Ngàn năm thi cử

ĐỖ PHẤN 16/06/2013 10:06 GMT+7

TTCT - Kể từ khoa thi đầu tiên năm Ất Mão 1075 dưới triều Lý Nhân Tông đến nay đã có 938 năm người Việt làm quen với thi cử. Vậy mà vẫn chưa quen. Cũng có khi là vĩnh viễn không thể quen?

Yếu tố bất ngờ trong đề thi luôn là một trong những tiêu chí được quan tâm hàng đầu.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Quen được thì còn gì gọi là thi? Những tiêu chí tuyển sinh bây giờ không có bất kỳ hứa hẹn nào cho việc “làm quan” trong tương lai, nhưng âm thầm trong tư duy của mỗi người thì nó vẫn tồn tại cả ngàn năm rồi. Thế nên có khá nhiều kỹ sư cử nhân ra trường đi làm những việc vặt chờ thời. Làm tiếp thị. Chạy xe ôm. Làm gia sư. Họ được báo chí ca ngợi như những thanh niên nghèo có ý chí vượt qua hoàn cảnh nhất thời. Cơ hội đến, họ gắng sức thi vào những nơi tuyển dụng đúng nhân tài. Vài người thành đạt. Phần lớn không được dùng hoặc không dùng được.

Nơi tuyển dụng không phải bao giờ cũng thật sự cần người. Nhiều khi tuyển dụng chỉ là hình thức bày đặt ra cho lãnh đạo nhét những thân quen của mình vào đấy. Và cũng là cánh cửa mở hé cho nạn “chạy” công chức len lỏi vào. Cánh cửa vô hình nhưng ai cũng biết rằng nó luôn ở đấy. Hệ thống công chức của một nền kinh tế nông nghiệp không đủ sức chứa quá nhiều lao động gián tiếp.

Khoa thi Tam trường đầu tiên năm 1075, cả nước chỉ có mười người đậu. Thủ khoa là Thái sư Lê Văn Thịnh - một vị đại thần gây rất nhiều tranh cãi trong lịch sử. Không thấy sử sách chép lại có bao nhiêu người trượt khoa thi ấy, nhưng chắc chắn đó là một con số ít nhất lớn hơn hàng chục lần người đỗ đạt.

Mười người đỗ đạt ấy cùng với đức vua Lý Nhân Tông mở mang bờ cõi xây dựng một vương quốc Đại Việt hùng mạnh. Họ thật sự là những nhân tài của đất nước. Hiếm hoi nhưng đủ dùng. Hình như nhân tài mỗi thời nhiều nhất cũng chỉ nên đủ dùng. Thiếu nó, quốc gia lụn bại. Thừa, sinh ra rất nhiều thi cử.

Không ai bây giờ có thể thống kê hết những kỳ thi trên cả nước. Điều đó cho thấy sự lựa chọn của thí sinh bây giờ là vô biên. Không vào được đại học chính quy có thể thi vào các đại học mở, đại học ngoài công lập, cao đẳng nghề. Không thi chữ nghĩa có thể thi thể lực: chạy, nhảy, đạp xe, mang vác, chạy trong bao tải buộc túm, thi nhau nâng bổng một chiếc ôtô dù đứng ngay cạnh một chiếc cần cẩu.

Thi giành những kỷ lục để móng tay vài chục năm không cắt, uốn sắt phi 20 bằng gân cổ, thổi sáo bài “Em là hoa pơ lang” bằng ống nước cho dù sáo trúc là nhạc cụ rẻ tiền nhất trên đời. Làm chiếc bánh giầy dâng cúng rộng bằng sân bóng rổ để ngầm so sánh dân số ngày nay với thời vua Hùng dựng nước? Thi người đẹp chân dài óc bình thường từ cấp phổ thông cơ sở cho đến hoa hậu quý bà. Thi từ ao làng ra thành phố. Thi trong nhà và thi ngoài bãi biển. Lúc được cấp phép và cũng có lúc thi chui.

Gần tháng nay không tài nào rủ được ông bạn thân đi uống bia hơi. Ông ấy uống bia rất hợp với mình. Nghĩa là không bao giờ nâng cốc hô hoán trăm phần trăm như những người thi uống bia bên cạnh. Đứa con út ông ấy năm nay thi đại học. Anh chị nó đã vào đại học cả rồi. Phải dành cho nó những cố gắng cuối cùng.

Một ngày chở con đi ít nhất ba “lò luyện kim đan” cho ba môn thi đại học ở cách nhau rất xa. Những lúc như thế ông chỉ muốn Hà Nội thu hẹp lại như ngày xưa mình đi học. Thành phố rộng ra bao nhiêu đi chăng nữa thì trẻ con cũng chỉ có duy nhất một con đường mà thôi: học để thi. Ông bạn cho con thi vào Trường đại học Y Hà Nội. Con đường rất hẹp. Nghe nói muốn chắc đỗ thì phải có điểm số trung bình cả ba môn trên 8. Mình hỏi nếu trượt thì sao? Ông trả lời không đắn đo: sang năm thi lại!

Với một đất nước đã từng “thi hoài ngàn năm...” thì quyết định của bạn là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng mình dốt chữ Hán. Rất hay nhầm những người đi thi nhiều lần với “thi sĩ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận