07/07/2013 07:34 GMT+7

Tuyển sinh riêng: bộ muốn làm, các trường dè dặt

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH ghi
NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH ghi

TT - Một số trường ĐH ngoài công lập đang đứng trước cơ hội được thí điểm thay đổi phương thức tuyển sinh ngay đầu năm 2014 bằng cách tổ chức tuyển sinh riêng bên cạnh kỳ thi “ba chung”.

Một quyết định táo bạo nhưng các trường vẫn nhiều âu lo.

zDoXnhoP.jpgPhóng to
Phụ huynh chờ đợi thí sinh đi thi trước cổng Trường ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Nhà văn Nguyên Ngọc (chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Phan Châu Trinh): Phỏng vấn, trắc nghiệm, viết đơn xin nhập học

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Không “đóng khung” cách tuyển sinh riêng nào

Từ năm 2011, Bộ GD-ĐT đã đề nghị một số trường trọng điểm xây dựng đề án tuyển sinh riêng để rút kinh nghiệm trong việc đổi mới mạnh mẽ công tác này trong những năm tới. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường nào trong số này đề xuất phương án khả thi. Năm 2013, một số trường ngoài công lập đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng của mình. Theo lộ trình, sau năm 2015 sẽ phải đổi mới thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Muốn đổi mới, chắc chắn cần thí điểm.

Hiện tại bộ đang cùng các trường tìm kiếm phương án nên chưa đề ra một phương thức chung nào cho tất cả các trường. Bộ chỉ đưa ra một số nguyên tắc của phương án tuyển sinh riêng: đảm bảo sự công bằng, khách quan và chất lượng nguồn tuyển, không tái diễn hiện tượng dạy thêm, học thêm, không gây căng thẳng cho xã hội.

Luật giáo dục ĐH cho phép các trường được tự chủ tuyển sinh theo phương thức thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Vừa rồi các trường đề xuất phương án xét tuyển dựa trên kết quả học tập và tốt nghiệp phổ thông. Phương án này chưa nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội trong thời điểm hiện nay nên bộ đề nghị các trường tiếp tục suy nghĩ, tìm kiếm phương án khác.

Do không đóng khung trong một phương thức chung nào nên các trường hoàn toàn có thể đề xuất những phương án tuyển sinh mang tính đột phá, không bị ràng buộc bởi những quy định truyền thống. Những phương án phù hợp, được xã hội đồng tình sẽ được thí điểm trong vài năm tới để rút kinh nghiệm triển khai đại trà sau năm 2015.

Theo quan niệm của chúng tôi, không có học sinh kém, trừ trường hợp có vấn đề bệnh tật. Mỗi người đều có ưu thế riêng, giáo dục có nhiệm vụ phải nhận ra cái hay ở mỗi người để giúp họ phát triển. Việc tuyển sinh có thể được thực hiện qua phỏng vấn để thăm dò xem từng em mạnh, yếu chỗ nào và khơi nguồn cả những điểm mạnh không dễ thấy ngay của học sinh. Nếu số lượng phỏng vấn đông quá, sẽ thi trắc nghiệm để “lọc” thêm. Việc tuyển lựa vào trường còn cần kết hợp bài thi tự luận.

Lúc đầu, trường tính thi trắc nghiệm xong sẽ quay lại yêu cầu các em viết tự luận, nhưng thi trắc nghiệm nhanh cũng mất mấy ngày, để các em ở xa đến phải chờ đợi rất mất công. Do đó, trong ý tưởng của trường, có thể kiểm tra tự luận bằng cách yêu cầu các em viết đơn xin nhập học để kiểm tra khả năng, tư duy biện luận của từng em.

Dự kiến tháng 8 trường sẽ hoàn thành phương án tuyển sinh mới trình Bộ GD-ĐT.

PGS.TS Phạm Bá Phong (hiệu trưởng ĐH Yersin Đà Lạt): Lo không có thí sinh thi

ĐH Yersin Đà Lạt dự định sẽ tổ chức tuyển sinh kỳ thứ hai vào đầu năm 2014. Thật ra, nếu buộc lòng phải làm chúng tôi cũng làm nhưng đối với các trường ở Tây nguyên, đặc biệt là Đà Lạt, để có thí sinh cho trường tổ chức thi là điều hết sức khó khăn. Đối với chúng tôi, kỳ thi đầu năm 2014 là phương án bất đắc dĩ chứ tính khả thi rất thấp. Thứ nhất, việc tổ chức kỳ thi rất tốn kém nhưng liệu có nguồn thí sinh để tuyển hay không? Thứ hai, ở nước ta hiện vẫn chưa quen với cách tuyển sinh này, từ trước đến nay thí sinh chỉ quen thi một lần/năm.

Hiện nay ĐH Yersin Đà Lạt đã được ưu tiên vận dụng quy chế tuyển sinh để xây dựng điểm trúng tuyển. Trong đó, điểm ưu tiên giữa các khu vực là 0,5 điểm; điểm ưu tiên giữa các đối tượng là 1 điểm cũng đã không giải quyết được gì.

TS Lê Trường Tùng (hiệu trưởng ĐH FPT): Không thể mạo hiểm tuyển đối tượng dưới điểm sàn

Phương án tuyển sinh riêng dành cho một số trường ngoài công lập chỉ là giải pháp tình thế. Điểm đột phá mà các trường đang mong chờ là cách tính điểm sàn theo công thức mới của bộ, không còn dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh mà dựa vào điểm số thực tế thí sinh đạt được trong kỳ thi. Với cách tính điểm sàn theo mức trung bình thí sinh đạt được hay theo phổ điểm, điểm sàn sẽ thấp đi, nguồn tuyển các trường sẽ dồi dào hơn. Đấy mới thật sự là giải pháp cơ bản.

Một điều hiển nhiên là nếu điểm sàn thay đổi theo hướng thấp đi thì đối tượng còn lọt lại tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng năm sau của các trường là ai? Dễ hiểu đó là những thí sinh dưới điểm sàn đã được hạ. Như vậy chất lượng đào tạo sẽ được bảo đảm theo cách nào? Một vài trường có thể nói họ thiếu chỉ tiêu, nên phải cố gắng tuyển, sau đó sẽ kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo kỳ thực cũng là ngụy biện.

Các em đặt chân vào giảng đường mà không theo nổi sẽ bị đánh bật ra ngay nếu hệ thống đào tạo tốt. Các trường cần hiểu thất bại của SV cũng chính là thất bại của trường vì trách nhiệm đào tạo phải gắn với trách nhiệm xã hội. Nếu đưa học sinh không đủ khả năng tiếp tục học ĐH sẽ là gánh nặng lớn cho đào tạo. Còn trong trường hợp trường vẫn cố để đưa sản phẩm chưa đạt yêu cầu ra thị trường lao động thì lại thành gánh nặng cho xã hội.

ĐH FPT lâu nay áp dụng việc sơ tuyển, nhưng sau đó vẫn cần đến “bộ lọc” của “ba chung”. Tại sao ĐH FPT không trình phương án tuyển sinh riêng? Vì chúng tôi không mạo hiểm tuyển sinh đối tượng dưới điểm sàn đã được hạ.

TS Nguyễn Văn Phúc (hiệu trưởng ĐH Quốc tế miền Đông): Nên có cơ quan khảo thí độc lập

Cách làm triệt để nhất trong khâu tuyển sinh ở nước ta là nên có cơ quan khảo thí độc lập và tổ chức nhiều lần thi trong năm (không phải tuyển sinh). Cơ quan này phải có ngân hàng đề thi đủ lớn để mọi học sinh sau khi học xong THPT hoặc những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN muốn học thêm ĐH có thể tham gia thi nhiều lần. Các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh của mình đưa ra mức điểm chuẩn phù hợp để xét tuyển. Phương án này tích cực ở chỗ không gây tốn kém, căng thẳng cho toàn xã hội như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn (trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội): Còn “ba chung”, tuyển sinh riêng dễ lạc đường

Tổ chức tuyển sinh riêng nhằm tuyển chọn tốt hơn những thí sinh phù hợp với đặc thù ngành học và mục tiêu đào tạo của từng trường. Tuy nhiên, vấn đề thứ nhất là học sinh phổ thông đã quen với cách học để thi theo dạng đề “ba chung”, sự thay đổi trong cách ra đề thi của mỗi trường sẽ gây tâm lý e ngại cho thí sinh. Vấn đề thứ hai là khi tuyển sinh riêng được tổ chức đồng thời với “ba chung” thì cơ chế xét tuyển sẽ được tiến hành thế nào? Tuyển sinh trước “ba chung” thì lo ảo nhiều vì thí sinh có thể nhập học các trường đỗ ở “ba chung” sau đó. Tuyển sinh cùng “ba chung”, mà kết quả không xét tuyển được sang trường khác thì nhiều thí sinh sẽ không chọn, còn lui chậm lại sau đó dễ hiểu chỉ còn lọt lại những thí sinh kém “chất” vì các em giỏi đã đỗ các trường khác rồi.

Có thể hiểu “ba chung” là phương thức tuyển sinh mang tính hệ thống, có thể sử dụng kết quả để xét tuyển chung cho nhiều trường. Vậy nên đơn lẻ một, hai trường tuyển sinh riêng, nếu không suy xét kỹ, chất lượng và hiệu quả tuyển sinh có thể khó cải thiện. Cũng giống như chọn phương tiện lưu thông trên đường. Đành rằng đoàn tàu dài có thể đi chậm nhưng vẫn di chuyển an toàn để chuyên chở được nhiều thí sinh. Chỉ một vài chiếc ôtô con, dù hiện đại và đi nhanh hơn nhưng chưa chắc đã được hành khách lựa chọn.

Nói cách khác, tuyển sinh riêng chỉ có thể thật sự phát huy hiệu quả khi không còn “ba chung”, hoặc khi “ba chung” quy định không áp dụng cho các trường có những đặc thù riêng (ví dụ nhóm các trường văn hóa - nghệ thuật, hoặc nhóm các trường ĐH trọng điểm).

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên