Làm ăn với Trung Quốc: Ví dụ đắng từ ngành cơ khí

CẦM VĂN KÌNH 14/06/2014 20:06 GMT+7

TTCT - Vì nhiều lý do, ngày càng nhiều dự án công nghiệp đã được giao tổng thầu nước ngoài, chủ yếu là tổng thầu Trung Quốc. Họ mang vào Việt Nam đến từng cái bulông, ốc vít... Hàng loạt dự án lớn trị giá cả tỉ USD đang do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện.


Nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang nỗ lực nâng tỉ lệ nội địa hóa nhưng vẫn gặp không ít khó khăn về vốn, thị trường... cần được hỗ trợ. Trong ảnh: sản xuất cơ khí tại Công ty Vinaxuki (Vĩnh Phúc) - Ảnh: Cấn Dũng

Theo Bộ Công thương (khi tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam), nếu năm 2006 Việt Nam mới xuất khẩu được khoảng 1,8 tỉ USD sản phẩm cơ khí thì năm 2010 đã lên đến 7,3 tỉ USD, đến năm 2013 giá trị xuất khẩu đã gần gấp đôi năm 2010, đạt 13,1 tỉ USD. 

Nhưng tiềm lực ấy đang dần mai một vì nhà thầu Trung Quốc.

Khe cửa ngặt nghèo cho doanh nghiệp Việt Nam

Các nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC - đảm nhiệm từ tư vấn thiết kế (engineering), mua sắm thiết bị (procurement) và xây lắp (construction) - từ Nhà máy alumin Tân Rai, Nhà máy alumin Nhân Cơ, Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Quảng Ninh, nhiệt điện Cẩm Phả, nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Duyên Hải 1 đến Nhà máy đạm Cà Mau...

Đa số nhà máy ximăng, thép đều do nhà thầu Trung Quốc làm hoặc dùng công nghệ Trung Quốc. Gần đây, nhiều dự án giao thông như đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) cũng do Trung Quốc làm tổng thầu...

Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng - viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương), trong khoảng thời gian từ 2003-2013 Việt Nam có 20 dự án nhiệt điện thì 17 dự án về tay nhà thầu nước ngoài, trong đó 15 dự án Trung Quốc làm tổng thầu. Kết quả là tỉ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 7%, nếu tính riêng các dự án Trung Quốc làm tổng thầu thì “tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%”!

Với ngành công nghiệp ximăng, Viện Nghiên cứu cơ khí cho biết trong 10 năm qua, Việt Nam có 24 nhà máy thì 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu EPC, trong đó nhiều dự án do Trung Quốc làm tổng thầu. Cần nhớ rằng riêng thị trường nhiệt điện than của Việt Nam, đến năm 2020 giá trị ước tính tới 50 tỉ USD.

Ông Lê Văn An, tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi, cho biết cách đây mấy chục năm, công ty ông đã làm được máy bơm công suất lớn, đánh bạt hàng Trung Quốc, nay lại đối mặt tình trạng không có việc. 

Còn theo ông Trần Ngọc Hà - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), các loại máy nông nghiệp sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm được 15-20% thị phần, trong khi máy Trung Quốc chiếm tới 60%.

Các loại máy do VEAM sản xuất đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập từ Nhật Bản mà vẫn... thua hàng Trung Quốc, đơn giản vì hàng Trung Quốc vừa có giá rẻ vừa được lợi từ gian lận thương mại do nhiều sản phẩm nhập lậu, trốn thuế... 

Điều này đang tác động lớn đến mức, theo ông Hà, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư theo đúng chiến lược phát triển ngành cơ khí đã được Chính phủ phê duyệt cũng “sẽ không thành công”.

Cơ hội tỉ lệ thuận với khó khăn

Theo tính toán của TS Nguyễn Chỉ Sáng, từ năm 2012-2025, với tất cả các ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất, thiết bị khai thác và chế biến dầu khí... thì giá trị thiết bị cơ khí cần đầu tư ở Việt Nam lên đến 150 tỉ USD. Chỉ cần nội địa hóa được 30-40%, Việt Nam sẽ có thêm lượng công ăn việc làm rất lớn, góp phần hạn chế nhập siêu.

Kể cả khi chỉ xét trên một lĩnh vực là làm nhà máy nhiệt điện (chủ yếu do ba tập đoàn lớn nhà nước là PVN, EVN và TKV thực hiện), nếu được tham gia, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp được 18 tỉ USD thiết bị trong tổng số 50 tỉ USD tiền thiết bị cho nhà máy nhiệt điện Việt Nam phải xây dựng từ năm 2012-2025.

Nhưng theo một quan chức Bộ Công thương, tương lai cho các nhà sản xuất cơ khí nói riêng và nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung trước các đối tác Trung Quốc khá mờ mịt, nếu không có thay đổi mạnh mẽ về chính sách.

Với các dự án công nghiệp đem đấu thầu, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh được với giá phía Trung Quốc bỏ, dù tai tiếng từ các dự án Trung Quốc như thường gặp trục trặc kỹ thuật 1-2 năm, tuổi thọ không cao, tiêu hao nhiên liệu lớn... không hề là chuyện mới. 

Tuy nhiên với khả năng tài chính có hạn, các chủ đầu tư Việt Nam vẫn thích các dự án giá rẻ của Trung Quốc hơn. Với nhiều dự án lớn, nếu Việt Nam phải vay vốn của Trung Quốc, thường doanh nghiệp nước họ trúng thầu...

Quy định hiện hành của Chính phủ yêu cầu chỉ đấu thầu EPC khi không tách gói thầu ra được. Một số dự án gần đây, dù Chính phủ đã chỉ đạo sát việc đàm phán để hỗ trợ nhà thầu trong nước nhận được một khối lượng nhất định, nhưng đàm phán thực tế lại rất khó khăn do phụ thuộc nhà thầu chính. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang trong một phát biểu đầu tháng 4-2014 cũng công nhận có thực tế “các chủ đầu tư trong nước chưa tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước tham gia”.

Ngay các dự án Chính phủ đã có chủ trương “chỉ định thầu có điều kiện và có thời hạn” để nhà thầu trong nước đảm nhận chức năng tổng thầu, tiến độ hiện vẫn... giậm chân tại chỗ. Một quan chức Bộ Công thương đã tiết lộ với TTCT quyết định số 1791/2012 của Thủ tướng từng chỉ đích danh nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1 giao các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm 40-60% giá trị một số gói thầu, nhưng đã hơn một năm, các doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn chưa thể ký được hợp đồng.

Nội địa hóa èo uột

Theo Bộ Công thương, đến nay với các thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện, trước đây Việt Nam phải nhập hoàn toàn, thì nay doanh nghiệp Việt Nam đã làm được toàn bộ, kể cả thiết bị các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La (công suất đến 2.400 MW).

Các liên doanh cơ khí trong nước đã chế tạo thiết bị thủy công cho các nhà máy thủy điện A Vương, Bản Vẽ, Quảng Trị, Đồng Nai, Bản Chát... với tổng trọng lượng lên tới hàng chục ngàn tấn. Tổng công ty lắp máy Lilama đã chế tạo được thiết bị cho Nhà máy ximăng Sông Thao với tỉ lệ nội địa hóa đến 70%...

Nhưng Bộ Công thương cũng công nhận hiện nay phần lớn nhà máy nhiệt điện đều do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC. Với các dự án hóa chất, alumin, lọc hóa dầu, nước ngoài cũng làm tổng thầu, phần công việc cho chế tạo trong nước mới đạt khoảng 10%.

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp lớn ngành cơ khí (đề nghị không nêu tên do ngại ảnh hưởng đến việc tham gia đấu thầu sau này), việc các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đã tạo nên sự bức xúc từ lâu trong các doanh nghiệp cơ khí. Lấy ví dụ Nhà máy alumin Tân Rai, doanh nghiệp này tiết lộ đáng lẽ trong hợp đồng ban đầu phía Trung Quốc sẽ phải cho doanh nghiệp Việt Nam đảm nhiệm một phần việc tương đối, ít nhất cũng khoảng 30 triệu USD.

Tuy nhiên, thực tế họ luôn tìm cách làm cả bằng nhiều cách, đơn giản nhất là đưa ra đề bài quá trễ khiến doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng kịp, khiến cuối cùng chỉ được làm một phần việc rất nhỏ, khoảng 9 triệu USD, còn lại nhà thầu Trung Quốc đưa thiết bị của họ sang...

Trong ngành công nghiệp ximăng, với các dự án doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu, ông Nguyễn Chỉ Sáng khẳng định tỉ lệ nội địa hóa không lớn hơn 3%. Điều đáng nói, nếu tổng thầu là các doanh nghiệp đến từ nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ý...) thì doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Sáng, vẫn được dành việc và nội địa hóa tới 25%.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu cơ khí nêu trong 20 dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than đã và đang đầu tư, có tới 15 dự án Trung Quốc làm tổng thầu, 3 dự án Việt Nam làm tổng thầu... Với các dự án Trung Quốc làm tổng thầu EPC, tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0, với dự án Việt Nam làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa là 20%.

Với ngành công nghiệp nhôm, bôxit, nghiên cứu này còn cho thấy sự thật “đắng” hơn: Do Trung Quốc làm tổng thầu cả hai nhà máy, tỉ lệ nội địa hóa doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện chỉ 2%. Đáng nói là theo đánh giá của Công ty Hatch (đơn vị tư vấn thiết kế ngành nhôm nổi tiếng của Úc), Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế, chế tạo được 50% thiết bị.

Riêng gói thầu nhà máy tuyển quặng, các nhà thầu Việt Nam đã thiết kế, chế tạo được 50% giá trị cho Nhà máy Tân Rai và có thể chế tạo tới 70% cho Nhà máy alumin Nhân Cơ làm sau nếu được làm.

Đến năm 2012, Việt Nam mới đáp ứng được 32,5% nhu cầu về cơ khí trong nước (Chiến lược phát triển ngành cơ khí nêu đến năm 2010 phải đạt 40-50% nhu cầu). Hệ quả, nếu năm 2006 Việt Nam mới phải nhập khẩu 8,7 tỉ USD thiết bị cơ khí thì năm 2013 nhập tới 24,8 tỉ USD.

Vấn đề là khi có chiến lược và tổ chức thực hiện tốt, doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện rất tốt mà điển hình là với các nhà máy thủy điện. Nhờ cơ chế chỉ định thầu được Thủ tướng cho phép ở một số dự án, đến nay nhiều nhà thầu Việt Nam làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa lên đến 30%. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tự thiết kế, chế tạo các thiết bị thủy công cho 30 nhà máy, trong đó có cả các thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu với tỉ lệ nội địa hóa đến 90%.

“Rõ ràng do cơ chế, cách chúng ta chuẩn bị, chứ không phải năng lực” - ông Sáng đúc kết.

 Nền tảng pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong nước:

- Chỉ thị 494/2010 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phân chia các gói thầu, phù hợp năng lực nhà thầu trong nước, nêu rõ với đấu thầu mua sắm hàng hóa, chỉ đấu thầu quốc tế khi hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được hoặc chưa đủ khả năng sản xuất...

- Chỉ thị 734/2011 yêu cầu nếu gói thầu EPC nhà thầu trong nước đảm nhận được trên 50% khối lượng thì không được đấu thầu quốc tế...




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận