23/04/2011 07:23 GMT+7

Ham chồng ngoại, khổ mẹ tội con

NGỌC HẬU - TRUNG CƯỜNG
NGỌC HẬU - TRUNG CƯỜNG

TT - Sau một thời gian làm dâu ở Hàn Quốc, Đài Loan, nhiều cô gái ở đồng bằng sông Cửu Long mới “vỡ mộng” rằng cuộc sống xứ người không lãng mạn, giàu sang như trong phim. Nhiều cô phải đưa con về quê nhờ nhà ngoại nuôi ăn học, thậm chí nhiều cô phải về nước xin ly hôn.

Read this on Tuoitrenews.vnBắt nhóm môi giới lấy chồng Trung QuốcLấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc theo "phong trào"

E9NdHdJS.jpgPhóng to

Do hoàn cảnh khó khăn ở Đài Loan, bé Lu Hsiao Yu được mẹ gửi về VN cho người thân nuôi từ khi mới 27 ngày tuổi - Ảnh: Trung Cường

t9n2AWjS.jpgPhóng to
Bé Lee Se Jin, 3 tuổi, được đưa về Việt Nam nuôi khi mới 7 tháng tuổi - Ảnh: Trung Cường

Khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về những cô gái lấy chồng ngoại nhưng đã ly hôn, một lãnh đạo Hội LHPN huyện Bình Minh (Vĩnh Long) thở dài: “Nhiều lắm anh ơi! Trong huyện có 138 người lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan thì có tới 38 người đã ly hôn. Nhiều người trong số này còn bị khủng hoảng tinh thần, thậm chí bị bệnh tâm thần. Mỗi người một hoàn cảnh đau đớn khác nhau, bi kịch lắm”.

“Địa ngục” ở xứ người

Chị L.T. ở xã Đông Bình, huyện Bình Minh là một trong những người nếm tủi nhục ê chề với ảo tưởng đổi đời khi làm dâu xứ người. Thông qua mai mối, một người đàn ông Hàn Quốc đã “chấm” chị làm vợ. Nhưng chị chỉ mừng, chỉ mơ mộng được vài ngày khi hai người còn ở VN. “Tôi nghĩ mình sẽ đổi đời ở xứ kim chi, sẽ có cuộc sống lãng mạn với người chồng khá đẹp trai cùng tôi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi đặt chân lên đất Hàn Quốc thì mọi chuyện khác hẳn. Người đàn ông mà tôi đã trao thân nói rằng chồng tôi là em trai ông ta, một người bị câm điếc”.

Trời đất sụp đổ dưới chân, nhưng vì bị nhốt trong nhà, chị T. vẫn phải chấp nhận sự sắp đặt của gia đình này. Và khi ba chồng - người thương chị như con ruột - qua đời hai năm sau đó, mẹ chồng còn bắt chị phải ngủ với con rể bà để sinh cho bà đứa cháu. Từ đây, cuộc sống của chị T. như bị đẩy xuống một tầng địa ngục khác với sự tủi nhục không thể diễn tả hết. Mỗi lần chị T. cự tuyệt làm nô lệ tình dục cho gia đình này thì bị mẹ chồng đánh đập không thương tiếc. Và một lần chị bị hư thai cũng do những trận đòn và do chấn thương tâm lý.

Sợ sẽ chết mất xác ở xứ Hàn, chị T. đánh liều xin về thăm cha mẹ rồi trốn luôn, nhưng gia đình chồng không đồng ý và tìm cách giam lỏng chị trong nhà. Một lần lợi dụng gia đình chồng đi lễ nhà thờ, chị T. trốn được ra đường và tìm đến nhờ cảnh sát hướng dẫn tới Cơ quan quản lý người Việt ở Hàn Quốc kêu cứu. Cuối cùng chị T. đã thoát khỏi địa ngục gia đình chồng để về Việt Nam với đúng 100.000 đồng trong túi để bắt đầu cuộc sống mới. “Có cho một đống kim cương tôi cũng không dám lấy chồng ngoại nữa. Quá sợ rồi!” - chị T. tâm sự.

Nhưng được về nước lành lặn, còn cơ hội làm lại cuộc đời như chị T. là rất may mắn. Trường hợp chị T.T. (31 tuổi, xã Thuận An, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) bi kịch hơn nhiều: bị khủng hoảng đến mức bị bệnh tâm thần.

Thành người mất hồn

Lấy chồng Đài Loan do mai mối từ năm 18 tuổi và đã có đứa con gần 10 tuổi, những tưởng cuộc sống của chị T.T. sẽ bình yên. Thế nhưng đến năm 2007 do việc làm ăn kinh doanh thất bại, chồng chị T.T. yêu cầu chị phải gọi điện thoại về nhà vay tiền, cầm cố đất đai để anh ta tiếp tục kinh doanh. Gia đình chị T.T. ở Việt Nam không khá giả nên không giúp được. Cũng chính vì làm ăn thất bại, chồng chị T.T. sa vào ăn chơi, hút chích. Cuộc sống của chị T.T ngày càng bi đát do gia đình bên chồng đổ thừa mọi trách nhiệm cho chị. Trong một lần đi đường, chồng chị T.T. bị tai nạn giao thông tử vong. Bà mẹ chồng lại có cớ đay nghiến, cho rằng chính chị là nguyên nhân khiến chồng chết oan uổng như vậy.

Kể từ đó chị luôn bị mẹ và chị chồng hành hạ, đánh đập. Để cách ly chị khỏi đứa con của chị, họ nhốt chị vào nhà tắm và đến giờ ăn thì đem cơm cho ăn. Một ngày do uất ức và hoảng loạn, chị T.T. đã bị ngất. Sợ chị chết trong nhà, gia đình chồng đưa chị đến bệnh viện tâm thần và gọi điện về Việt Nam thông báo... trả con dâu. Về tới nhà, chị T.T. như người mất hồn, chẳng biết và cũng chẳng nhận ra người xung quanh, cứ luôn miệng lảm nhảm. Biết được việc của chị, thông qua các dự án phòng chống bạo hành phụ nữ và phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Bình Minh đã giúp đỡ gia đình chị chạy chữa căn bệnh này. Hơn hai năm kể từ ngày về nước, bệnh tình chị có thuyên giảm, chị có thể nhớ lại những việc đã xảy ra với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, gương mặt đẹp của chị vẫn còn hoảng loạn, thỉnh thoảng đang nói chuyện chị dừng lại và lẩm nhẩm một mình những nội dung khó hiểu. Hiện cha mẹ già của chị T.T. phải làm lụng để nuôi con gái.

Hội LHPN Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết thực tế có nhiều chị em lấy chồng nước ngoài do không chịu nổi cảnh bị đánh đập đã trốn về nước. Tuy nhiên hội không thể nắm hết con số này vì phần lớn chị em nhẫn nhịn chịu đựng và lên TP.HCM tìm việc làm.

Số trẻ em Đài Loan, Hàn Quốc (có mẹ người Việt) tạm trú tại Cần Thơ

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

2009

2010

3 tháng đầu 2011

Trung Quốc (Ðài Loan)

248

406

100

Hàn Quốc

61

184

107

P.NGUYÊN (Nguồn: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Cần Thơ)

Cho con về nước ăn học

Bà Huỳnh Thanh Thảo - phó chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ - cho biết do năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới nên nhiều gia đình đã gửi con về nước nhờ nuôi dưỡng. “Chi phí nuôi trẻ ở Việt Nam thấp, ngoài ra đó cũng là cái cớ để các cô dâu Việt gửi tiền về giúp gia đình. Người mẹ không chăm sóc con nhỏ sẽ có cơ hội kiếm thêm thu nhập” - bà Thảo lý giải.

Sáng 20-4, tìm đến khu vực Quy Thạnh 2, P.Trung Kiên - nơi có khá nhiều cháu sống với ông bà ngoại, chúng tôi thấy bé trai Lee Se Jin, 3 tuổi, chạy nhảy bên dòng kênh. Bà ngoại Đoàn Thị Thu Nhi cho biết Se Jin được đưa về Việt Nam lúc bảy tháng tuổi. Trước đó bà qua Hàn Quốc chăm cháu khi vừa sinh. “Nuôi trẻ bên đó mắc lắm, tốn khoảng 8 triệu đồng/tháng. Còn ở Việt Nam đỡ hơn, khoảng 2-3 tháng chỉ cần gửi về 500 USD là dư sức nuôi cháu” - bà Nhi nói. Bà Nhi rưng rưng nước mắt kể: “Tội nghiệp nó nhớ mẹ nên cứ khóc hoài, mỗi lần mẹ nó gọi về là cả hai cùng khóc. Xa cách tình cảm nên tết tới mẹ nó về mang qua Hàn Quốc lại”.

Tương tự, bà Tô Thị Út, ở ấp Phúc Lộc 1, xã Trung Nhứt, có con gái lấy chồng Đài Loan đã bốn năm. Do sinh con thứ hai trong hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con bà phải gửi đứa con mới sinh Lu Hsiao Yu về Việt Nam khi bé mới 27 ngày tuổi. Đến nay Lu Hsiao Yu đã gần 3 tuổi. Bà Út cho biết nhờ gửi con về ngoại nên con gái mới có thời gian đi làm công nhân. Bà kể: “Do xa mẹ sớm nên nhiều lúc mẹ nó gọi về nó không nghe điện thoại mà bỏ chạy đi nơi khác vì sợ bị bắt về Đài Loan”. “Đầu tháng sau mẹ nó về đem nó đi, chứ để lâu sợ nhạt phai tình mẹ con, tôi cũng theo chăm nó” - bà Út cho biết thêm.

Thiệt thòi tình cảm mẹ con

Theo Hội LHPN Q.Thốt Nốt, địa bàn được xem là nơi có nhiều con lai được mẹ gửi về nhờ ngoại nuôi giùm nhiều nhất ở Cần Thơ, đa số con lai khi quay về quê cha đều có bà ngoại đi cùng. Chỉ khi nào cháu hòa nhập được cuộc sống mới và quen với ba mẹ thì bà ngoại mới về lại Việt Nam. Do xa mẹ khá sớm nên nhiều trường hợp con không chịu nhận mẹ hoặc xa lánh mẹ khi mẹ về nước thăm con. Thời gian ngắn ngủi của những lần về thăm quê không đủ để nhen nhóm tình cảm mẹ con. Mang nỗi buồn trở lại quê chồng, những người mẹ Việt Nam ấp ủ mong ước sớm mang con trở lại với mình, vì thế nhiều người xin làm tăng ca, làm nghề phụ kiếm thêm thu nhập.

Cũng do hoàn cảnh nên đa số bà mẹ Việt gửi con về khi con mới mấy tháng tuổi. Cũng có trường hợp bà mẹ về Việt Nam sinh con rồi đi. “Chỉ những ông chồng sợ vợ thì vợ mới gửi con về được, đa số là gửi con gái vì người Hàn Quốc, Đài Loan rất quý cháu trai”, một bà ngoại đang nuôi cháu lai ở cù lao Tân Lộc, P.Tân Lộc - nơi từng được mệnh danh là “đảo Đài Loan” - nói.

Cũng có trường hợp do chồng bị bại liệt, người vợ phải đi làm nuôi gia đình chồng và con nên đành gạt nước mắt gửi con nhỏ về Việt Nam. Nhiều trường hợp do hoàn cảnh khó khăn nên mấy năm liền người mẹ không về thăm con. Những đứa con lai không chỉ bị thiệt thòi, thiếu thốn về mặt tình cảm mà còn bị những đứa trẻ cùng trang lứa chọc ghẹo ở môi trường sống tại quê nhà Việt Nam.

Biết chồng nghiện ma túy vẫn lấy

Ông Nguyễn Hùng Dũng, phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long, cho biết năm năm qua sở đã làm thủ tục đăng ký kết hôn cho hơn 3.000 phụ nữ tỉnh này, trong đó gần 50% lấy chồng Đài Loan. Ngoài ra, sở còn làm thủ tục đăng ký kết hôn cho hơn 1.200 phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc.

Theo ông Dũng, phần lớn phụ nữ lấy chồng nước ngoài đều ở khu vực nông thôn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp. Đa số những người này chỉ học hết tiểu học hoặc trung học cơ sở. Thậm chí nhiều người không viết được tiếng Việt. Có tới 187 trường hợp bị từ chối đăng ký kết hôn do học tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc (nơi sẽ lấy chồng) không nổi. “Mới tuần này chúng tôi gặp hai trường hợp lấy chồng Đài Loan, một người bị nghiện ma túy, một người có “thành tích” ngược đãi vợ con (ghi trong hồ sơ ly hôn vợ trước). Chúng tôi đã giải thích và khuyến cáo hai cô gái đăng ký kết hôn với hai người này nên suy nghĩ lại nhưng không đạt kết quả. Chúng tôi chuyển hồ sơ sang UBND tỉnh phê duyệt mà cảm thấy ray rứt vô cùng”- ông Dũng nói.

Do kết hôn vội vã mà không tìm hiểu kỹ nên có rất nhiều trường hợp ra tòa xin ly hôn ngay sau đó vì không hòa hợp và nhiều lý do tế nhị khác. Năm năm qua TAND tỉnh Vĩnh Long đã thụ lý, giải quyết ly hôn cho 300 trường hợp lấy chồng nước ngoài. Bên cạnh đó còn rất nhiều cô gái bỏ trốn về nước xin ly hôn nhưng tòa không thụ lý vì họ “bỏ của chạy lấy người” không mang theo giấy tờ gì để làm thủ tục.

NGỌC HẬU - TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên