái cũng chẳng chối: "Cháu dùng hàng đá kiểu viên thuốc và kẹo. Bạn bè rủ nhau chơi thì chơi thôi"!

Sát bên mẹ con bà Xuân, một người mẹ trẻ khác cũng đang nghẹn khóc sau lưng cô con gái chừng mười tám tuổi. Còn cô gái thì mặt vô hồn, mắt trợn ngược, miệng há hốc, lưỡi thè ra ngoài.

Bà Xuân động viên người mẹ trẻ: "Em phải mạnh mẽ lên, phải giữ sức để chăm con lâu dài. Như chị đây này, em không thể biết chị phải trải qua những gì đâu".

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 4.

Tự chặt tay mình cho bác sĩ "khám bệnh" - Ảnh: LÊ TÂM

"Con là con ma Thái đây"

Bà Xuân tâm sự vợ chồng đã phải mất ăn mất ngủ, chạy ngược chạy xuôi vì cô con gái vốn xinh đẹp hiền lành.

"Tôi không bao giờ quên cuộc điện thoại cháu gọi về từ Thái Lan. Nó bảo: mẹ ơi, con là con ma Thái đây! Rồi nó cúp máy, tôi không thể gọi điện lại cho nó được. Từ khi cháu sang Thái Lan, tất cả cuộc gọi chỉ một chiều. Khi nào nó gọi, tôi mới có thể nói chuyện được, còn tôi không thể gọi lại.

Nhiều ngày sau đó không thấy cháu gọi về nữa, tôi lo quá, phải ra tận Hà Nội báo công an" - bà Xuân buồn bã kể.

K.C., sinh năm 1999, mới học hết cấp II thì bỏ học theo bạn bè đi làm. Trước khi không còn bình thường, K.C. báo với mẹ là cô đi du lịch Thái Lan cùng bạn bè 10 ngày. Ai ngờ ngày đón con về nước, con bà tàn tạ như một con "ma" thật sự!

"Tôi cứ đứng đợi con mãi ở sân bay. Chuyến bay chở cháu hạ cánh từ lâu rồi, hành khách đã ra hết mà chẳng thấy nó đâu. Nhưng linh cảm của người mẹ thì tôi cứ đứng đợi", bà Xuân kể.

Mãi sau, K.C. trong bộ dạng tiều tụy, xiêu vẹo bước ra khi không còn bóng dáng hành khách nào. Bước được vài bước, cô gái trẻ ngã quỵ ngay trước mắt mẹ.

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 5.

Một học viên cứ tùm chăn kín mít giữa mùa hè, bất kể ngày đêm - Ảnh: LÊ TÂM

Cô con gái khỏe mạnh, xinh xắn, lanh lợi của bà ngày nào trông không ra hình dạng con người nữa. Nhìn con mà bà Xuân cứ ám ảnh "con ma Thái" hôm con gọi điện.

Về nhà, K.C. ăn uống, nói năng, hành động... đều bất thường một cách kỳ quặc. Cô ăn ít, ngủ ít, lảm nhảm vô nghĩa suốt ngày, rồi còn chắp tay lạy lạy.

Đưa con đi khám ở bệnh viện địa phương không ra bệnh, bà Xuân đành tìm các thầy đồng cốt để gọi hồn, trừ tà cho con.

Bà Xuân kể cả năm trời, bệnh tình K.C. không khỏi mà nặng hơn. Cô còn đâm đầu vào cửa sắt tự tử, mua thuốc trừ sâu lén uống, may mà bà kịp đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Cuối năm ngoái, bà Xuân được người gần nhà hướng dẫn ra Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. "Cháu điều trị ở đây được hơn một tháng rồi. Khi bác sĩ nói cháu nghiện ma túy, tôi mới nhớ lại ánh mắt nó lúc mới về giống y mắt mấy người nghiện" - bà Xuân chân chất nhớ lại.

Bác sĩ Tô Thanh Phương hỏi thăm K.C. ngay lúc tôi có mặt. Cô gái lúc nhớ lúc quên trả lời bác sĩ là đã ăn, ngủ được, tiếng nói xui khiến trong đầu cũng bớt. Nhưng kỳ lạ là cô vẫn không nhớ được chuyện gì đã xảy ra với mình trên đất Thái Lan.

Khi hỏi chuyện sử dụng ma túy, cô kể dùng loại "kẹo", mua khoảng 250.000 đồng một viên và đã nhai "kẹo" ở VN khoảng một năm trước khi sang Thái Lan.

Bác sĩ Phương cho biết lúc mới đưa đến đây, K.C. loạn thần nặng, mà bên ngoài quen gọi là ngáo đá. Cô trầm cảm nặng đến mức không nhận biết được gì, rồi còn bị ảo thanh, có tiếng nói xui khiến trong đầu.

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 6.

N. diễn tả cảm giác chảy máu mắt vì nhiều đêm không ngủ - Ảnh: LÊ TÂM

Cai nghiện ma túy đá rất khó

Rời Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, tôi tìm đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 của Bộ LĐ-TB&XH ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Khuôn viên rộng được chia làm 5 tổ, mỗi tổ cai nghiện cho khoảng 150 học viên.

Phòng cán bộ xếp xen kẽ với phòng học viên và có ô cửa kính nhỏ để quan sát để nếu xảy ra chuyện gì có thể kịp thời can thiệp.

Đặc biệt, tầng 3 mỗi tổ là khu dành riêng cho học viên lên cơn ngáo đá, tất cả đều có hai ổ khóa, khóa phòng và khóa hành lang.

Ông Nguyễn Tiến Bộ, một cán bộ lâu năm ở dãy phòng đặc biệt này, vừa dẫn tôi đi thực tế vừa than: "Mấy năm trước điều trị học viên nghiện heroin không có khu này. Gần đây người nghiện ma túy đá nhiều quá, lúc lên cơn ngáo phải tách riêng để chữa trị".

Đập vào mắt tôi ở ngay phòng đầu, một học viên đang ngồi chắp tay niệm Phật với... bức tường! Chúng tôi đến sát, chào to, anh ta cũng không thèm động tĩnh.

Các phòng khác mỗi người một kiểu ngáo, người thì trùm chăn kín mít giữa lúc trời nóng hơn 37 độ, người thì cứ phẩy tay như đuổi tà ma. Thậm chí, có người còn đòi nhảy lầu tự tử, người đòi ra ngoài để đi trả thù...

Ông Bộ ưu tư: "Hơn mười năm làm cai nghiện, nhưng tôi chưa thấy tình trạng thế này bao giờ, ngày xưa nghiện heroin chỉ vật vã rồi thôi, đầu óc họ còn tỉnh táo, nay họ cứ ngẩn ngơ cả ra, hành động thì kỳ quặc.

Ma túy đá làm hỏng não bộ con người rồi! Người ngợm thế này còn làm được gì nữa!".

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 7.

Một học viên không chịu tắm cả tháng, liên tục xua muỗi dù không có muỗi - Ảnh: LÊ TÂM

Chỉ cho tôi xem một người vốn là thợ sửa xe máy, ông Bộ kể anh ta vào đây được vài tháng vẫn lao động bình thường, bỗng dưng phát bệnh... sợ sệt và đòi tự tử. Tất cả trường hợp như thế buộc phải tách riêng để chăm sóc đặc biệt vì rất nguy hiểm.

Đang trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Thiết ở tổ y tế, tôi nghe ngoài sân có tiếng hô hoán của học viên và cán bộ. Mấy người khiêng một học viên đã mềm nhũn chạy thẳng vào phòng khám bệnh.

"Uống thuốc trừ sâu bác sĩ ạ!" - một người thảng thốt.

Vỏ bao thuốc trừ sâu màu xanh lập tức được đưa đến cho bác sĩ xem. Bác sĩ Thiết cùng đồng nghiệp vội vã sơ cứu và gọi xe cứu thương vì biểu hiện cho thấy thời gian uống thuốc đã khá lâu.

Chừng 10 phút, xe cứu thương tới và mang N.S.H. đến bệnh viện. Hơn một ngày sau cấp cứu, anh ta mới hồi tỉnh.

Sinh năm 1977 ở Kiến Thụy, Hải Phòng, trước khi cai nghiện, H. đã dùng ma túy đá nhiều năm. Sau thời gian cắt cơn, anh ta được chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi đã 3 tháng và chẳng biết giấu gói thuốc sâu thế nào trong lúc ra ngoài lao động.

Có chứng kiến tận mắt mới hiểu được "cuộc chiến" cai nghiện ma túy đá phức tạp, khó khăn như thế nào!

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 8.

Xe cứu thương chở người nghiện ma túy đá đi cấp cứu ở Cơ sở cai nghiện số 2 Hải Phòng - Ảnh: LÊ TÂM

Mối nguy hại nghiêm trọng

Bác sĩ Thiết kể có nhiều trường hợp trầm cảm do ma túy đá hết sức nặng nề như thế. Mới nửa tháng trước, một học viên tự chặt ba ngón tay cho vào bát ăn cơm để bê lên cho bác sĩ "khám bệnh". Ông chìa hình ảnh kinh khủng cho tôi xem.

"Sự nguy hiểm của loại ma túy đá này khi ngáo không chỉ tự hại bản thân mà còn hại cả người thân ruột thịt trong gia đình và xã hội. Có hai hội chứng mà nó gây ra là sợ bị truy sát nên gây ra giết người hàng loạt và ham muốn tình dục vô độ dẫn đến lây nhiễm bệnh tật lẫn vô sinh rất cao" - bác sĩ Thiết chia sẻ.

"Đá (ma túy đá) cũng gây nghiện chứ, nếu không làm sao em bán lần lượt hết cả đồ đạc trong nhà để phê nó, và phải vào đây lần thứ hai rồi. Em nghĩ nếu ra ngoài thì khả năng sẽ bị lại cao lắm" - N.V.N., 33 tuổi, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, kể, và cho tôi hay nhiều người mới chơi ma túy đá tưởng không nghiện.

Ma túy đá chỉ khác là ảo đến mấy ngày, còn heroin một ngày không có đã lên cơn vật vã.

"Em chỉ sợ ngày về, bạn bè rủ rê thì lại trượt ngã. Ngày chơi đá cao điểm của em khoảng 1 triệu đồng, chơi đến nỗi mắt không nhắm nổi, cứ thức cả mấy đêm liền, cảm giác tia máu mắt vỡ ra. Sợ mọi người không dám ra đường. Ghét cả bố mẹ, vợ con mình. Khủng khiếp lắm!" - N. buồn bã nhớ lại.

Nhưng dù sao N. vẫn còn may mắn, chưa sát hại ai. Nhiều kẻ ngáo đá đã gây biết bao tội ác đẫm máu.

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 9.

Chữa trị một người nghiện ma túy đá tự làm hại mình - Ảnh: LÊ TÂM

Số người dùng ma túy đá gia tăng

Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), trên thế giới hiện có 255 triệu người sử dụng ma túy, trong đó số người sử dụng ma túy tổng hợp (AST) chiếm 15%. Hiện tình trạng lạm dụng AST đang là vấn đề nghiêm trọng đối với các nước.

Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), tình hình sử dụng AST tiếp tục gia tăng ở các địa phương. Ước tính tỉ lệ sử dụng AST chiếm khoảng 60 - 70% trong số người nghiện, thậm chí có nơi ở miền Trung và miền Nam lên đến 70 - 85%.

Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần cũng cho biết loạn thần ở người sử dụng AST chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỉ lệ 68,2%, ảo giác là 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8%...

Những người này thường có hành vi tự sát, giết người gây nguy hại nghiêm trọng cho xã hội và khó khăn đối với cơ sở cai nghiện.

Vào nơi chữa ma ngáo - Ảnh 11.

N.Đ.T mô tả có tiếng nói trong đầu bàn luận chuyện chính trị - Ảnh: LÊ TÂM

"Ma lực" của ngáo

ngao da

Bác sĩ trị liệu tâm lý cho cô gái nghiện ma túy đá - Ảnh: LÊ TÂM

"Bởi vì nó nhanh phê, nó bốc, nó ảo lâu... nên bọn trẻ thích" - bà Đỗ Thu Hà, viện trưởng Viện Nghiên cứu tâm lý người nghiện ma túy, nói về "ma lực" của ma túy đá đối với giới trẻ.

Bà Hà cảnh báo một dạng ma túy nguy hiểm và lan nhanh vừa được cảnh sát phát hiện đó là cỏ Mỹ. Nó có tinh dầu, có thể trộn lẫn vào thuốc lá, thuốc lào tự chế, rất khó kiểm soát.

Vì sao ma túy đá lại hủy hoại não bộ con người hơn những loại ma túy khác?

Bác sĩ Nguyễn Văn Thiết, tổ trưởng tổ y tế Cơ sở cai nghiện số 2 ở Hải Phòng, lý giải: "Methamphetamine là thành phần chính trong ma túy đá, chất này dùng trong điều trị trầm cảm để tăng khả năng giao tiếp hoạt bát cho người trầm cảm nặng.

Khi điều chế ma túy đá, họ lạm dụng vì nó gây ảo giác mạnh, hơn nữa vì "đường đi" của loại ma túy này trực tiếp vào não bộ con người rất nhanh, gây nhiều tổn thương thần kinh vĩnh viễn".

Đối mặt với Đối mặt với 'ngáo đá'

TTO - Người dân đang bất an khi liên tục xảy ra những vụ án, thậm chí là trọng án, thảm sát do "ngáo đá" là thủ phạm. Đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh kiểm soát người nghiện để nạn "ngáo đá" không đe dọa cuộc sống an lành của cộng đồng.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên