18/06/2016 06:41 GMT+7

Tuyển sinh để chống chạy trường

H.HG.
H.HG.

TTO - Mới đọc thông báo về phương thức tuyển sinh lớp 1 Trường tiểu học Chu Văn An - ngôi trường tiểu học “nóng” nhất Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nhiều phụ huynh đã giãy nảy.

Nguyên nhân là do trường tuyển học sinh lớp 1 là những trẻ có hộ khẩu cùng với cha hoặc mẹ trên địa bàn khu phố 1, 2, 6 (P.26); đồng thời, cha hoặc mẹ học sinh phải là chủ sở hữu nhà ở trên cùng địa chỉ hộ khẩu (riêng học sinh ở khu phố 6 có thể chấp nhận ông, bà nội hoặc ngoại là chủ sở hữu nhà ở trên cùng địa chỉ hộ khẩu).

Nhiều phụ huynh đã thắc mắc với Tuổi Trẻ: “Ở TP.HCM tấc đất tấc vàng như hiện nay, đâu phải ai cũng có nhà riêng. Con đi học mà cha mẹ phải là chủ sở hữu nhà ở thì đúng là nghiệt ngã”.

Thế nhưng, một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh lại cho biết: “Năm nay, chỉ tính riêng số trẻ 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 ở khu phố 6 (P.26) đã lên đến 124 em - gấp nhiều lần so với những năm trước. Trong đó, nhiều em nhập hộ khẩu ghép, chứ thực tế không thường xuyên ở địa chỉ như đã khai báo”.

Mặc dù vị cán bộ trên không trực tiếp nói thẳng rằng: đặt ra điều kiện tuyển sinh như trên để chống tình trạng chạy hộ khẩu, chạy trường, nhưng thực tế đúng là như vậy.

Nhiều năm nay, con em nhân dân ở khu phố 6 (P.26) đều được phân tuyến vào Trường Chu Văn An, do đây là địa bàn bao quanh trường. Thế nên, những phụ huynh có nguyện vọng cho con vào học ở đây đã chọn con đường chạy hộ khẩu, mặc dù tốn kém không ít công sức và tiền của.

Tương tự, như Q.1, UBND quận công bố: chỉ những trẻ nhập hộ khẩu năm 2010 ở P.Đa Kao (tức là nhập hộ khẩu từ lúc mới ra đời) mới được vào học lớp 1 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng - ngôi trường nổi tiếng của TP. Những trẻ nhập hộ khẩu tại P.Đa Kao những năm sau đó sẽ vào học tại các trường tiểu học ít nổi tiếng hơn trên địa bàn quận.

Câu chuyện đặt ra ở đây là làm sao để phụ huynh không phải chạy đôn chạy đáo, tốn tiền, tốn công sức, thời gian, mà vẫn “xôi hỏng bỏng không”?

“Khi nào các trường công lập đều có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, chất lượng giáo dục không quá cách xa nhau thì tình trạng chạy trường sẽ không còn nữa” - đó là khẳng định của hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1.

Dĩ nhiên, một mình Nhà nước khó có thể làm được điều này. Thế nên, việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục vẫn là việc cần làm ngay và làm rốt ráo.

H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên