23/12/2014 18:20 GMT+7

Ủng hộ chủ trương không cho tiền người ăn xin

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Đó là chính sách đúng, cần lập lại kỷ cương, trật tự cho thành phố thêm sạch đẹp... - bạn đọc Quang Nguyen viết, bày tỏ ủng hộ chủ trương dẹp bỏ tệ nạn ăn xin ở TP.HCM.

Ảnh tư liệu TT

Cùng với bạn đọc Quang Nguyên, hàng trăm ý kiến khác cũng biểu lộ sự đồng tình với chủ trương này, cũng như gửi gắm niềm tin chính quyền sẽ làm triệt để... để nạn ăn xin ở TP.HCM thật sự bị xóa bỏ.

Bạn đọc Hoang Minh viết: Nhiều năm trước tôi thường cho tiền người ăn xin hoặc giúp đỡ họ nhưng gần đây thì không. Chúng ta càng cho thì họ càng ỷ lại và lực lượng ăn xin ngày càng đông đảo. Tập trung họ lại, tạo công ăn việc làm cho họ hoặc thậm chí TP.HCM có thể hô hào người dân đóng góp tiền nuôi họ nếu cần thiết. Là một người dân, tôi rất hoan nghênh và hi vọng TP.HCM đã làm là làm triệt để.

Bạn đọc Phạm Hoàng Tuấn bày tỏ: Hoan hô chính quyền thành phố. Người dân sẵn sàng đóng góp cho các tổ chức từ thiện miễn là lòng tốt không bị lợi dụng. Một thành phố văn minh, không còn cảnh xin đểu trên đường. Mong rằng đây sẽ là một mô hình bền vững và sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. 1.000 like cho chính quyền thành phố!

Bạn đọc Lương Thư chia sẻ: Hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố, phải giải quyết như vậy thì xã hội mới trở nên tươi đẹp. Bây giờ ra đường không biết ai nghèo khó thật sự để mà giúp, nhiều khi chính lòng tốt và hai chữ "tình người" bị kẻ xấu lợi dụng.

Bạn đọc Nhu Y gợi ý thêm giải pháp: Sẽ tốt hơn nếu cơ quan chức năng tự rà soát từng phường trong vòng một tháng, đảm bảo sẽ hết mà không cần người dân báo. Sau 1 tháng này thì đường dây nóng phải liên tục được duy trì để nạn ăn xin không bị tiếp diễn.

Bạn đọc Văn Chương (Nha Trang) mong muốn: Phải làm quyết liệt không chỉ riêng TP.HCM mà trên toàn quốc. Nhất là những nơi có đông khách du lịch, các chợ truyền thống, bến xe, ga tàu...

Bạn đọc N.M.Phu cùng chung suy nghĩ: Không chỉ TP.HCM mà cần làm đồng loạt trên toàn quốc. Những người ăn xin (trừ một số ít là tàn tật) theo tôi phần lớn là lười lao động. Lâu nay họ lợi dụng lòng tốt, lòng thương người của chúng ta và cứ như vậy những người tốt vô hình trung làm tồn tại và phát triển nghề ăn xin trong xã hội. Chúng ta hãy gom tất cả họ lại tùy vào sức khỏe của họ mà giao việc cho làm, tôi nghĩ xã hội ta thiếu gì việc làm phổ thông cho họ.

Bạn đọc Hà Phú Nguyên cho rằng: Phải triệt hạ những đường dây chăn dắt người già, trẻ con đi ăn xin. Thương cho những cảnh đời người già, trẻ con bị lợi dụng để nuôi sống những kẻ chăn dắt bất nhân tính. Và nếu có một chỗ tập trung thì sự giúp đỡ của cả xã hội sẽ đến đúng người, đúng những cảnh đời cần được giúp đỡ nhất.

Bạn đọc Vũ Ngọc Nha bình luận: Người ăn xin ở TP.HCM đa số là giả, gây mất thiện cảm, mất lòng tin từ bao lâu nay rồi. Theo tôi, nên tập trung họ vào những trung tâm nhân đạo xã hội. Khi ấy, những ai có tấm lòng từ thiện thật sự sẽ có cơ hội để mở rộng tấm lòng của mình mà không sợ bị lừa dối.

Và thiết nghĩ chính quyền nên tạo điều kiện để một công dân nào đó thật sự khó khăn có thể đến cơ quan nào đấy ở phường xã nêu hoàn cảnh khó khăn để mong nhận sự trợ giúp qua cơn khốn khó, vì nhiều khi họ gặp khó khăn thật sự nhưng vì ái ngại giữa cuộc sống tấp nập này biết nhờ ai giúp mình qua cảnh khốn khổ, bần cùng khi sa cơ lỡ vận?

Còn với những kẻ lợi dụng những mảnh đời khốn khó để trục lợi, thiết nghĩ nên có điều luật trừng phạt thật nặng những kẻ táng tận lương tâm. Có như vậy mới giảm mạnh những hình ảnh không đẹp của thời buổi văn minh hiện đại.

Bạn đọc Thảo Trần kể: Nhiều lúc đi đường, biết là những ông bà già tội nghiệp phải nai lưng ngồi nắng gió cho bọn chăn dắt hưởng lợi, ấm ức nhưng không làm gì được! Bây giờ chủ trương mới được thi hành, mong chờ một tương lai tốt đẹp! Rất ủng hộ!

Hãy tạo điều kiện các cụ già neo đơn có được cuộc sống lúc cuối đời hạnh phúc. Tạo công việc phù hợp cho người khuyết tật. Giúp đỡ các bà mẹ cơ nhỡ chăm sóc được con mình để học nghề kiếm sống mai sau... Và còn nhiều hoàn cảnh khó khăn nữa...

Mạnh

Bạn đọc Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: Nhiều khi cũng thấy tội mấy cụ già. Nhưng mình nhiều lần cương quyết không cho vì biết chắc chắn bọn chăn dắt đứng đằng sau điều khiển. Cho mấy cụ già rồi mấy cụ già đó lại phải cống nộp lại cho chúng. Thật là bất công.

Bạn đọc Nguyen Hong bày tỏ: Đã từ lâu mình không còn cho tiền người ăn xin không phải vì không thương cảm với họ mà vì không còn biết ai là người thật người giả. Mình cảm thấy làm như thế là đang góp phần làm cho vấn nạn này ngày càng trầm trọng, tạo vết nhơ cho hình ảnh đất nước. Bây giờ, mình chỉ đóng góp từ thiện trên báo, tại cơ quan hay địa phương, như vậy mới an tâm sự giúp đỡ của mình đến đúng người.

Bạn đọc Phạm Duy Tiến ủng hộ: Tôi đồng ý với ý kiến này... Dập tắt được những tổ chức bóc lột sức lao động của những trẻ em và lợi dụng khuyết tật của mình để lấy đi mồ hôi nước mắt của người khác.

Theo bạn đọc Chuthuc, với chủ trương này, lòng tốt của người dân được đặt đúng chỗ vì các tổ chức xã hội luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi. Như vậy những cá nhân và tổ chức chăn dắt không còn lợi dụng vào lòng tốt của mọi người nữa.

"Mọi người nên triệt để ủng hộ và thực hiện chủ trương này của UBND thành phố. Có như thế mới giải quyết tận gốc tệ nạn này!" - bạn đọc Minh Tuấn viết.

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên