06/10/2016 08:15 GMT+7

Tương lai là robot siêu nhỏ

TÚ ANH - TUẤN SƠN
TÚ ANH - TUẤN SƠN

TTO - Bộ ba nhà khoa học Pháp, Anh và Hà Lan đã được vinh danh hôm qua nhờ việc nối các phân tử lại với nhau để thiết kế nên những cỗ máy siêu nhỏ đem lại nhiều ứng dụng tích cực.

Nhà khoa học Bernard Feringa - Ảnh: Reuters
Nhà khoa học Bernard Feringa - Ảnh: Reuters

Robot đã có mặt từ lâu và đang ngày càng đi vào cuộc sống hiện đại. Nhưng liệu chúng ta đã hình dung một thế giới với những robot siêu nhỏ, cỡ cấp độ phân tử sẽ giúp cuộc sống con người tốt hơn?

Đó là điều mà ủy ban xét giải Nobel hóa học của Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã quyết định vào trưa qua (5-10). Họ trao giải thưởng danh giá năm nay cho ba nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage (Pháp), Sir J. Fraser Stoddart (Anh) và Bernard L. Feringa (Hà Lan) vì những “thiết kế và tổng hợp các cỗ máy cấp độ phân tử”.

Ông Göran Hansson, tổng thư ký của Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển, giải thích thế này: chúng ta đang nói về “những cỗ máy nhỏ nhất thế giới”. Những cỗ máy ấy có bánh xe, có động cơ, có “cơ bắp” giúp nâng lên hạ xuống ở cấp độ... nano siêu nhỏ. Cần biết 1 nano = 0,000001 milimet và đường kính của ADN con người chúng ta chỉ vào khoảng 2 nano.

Nói về những ứng dụng của động cơ cấp độ phân tử, nhà khoa học Hà Lan Feringa giúp hình dung: “Hãy tưởng tượng đến những chú robot tí hon mà các bác sĩ trong tương lai có thể tiêm vào mạch máu bệnh nhân để tìm kiếm tế bào ung thư, hoặc để chuyển một loại thuốc điều trị vào cơ thể”.

Từ những nghiên cứu của họ đã phát triển những cỗ máy nhỏ nhất thế giới. Nó cho thấy con người có thể tạo ra những cỗ máy nhỏ chỉ bằng 1/1.000 sợi tóc.

“Hãy hình dung về mức độ phát triển, động cơ phân tử hiện nay đang ở cùng giai đoạn phát triển với động cơ điện vào những năm 1830, khi các nhà khoa học trưng bày vô số mẫu tay quay và bánh xe khác nhau mà không hay biết một ngày chúng sẽ dẫn đến sự ra đời của tàu điện, máy giặt, quạt máy và những chiếc máy xử lý thức ăn” - Ủy ban Nobel hóa học của Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển nhận xét.

Bộ ba nhà khoa học này đã thành công trong việc nối các phân tử lại với nhau để thiết kế nên một chiếc máy nâng và các động cơ tí hon cùng với các cơ bắp cực nhỏ. “Họ đã làm chủ được việc kiểm soát chuyển động ở kích thước phân tử” - ông Olof Ramstrom, thành viên Ủy ban Nobel, nhận xét khi công bố những người đoạt giải.

Khi hay tin, ông Stoddart nói về các đồng nghiệp cùng đoạt giải Nobel với mình: “Chúng tôi không chỉ là một gia đình khoa học mà gần như đã trở thành một gia đình thực thụ; chúng tôi rất gần gũi nhau”.

Ông Jean-Pierre Sauvage sinh năm 1944 ở Paris, Pháp, hiện là giáo sư danh dự của ĐH Strasbourg (Pháp) và là giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học (CNRS) của Pháp. Ông lớn lên ở một trang trại tại Pháp và từ nhỏ đã bị hút vào hóa học bởi những cơ hội sáng tạo bất tận trong lĩnh vực này.

Ông Fraser Stoddart sinh năm 1942 ở Edinburgh, Vương quốc Anh, hiện thỉnh giảng tại ĐH Northwestern của Mỹ.

Ông Bernard L. Feringa sinh năm 1951 ở Barger-Compascuum, Hà Lan, hiện là giáo sư ngành hóa hữu cơ tại ĐH Groningen, Hà Lan.

* TS Ngô Quốc Anh (phó viện trưởng, giám đốc Trung tâm xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất tự nhiên Việt Nam - Vương quốc Anh thuộc Viện hóa học - Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam):

Công trình mang tính giao thoa hóa học - vật lý

Kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực hóa học nhưng đây cũng là một kết quả của lĩnh vực khoa học vật liệu - giao thoa giữa hóa học và vật lý. Để chế tạo ra các “cỗ máy phân tử” hay “cỗ máy nano” như tên gọi kết quả nghiên cứu này hoàn toàn là quá trình hóa học, sử dụng các phương pháp hóa học để gắn kết các phân tử với nhau theo một thiết kế đã định trước để thành vật liệu có tính năng đặc biệt ở kích thước nano - kích thước siêu nhỏ.

Đây là một thành tựu rất lớn, là một nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực nano có định hướng ứng dụng. Phát minh cơ bản được phát hiện từ năm 1983 và tiếp tục được nghiên cứu phát triển, hoàn thiện trong mấy chục năm qua để được vinh danh giải thưởng Nobel hóa học năm nay cho thấy kết quả nghiên cứu đã có một quá trình kiểm nghiệm trong cuộc sống, xác định được giá trị ứng dụng trong thực tiễn và nghiên cứu khoa học.

Là một nghiên cứu tiên phong, mang đến một loại vật liệu mới siêu giá trị và đã được kiểm nghiệm trong thực tế, chúng ta có thể nhìn thấy kết quả nghiên cứu này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong công nghệ vật liệu.

T.HÀ ghi

TÚ ANH - TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên