01/05/2008 06:27 GMT+7

"Vàng đen" chảy máu - Bài 2: Than lậu, cảng lậu bùng nổ

MINH QUANG - ĐỖ HỮU LỰC (còn tiếp)
MINH QUANG - ĐỖ HỮU LỰC (còn tiếp)

TT - Theo số liệu do Tỉnh ủy Quảng Ninh công bố, năm 2007 hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc nhập khoảng 34 triệu tấn than từ VN. Trước nhu cầu nhập khẩu lớn như vậy, các cảng than, công ty buôn bán than của VN đã đẩy hết tốc độ... xuất lậu than đi Trung Quốc.

OUFBBu5b.jpgPhóng to
Cảng than tư nhân tại Cầu 20 (Cẩm Phả, Quảng Ninh) - Ảnh: M.Q.
TT - Theo số liệu do Tỉnh ủy Quảng Ninh công bố, năm 2007 hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc nhập khoảng 34 triệu tấn than từ VN. Trước nhu cầu nhập khẩu lớn như vậy, các cảng than, công ty buôn bán than của VN đã đẩy hết tốc độ... xuất lậu than đi Trung Quốc.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bài 1: Hành trình của những tàu than lậu

Quay trở lại Cẩm Phả (Quảng Ninh), cai than Trung dẫn chúng tôi đến khu Cầu 20, nơi có Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả đang được xây dựng, để "mục sở thị” một trong những cảng than tư nhân lớn nhất khu vực này.

Trước hết, Trung khẳng định với chúng tôi nếu loại bỏ những cá nhân khai thác than trong vườn, trong nhà thì Quảng Ninh không còn than thổ phỉ. Không còn than thổ phỉ bởi các cai than, chủ than lớn đều đã thức thời chuyển sang lập công ty kinh doanh than, có giấy phép được Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh nhà cấp phép, có đóng thuế đàng hoàng. Còn thực tế công ty ấy đóng bao nhiêu chẳng ai kiểm tra được. Trung cho biết những cảng mà chúng tôi sẽ được đưa đến đều là cảng tư nhân, nằm ké bên cảng của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV), không có cảng nào nằm trong qui hoạch cảng biển của Quảng Ninh.

Cảng lậu ngang nhiên tồn tại

Tại sao xác định được 10 triệu tấn than lậu?

Phản ứng trước thông tin Tỉnh ủy Quảng Ninh đưa ra con số ước tính số lượng than lậu xuất sang Trung Quốc lên đến 10 triệu tấn, ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch hội đồng quản trị TKV, cho rằng không đến mức đó.

Tuy nhiên, con số của Quảng Ninh đưa ra xuất phát từ việc thống kê của hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nhập khẩu 34 triệu tấn than từ VN trong năm 2007. Lấy con số này trừ đi số khai báo qua hải quan sẽ xác định được khoảng 10 triệu tấn than đã được xuất lậu qua biên giới.

Khu vực Cầu 20 có hai bãi chính là của hai "đại gia than" nhà Liễu Trầu và Công Tính. Xa hơn nữa, xuống đến cây số 6, đối diện mỏ than Dương Huy là bãi than của Dũng "cam" và Minh "ba tê”. Các chủ than ở đây đều thành lập công ty TNHH để tiện bề thu gom và xuất hóa đơn cho các chủ hàng.

Trong mỗi bãi, cảng than này lại có nhiều chủ nhỏ phụ trách xuất từng loại than khác nhau. Than bùn sẽ do một chủ đảm nhiệm, than chất lượng thấp sẽ do một chủ khác đảm nhiệm, than chất lượng cao hoặc than đá cũng có những ông chủ riêng thu mua và buôn bán. Mặc dù là cảng, bến tư nhân nhưng các bãi này hầu như không bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Một là do các công ty đều thu mua từ các nguồn gốc trôi nổi, lấy tiếng là thu mua gom nên không có hóa đơn đầu vào. Còn đầu ra thì người ta cứ nói là xuất trong nội địa, các công ty sẵn sàng xuất hóa đơn, đảm bảo thủ tục trước các cơ quan thuế, cơ quan chức năng khác.

Theo ước tính của cai Trung, bình thường trước khi xảy ra chiến dịch tấn công than lậu xuất sang Trung Quốc của tỉnh Quảng Ninh, hằng ngày các bến này bốc hàng xuất đi đến cả trăm tàu. Thế nhưng từ ngày có chiến dịch đến nay, có những chủ hàng ở Hà Tây, Nam Định nằm đến gần 20 ngày vẫn chưa có hàng để lấy. Giá than được đẩy lên chóng mặt do bị truy quét, nguồn cung cấp giảm nên các chủ đua nhau tăng giá.

Việc chế biến và tiêu thụ than trái phép diễn ra dọc cửa sông, bờ biển từ Đông Triều đến Cẩm Phả. Ngoài khu vực Cẩm Phả, tại khu vực Kim Sơn (Đông Triều) có tới 17 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh cảng và bến rót than, gây ô nhiễm môi trường trong khi ở đây hoàn toàn không có bất cứ một qui hoạch cụm cảng nào.

Than lậu từ đâu ra?

Nguồn than trái phép cung cấp cho các bến bãi tư nhân không thể nói là ít, từ tư nhân có, từ công ty, thậm chí từ chính TKV cũng có. Phải từ những nguồn đa dạng như vậy các bãi than mới đủ số lượng cung ứng cho thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Nguồn đầu tiên là than thu gom, còn gọi là than mót, than tận thu từ các đầu đường bãi thải, than trôi trên sông, suối vào mùa mưa. Mỗi năm dân Cẩm Phả chỉ cần nạo vét từ các sông suối cũng được cỡ vài trăm ngàn tấn than từ các khai trường chảy xuống.

Tiếp đến là nguồn than khai thác trái phép. Ngay tại TP Hạ Long, khu vực Cao Xanh được coi là điểm nóng của việc khai thác than trái phép. Các chủ than mua đất, mua nhà rồi xây tường, tiến hành khai thác bên trong nhà, đào xuống chân đồi đến cả chục mét, khi khai thác xong thì rút đi. Tại khu 5, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) chỉ có 200 hộ gia đình nhưng có tới gần 20 cửa lò khai thác than trái phép, trong đó có nhiều lò nằm trong nhà, sân vườn của dân được xây tường bao kín.

Ngày 5-3, UBND phường Cao Xanh đã lập biên bản đình chỉ việc khai thác lò than trái phép của Vũ Văn Hồng và chủ lò đã ký cam kết đóng cửa lò không khai thác. Nhưng chỉ sau đó bốn ngày Vũ Văn Hồng tổ chức khai thác trở lại, hậu quả xảy ra bục nước, hai người chết nên cơ quan công an đã vào cuộc khởi tố vụ án để điều tra. Trường hợp khác là chủ lò Nguyễn Thế Huyền (tổ 16A, khu 2, phường Hà Khánh), cuối năm 2007 đã bị xử lý hành chính 10 triệu đồng về hành vi khai thác than trái phép nhưng đến tháng 3-2008 lại tái phạm.

Nguồn than thứ hai, theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng, là khai thác than lậu núp dưới các dự án trồng rừng, nuôi gia súc. Điển hình là dự án Thiên Nam trồng rừng, nuôi tôm ngay trên nóc lò giếng Mông Dương, còn ở dưới các đối tượng trực tiếp khai thác than để bán ra ngoài. Vì thế than càng có giá, càng khó mua, càng có thêm nhiều dự án kiểu này.

Theo lời cai Trung, nguồn chính của than lậu là việc các chủ than tư nhân bắt tay với một vài cá nhân nhập hàng từ công ty than hoặc thu gom của các công nhân thuộc công ty than. Nếu lấy từ một công nhân, mỗi ca chủ than có thể mua gom được một bao than đá loại cực tốt, nặng 100-200kg. Các chủ than còn mua hàng từ lái xe vận chuyển than. Xe xuất từ lò ra sẽ chạy thẳng đến bãi thu mua, san lại 1-2 tấn rồi mới chạy về điểm giao hàng. Số tiền này sẽ chảy vào túi lái xe và cán bộ phụ trách việc kiểm tra lượng hàng.

Điển hình nạn ăn cắp than của công ty là vụ án Tô Ích Đàm cùng đồng bọn tiêu thụ 4.606 tấn than xảy ra tại Xí nghiệp X91, Công ty than Đông Bắc. Tiếp đến là vụ án ba bảo vệ mỏ than Vàng Danh bán sáu xe than ra ngoài cho tư thương, bước đầu làm rõ các đối tượng đã bán 150 tấn than của mỏ Vàng Danh. Ngoài ra, Cơ quan điều tra tỉnh Quảng Ninh đã xác minh vụ thiếu hụt 16.000 tấn than xảy ra tại cảng Bến Cân, Đông Triều của Công ty than Mạo Khê; đang yêu cầu TKV xử lý đối với các cá nhân có trách nhiệm liên quan.

MINH QUANG - ĐỖ HỮU LỰC (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên