09/02/2011 04:21 GMT+7

Khai hội Gióng đền Sóc

H.HƯƠNG - T.THẮNG - T.LỘC
H.HƯƠNG - T.THẮNG - T.LỘC

TT - Sáng 8-2 (6 tháng giêng), hội Gióng đền Sóc mở màn bằng nghi lễ khai quang, rước hoa tre. Nằm dưới chân núi Vệ Linh (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), theo truyền thuyết đền Sóc là nơi cuối cùng Thánh Gióng dừng chân trước khi bay về trời.

Lễ hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng vừa được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại.

mq3lolS3.jpgPhóng to
Toàn cảnh sới vật làng Thủ Lễ trong ngày 8-2 - Ảnh: THÁI LỘC

Diễn ra trong ba ngày từ 8 đến 10-2 (mồng 6 đến mồng 8 tháng giêng), hội Gióng ở đền Sóc vẫn còn giữ nguyên nhiều nghi lễ cổ xưa như lễ khai quang, lễ rước voi, ngựa, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng. Trước đó, từ đêm mồng 5, nghi lễ hết sức quan trọng là lễ Mộc Dục mời Thánh Gióng về đã được thực hiện.

Trong ngày khai hội, dân các làng thuộc xã Phù Linh lần lượt dâng cúng lên đức Thánh Gióng các lễ vật như hoa tre, ngựa, voi, cỏ voi, trầu cau...

Những nghi lễ này được thực hiện nghiêm ngặt đúng như những nghi lễ được ghi chép trong cuốn sổ hội Gióng có từ đầu thế kỷ 20 và tấm bia đá tám mặt tại đền Sóc. Tấm bia tám mặt đặt trên núi Bia (Sóc Sơn) còn phân công rõ nhiệm vụ và lễ vật cung tiến của từng làng trong lễ hội.

Hàng nghìn lượt khách đã đến dự hội Gióng. Chị Toan (thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết năm nào chị cũng đến đền Sóc dự hội Gióng vào mồng 6 tết, thắp hương ở đền Thượng để cầu mong cho gia đình năm mới gặp nhiều may mắn. Một vật không thể không mang về khi đi dự hội đền Sóc là hoa tre.

“Phụ nữ không đủ sức chen vào cướp lộc nên đành mua hoa tre do các cụ trong đền thắp hương mang về nhà. Năm nay, người dự hội còn có điểm đến mới là lên thắp hương ở tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi (núi Đá Chồng, Sóc Sơn). Leo lên núi thì mệt nhưng mà đẹp lắm!” - chị Toan cho biết.

Một trong những vấn nạn của lễ hội Gióng hằng năm là rác thải bị du khách bỏ lại sau khi dự lễ hội, chủ yếu là vỏ chai và túi nilông đựng thức ăn. Dọc đường lên nơi đặt tượng đài Thánh Gióng, hai bên núi chất đầy rác cùng các quán tạm bán nước giải khát và cá chỉ vàng.

Các dịch vụ khác cũng tìm cách “chặt chém” du khách. Giá taxi từ đỉnh núi đặt tượng đài xuống tới chân núi (chưa đến 5km) là 200.000 đồng/lượt, còn xe ôm rẻ nhất cũng 50.000 đồng/lượt.

* Cùng ngày, làng Thủ Lễ đã tổ chức hội vật truyền thống tại sân đình làng thuộc địa phận thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, thu hút hàng nghìn du khách và dân chúng tham dự.

Ngay sau phần lễ được tổ chức tôn nghiêm, hai đô vật cao niên trong làng lên khai sới vật được đặt ngay giữa đình làng, mở màn cho hàng trăm trận đấu của các tay vật đến từ các huyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế và phía nam của tỉnh Quảng Trị.

wdnwHnCO.jpgPhóng to
Một nhóm bạn trẻ trẩy hội và chụp hình kỷ niệm trước tượng đài Thánh Gióng trong buổi khai hội Gióng 8-2 - Ảnh: Thuận Thắng

Hội vật truyền thống làng Thủ Lễ có từ hàng trăm năm trước, được phục hồi những năm gần đây sau một thời gian dài bị mai một do chiến tranh. Đây cũng là một trong những hội làng thuộc hàng quy mô, mở màn cho hàng loạt lễ hội truyền thống độc đáo ở tỉnh Thừa Thiên - Huế...

H.HƯƠNG - T.THẮNG - T.LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên